blog của Thuận


Leave a comment

Thang máy Sài Gòn (7,8)

Đọc chương 5, 6 ở đây

9

 Sài Gòn

Nắng Sài Gòn nắng từ sáu giờ sáng. Tới giữa trưa bất ngờ có một cơn mưa. Người xe ôm vứt điếu thuốc đang hút dở, gật đầu, đưa một cái giá khá mềm. Năm phút trước, cô bấm số bà giúp việc đưa. Chưa hết một hồi chuông, đầu kia đã nhấc máy. Cô đề nghị gặp tại nhà riêng, đầu kia đồng ý. Cô đề nghị gặp ngay bây giờ, đầu kia đồng ý. Mọi thứ nhanh không kịp thở.

Trong phòng khách tầng trệt, từ một góc nhỏ tối om, ông Linh im lặng nhìn cô. Khác hẳn thái độ cởi mở qua điện thoại lúc nãy, giờ đây ông ấy im lặng. Trên thực tế, từ lúc cô bước vào, ông ấy đã im lặng. Khi người xe ôm thả cô xuống thì cổng đã mở. Cô đi thẳng vào và phải mất một lúc mới phát hiện ra chủ nhà. Cái góc ông ấy ngồi đã tối mà bộ quần áo ông ấy mặc trên người thì lại màu đen. Cô không biết đứng vào chỗ nào. Cuối cùng đành dừng lại giữa phòng khách bé nhỏ.

Mười lăm phút, khi chắc rằng sẽ không được mời ngồi, cô tự động tìm lấy một chỗ trên chiếc đi văng đối diện với chủ nhà, cảm giác như đối diện với một pho tượng đồng đen. Từ sau lưng, chiếc quạt cây thổi những đợt gió hôi hổi. Trên tường không một bức tranh, không một khung ảnh, không cả một vết bẩn, để cô có thể tránh được cái nhìn của chủ nhà. Cô luôn phải tự trấn an rằng cô chỉ tình cờ nằm trên tầm nhìn của ông ấy và nói chung không nên để ý tới cái nhìn của một pho tượng.

Ông ấy sẽ không tự mở miệng, cô thở dài. Cuối cùng, lấy hết can đảm cô nói nếu cô không nhầm thì ông ấy và mẹ quen nhau đã lâu và không phải ở Sài Gòn. Thực ra, trong câu này, cô chỉ chắc có vế đầu (quen nhau đã lâu) vì ông Linh tự giới thiệu với bà giúp việc là “người quen cũ” của mẹ, còn vế sau (không phải ở Sài Gòn) thì cô chỉ linh cảm, nhưng không hiểu sao cô tin vào linh cảm ấy, ngay khi nghe thấy giọng ông Linh qua điện thoại, cái giọng Hà Nội giờ đây chỉ còn thấp thoáng ở Sài Gòn hay Paris, cái giọng Hà Nội của người Hà Nội đã xa Hà Nội hàng nửa thế kỷ.

Tầng trên không một tiếng chân người. Ngoài hẻm không một tiếng xe máy. Trong tiếng vù vù của quạt cây, ông Linh bất ngờ bảo:

– Năm mươi năm.

Tấm ảnh Polotski cựa quậy trong túi áo cô. Nó cũng được chụp cách đây năm mươi năm. Đặt tấm ảnh lên mặt bàn rồi cô thấy hối hận. Lâu lắm, trước khi chia tay vào Sài Gòn, anh Mai dặn: « Hành động không được nhanh hơn suy nghĩ». Thời gian trôi đi. Cô lớn lên, đi học, đi làm, lấy chồng, ly dị, sang Pháp nhập cư, sinh con một mình …Trải qua tất thảy những chuyện này, cô mới hiểu ý nghĩa cái câu mà anh Mai đã nói. Bây giờ, không ngày nào cô không cố nghĩ tới câu nói ấy. Thế nhưng, mỗi lần nghĩ tới, cô lại có cảm giác anh Mai còn muốn nói với cô một điều gì nữa, một điều mà cô sẽ chẳng bao giờ tự nghĩ ra.

Một tiếng động điếc tai từ trên gác vang xuống. Ai đó đã làm rơi một vật bằng thủy tinh lên thềm đá hoa. Ông Linh vẫn nhìn cô không chớp. Cô hơi cúi đầu, để khỏi phải nhìn vào đôi mắt của người đối diện, để có thể nghe ông ấy kể câu chuyện khó tin của mình:

“Chúng tôi gặp nhau năm mươi năm trước, trong nhà tù Hỏa Lò, ngay hôm bà bị bắt. Tôi không phải là đồng chí của bà. Tôi là thông dịch viên. Tôi bằng tuổi bà. Đọc hồ sơ của bà, tôi giật mình biết ngày bà trở thành liên lạc cho Việt Minh cũng là ngày tôi bắt đầu cuộc đời công chức cho chính phủ Pháp. Và trong lúc bà được cấp trên của bà cử đi công tác ở các nơi khác nhau thì tôi cũng được cấp trên của tôi cử đi công tác ở các nơi khác nhau. Không ít lần, chúng tôi suýt giáp mặt. Cuối cùng, số phận đã sắp xếp để cuộc giáp mặt ấy không xảy ra ở bờ hồ Hoàn Kiếm hay sân chùa Trấn Quốc hay bất cứ một địa điểm thơ mộng nào của Hà Nội, mà xảy ra ở nhà tù Hỏa Lò.

Mười chín tuổi phải biết nhà tù, lại nhà tù Hỏa Lò, thì ở vị trí phạm nhân hay thông dịch viên đều là bất hạnh. Khi nhìn thấy bà bị trói ở khuỷu tay và một bên má tím lại, tôi đã chạy vào toa lét, nôn thốc nôn tháo. Hôm đó là cuộc hỏi cung đầu tiên của bà, cũng là lần nghỉ việc đầu tiên của tôi. Tất nhiên không cấp trên nào muốn trì hoãn công việc và người ta đã ngay lập tức tìm được một thông dịch viên thay thế, kinh nghiệm dày hơn, thể lực tốt hơn.

Đêm hôm đó, nằm trên giường mà tôi không ngủ. Sáng hôm sau, tới văn phòng, ngồi vào bàn, tôi cũng không thể tập trung. Đến trưa, không chịu nổi, tôi đi vào Hỏa Lò, lấy cớ tìm sổ công tác để quên hôm qua. Phòng hỏi cung lúc đó có ba người. Ngoài đồng nghiệp thông dịch viên mà tôi quen mặt và một nhân viên Phòng Nhì đã gặp hôm trước, còn có một thanh niên da trắng, nhưng năm mươi năm trôi qua, tôi đã quên mặt. Nhân viên Phòng Nhì giới thiệu anh ta là bà con một cấp trên trong phòng, tên là Paul kèm theo cả họ, nhưng cái tên đơn giản bao nhiêu thì cái họ trúc trắc bấy nhiêu, tôi có cảm giác đã trôi khỏi tai ngay từ lúc vừa nghe”.

Phòng lại rơi vào im lặng. Sau tiếng động chói tai lúc nãy, tầng trên đã yên ắng trở lại từ lâu. Chiếc quạt cây nhẫn nại thổi ra từng đợt gió hôi hổi. Cô nhìn ông Linh. Trước mặt cô lại là pho tượng đồng đen. Cô tự hỏi lý do gì mà khi nói về mẹ, ông Linh không bao giờ sử dụng tên riêng, dù đã biết qua hồ sơ phạm nhân Phòng Nhì cung cấp. Ông ấy cũng không gọi mẹ là “nàng” cho giống Tự lực Văn đoàn, dù tuổi trẻ của hai người gắn liền với Khái Hưng và Nhất Linh. Ông ấy cũng không gọi mẹ là “cô ấy”, dù thời đó mẹ mới mười chín tuổi. Ông ấy nhất định chỉ dùng một từ “bà” để nói về mẹ.

Cô phải đợi thêm nhiều phút nữa mới được nghe ông Linh kể tiếp rằng trong lúc chờ mẹ ở phòng hỏi cung, ông ấy ngồi nói chuyện với Paul và bất ngờ biết anh ta cùng tuổi với mình. Ông ấy không khỏi nghĩ ba con người cùng sinh một năm nhưng ba số phận khác nhau hoàn toàn. Ông ấy và mẹ từng trải bao nhiêu thì Paul vô tư bấy nhiêu. Ngày mẹ trở thành liên lạc viên cho Việt Minh, ngày ông ấy bắt đầu cuộc đời công chức cho quân đội Pháp, cũng là ngày Paul bước chân vào trường đại học tổng hợp. Học xong năm thứ hai, anh ta tự thưởng cho mình một chuyến phiêu lưu sang Đông Dương, cái xứ mà anh ta chỉ mới biết qua sách vở, và Hà Nội là điểm dừng đầu tiên. Chẳng người Việt Nam nào muốn đặt chân vào Hỏa Lò. Paul thì ngược lại, chính anh ta đòi ông anh họ Phòng Nhì sắp xếp cho đến thăm quan nhà tù, nhà tù khiến chuyến phiêu lưu của anh ta thêm phần phiêu lưu. Mười chín tuổi, Paul kịp chia tay chín bạn gái. Mười chín tuổi, lần đầu tiên ông Linh bị phụ nữ ám ảnh.

10

Sài Gòn

“Nghe tiếng chân ở hành lang, thông dịch viên lớn tuổi và nhân viên Phòng Nhì nhìn tôi khinh khỉnh. Khi bà được đưa vào thì cũng chính là lúc tôi phải bước ra. Chúng tôi giáp mặt nhau trong tích tắc. Ngay trên ngưỡng cửa. Tim tôi ngừng đập. Bà vẫn bị trói ở tay, nhưng má đã hết tím. Năm mươi năm sau tôi cũng không gặp ai đẹp như bà, nét đẹp của con gái Hà Nội, nhưng còn có cái gì đó rất khó xác định. Mười chín tuổi thì nhiều thứ chưa định hình. Mười chín tuổi, phụ nữ chưa lộ hết nhan sắc, đàn ông chưa biết rõ bản thân. Tôi không biết tôi có yêu bà không. Từ trước tới nay, tôi chưa bao giờ tin vào tình yêu sét đánh. Nhưng từ trước tới nay, tôi cũng chưa từng bị ai ám ảnh như thế. “Ám ảnh chết người”. Ngày xưa, tôi vẫn cười khẩy khi đọc cụm từ này trong tiểu thuyết. Tôi vẫn nghĩ các nhà văn khéo phóng đại tô màu.

Chiều hôm đó, tôi lại tìm cớ để có mặt ở Hỏa Lò. Việc này vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì tôi là công chức chính phủ Pháp. Còn khó vì là công chức chính phủ Pháp, nếu không được giao nhiệm vụ mà lại lảng vảng ở khu giam chính trị phạm thì cũng có nguy cơ bị đưa vào sổ đen của Phòng Nhì. Chiều hôm đó, không biết lấy cớ gì để vào phòng hỏi cung và cũng không chắc bà có bị gọi lên hay không, tôi đứng từ trạm lính canh nhìn sang phía trại giam tù nhân nữ. Trời đầu năm lạnh tê tái. Chỗ tôi đứng là tầng áp mái, xung quanh hầu như không được che đậy, do sắp phải dỡ đi sửa lại toàn bộ. Tôi đã chọn chỗ này vì biết rằng lính canh nếu không có lệnh, chẳng dại gì ra đây hứng gió. Mà gió kinh khủng, kèm theo hơi ẩm nên buốt thấu xương. Sau này, ở Sài Gòn, mỗi lần nghĩ tới mùa đông Hà Nội, tôi không sao quên được buổi chiều hôm ấy. Buốt thấu xương. Tê tái da thịt.

Tôi đứng khoảng một tiếng thì một đoàn tù nhân nữ được quản giáo dẫn sang nhà tắm công cộng. Mấy chục người, cả già lẫn trẻ, đi tụm vào nhau thành từng nhóm, có lẽ để cho đỡ lạnh. Đồng phục xám xịt và thùng thình, tóc bù xù che gần hết khuôn mặt, nên rất khó phân biệt. Đã thế lại vừa đi vừa cúi gằm xuống đất. Vào nhà tù tôi mới biết, luật không bắt, nhưng cai ngục không cho phép phạm nhân ngửa mặt bao giờ. Tuy vậy tôi tự nhủ, nếu bà ở trong đoàn người ấy thì dù thế nào tôi cũng nhận ra. Nhưng tôi đợi mãi. Mấy đoàn nữa đi qua đều không có bà. Nhiệt độ ngày càng xuống thấp. Gió thổi ngày càng mạnh. Năm giờ chiều, trời tối hẳn, không còn nhìn thấy gì nữa thì tôi ra về. Hoặc là về hoặc là chết cóng. Lựa chọn nào cũng ngoài sức chịu đựng. Trái với điều người ta hay nói: “mười bảy bẻ gãy sừng trâu”, tôi thì thấy mười chín tuổi sức chịu đựng rất ít, cả thể lực lẫn tinh thần, có lẽ vì thế mới bị “ám ảnh chết người” tấn công”.

Đó là đêm thứ hai ông Linh mất ngủ. Hồi ấy, không ai biết thuốc an thần là gì. Sáng hôm sau, nhìn vào gương lúc cạo râu, ông ấy tự hứa đây là lần cuối cùng ông ấy quay lại Hỏa Lò. Ông ấy còn cả một gánh nặng gia đình. Ông ấy chấp nhận đi làm ngay sau khi tốt nghiệp tú tài, là bởi vì cha ông ấy đã mất và ông ấy phải có trách nhiệm nuôi các em ăn học. Ông ấy ghé văn phòng xin phép nghỉ nốt ngày hôm đó. Ông ấy không dám đưa ra lý do nào, cứ thế cúi đầu đi, trong một cảm giác mâu thuẫn pha trộn giữa yếu đuối và lì lợm.

“Phòng hỏi cung đã sáng đèn. Và thật quái đản, tôi gặp lại ba nhân vật của sáng hôm qua. Thông dịch viên lớn tuổi và nhân viên Phòng Nhì lại nhìn tôi khinh khỉnh. Chỉ Paul là vui vẻ. Anh ta trêu chưa tìm thấy sổ công tác hay sao. Tôi vừa nghe vừa liếc về phía cửa. Anh ta còn nói những gì nữa tôi không biết, tai dỏng lên như tai lừa. Đúng chín giờ, nhân viên Phòng Nhì đứng lên bảo lịch của ông ta hôm nay rất chặt, ngoài “con bé Việt Minh xinh đẹp” còn có thêm gần chục chính trị phạm nữa phải hỏi cung gấp, tình hình Điện Biên rất căng. Tôi nghe thì hiểu “con bé Việt Minh xinh đẹp” đấy là ai. Tôi cũng hiểu đã sắp đến lúc được nhìn thấy bà, và phải làm sao để không bị đuổi ra ngoài trước khi bà được dẫn vào đây.

Tôi cố nói chuyện với Paul. Anh ta hình như cũng thích nói chuyện với tôi, và không hiểu sao cũng không có ý định ra về. Rồi có tiếng chân người ngoài hành lang. Tim tôi ngừng đập. Để giấu vẻ bối rối, tôi cố mở to mắt, nhìn thẳng vào mặt Paul. Tôi có cảm giác anh ta cũng bối rối và cũng cố mở to mắt nhìn thẳng vào mặt tôi. Nhưng tôi không còn thời gian để tìm hiểu lý do. Tôi đứng lên đi về phía cửa. Và mọi việc lại xảy ra đúng như hôm qua: khi bà được đưa vào cũng chính là lúc tôi phải bước ra. Chúng tôi giáp mặt nhau trong tích tắc. Ngay trên ngưỡng cửa. Bà đưa một tay lên vuốt sợi tóc mai. Môi hơi nhếch. Cái nhếch môi khiến tôi không thể không vịn vào tường. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy bà. Ngày hôm sau, từ văn phòng, tôi hay  tin bà đã được thả tự do. Nhưng tôi giữ lời hứa với chính mình. Tôi không bao giờ gặp lại bà nữa.

Sau trận Điện Biên Phủ và hội nghị Genève, tôi được phép đưa gia đình sang Pháp sinh sống theo chế độ công chức. Nhưng mẹ đẻ tôi không muốn rời Việt Nam. Tháng Tám năm 1954, khi đã hết sạch chỗ trên máy bay, cả nhà mới đưa nhau ra Hải Phòng, xuống tàu há mồm, nhập vào đoàn người cuối cùng di cư vào Nam. Tôi không sao quên được hơn hai tuần lênh đênh trên biển, trong khi những người khác nghĩ về Sài Gòn, nghĩ về Hà Nội, thì tôi không giây phút nào không nghĩ tới khuôn mặt bà. Với cái nhếch môi khó hiểu. Người tôi lại nóng ran, tay lại phải vịn vào đâu đó. Ruột gan như lửa đốt. Li bì trong một cơn sốt khủng khiếp tưởng đã phải đi gặp tử thần, tới khi tàu chuẩn bị cập bến Sài Gòn thì tôi cảm thấy toàn thân nhẹ bẫng. Và thay vì nóng ran, người tôi lại lạnh ngắt. Trong một tích tắc, tôi hiểu rằng “ám ảnh chết người” đã chấm dứt, bệnh của tôi đã khỏi, nhưng từ nay trở đi, tôi sẽ thành một người khác. Giữa trưa hè, cả bầu trời và mặt biển bỗng dưng nhuốm đỏ, một màu đỏ dữ tợn chưa từng thấy. Mấy phút sau sấm chớp nổi lên. Và một cơn mưa ào ào đổ xuống. Một cơn mưa nhiệt đới đích thực. Sài Gòn đã đón tôi bằng một cơn mưa nhiệt đới.

Để nước mưa vừa mặn vừa nóng đập vào lớp da mỏng tang vừa qua những ngày đối mặt với cái chết, tôi tự nhủ gần hai nghìn cây số đã nằm giữa chúng tôi. Vĩ tuyến Mười Bảy đã chia đôi đất nước. Người ta nói tới ngày tổng tuyển cử hai năm nữa. Nhưng tôi biết ngày ấy sẽ không bao giờ xảy ra”.

Cô đứng lên, cất tấm ảnh đen trắng vào túi. Cô buộc phải ra về vì sau khi kể xong câu chuyện, ông Linh tỏ ra hết sức lạnh lùng, hết khụt khịt mũi lại giơ tay ngó đồng hồ. Có cảm giác không phải ông ấy đang hài lòng vì đã cất được gánh nặng trong lòng mà đang hối tiếc vì đã kể nó ra. Cô nhìn về phía cửa. Chiếc cổng sắt, không hiểu bằng cách nào, đã mở.

Cô đi bộ ra đầu hẻm đón xe ôm. Mưa đã tạnh từ lâu. Đặc điểm đô thị của Sài Gòn là hẻm, hẻm mẹ đẻ hẻm con. Cô không chắc có ra đúng hẻm, có đi về phía cây cầu nhỏ mà người xe ôm lúc nãy gọi là cầu Bông, dưới chân cầu ngay ngã tư có hai tiệm bán vịt quay một giờ trưa vẫn tấp nập khách.

Dưới cái nắng không hề dịu ngọt, cô tự hỏi sao bỗng dưng ông Linh đem kể câu chuyện có vẻ đã được đào sâu chôn chặt ngần ấy năm, cho một người không quen là cô, và chẳng để làm gì. Cô nghĩ mãi, nghĩ mãi mà không tìm được câu trả lời. Cuối cùng cô tự nhủ nếu ông Linh không gọi mẹ là “bà” mà là “nàng” thì câu chuyện của ông ấy sẽ rầm rề hơn cả mưa phùn Hà Nội.

Trước mắt cô không phải là cầu Bông mà một cái chợ đông nghịt. Hỏi ra thì biết không phải là chợ Bến Thành mà chợ Đa Kao. Chợ Đa Kao, cô từng nghe nói là nơi cư ngụ của dân gốc Bắc những ngày chân ướt chân ráo tới đất Sài Gòn, năm mươi năm trước.

Advertisement


Leave a comment

Boléro Météo

(Đoàn Cầm Thi trả lời Diệp Anh)

1.“Tủ sách văn học Việt nam đương đại” vừa được ra mắt ở Pháp. Xin chị cho thể cho biết ý tưởng về việc ra mắt tủ sách đã được hình thành như thế nào?

Sau khi đã giới thiệu các nhà văn Việt Nam thế hệ mới ở một số nhà xuất bản khác nhau như Philippe Picquier và Le Seuil, tôi nhận thấy một điều hiển nhiên là muốn lôi kéo được mối quan tâm của độc giả khối Pháp ngữ, thì công việc này cần phải được thực hiện một cách hệ thống hơn. Vì vậy, tôi đã thuyết phục nhà xuất bản Riveneuve thành lập tủ sách này. Họ đồng ý với điều kiện phải có sự tham gia của Thuận. « T mất  tích » vì vậy là tiểu thuyết mở màn cho tủ sách. Một ê kíp dịch giả ra đời gồm các giáo sư đại học khác như Emmanuel Poisson, Nguyễn Phương Ngọc, Danh Thành Đỗ-Hurinville,…

Giới thiệu những gương mặt mới của văn học Việt Nam, chúng tôi hoàn toàn ý thức được tính phiêu lưu của tủ sách : Làm thế nào có được chỗ đứng trong thế giới sách bao la của Pháp ? Tìm cách chen chân giữa một đội quân mỗi năm đông thêm ít nhất hai ngàn tựa (chỉ nguyên tiểu thuyết) có lẽ là một chuyện điên rồ. Càng điên rồ hơn khi đa số các nhà xuất bản Pháp trước thành công của những nhà văn kiểu Mạc Ngôn, ngả mũ gút bai ngay các ý đồ tìm tòi sáng tạo. Hai chữ « Việt Nam » cũng không còn được coi là hàng mode nữa. Trong cái vũ trụ chúng ta đang sống hôm nay, phương Tây đổi mốt như chong chóng. Trước các tin sốt rẻo như « Mùa Xuân Ả rập », « Miến điện mở cửa », «Đụng độ Tây tạng », thì Việt Nam chỉ là một khái niệm ngày càng trừu tượng. Chưa hết, những ai ở đây quan tâm đến xứ xở cong cong hình chữ S thì lại đã quen mồm với những khẩu vị sẵn có hay những lối kể chuyện dễ dãi một chiều giản lược.

Đương nhiên đọc một tiểu thuyết mà có tới bốn cái « tôi » với những thời gian đổi chiều liên tục và các nhân vật không thiện không ác như « Cơ hội của chúa », thì người đọc bình thường rất dễ nản. Nhiều độc giả than phiền là « Chinatown » vừa trang đầu còn đang ở tàu điện ngầm Paris, sang trang sau đã đang ở sân bay Bangkok, lật trang nữa lại ở Tasken ăn dưa hấu, đọc mãi vẫn chưa thấy cấm thành Huế và sông Hương thơ mộng !

Văn học Việt hình như chỉ được nhớ đến khi người Pháp chuẩn bị va-li trước khi sang du lịch Hạ Long. Mà số phận những cuốn sách Việt cũng giản dị lắm nhé : trước khi du khách Pháp về nước, chúng được vứt lại khách sạn để nhường chỗ trong va-li cho các khăn bàn thêu ren và tranh sơn mài, cũng lại vịnh Hạ Long !

2. Buổi ra mắt tủ sách đã diễn ra như thế nào?

Hôm 12 tháng 10 vừa rồi, nhà xuất bản Riveneuve đã tổ chức một buổi ra mắt “T. mất tích” và tủ sách “Văn học Việt nam đương đại” tại nhà sách Le Phénix, ngay trung tâm Paris. Tại đây chúng tôi đã gặp nhiều độc giả và đồng nghiệp, Pháp cũng như Việt. Hoa cũng nhiều như các câu hỏi. Ký sách mỏi tay và cười hết cỡ.

3. Hoạt động của tủ sách được lên kế hoạch ra sao?

Chúng tôi dự định đầu năm tới sẽ in ba tiểu thuyết : “Cơ hội của Chúa” của Nguyễn Việt Hà do tôi dịch, “Boléro Météo” của Đỗ Kh. viết trực tiếp bằng tiếng Pháp, “Thang máy Sài Gòn” của Thuận do tác giả và Janine Gillon cùng dịch. Hiện nay chúng tôi đang tiến hành dịch “Thoạt kỳ thủy” của Nguyễn Bình Phương và “Blogger” của Phong Điệp. Một số tác phẩm khác cũng đang được đưa ra bàn luận.

4.Những tác giả như thế nào thì sẽ có cơ hội xuất hiện trong tủ sách này ?

Chúng tôi có hai tiêu chí : một cái nhìn và một văn phong. Cụ thể, chúng tôi tuyển chọn các tác phẩm thể hiện thời đại hôm nay qua một lối viết chủ quan nhất, sáng tạo nhất. “Cơ hội của Chúa” là một ví dụ. Tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà vẽ lên bức tranh sinh động về lớp thanh niên đô thị thời mở cửa, giữa những lo toan vật chất, đôi lúc ngoái lại phía sau gặng hỏi dĩ vãng nhưng dường như vẫn hướng tới một cái gì khác, chưa hẳn là Lý Tưởng, có lẽ là một vẻ đẹp tinh thần, để cuối cùng đi tới tàn lụi niềm tin. Nhưng cái làm nên thành công của nó chính là bốn cái “tôi” vừa tương đồng vừa đối lập. Như những cái gương soi vào nhau, nhân vật này phản chiếu và soi rọi nhân vật kia. Qua bốn nhật ký của họ, các sự việc được nhìn ở nhiều góc độ khác nhau, bổ xung nhau nhưng cũng có khi đối lập nhau. Đó là cách Nguyễn Việt Hà thể hiện thế giới hôm nay, không thuần nhất mà muôn hình vạn trạng, không khép mà mở, không xác thực mà đầy bí hiểm, bất ổn, hoài nghi.

Tủ sách của chúng tôi cũng luôn ủng hộ sự sáng tạo. “T mất tích” trong bản Pháp văn có thêm một “phi lộ”. Trong một hơi dài liền mạch nhưng vô cùng lộn xộn, một phụ nữ Việt Nam xưng “tôi” tự giới thiệu là tác giả của “T mất tích”. Trong muôn vàn hành trình giữa Paris – Sài Gòn – Moscou – Berlin – Hồng Kông, cô tưởng tượng ra nhân vật nữ của mình : “…khi chiếc Air Bus 330 của hãng Dragon Air bay lượn trên biển Nam rồi biển Đông nối Hồng Kông với Sài Gòn, tôi đã bắt đầu hình dung trong đầu một phụ nữ trẻ ngồi ở dãy bốn mươi, sát cửa sổ bên phải (…). Tôi sẽ gọi cô là T. T để đỡ nhầm với một loài hoa nào đó, một hương thơm nào đó, để đỡ nhầm với tuyết rơi hay mùa thu, hay trí tuệ hay hài hòa hay bất kì một mỹ từ nào đó của tiếng Việt. T đơn giản là T, có vậy thôi. T cúi đầu xem một cuốn họa báo, mái tóc đen thả dài. Vài ba lần, T cũng ngẩng lên, nhưng chỉ để ngó ra cửa sổ mấy phút, nên tôi đợi mãi đợi mãi hơn một tiếng đồng hồ mà không biết khuôn mặt T thế nào. Tôi cũng không biết T đi đâu,…”.

Một phi lộ dài mươi trang nhưng đủ làm cho tác phẩm vốn phức tạp càng thêm phức tạp, đem lại cho nó một chiều kích văn học, địa lý, chính trị, văn hóa mới. Đặc biệt một nhịp điệu mới. Các câu ở đây bay bổng hơn và bí hiểm hơn :  “Cuộc hội ngộ hôm nay là quà tặng của số phận hay bóng ma của quá khứ, hay là cả hai, hay chẳng là cái gì cả, tôi không biết. Không ai có thể biết. Mười lăm năm trí nhớ phai mòn. Mười lăm năm trước tôi không biết mặt trời đỏ lửa là Sài Gòn tháng tư. Mười lăm năm trước tôi không biết cái gác xép lợp tôn này. Mười lăm năm trước tôi không biết our love will be sweet. Wille be sad. Like the gentle rain. Like the gentle rain. Mười lăm năm trước tôi chỉ biết zimmer. Mười lăm năm trí nhớ phai tàn”.

5.Tại sao tủ sách chỉ “khoanh vùng” trong phạm vi văn học Việt nam đương đại?

Truyện Kiều thì trăm năm vẫn còn đó, nhưng những cái mới thì yếu đuối dễ vỡ hơn và vì vậy cần được nâng niu. Hơn nữa, đọc những người cùng thời là một nhu cầu. Chúng ta ai cũng cần biết nghệ thuật hôm nay hình dung thế nào cái thế giới chúng ta đang sống.

6. Chị và các thành viên đồng sáng lập có tự tin rằng những kì vọng của mình vào tủ sách này sẽ đạt được như mong muốn?

Chúng tôi tin rằng nghệ thuật đích thực trước sau sẽ được công nhận, dù chỉ là thiểu số. « Chinatown » của Thuận, một tác phẩm được công luận coi là kén độc giả, đã được đón chào khá nồng nhiệt. Tuy nhiên (và may thay), không có thành công nào là vĩnh viễn. Mỗi cuốn sách ra đời là một cuộc phiêu lưu mới đầy bất ngờ. Có thể chúng tôi là những con dã tràng, nhưng dẫu sao thì dã tràng cũng có sinh mệnh riêng của nó. Ít nhất, nó có một niềm tin và một đại dương để hướng tới…

Xin cảm ơn chị

Tiền Phong hôm qua

http://www.tienphong.vn/van-nghe/597546/Phieu-luu-va-ky-vong-tpp.html


Leave a comment

Thang máy Sài Gòn (5,6)

Đọc chương 4 ở đây

5

 

Paris

Tòa nhà bảy tầng, hai cánh cổng màu xám, kiên cố như một nhà tù.

Đồng hồ đeo tay chỉ số 15. Đã một tiếng trôi qua kể từ lúc Paul Polotski biến mất sau hai cánh cổng màu xám. Cô không biết ông ta vào căn hộ nào, để gặp ai và sẽ còn ở lại bao lâu. Tất cả những gì mà cô có thể làm được là đi theo đối tượng.

Hôm nay, Paul Polotski không ra vườn hoa ngồi đọc báo như mọi khi. Hết giờ lên lớp, từ cổng trường, ông ta bất ngờ đi về phía bến tàu điện ngầm, với một tốc độ chóng mặt. Cô vội vàng theo sau. Đối tượng của cô dường như càng đi càng nhanh, khiến cô phải đánh vật với một đoàn khách du lịch Bắc Âu lừng lững, vài mét dừng lại chụp ảnh một lần. Tim đập loạn xạ, cô cảm giác như trước mắt hiện ra một con người khác. Polotski tỏ ra thuộc đường như lòng bàn tay. Ông ta thoăn thoắt xuống tàu điện ngầm, đi vài bến lại đổi, qua những hành lang dài với rất nhiều ngã rẽ, chưa lần nào dừng lại tìm bảng chỉ đường. Phần lớn thời gian cô phải nín thở mới không bị bỏ rơi. Tới bến cuối của đường số 4, khi tàu vừa dừng, ông ta bước ngay ra ngoài và nhanh chóng lướt vào một hành lang nhỏ dẫn tới một hành lang nhỏ hơn nữa, chưa đầy phút sau đã lên tới mặt đường, rồi lại cắm cúi bước, còn nhanh hơn cả lúc nãy, dường như được thôi thúc vì sắp tới đích.

Thế nên cô hốt hoảng khi ông ta đột ngột giảm tốc độ lúc đi qua cầu sắt. Cầu vắng tanh. Trời 39° mà sống lưng cô đẫm mồ hôi lạnh. Nếu Polotski quay đầu, thế nào cũng phát hiện bị theo dõi ngay sau lưng. May mà ông ta chỉ bước chậm hơn để nhìn ra xa, về phía những khu nhà cao tầng nứt nẻ giữa nắng hè. Dưới kia là xa lộ nườm nượp mấy làn xe. Một xe tải khổng lồ của siêu thị Hoa kiều lảo đảo dạt vào vệ đường. Đến gần đầu cầu bên kia thì Polotski dừng hẳn lại, đặt cặp và áo khoác trên lan can. Cô đã ngờ sẽ còn phải đợi lâu thì đối tượng thình lình cúi xuống lôi ra một cặp kính râm thay thế cặp kính to bản, đưa tay vuốt tóc và tiếp tục lên đường. Buổi tối về nhà, giở bản đồ, cô mới hay cầu sắt là ranh giới giữa Paris và thị trấn nhỏ có tên Montrouge. Đấy là lần đầu tiên cô đặt chân ra ngoại ô phía Nam.

Một tiếng tiếp theo ngắn hơn nhờ chị gác cổng. Chị gác cổng theo bố mẹ sang Pháp từ nửa thế kỷ trước, nói tiếng Việt giọng Thanh Hóa. Chị đuổi theo đứa con gái út không thành, bèn đem nỗi sầu trút cả vào cô lúc ấy đang đi lại bên ngoài đợi Polotski.

– “Vì chúng tôi quen miệng gọi nó là “công chúa An Nam”, nên nó mắc bệnh hoang tưởng. Nó nào biết để có thể trả cho nó tiền váy áo, tiền học ba lê và đàn tam thập lục, ngoài giờ gác cổng tôi phải tắm rửa cắt móng tay cho cả chục phụ lão trong khu, bố nó thì hằng ngày hết mười tiếng lắc chảo ở quán chính lại lắc thêm vài tiếng nữa ở quán phụ, thứ Bảy và Chủ nhật tiếp tục lắc, để đóng hộp phục vụ khách hàng siêu thị. Nó nào biết chúng tôi đã mượn tiền của ngân hàng và người quen, nhưng thay vì mua một căn hộ tử tế thì mua một Mercedes mui trần để chở nó đến trường và đi đây đi đó. Nó chỉ thích ra khỏi nhà vì cứ rời căn phòng chật hẹp thiếu ánh sáng nhưng thừa mùi mì xào, mặc một bộ váy lụa trắng đính ngọc trai, ngồi lên ghế sau của Mercedes mui trần là nó trở thành công chúa. Ở cổng trường, ở cửa hàng quần áo, ở các lớp học thêm, người ta nhìn nó ngưỡng mộ, người ta tưởng chúng tôi là ô-sin và tài xế của bố mẹ nó. Càng lớn bệnh hoang tưởng của nó càng trầm trọng, tới độ nó ngờ rằng đã bị bắt cóc khỏi hoàng cung từ lúc mới đẻ và kẻ chủ mưu chính là chúng tôi. Đầu năm nay nó bắt cả nhà đi thử ADN”.

– Vô lý không?

Chị gác cổng nói xong phải đập vào vai, cô mới gật đầu. Câu chuyện kỳ quặc, cô nghe không bỏ sót từ nào, nhưng đúng lúc chị ta đặt câu hỏi thì hai cánh cổng xám đột ngột mở toang và một nhóm cán bộ hưu trí xuất hiện, người xách túi du lịch, người kéo va li. Hai chiếc mini buýt màu bạc nối đuôi nhau lao tới. Cả bọn nhí nhảnh bước lên, sau một hồi bắt tay vỗ vai, hẹn ngày tái ngộ. Cô phải căng mắt nhìn xem Paul Polotski có nằm trong số đó. Cô chỉ gật đầu với chị gác cổng khi hai chiếc mini buýt bạc phóng vút đi, để lại hai đám khói cũng bạc. Vừa gật, cô vừa nghĩ có thể trong mấy phút nhộn nhạo mới đây, đối tượng của cô đã kịp rời khỏi khu nhà lúc nào mà cô không hay và bây giờ đang mải mê đếm bước trong một hành lang vô tận của một bến tàu điện ngầm nào đó. Chị gác cổng thì ngược lại, không để ý tới cả nhóm người lẫn hai chiếc mini buýt, tiếp tục than vãn đứa con gái út giờ đây liên tục bỏ học đi hoang. Lý luận của nó thế này: vợ chồng chị từ chối thử ADN chẳng qua vì sợ bị phát giác.

-Vô lý không?

Cô gật đầu nhưng chỉ được nửa chừng: hai cánh cổng xám lại đột ngột mở toang, từ trong ào ra năm sáu đứa trẻ. Cổng chưa kịp khép lại, lồ lộ hiện ra cái dáng lòng khòng của Polotski, đôi kính râm vẫn ngự giữa mặt. Không uể oải như mọi khi, cũng không thoăn thoắt như cách đây mấy tiếng, đối tượng của cô tay xách cặp, tay khoác vai một phụ nữ cũng lòng khòng không kém, mặc váy dài, khuôn mặt giấu kỹ dưới chiếc mũ rộng vành khổng lồ. Nhờ cái mũ này mà cô tìm ra họ mười phút sau, khi cả hai đã đi tới giữa phố và rơi vào đoàn người chuẩn bị sang đường. Mười phút ấy, cô nhấp nhổm, vừa tỏ ý muốn bỏ chạy là bị ngay những giọt nước mắt to tướng của chị gác cổng giữ lại. May mà « công chúa An Nam » bỗng dưng xuất hiện. Lướt qua khuôn mặt xanh như nhái bén của nó, cô cúi đầu bước thật nhanh, được một đoạn thì nghe tiếng gào Thanh Hóa. Không quay đầu, cô cũng biết chị gác cổng lại tóm trượt con bé.

Khu trung tâm với hai dãy cửa hiệu nằm dọc hai vỉa hè. Không xa là một tháp chuông nhà thờ bé như đồ chơi trẻ con. Mùa hạ giá đã lên đến đỉnh điểm, đường phố hỗn loạn chân và mùi. Lúc này, Polotski không đi cạnh người phụ nữ mà bước ngay sau lưng bà ta. Hai cái dáng lòng khòng cứ vừa đi vừa trò chuyện như giữa chốn không người. Nhưng cô chẳng nghe được từ nào do không khí ồn ào và người phụ nữ nói giọng rất khàn, khò khè nơi cổ họng, tới độ nhiều khi chính Polotski muốn nghe cũng phải ghé sát tai vào chiếc mũ rộng vành. Ông ta liên tục gật cặp kính râm và mấp máy môi, cũng không thành tiếng. Cô không rõ người phụ nữ có nghe thấy gì không. Rồi cô lại nghĩ có thể bà ta bị điếc cũng nên vì chẳng thấy bà ta gật hay lắc. Cuối cùng, để đỡ mỏi chân, cô tưởng tượng ra một chuyện tình lãng mạn, kiểu tiểu thuyết thế kỷ mười chín. Bộ váy dài, chiếc mũ rộng vành, tháp chuông nhà thờ, cặp kính râm, chàng và nàng … cũng khiến hai bàn chân cô nguôi ngoai được vài phút.

6

 

Paris

Ở phía sau hay ở bên trái, cô luôn cố giữ khoảng cách một mét và để đánh lạc hướng, vừa đi vừa nhìn ngó như khách xem hàng. Được thêm mười lăm phút, cô chán ngấy, quyết định tiến lại gần và đã có lúc đứng sát hai đối tượng khi người phụ nữ dừng chân trước một tiệm bán mũ, Polotski cũng cum cúp dừng theo. Ngoẹo đầu ngó khuôn mặt bà ta trên chiếc gương lắp trong tủ kính, cô bị ánh nắng cuối ngày hắt thẳng vào mắt, nhưng bù lại, đã nghe được mẩu hội thoại sau đây:

– Lần nào qua cửa hàng, em cũng nhìn chiếc mũ này. Bao nhiêu năm rồi, nó vẫn nằm trên giá như đợi em. Em không hiểu tại sao đẹp như thế mà nó không được người nào mang đi.

– Sao em không bao giờ nói cho anh biết là em thích chiếc mũ này? Em còn giấu anh nhiều điều nữa phải không?

– Anh thấy đấy, tất cả đều quá muộn. Chiếc mũ đã không còn hợp với tuổi của em nữa. Những chuyện khác giờ đây anh có biết thì cũng giải quyết được gì cơ chứ.

Polotski ngừng nói và cô thấy thất vọng về những câu vơ vẩn giữa hai nhân vật. Rồi cô nghe tiếng ông ta thở hồng hộc. Người phụ nữ có vẻ muốn nói thêm nhưng cuối cùng chỉ quay lưng bước sang tủ kính cửa hàng bên cạnh. Polotski cúi đầu bước theo, tiếng thở cũng chẳng vì thế mà nhẹ nhàng. Cô lại cố giữ với hai đối tượng khoảng cách một mét, không dám thay đổi tốc độ vì sợ lộ và sợ ngã: mỗi khi ai đó định chen vào giữa đều bị cái dáng lòng khòng của Polotski đẩy bật trở ra. Sức khỏe của ông ta, cô bắt đầu thấy gờm.

Đường càng ngày càng đông. Cô phải luồn lách không ngừng giữa những thân thể đẫm mồ hôi và những chiếc túi ny lông căng phồng. Người phụ nữ lướt qua các tủ kính. Polotski lầm lũi theo sau, tiếng thở vẫn hồng hộc.

Tới trước một cửa hàng hoa giả, người phụ nữ thình lình quay đầu lại. Giá không có chiếc mũ rộng vành thì cô đã có thể tiếp cận trọn vẹn khuôn mặt của bà ta. Bắt đầu một hội thoại khác:

– Anh có nhớ bó hoa đầu tiên anh tặng em?

– Có chứ. Ngay từ khi nhìn thấy em, anh đã đoán được là em thích hoa tử đinh hương.

– Anh chưa bao giờ tặng em hoa hồng đỏ.

– Ừ, anh biết là em không thích.

Cô thở dài. Đến bao giờ hai nhân vật mới thôi nói với nhau những câu vơ vẩn  kiểu này. Rồi cô bắt đầu cảm thấy tiếc cho một buổi chiều vô ích. Nhưng ngay lập tức cô phải thay đổi ý kiến: Polotski bất ngờ bước lên ôm lấy vai người phụ nữ, còn bà ta thì quay ngoắt người, lách đám đông, bước thẳng xuống lòng đường. Một chiếc taxi từ đâu lao tới. Cửa sau vừa mở, bà ta lập tức leo lên, tự tay sập cửa rồi xe lại vút đi.

Tất cả diễn ra trong vòng vài phút. Cô chỉ biết ngẩn người nhìn theo. Một lát sau, khi đã hoàn hồn, cô quay sang bên cạnh: Polotski cũng đứng ngây như trời trồng. Từ xa một cặp nam nữ hớt hải chạy lại, tay nào tay nấy mấy túi ny lông, mắt hút theo luồng khói mỏng, miệng kêu trời. Hóa ra chính họ nửa tiếng trước đã gọi điện đặt taxi, gọi đến chục số mới được chiếc này, nhưng chưa kịp ra khỏi cửa hàng thì đã bị người phụ nữ đội mũ rộng vành nẫng mất.

Mươi phút trôi qua, Polotski vẫn còn ở trong cơn choáng. Ông ta cứ đứng nguyên chỗ ấy, giữa vỉa hè, đầu quay về hướng taxi vừa đi, cặp kính đen càng đen hơn giữa khuôn mặt trắng và mái tóc cũng trắng. Cô đứng cách ông ta vài bước chân. Cô chỉ lo đối tượng của mình có thể ngã vật xuống bất kỳ lúc nào, nếu không vì một cơn đau tim cấp tính thì cũng vì đám đông rầm rập xung quanh, những thân thể đẫm mồ hôi ôm những túi ny lông căng phồng. Không ít lần cô phân vân, vừa muốn chạy tới đỡ lấy ông ta, vừa muốn đợi xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông ta tiếp tục đứng như thế, y hệt như cách đây vài hôm, ở vườn hoa công cộng, khi trời Paris đột ngột đổ một cơn mưa nhiệt đới.

Đúng vào lúc mà cô cảm thấy cổ họng khô rát, định ghé siêu thị bên đường mua một chai nước nhỏ thì Polotski bừng tỉnh, rùng mình, rồi lập tức xốc lại áo, chỉnh lại kính, vuốt lại tóc, và lặng lẽ bước đi. Cô đành ghìm cơn khát chưa bao giờ khổ sở như thế để cùng ông ta ngược lại đoạn đường ban chiều, về phía cầu sắt giờ đây bơ phờ và nóng như nung.

Dưới xa lộ, xe cộ vẫn chạy như mắc cửi. Chiếc xe tải khổng lồ của siêu thị Hoa kiều đã biến mất, thay vào đó là một đoàn ba chiếc hùng dũng của một công ty thực phẩm Bungari. Điều mà cô lo sợ đã xảy ra: Polotski không đi một mạch tới bến tàu điện ngầm, mà uể oải bước qua đầu cầu, uể oải dừng lại ở đúng chỗ lúc nãy, rồi sau khi vắt áo và để  cặp lên lan can thì uể oải đưa mắt nhìn ra xa, nơi chẳng có gì ngoài mấy khu nhà cao tầng nứt nẻ.

Trên cầu vẫn chỉ có cô và ông ta. Sống lưng cô mồ hôi lạnh lại bắt đầu chảy. Bây giờ nếu ông ta bất ngờ quay lưng và túm cổ cô ném xuống xa lộ thì tối nay thằng Mike sẽ chết đói ở đồn cảnh sát. Ông ta hoàn toàn có thể làm điều ấy vì ông ta khỏe hơn cô tưởng rất nhiều, còn cô thì ngược lại, yếu hơn cô tưởng rất nhiều.

Để quên cơn sợ, cô hình dung một chai nước chanh ướp lạnh hiệu Vitalia. Sau đó để quên chai nước chanh ướp lạnh, cô hình dung tiếp chuyện tình lãng mạn tiểu thuyết thế kỷ mười chín dở dang lúc nãy: trên cầu sắt này Polotski đã bao lần tới thăm người phụ nữ đội chiếc mũ rộng vành khổng lồ và lần nào cũng dừng chân ở đúng một chỗ. Ngày trước, những khu nhà kia mới hơn rất nhiều, thậm chí vừa xây xong, chưa có người dọn đến ở. Xa lộ cũng ít xe hơn, xe tải của siêu thị Hoa kiều chưa chạy ngược chạy xuôi như bây giờ. Chị gác cổng lúc đó mới có thai đứa con gái, ngày đêm mơ màng con bé sẽ xinh đẹp sang trọng như « công chúa An Nam », mà chị được ngắm một lần duy nhất, trong họa báo Paris Match. Còn Polotski thì chưa biết thế nào là tuổi già, mắt vẫn trong veo. Người phụ nữ kia cũng còn rất trẻ, đội mũ hẹp vành và mặc váy ngắn quá đầu gối. Những buổi chiều mùa hè nóng nực hơn cả hôm nay. Những buổi chiều mùa đông ủ rũ, đôi khi có cả tuyết rơi. Những buổi chiều mùa thu mưa rả rích, lá vàng trôi giữa dòng sông. Những bông tử đinh hương rất có thể màu tím.

Thế còn mẹ? Mẹ ở chỗ nào trong câu chuyện đầy vẻ lãng mạn này? Cô thở dài tự hỏi khi cùng đối tượng rời khỏi cầu sắt.

Dưới tàu điện ngầm, trong một hành lang mênh mông của bến Montparnasse, lúc cô dừng lại trước máy tự động để mua một chai nước chanh ướp lạnh hiệu Vitalia, thì Polotski đã bất ngờ biến mất.

 

 

Đọc tiếp chương 7, 8


Leave a comment

Trả lời bạn Thi Hương

1 . Chị đến với nghề viết tiểu thuyết như thế nào?

Khi đã hai mươi sáu tuổi, gần mười năm xa Việt Nam, tôi mới bắt đầu viết. Không để giãi bày hay để tâm sự chuyện đời mà để phục vụ nhu cầu tưởng tượng, nhu cầu đi xa khỏi bản thân. Sau đó là tìm những lối viết khác. Mới đầu tôi viết truyện ngắn. Nhưng thể loại này nhanh chóng tạo cho tôi cảm giác chật chội và dễ dãi. Tuy vậy, phải đợi năm năm sau thì Made in Vietnam mới có thể thành hiện thực. Tiểu thuyết là một cuộc phiêu lưu và như mọi cuộc phiêu lưu, nó cần năng lượng và lòng dũng cảm.

2. Chị định ra cho mình hai năm viết xong một cuốn sách, giống như người ta sản xuất một sản phẩm thủ công vậy. Sáng tác văn học lại cần có hứng, đưa ra chương trình như vậy có phù hợp cho nghề nhà văn không?

Đặt kế hoạch cho công việc là cách làm việc khoa học, chứ không phải thủ công như người ta nhầm tưởng. Trong xã hội phát triển, nơi mọi ngành nghề đều phải cạnh tranh gay gắt thì nghề viết không lẽ gì lại có quyền thoát khỏi qui luật đó. Tôi luôn bị cảm giác áy náy dày vò mỗi khi không viết hay không làm gì đó phục vụ cho công việc viết. Trước khi nói đến trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, có lẽ nhà văn cũng nên thành thực nhìn nhận trách nhiệm với bản thân và nghề nghiệp. Đấu tranh cho công bằng và bình đẳng thì  cá nhân mình không thể lẳng lặng hưởng đặc quyền đặc lợi.

Sáng tác văn học cần cảm hứng, nhưng chỉ những tác giả không chuyên mới đợi cảm hứng từ trên trời rơi xuống hay người khác ban cho. Với tôi thì ngay khi đóng tác phẩm này lại đã có tác phẩm khác mở ra, tác phẩm sau bổ khuyết tác phẩm trước… Sự tiếc nuối, hối hận triền miên khiến tôi cứ phải viết mãi khôn nguôi. Tự vấn là một phần không thể thiếu của sáng tác.
3. Chị có thể nói về những nét tiêu biểu nhất trong phong cách sáng tác của chị, để người đọc tiếp xúc tác phẩm là có thể biết đó là tác phẩm “made by Thuận”?

Nếu độc giả thấy những mẫu mực kiểu “cao trào – xung đột – mâu thuẫn,” “đặt vấn đề – giải quyết vấn đề,” “khảo sát thế giới nội tâm,” “khắc họa và phát triển tính cách nhân vật,” “nêu cao tư tưởng nhân văn”, thì đó dứt khoát không phải là tác phẩm của Thuận.

Nếu độc giả và tác giả cứ ôm nhau thút thít, mùa thu là nôn nao hoa sữa, mùa hè là khắc khoải hoa phượng, Tết đến quay cuồng nhớ hoa đào bánh chưng, hết Tết lại quay cuồng nhớ bánh chưng hoa đào … thì đó dứt khoát không phải là tác phẩm của Thuận.

Còn những nét tiêu biểu nhất cho phong cách của Thuận là gì thì có lẽ để các nhà chuyên môn trả lời cho khách quan. Chủ quan mà nói, tôi chú trọng tới nhịp điệu. Theo quan niệm của tôi, mỗi tác phẩm có một nhịp điệu riêng, tác giả có khả năng cuốn độc giả vào tác phẩm hay không, chính là nhờ nhịp điệu. Nhịp điệu của tác phẩm phụ thuộc vào cách sử dụng từ, cách đặt câu, cách ngừng lại, cách thêm bớt từng dấu phẩy, dấu chấm. Làm sao để mỗi tác phẩm bộc lộ được một kiểu hòa âm đặc thù. Và làm sao để tiểu thuyết là một tổng thể văn chương trọn vẹn chứ không phải là các truyện ngắn đặt cạnh nhau.

Ngoài nhịp điệu, tôi cũng bị sự khôi hài quyến rũ. Trong trường hợp của tôi, hài hước là một chất liệu cần thiết. Nếu không, trước những câu chuyện và những nhân vật mà tôi tạo ra, có lẽ độc giả sẽ phải vài phút rút khăn mùi xoa một lần, khóc thương cho đã mà không cần tự hỏi tại sao phải khóc, hoặc có nên khóc hay không.Tôi cho rằng dùng hài hước để nói những điều nghiêm trọng, như một nghịch lý, có thể gây nên nhiều băn khoăn cho người đọc. Họ phải ngừng lại nhiều hơn vì nghịch lý chứ không phải chỉ thuần tuý vì câu chuyện được kể. Những băn khoăn này có thể đã là những tiếp xúc đầu tiên của họ với văn chương.
4. Những nhà văn nước ngoài nào có ảnh hưởng đến phong cách sáng tác của chị? vì sao?

Tôi đặc biệt yêu thích Céline, Camus, Kundera, Kandare, Houllebecq, Duras… Ở mỗi tác giả tôi đều tìm thấy những phẩm chất cần được học hỏi, nhưng tôi cũng ý thức được rằng đừng bao giờ trông chờ họ đọc cho mà viết như viết chính tả, hoặc cầm thước kẻ gõ vào tay nhắc từ này ước lệ, câu kia thiên hạ viết mãi rồi. Những gì mà các tác giả lớn có thể mang lại cho tôi chỉ là những cái nháy mắt, hay nói theo cách của chị Phạm Thị Hoài, những “hạt giống” mà tôi phải “mang về đất của chính mình, đổ sức của chính mình vào đấy,” thì mới mong có ngày được hái quả.

Nhưng nói cho cùng, trong nghề viết, kinh nghiệm nào cũng hữu ích, ở tác giả nào cũng có thể tìm được một lời khuyên, thậm chí các tác giả kém thú vị nhất cũng khuyên được ta một điều thú vị: hãy nhanh chóng rời họ mà đi.
5. Chị viết cho mình hay cho độc giả? Câu trả lời cho câu hỏi này ảnh hưởng thế nào đến việc chọn ý tưởng đề tài cũng như văn phong?

Chỉ có các nhà văn hướng đến best seller mới khao khát ôm trọn nhân loại vào lòng. Không cần nổi tiếng, cũng không ham nhiều tiền, tôi tự cho mình cái quyền là không ve vãn chiều chuộng độc giả. Nghĩa là tôi cũng xem xét nhu cầu của số đông, nhưng không phải để đáp ứng mà để làm phiền. Ví dụ hoài cảm, lãng mạn, diễm tình, những thứ mà độc giả đời nào cũng thèm, không bao giờ được có mặt, dù chỉ là thấp thoáng, trong các tác phẩm của tôi.

Chọn đề tài không phải là vấn đề của văn chương. Có những tác giả mười tác phẩm mười đề tài khác nhau, nhưng độc giả chỉ cần đọc một tác phẩm là đủ hiểu chín tác phẩm còn lại. Trên thực tế, bất kỳ đề tài nào cũng có nguy cơ đã bị chọn không chỉ một vài lần trước đó. Do vậy, điều làm nên sự khác nhau giữa các tác phẩm không phải là đề tài mà ở cách xử lý đề tài đó như thế nào.

 

 

(Bài đăng trên Tuổi trẻ 24/10/2012)


Leave a comment

Thang máy Sài Gòn (4)

                                                                                                      Đọc chương 3 ở đây

Sài Gòn

 

 

Có lẽ để kịch bản được trọn vẹn Hollywood từ A tới Z, khi mộ của mẹ được đậy nắp và phủ kín hoa, anh Mai mời tất cả đi ăn một “bữa cơm giản dị” với gia đình. Tới nơi mới biết là tiệc đứng, năm mươi món, có cả món chay, có cả rượu chát và sâm banh, đặt trước ở tầng thượng một khách sạn năm sao nhìn xuống bến Bạch Đằng.

Mọi người nhanh chóng đứng thành nhóm, không hiểu cớ gì mà chia theo tuổi. Nhóm phụ lão dường như vẫn chưa hết xúc động, chỉ im lặng nhìn nhau. Nhóm trung niên thì thầm được mươi phút, một cặp trèo lên lan can sân thượng, áp người lại, dang tay vươn cổ ra sông Sài Gòn, tóc gió bay bay, diễn Titanic, có lẽ chưa hết bị Hollywood ám ảnh. Nhân viên khách sạn hốt hoảng chạy ra, tưởng khách hàng định tự tử tập thể theo mốt Hàn Quốc thời thượng. Nhóm thanh niên ré lên cười. Một thằng đẹp trai cởi cà vạt ném xuống sông. Mấy thằng khác ném theo. Có thằng còn tụt cả tất ra ném. Lơ mơ em nghĩ may mà những phút cuối, máy quay phim không ngừng chĩa ống kính vào cổng nghĩa trang (hẳn được coi là một cảnh chính trong phim), nên các diễn viên không chuyên leo lên xe vẫn tiếp tục nhu mì và tận tụy, mấy chục tay lái cùng nổ máy một lúc mà anh Mai không một lần phải nhờ tới công an phường. Nhờ tới công an phường thì kịch bản mất mấy chục phần trăm Hollywood.

Anh Mai liên tục rót sâm banh cho mọi người, rồi rót cho chính mình, vài lần rót cả cho em. Không khí trong phòng vừa trang nghiêm vừa nhộn nhạo. Thằng đẹp trai lúc nãy đề nghị bật nhạc nhảy. Anh Mai bảo nhân viên khách sạn mang thêm sâm banh, rót cho nó một ly đầy, rồi dẫn ra tận buffet gợi ý ăn chút gì đấy cho ổn bụng. Nhưng thằng này làm ra vẻ không hiểu, anh Mai quay lưng đi, nó lao đến chỗ mấy thằng bạn, lập tức có tiếng thủy tinh loảng xoảng. Cặp trung niên trèo lên lan can sân thượng lúc nãy bây giờ quỳ gối dưới sàn, dựa lưng vào nhau, ngửa cổ, tóc gió vẫn bay bay, rất phim truyện tình cảm lãng mạn, nhu cầu diễn hình như vẫn còn nhiều.

Giữa buổi, một phụ nữ vận váy ngắn màu đen tiến lại, đặt tay lên vai anh Mai, rồi quay về phía em bảo: “Em gái từ Pháp về chơi sao không giới thiệu?”. Em định đính chính rằng tuần trước em và thằng Mike lấy xe buýt ra sân bay Roissy, bay chuyến sớm nhất về Sài Gòn, không phải để chơi mà để đưa tang mẹ, nhưng lại thôi. Thâm tâm em thấy mình cũng như những người khác, đến đám tang mẹ chỉ để diễn, xét cho cùng diễn cũng là một kiểu chơi, cái này tiếng Anh tiếng Pháp đều công nhận.

Anh Mai kéo tay người phụ nữ để lên bàn, đặt vào một ly sâm banh rồi quay về phía em bảo: “Đây là miss Diễm Lan, nhân vật đặc biệt của bất động sản Sài Gòn”. Em gật đầu, lúc này mới thấy bên dưới váy ngắn đen là đôi tất dài trắng toát, còn dưới đôi tất dài trắng toát là đôi giày cao gót cũng trắng toát. Biết em nhìn, Diễm Lan ngả hẳn vào người anh Mai, bàn tay đặt trên bàn hóa ra cũng sơn móng trắng, may mà điểm thêm mấy hạt kim nhũ lấp lánh. Em làm một ngụm sâm banh, không biết có đủ say, nhưng bỗng thấy tầng thượng tối sầm, mấy thằng thanh niên lần lượt biến mất, Diễm Lan khập khiễng trên đôi chân bó bột, mười móng tay giống hệt mười con đom đóm bay lượn vui vẻ, lúc sà vào ngực anh Mai, lúc lại trốn xuống gầm bàn.

Anh Mai nhìn em nheo mắt bấm điện thoại. Ngay lập tức hai nhân viên nam chạy đến, cả hai dìu em xuống tầng trệt, ra tới cửa đã thấy xe sáu chỗ đỗ sẵn, tài xế riêng của anh Mai ngồi sau vô lăng. Bà giúp việc chạy theo, cũng đang say sâm banh, muốn về nhà uống nước khổ qua để giã rượu. Thằng Mike chạy sau cùng, tự leo lên ghế, sâm banh không say, nhưng thắc mắc “khổ quá” là nước gì nó có thử được không. Chẳng ai trả lời. Có lẽ vì không hiểu câu hỏi.

Đường nhựa chói chang. Mặt trời chói chang. Lá cây trắng xóa. Em nhắm mắt lại, đầu ong ong, tự nhủ làm sao trong vòng nửa tiếng đồng hồ mà Diễm Lan đã kịp thay tất trắng, giày trắng, sơn móng tay trắng và rất có thể cả móng chân trắng cũng nên, cái này không biết anh Mai có rõ.

Xe cứ đi được một đoạn lại dạt vào vệ đường, tài xế riêng của anh Mai bảo: “Đánh bỏ mẹ cái bọn miền Lam đéo biết lái xe”. Anh Mai thuê nhân viên đều dân gốc Bắc, cả bà giúp việc, xấp xỉ lục tuần, cán bộ phụ nữ nhà máy sứ Hải Dương mà lưu lạc vào đây lau nhà rửa bát cho anh Mai, mỗi lần xe dạt vào vệ đường là đưa tay chặn ngực, đòi nhảy xuống bắt xe ôm. Tài xế riêng không nói gì, kính râm  gườm gườm, rất ra dáng đất cảng Hải Phòng. Yên lặng đến nỗi nghe thấy cả tiếng điều hòa rầm rì.

Thằng Mike tự dưng bảo tối nay cho nó ngủ cùng phòng, nó “sợ” ngủ một mình lắm. Em nhìn sang bà giúp việc, lại nhìn lên tài xế, vẫn chỉ thấy kính râm  gườm gườm. Từ hôm mẹ mất, hình như người lớn trong nhà tránh dùng từ “sợ”. Nhà anh Mai, hôm em và thằng Mike đi, chưa kịp đếm xem tổng cộng bao nhiêu phòng. Nhà anh Mai, hôm em và thằng Mike về, anh Mai bảo bà giúp việc dọn cho hai phòng riêng, phòng nào cũng có buồng tắm và toa lét, ở giữa là một hành lang rộng, nên cách biệt hoàn toàn. Có lẽ vì thế mà thằng Mike “sợ”. Em im lặng. Bà giúp việc im lặng. Tài xế giơ tay bấm nút play. Quang Dũng hát: tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay, tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời, tay măng trôi trên vùng tóc dài…

Xe mấy lần loạng choạng. Có lẽ lái xe ngủ gật, nhưng không ai phát hiện ra, vì đeo kính râm và không có tiếng ngáy, dân đất cảng nổi tiếng lắm biệt tài. May mà cảnh sát giao thông giờ này cũng tranh thủ ngủ trưa. Và đường Sài Gòn nói chung là thẳng, ít cây xanh và vỉa hè nhỏ. Ba mươi tuổi, đám tang mẹ là dịp đầu tiên để em đặt chân tới Sài Gòn. Gọi điện vào máy cầm tay của em, anh Mai bảo: “Paris-Saigon khứ hồi, hết bao nhiêu anh sẽ hoàn lại”. Em im lặng. Anh Mai bảo tiếp: “Đi hai người, anh sẽ hoàn hai vé”. Nói xong, anh bỏ máy, để em suốt đêm thắc mắc ngoài sự tồn tại của thằng Mike, anh còn biết những gì về em.

Xe vượt qua tòa nhà trắng phau của khách sạn Rex, làm một vòng bùng binh Nguyễn Huệ. Ba giờ, ba mươi chín độ, không mây, độ ẩm 83%, lặng gió. Gặp đường Lê Thánh Tôn rẽ trái, cũng về được đến cánh cổng sơn đen nhà anh Mai. Em phải cù vào cổ, thằng Mike mới chịu mở mắt chui ra, vừa ngáp vừa hỏi nước «khổ quá» đâu. Chẳng ai trả lời. Có lẽ vì vẫn chưa hiểu câu hỏi.

Mặt trời chói chang. Lá cây trắng xóa. Thằng Mike đứng giữa sân. Tóc nó vàng hoe. Mắt nó xanh biếc. Ngày nó mới đẻ, ở vườn Luxembourg, người Paris hỏi em có phải là vú nuôi của nó. Cách đây ba hôm, trong Công viên Đầm Sen, người Sài Gòn hỏi em có phải là ô-sin của bố mẹ nó. Thằng Mike năm tuổi thì đặt chân tới cửa khẩu Tân Sơn Nhất. Quốc tịch chưa có, hộ chiếu chưa có, mỗi tấm ảnh 3×4 dán vào trang áp cuối hộ chiếu của em. Tên bố không có, họ bố không có, giấy khai sinh của nó phần bố bỏ trống, phần mẹ là em, họ là họ em, tên là Mike, đọc theo kiểu Pháp thành “mích”, đọc theo kiểu Anh-Việt thành “mai”. Mẹ chưa bao giờ gặp nó để em được biết giáo viên tiếng Pháp Sư phạm Hà Nội gọi nó theo kiểu Pháp hay kiểu Anh-Việt.

Anh Mai đón hai mẹ con ở chân máy bay, gọi nó là Mai-kơn, ngay lập tức nhân viên của anh đồng loạt gọi nó là Mai-kơn Jắc-xơn, bà giúp việc vừa rán nem vừa bảo cho thằng Ních-xơn ăn nem để thằng Ních-xơn không đánh bom phá hoại miền Bắc, để nhân dân miền Bắc hoàn thành chủ nghĩa xã hội. Thằng Mike hỏi chủ nghĩa xã hội là món gì, có thử được không. Ai cũng bật cười. Cái Ngọc đòi nghỉ học ở nhà đi chơi Đầm Sen và xem phim Hồng Kông với em Mike. Trong nhà mỗi nó là gọi đúng tên thằng Mike, nhưng mỗi thằng Mike là gọi sai tên nó. Không thành « gọc » thì lại thành « nọc ». Mọi người lại có dịp cười.

Anh Mai sáng nào cũng cầm một phong bì đô la ghé bệnh viện quốc tế trả tiền phòng tang lễ cho mẹ, sau đó về đưa cả nhà đi ăn sáng ở khách sạn, rồi cả nhà lại đưa cái Ngọc tới trường mẫu giáo Việt-Úc. Bà giúp việc cũng được đi cùng, nhưng hỏi ăn gì thì không dám nói, cuối cùng nằng nặc ăn thừa của thằng Mike và cái Ngọc. Còn tài xế thì bao giờ cũng ngồi lại trông xe, gọi là ngồi chứ thực ra là nằm, trên băng ghế sau cùng, nghe Quang Dũng hát “Còn tuổi nào cho em”, chưa tới nửa bài đã ngủ mất, hỏi ăn gì để cho người đem ra thì nhất định bảo đã ăn sáng ở nhà. Anh Mai lắc đầu. Anh không thể phục vụ điểm tâm cho chục đội công nhân xây dựng và hai chục nhân viên văn phòng. Ở nhà anh Mai một tuần, em biết mặt vài nhân viên mà anh Mai vẫn gọi điện thoại (vì chiếc mũ màu đen của em, vì món kem sô cô la của thằng Mike, vì chiếc va li gãy bánh của cả hai mẹ con, và vì nhiều thứ không sao nhớ nổi…), và tất nhiên tài xế riêng của anh, kè kè bên anh từ sáng tới tối, kính râm  gườm gườm, được cái ít nói, chỉ thỉnh thoảng mở mồm khoe giọng Hải Phòng.

Buổi sáng đầu tiên sau đám tang mẹ, anh Mai bảo hôm nay chiêu đãi cả nhà cao lâu. Trước khi đi, anh gọi điện tới trường mẫu giáo Việt-Úc xin cho cái Ngọc được nghỉ thêm một ngày nữa, vẫn lý do đưa tang bà nội. Anh cũng hứa tặng ban giám hiệu một CD sáu mươi phút song ngữ. Bên kia có tiếng cười to, có vẻ đã quá quen với các tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Mai Nguyễn. Cái Ngọc và thằng Mike nằn nì đòi mặc lại tang phục hôm qua, cho giống diễn viên điện ảnh Hồng Kông. Em lắc đầu. Anh Mai im lặng, lúc sau bấm điện thoại bảo nhân viên gọi thợ may đặc biệt, đặt cho cả nhà mỗi người một bộ màu trắng, cứ kiểu và số đo cũ mà áp dụng. «Giá cả không thành vấn đề, nhưng bốn tám tiếng nữa nhất định phải xong!».

Xe dừng lại trước một quán ăn ba tầng cũ kỹ, cây cổ thụ rất to trước cửa che gần hết một bảng hiệu màu đỏ, trên có mấy dãy chữ Hoa màu đen đã tróc sơn. Cửa xe vừa mở, mùi thơm nồng nặc xông vào. Nhìn ra góc đường, mới thấy biển đề Hải Thượng Lãn Ông, nổi tiếng là phố thuốc bắc của Chợ Lớn. Một thanh niên tóc dài chạy ra nhìn anh Mai chào nỉ hảo, bắt tay lái xe ra hiệu đỗ ngay trên vỉa hè, rồi quay về phía em cười hỏi: “Hà Nội a?”. Em không nhớ đã gật hay lắc, chỉ nhớ anh ta quay sang anh Mai, vừa nháy mắt vừa nói một tràng tiếng Hoa. Anh Mai đỏ mặt lắc đầu. Xe đỗ xong, nửa trước trên vỉa hè, nửa sau dưới lòng đường, ở giữa có dòng nước cống chảy róc rách, bên cạnh là gánh hàng của một ông già mũ phớt, ngồi ghế đẩu, không hiểu bán gì mà có hai thùng to đen và một cái nồi sùng sục trên hỏa lò than. Tài xế gườm gườm đi xuống mở cửa xe. Bà giúp việc lao ra đầu tiên, ọe một bãi trắng phau xuống cống. Hai đứa trẻ lao theo. Thanh niên tóc dài thoáng thấy mái tóc vàng hoe của thằng Mike thì tái mặt, liếc sang anh Mai anh Mai đi thẳng, liếc sang em, em ngó đi chỗ khác, cuối cùng liếc sang bà giúp việc, bị bà giúp việc lườm cho một cái cháy má. Thằng Mike thản nhiên cầm tay cái Ngọc đi vào. Một tuần ở Sài Gòn nó cũng kịp học vài điều hay ho.

Mặt tiền hẹp, càng vào sâu càng ngoằn ngoèo, ánh sáng lờ mờ tựa mê cung. Trong mê cung ấy em tưởng tượng hàng trăm con người đang ăn uống nấu nướng vui vẻ, toàn những món những vị không có trong tiếng Việt, không ai buồn biết tới cả thang máy lẫn tai nạn thang máy. Người ta vẫn bảo Hoa kiều coi tiện nghi là phù phiếm, coi ẩm thực là trọng sự. Anh Mai một tay dắt cái Ngọc, một tay dắt em, em dắt thằng Mike, thằng Mike lại nắm tay bà giúp việc. Cả nhà một hàng ngang năm người bám vào nhau. Đi dưới đất đã khó, lúc leo cầu thang còn khó hơn. Loạng chà loạng choạng, mấy lần suýt ngã. Đi qua một loạt phòng ăn thông thống, ám khói và thấp tè, cuối cùng cũng đặt chân được vào một phòng trần cao, tường trắng, cửa sổ buông rèm. Em chợt nghĩ có khả năng trước đám tang mẹ một hôm, mặc dù rất bận, anh Mai đã bấm điện thoại bảo nhân viên gọi điện đặt một phòng « đặc biệt » trần cao, tường trắng, cửa sổ buông rèm. Rồi có thể trước khi đặt máy, anh cũng nói câu này: « Giá cả không thành vấn đề, nhưng bốn tám tiếng nữa nhất định phải xong !”

Em nhìn anh Mai. Anh Mai nhìn vào góc phòng, góc phòng có mấy ngọn xanh uốn hình lò xo, phương Đông gọi là cây phát tài, trồng trong chậu đất, phương Tây gọi là lucky bambou, trồng trong lọ nước, cây của em ốm yếu vàng hoe có lẽ đang khô cong bên cạnh một cửa sổ nhìn ra đồi Montmartre.

Cả nhà ngồi xuống năm chiếc ghế, lưng ghế khảm trai, khắc hình đôi chim sẻ tha mồi về tổ. Cái Ngọc và thằng Mike quay lại nhìn nhau, kêu chiêm chiếp. Bà giúp việc mặt tái xanh, chạy ra ngoài tìm toa lét mấy lần, bây giờ ngồi tại chỗ ôm ngực, cổ họng giật cục liên tục. Hai đứa trẻ bắt đầu kêu đói. Nhân viên phục vụ mang ra một mâm gỗ, trên đặt năm bát sứ, mỗi bát là một con gia cầm hồng hồng, mắt nhắm nghiền, nằm trong một chất nước sanh sánh.

Thằng Mike nhìn em. Em nhìn cái Ngọc. Cái Ngọc nhìn anh Mai. Anh Mai mỉm cười. Nhân viên phục vụ cũng mỉm cười: “Xin mời xơi yến huyết cho nóng”.

Hai đứa trẻ òa lên khóc, bảo không ăn chim sẻ, rồi nhất định đứng lên đòi về. Nhân viên phục vụ vẫn mỉm cười, chỉ thằng Mike bảo: “Bạch tạng ăn yến huyết là phải lắm”.

Thằng Mike không phản ứng, có lẽ không hiểu cả bạch tạng lẫn yến huyết là gì, nhưng cái Ngọc vớ chiếc đũa trên bàn đòi chọc mù mắt nhân viên phục vụ. Dù thế nào cũng phải công nhận từ vựng Hán-Việt của nó phong phú hơn nhiều so với các trẻ em cùng tuổi, học được ở trường mẫu giáo quốc tế chắc là không, nhưng nhiều phần trăm là nhờ điện ảnh Hoa ngữ. Ngay sau đó, em phải cùng bà giúp việc lao tới giữ tay nó lại. Nhân viên phục vụ đặt mâm gỗ lên bàn, chạy ra khỏi phòng, vừa chạy vừa lấy hai tay che mắt.

Hai đứa trẻ tiếp tục khóc đòi về. Anh Mai đành đứng lên giải quyết. Anh gọi cho cái Ngọc món phở xào, gọi cho thằng Mike món nem rán. Nhà hàng phải cử người mang cặp lồng đi xe máy cả cây số mới mua được. Chợ Lớn chỉ phục vụ món Hoa. Thanh niên tóc dài lúc nãy xung phong đi mua, mua xong lại mang lên tận phòng, xoa đầu thằng Mike khen đẹp trai như tài tử Brad Pitt, không biết có phải để chuộc lỗi.

Trong lúc đợi, cái Ngọc vẫn chưa nguôi cơn giận, tay lăm lăm chiếc đũa, rình nhân viên phục vụ vào để chọc cho mù mắt, nhưng sau nửa tiếng đói lả, vừa ngửi thấy mùi phở xào đã quên hết. Nhân viên phục vụ lại được dịp hỏi cả nhà có nhu cầu thưởng thức cổ nhạc, yến huyết mà kèm cổ nhạc mới là sành điệu. Thằng Mike hỏi “cổ nhạt” là món gì, có thử được không. Em và anh Mai cùng cười.

Bà giúp việc bưng bát húp một miếng, than ngày mai có chết cũng thỏa lòng. Em ăn thử một thìa thấy thơm thơm, tanh tanh, nhưng có vẻ cũng không hơn bồ câu tần ở ngõ Cấm Chỉ. Bồ câu tần, em nếm một lần, lâu lắm rồi, trước ngày đi Pháp.

Cuối cùng anh Mai và bà giúp việc mỗi người ăn hai bát, vì phải ăn thêm suất của thằng Mike và cái Ngọc. Trên đường về nhà, anh Mai vẫn không nói gì, thỉnh thoảng lại mỉm cười. Sáng nay, anh không mặc com lê màu ghi sáng mà mặc quần jeans và áo cá sấu kẻ ngang. Bốn mươi lăm tuổi, anh vẫn còn phong độ. Hai lần ly dị và một vị trí đặc biệt trong thị trường bất động sản Sài Gòn. Mười lăm năm trước, anh cao lòng khòng và đi xe cuốc. Chưa một lần lấy vợ và dạy hợp đồng toán-lý trường đại học Cần Thơ. Mười lăm năm, hai anh em không gặp nhau. Em không thể không nhớ tới câu hỏi từng khiến em một đêm mất ngủ: ngoài sự tồn tại của thằng Mike, anh Mai còn biết những gì về em?

 

 

Đọc tiếp


Leave a comment

Eté indien

Paris cả tuần mưa gió não nùng. Nhưng thứ Sáu thì đẹp lạ lùng. Bên này gọi là “été indien” mà ai đó dịch ra tiếng Việt là “hè rớt”.

Bạn bè tới cổ vũ rôm rả. Anh Đỗ Kh từ Mỹ sang, bấm máy ảnh tanh tách. Em Dạ Thảo Phương xinh đẹp phát biểu nhiệt tình. Và khách hàng ghé Phénix hóa ra không phải chỉ để mua vú ngực “báu vật” của Mạc Ngôn. Dịch giả, tác giả, độc giả tranh luận say sưa. Nhân viên nhà sách nói  hiếm có buổi ra mắt nào đông vui như thế. Cocktail có vẻ rất ngon (nem, há cảo, cá hồi hun khói, phó mát, rượu vang đỏ và nhiều thứ nữa …) nhưng chẳng có lúc nào thử vì phải ký sách.

Hẹn tái ngộ Phénix tháng 3 tới: ra mắt “Thang máy Sài Gòn” bản tiếng Pháp.

Nhà XB mới này chăm sóc mình rất tử tế.

Áo đỏ chứng tỏ nhà quê

Được rồi, tối nay sẽ bảo hắn: Em mà cáu là em “mất tích”!

Bọn Việt Nam bé người mà kinh phết, hóa ra viết tiểu thuyết để nói xấu bọn mình !!!

Chẳng hiểu ở Pháp nhà văn được đón tiếp thế nào chứ chị Thuận về VN thì các báo lá cải cũng đăng tin.

“T. mất tích”! Thế là lại có việc cho thám tử tư!


Leave a comment

Thang máy Sài Gòn (3)

đọc chương 2 ở đây

Paris

Thứ Hai. Cô nhìn căn phòng lần cuối trước khi tắt đèn. Phòng không có gì ngoài bàn ghế nhựa và một chiếc bảng treo tường mà cô đã sử dụng bao lần cũng chẳng biết có bằng nhựa hay không. Trên bảng vẫn còn một bài tập chép gồm một đoạn thơ ngắn của một bài thơ dài đã hiện ra trong trí nhớ của cô lúc nãy, khi cô chạy từ bến tàu điện ngầm về đây, dưới một cơn mưa nặng hạt:

Anh vẫn tìm em qua chiều thứ Hai sạch

Qua đôi môi mời sạch

Qua Hồ Tây mây sạch

Qua nhà đôi ngồi sạch

Qua thơi thới ngày sạch

Qua đôi giày sạch

Tìm em

Cô đóng cửa phòng lại rồi theo cầu thang gỗ đi lên. Một buổi dạy tiếng Việt vừa kết thúc. Học trò là hai phụ nữ lớn tuổi đã theo học từ ngày đầu mở lớp. Cả lớp bây giờ chỉ còn lại họ. Hôm nay, cô không muốn mở sách giáo khoa, nhưng chưa biết dạy gì ngoài việc cho tập chép đoạn thơ trên. Sau khi chép xong, ba người ngồi nhìn nhau. Rồi một trong hai học trò đề nghị thử dịch sang tiếng Pháp. Cô gật đầu. Thế là nửa giờ tiếp theo, trong khi hai học trò đánh vật với hai cuốn từ điển Việt-Pháp dày như hai viên gạch, cô ngồi nhớ lại lần đầu tiên đọc bài thơ này, đã bất ngờ thế nào trước sự giản dị của thơ ca. Lúc đó, cô vừa đặt chân tới Pháp, ngày ngày ghé trung tâm tìm việc cho sinh viên nước ngoài, ngày ngày thất vọng ra về, thứ Hai nào cũng nặng trĩu nước mưa. Lúc đó, cô đã thử viết truyện ngắn, tối tối ngồi gõ máy tính, gõ mãi gõ mãi vẫn thấy văn chương là cõi mơ hồ.

Cô đứng dưới một mái hiên nhỏ trên vỉa hè, cách cửa hàng mỹ nghệ mấy số nhà. Ra khỏi lớp tiếng Việt, cô đã định chạy một mạch tới bến tàu điện ngầm, nhưng mưa càng to thì đường càng trơn. Mới hơn tám giờ tối mà trung tâm thành phố đã vắng tanh. Từ căn hộ sau lưng, vọng ra một giọng nam ồm ồm: “Maria, anh ngàn lần xin lỗi em!”. Tiếp theo là một đoạn nhạc ẻo lả, rồi một giọng phụ nữ cũng ẻo lả cất lên: “Octavio, anh không bao giờ có thể tưởng tượng em đã đau khổ thế nào, những ngày vắng anh”. Tiếp theo nữa là một đoạn nhạc ẻo lả khác, rồi có tiếng sụt sịt, hình như của cả đàn ông lẫn đàn bà… Cô ngước nhìn tòa nhà bên kia đường, cửa kính các căn hộ tầng một và tầng hai loang loáng màn hình vô tuyến, đối diện là mấy cái bóng ngồi bất động. Ngay buổi học đầu tiên, một học trò đã cảnh báo rằng tối thứ Hai thường có phim hay, và đề nghị cô đổi lớp học sang ngày khác trong tuần. Vì cô lắc đầu nên sau hai buổi, anh ta tự động biến mất. Tối hôm đấy, giở chương trình vô tuyến cả tuần ra xem, cô không thể không giật mình, ngày thường chẳng trò giải trí nào cạnh tranh nổi vô tuyến truyền hình nữa là tối thứ Hai: tối thứ Hai vô tuyến truyền hình cạnh tranh lẫn nhau, thế nên khán giả tha hồ chọn phim. Và cũng từ đấy, cô thấy có cảm tình hơn với những học trò đến lớp vào tối thứ Hai. Ít ra thì họ cũng không dễ trở thành nạn nhân của vô tuyến truyền hình. Nhưng số ấy ngày càng mai một. Đầu tháng Chín vừa rồi, cô phải nằn nì rất lâu thì bà Wang mới không hủy buổi học tối thứ Hai. Cô có cảm giác chấp nhận điều ấy có nghĩa là chính cô đã chấp nhận đầu hàng vô tuyến truyền hình.

Lớp tiếng Việt của cô mở ra cách đây hai năm, đầu tiên bà Wang chỉ muốn tận dụng cái tầng hầm bỏ không của cửa hàng mỹ nghệ, nơi cô một tuần vài ngày làm nhiệm vụ bán hàng. Giá thuê nhà nghe nói là đắt cứa cổ trong khi đồ châu Á thời điểm đó đã bắt đầu hết mốt. Bà Wang bao giờ cũng tỏ ra là người sòng phẳng, ngay lần gặp đầu tiên đã giao hẹn: “Bán hàng, dạy học, nghỉ buổi nào trừ lương buổi ấy, nghỉ nửa buổi trừ nửa buổi”. Cô vào dạy được một thời gian, thấy trên cửa kính dán áp phích quảng cáo dạy tiếng Hoa. Sau khi dọn dẹp mươi cái lọ độc bình nhái đời Khang Hy, bà Wang cũng tạo được một góc học trong chính cửa hàng mỹ nghệ. Không ngờ nhu cầu tiếng Hoa lớn gấp mấy lần tiếng Việt, học trò tới đông đến nỗi ngồi cả vào dãy ghế khảm trai bày bán cạnh đấy mà vẫn không hết. Bà Wang nghĩ ngay tới việc mở thêm lớp, chiêu thêm trò. Mỗi tuần hai tối cô tới dạy, tối nào cũng thấy có một lớp tiếng Hoa ngay trên đầu. Nghe nói các tối khác trong tuần đều chật cứng. Thỉnh thoảng nếu cô và giáo viên tiếng Hoa có bất ngờ gặp nhau thì chỉ dừng lại chào một câu. Chẳng ai biết tên ai. Quan hệ không có gì đặc biệt. Tiếng ồn vẫn còn ở mức độ chấp nhận được, trừ những khi lớp trên kia học hát, và chỉ độc một bài “Đông phương hồng, mặt trời lên, hu ớ hai da”.

Lúc này, bước trên vỉa hè nhớp nháp nước mưa, cô lại nghĩ từ bây giờ trở đi, tối thứ Hai cô sẽ không bao giờ còn bị bài « Đông phương hồng » ấy ám ảnh. Cũng chẳng còn dịp nào để hỏi “hu ớ hai da” nghĩa là gì. Học sinh cả tiếng Việt lẫn tiếng Hoa của thứ Hai đang lần lượt đầu hàng vô tuyến truyền hình. Lớp tiếng Việt chỉ còn hai phụ nữ lớn tuổi. Lớp tiếng Hoa hôm nay vắng đến nỗi giáo viên đã quyết định cho nghỉ ngay từ đầu. Học hát đã thuộc về quá khứ. Hai phụ nữ lớn tuổi không biết còn trụ được bao lâu?

Cô quay đầu tìm xem họ có đứng tránh mưa dưới một mái hiên bên cạnh. Nhưng cả một đoạn vỉa hè chỉ còn lại những thân cây tối om.


Leave a comment

Một người bạn đã đi xa

Mười bảy năm trước, Janine đến học tiếng Việt với tôi. Dịch các tác giả Việt Nam sang tiếng Pháp là một kế hoạch khó tin đối với một người chưa biết một câu tiếng Việt nào và không đủ trẻ để có thể học cái ngôn ngữ không giống ai này. Nhưng tôi với Janine nhanh chóng thân nhau, vì nhiều thứ, trong đó có tâm hồn trong sáng bay bổng của bà và niềm say mê văn chương của cả hai chúng tôi. Chín tháng sau, Janine khăn gói đi Việt Nam. Sau đó tôi hầu như không có tin tức của bà, nhưng thỉnh thoảng ra hiệu sách lại thấy thêm một tác phẩm Việt Nam được xuất bản ở bên này, với cái tên Janine Gillon là đồng dịch giả hay đôi khi là người hiệu đính, trong đó có tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường (Des fantômes et des hommes), tiểu thuyết Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng (Le fabuleux destin de Xuan le rouquin) và các tập truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều (La fille du fleuve, La petite marchande de vermicelles), Hồ Anh Thái (L’Ile aux femmes), Bùi Ngọc Tấn (Une vie de chien) …

 

 

Sau Georges Boudarel thì tôi chưa gặp một người Pháp nào yêu Việt Nam như Janine Gillon. Dường như với cả hai người, đó là một tình yêu vô điều kiện, theo kiểu : dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân. Và có lẽ cũng vì thế mà hai người rất mến trọng nhau, thậm chí còn hơn cả mến trọng : một lần trong lúc trò chuyện tay đôi cách đây hai năm, Janine đỏ mặt kể với tôi là Georges đã cầu hôn bà không lâu trước khi ông qua đời. Tôi bất ngờ và không tránh được tò mò, liền hỏi: « Bà trả lời thế nào ? Gật đầu chứ ? ». Đỏ ửng tới tận chân tóc, bà lườm tôi: « Đùa à, bọn tao trẻ trung gì nữa ». Tôi trêu : « Nhưng bà không thấy Georges đẹp trai và rất ga lăng? ». Janine lắc đầu : « Nhưng gần bốn chục năm sống một mình tao quen rồi », với một giọng trầm ngâm khó hiểu, chẳng ra nuối tiếc cũng không hẳn dửng dưng. Tôi im lặng. Ai cũng biết Janine góa chồng lúc chỉ ngoài ba mươi và từ đó ở vậy nuôi  hai cô con gái.

Cuối tháng Giêng năm 2009 tiểu thuyết Chinatown của tôi do Đoàn Cầm Thi dịch, xuất bản ở Pháp. Tháng Hai, tôi nhận được điện thoại của Janine. Bà vui lắm. Bà bảo : « Tao hoàn toàn bất ngờ, tao vẫn biết mày viết văn, nhưng trước đây tao không đọc được ». Tôi sung sướng chẳng nói lên lời. Bà lại bảo tiếp : « Tao muốn phỏng vấn mày để viết một bài về Chinatown và Đỉnh cao chói lọi của Dương Thu Hương cũng ra dịp này ». Tôi đồng ý ngay. Cuối tuần, bà đến nhà mang theo một chậu hoa nhỏ sặc sỡ cho tôi và một túi kẹo to cho hai thằng bé con tôi. Rồi bà đặt câu hỏi, tôi trả lời. Bà ghi chép và làm việc một cách cực kỳ chuyên nghiệp và mẫn cảm. Tuần sau, bà gửi qua email cho tôi bài báo, với đề nghị « chỉ được đọc chứ không được sửa ». Tôi sẽ không bình luận phần Janine viết về tác phẩm của Dương Thu Hương, đó là ý kiến cá nhân của bà và cũng vì vậy mà bà bị đôi chút hiểu lầm không đáng có. Phần bà viết về Chinatown, tôi đặc biệt trân trọng. Đương nhiên tôi cũng cảm nhận được rằng có lẽ đôi phần nhờ tình cảm thân thương với tôi mà bà dành cho tác phẩm của tôi những lời lẽ tốt đẹp như thế.

Đầu năm sau đó, tôi viết xong một tiểu thuyết mới. Lần đầu tiên tôi viết một tác phẩm có vẻ lằng nhằng, rối rắm, với khá nhiều nhân vật và nhiều chi tiết ảo tưởng. Tôi hoang mang lắm, đem chuyện kể với Janine. Bất ngờ bà bảo : « Hay tao với mày thử dịch sang tiếng Pháp xem sao ? » Tất nhiên là tôi đồng ý. Chúng tôi bắt tay vào làm ngay lập tức. Tôi cứ dịch khoảng chục trang lại gửi cho bà, bà chỉnh sửa rồi gửi lại cho tôi, tôi đọc lại nếu thấy không ổn thì trao đổi rồi lại chỉnh sửa, trao đổi. Ròng rã hơn sáu tháng trời. Không biết bao nhiêu công sức. Có những lần đi nghỉ bà cũng mang máy vi tính theo để làm việc. Cuối cùng bà bảo : « Tháng Mười này phải dịch cho xong, không thì tao bỏ đấy». Tôi gật đầu, bà không còn nhiều thời gian và muốn dành những năm sau cùng cho nhiều việc khác nhau. Việc nào bà cũng làm hết mình và say sưa. Tôi còn nhớ, mươi ngày sau khi bản dịch hoàn tất, bà đột ngột viết mail cho tôi trong đêm muộn. Hóa ra bà đề nghị mấy tên tác phẩm bằng tiếng Pháp. Cái tựa « L’Ascenseur de Saigon » là do bà nghĩ ra. Tôi ưng ý đến độ đổi tựa tiếng Việt thành « Thang máy Sài Gòn».

Giờ đây đọc lại những dòng chữ chúng tôi dịch cùng nhau, thậm chí là viết cùng nhau, trong đầu tôi tràn ngập hình ảnh Janine, luôn luôn với một chiếc váy ngắn hơn đầu gối và một nụ cười vừa tinh nghịch vừa dịu dàng. Nhưng tất cả dường như đang lùi xa.


2 Comments

Thang máy Sài Gòn (2)

Chương 1 ở đây

Sài Gòn

Đêm mưa tầm tã. Đêm mưa trái mùa năm 2004, mẹ em qua đời, vì một tai nạn phi lý, có lẽ chưa kịp có tên trong tiếng Việt. Anh Mai, anh trai duy nhất của em, xây ngôi nhà không biết thứ bao nhiêu, vẫn cao tầng, nhưng lần này quyết định lắp thang máy tư gia, nghe nói là đầu tiên của cả nước. Để đánh dấu sự kiện này, anh mua vé máy bay mời mẹ vào Sài Gòn. Anh bảo, mẹ phải bấm nút khánh thành thang máy, đi một vòng từ tầng trệt lên tầng thượng, quay trở lại, thì khách mới có quyền sử dụng. Anh mời cả truyền hình và báo chí tới dự. Không khó hình dung những kịch bản kiểu này, em vẫn dành một buổi tối, ngay sau đám tang mẹ, để xem hết một CD sáu mươi phút cùng một tập mấy trăm bức ảnh. Xem xong, lại ngồi xem tiếp một CD sáu mươi phút cùng một tập mấy trăm bức ảnh nữa, về chính đám tang mẹ, mà bản thân em đã chứng kiến từ đầu tới cuối.

Mẹ bao giờ cũng khác thường, từ nhỏ em đã nhận thấy như vậy, trong đám đông hay đứng một mình, dù là họp đảng ủy hay họp khu phố, dù là nhận bằng khen hay trao phần thưởng, và bây giờ, trên bàn thờ, giữa những người đã khuất, những người thân của mẹ, ông bà nội ngoại, anh chị của mẹ… Và cả bố nữa. Anh Mai đã cố tình để hai tấm chân dung sát nhau, trước mặt bày bình hoa hồng đỏ, thế nhưng bố và mẹ vẫn cứ như những kẻ xa lạ, như chưa từng cùng đăng ký kết hôn, chưa từng sống với nhau hai mươi năm, chưa từng có hai đứa con (là anh Mai và em) rồi hai đứa cháu (là cái Ngọc con anh Mai và thằng Mike con em). Suốt buổi tối, em đã thử nhiều lần, những lúc còn tỉnh táo và cả khi bất ngờ chợp mắt, mà không sao hình dung lại cảnh gia đình ngày trước, khuôn mặt mẹ thì rõ mồn một, còn khuôn mặt bố liên tục phải nhờ đến sự trợ giúp của tấm chân dung, tấm chân dung giữa hoa hồng đỏ và hương khói nghi ngút. Bố mất trước mẹ mười năm.

Bữa cơm tối có hai anh em và hai đứa trẻ. Anh Mai bảo: Thanh tra hãng thang máy Đức gửi sang tìm mãi vẫn chưa ra nguyên nhân tai nạn. Họ bảo không hiểu tại sao buổi khánh thành, thang máy chạy êm, ba hôm sau vẫn chạy êm, sau tai nạn vẫn chạy êm, thế mà mẹ lại bị rơi vào khoảng trống, từ tầng thượng xuống tận tầng trệt, nơi hộp thang nằm lì như không nhận được lệnh nào. Anh thì không hiểu tại sao đêm muộn như thế, trời mưa to, mà mẹ lại ở tầng thượng, và ở trên đấy khá lâu. Anh nhớ là tối ấy, anh nằm ở xa lông xem thi hoa hậu từ sớm rồi ngủ luôn tại đi văng, cái Ngọc thì ở nhà mẹ nó, nhân viên về hết chỉ còn mỗi bà giúp việc, nếu có lên các tầng trên để lau dọn thì cũng chỉ chín giờ tối là xuống phòng riêng đi nghỉ. Trong buổi hỏi chuyện của thanh tra nước ngoài, bà ấy cũng khai như thế, và bằng chứng là hộp thang đã dừng lại ở tầng trệt, nơi có phòng riêng của bà ấy. Vậy có nghĩa là mẹ đã sử dụng thang máy để lên tầng thượng trước cả chín giờ tối, sau đó đến lượt bà giúp việc lấy thang máy để quay trở về tầng trệt, rồi khoảng hai giờ đêm khi mẹ bấm thang máy để đi xuống, cửa mở ra, mẹ bước vào thì hộp thang lại không có ở đó. Tai nạn đã xảy ra vào hai giờ đêm. Hai giờ đêm, bác sĩ pháp y đã nhận định mẹ mất vào hai giờ đêm. Thế từ chín giờ tối tới hai giờ đêm mẹ làm gì trên tầng thượng?

Em im lặng. Em cũng không hiểu mẹ làm gì trên tầng thượng từ chín giờ tối tới hai giờ đêm? Người ta có thể làm gì trên tầng thượng từ chín giờ tối tới hai giờ đêm? Có gì để mà làm trên tầng thượng từ chín giờ tối tới hai giờ đêm?

“Thi thể của cụ nhà rơi từ tầng thượng xuống tầng trệt nát bấy, chỉ còn mỗi khuôn mặt là nguyên vẹn”, bà giúp việc nhà anh Mai kể với em về tai nạn của mẹ như vậy. Em cho là bà ấy cũng không biết gì hơn, vì tai nạn xảy ra theo nhận định của bác sĩ pháp y là vào hai giờ đêm, lúc mọi người đều đã ngủ say. Nhưng hai giờ đêm hay mấy giờ đêm thì có thay đổi được gì. Mẹ đã mất rồi. Em không thể không hình dung cảnh mẹ rơi từ tầng thượng xuống tầng trệt, trong khoảng không hình ống tối tăm của thang máy. Và em có cảm giác như trong lúc rơi, mẹ đã cố hết sức ngẩng cổ lên, và dùng cả hai tay quấn quanh đầu để tránh cho khuôn mặt bị tổn thương, tuy rằng như thế thì đau hơn rất nhiều, vì không thể ngất đi ngay lập tức, mà phải tiếp nhận cơn đau cho tới tận lúc não ngưng hoạt động hoàn toàn.                       

Cũng theo bà giúp việc thì vì thi thể nát bấy của mẹ mà thợ may và các nhân viên tang lễ phải làm việc liên tục ba ngày, trong khi đó chuyên gia hóa trang chỉ mất có mấy tiếng đồng hồ. Lúc em vào tới nơi thì khuôn mặt mẹ đã được trang điểm kỹ, có cả phấn nền, có cả mascara, những thứ bình thường mẹ không sử dụng bao giờ. Thi thể mẹ, mặc áo dài gấm đen, xung quanh phủ hoa hồng đỏ, được đặt trong quan tài kính có gắn điều hòa và máy khử mùi, quan tài kính lại được đặt trong nhà tang lễ bệnh viện quốc tế. Anh Mai chỉ đồng ý cho khách tới viếng khi mọi thứ đã xong xuôi, ngay cả em cũng phải chấp thuận điều kiện ấy. Thực ra thì tự trong lòng, em cũng chỉ phản đối một cách yếu ớt. Em cũng sợ phải chứng kiến tận mắt một thi thể nát bấy, của mẹ hay của ai cũng vậy. Tưởng tượng dù sao cũng đỡ sợ hơn, nhất là trong những trường hợp như thế này. Nhưng cũng có lẽ vì thế mà khi nhìn thấy mẹ trong quan tài kính, nguyên vẹn, áo dài gấm và hoa hồng đỏ, phấn nền và mascara, em có cảm giác mẹ đang diễn vai người chết và không khóc được tiếng nào. Mà khóc sao được khi phòng tang lễ bệnh viện quốc tế sạch sẽ lịch sự, nhân viên phục vụ tận tụy tươi cười, ngay cửa ra vào đã treo biển song ngữ Anh-Việt: TRÂN TRỌNG ĐỀ NGHỊ KHÔNG GÂY ỒN ÀO MẤT TRẬT TỰ.

Đám tang mẹ một tay anh Mai đảm trách. Khách tới dự phần lớn là bạn làm ăn của anh, trang phục đen từ đầu tới chân, mỗi người khệ nệ một vòng hoa khổng lồ, xe hơi nêm chặt cổng nghĩa trang. Một đội kèn đồng tám com lê trắng đồng phục như tám anh em ruột. Chục thanh niên cầm máy ảnh bấm lia lịa, không hiểu thợ ảnh hay nhà báo. Chục thanh niên khác, cầm điện đài di động đi đi lại lại, không hiểu là nhân viên của anh Mai hay bảo vệ phường. Một khu đất bề thế, xung quanh bao tường dày, ở giữa xây sẵn một nhà mồ bằng đá hoa cương xanh, hai bên có hai cây bách trăm tuổi, chính giữa là một lư hương cao xấp xỉ đầu người. Quan tài kính đặt trước lư hương, đầu quay về hướng Đông, chân xuôi theo hướng Tây. Mặt trời buổi sớm chênh chếch. Mây nhè nhẹ trôi. Hoa hồng đỏ thoang thoảng. Amazing Grace. Kính trong suốt và nắng tinh khôi, mẹ hiện ra phi thường trong ánh hào quang bí hiểm của cái chết.

Em và anh Mai đứng đối diện với quan tài, tay chắp lại, mặt nghiêm nghị, đầu hơi cúi. Anh áo dài đen quần đen, em áo dài đen quần đen, cùng kiểu, cùng màu, cùng chất liệu với mẹ, cùng thợ may đặc biệt do anh Mai gọi đến, cắt đo cho mẹ trước, sau tới lượt em và cuối cùng là anh Mai. Sáng sớm, em mặc vào, anh Mai nheo mắt bấm điện thoại. Mười lăm phút sau thợ hóa trang đến cùng đồ nghề, khuôn mặt em được trang điểm kỹ, có cả phấn nền, có cả mascara, những thứ bình thường em không sử dụng bao giờ. Anh Mai nheo mắt lần nữa, lại bấm điện thoại. Mười lăm phút sau nhân viên của anh mang về một chiếc mũ màu đen, để trong hộp cũng màu đen, không hiểu mua hay đặt lúc nào mà vừa khít đầu em. Cái Ngọc và thằng Mike cũng có mặt trong đám tang, đứng sau lưng em và anh Mai, trang phục như trang phục của em và anh Mai thu nhỏ. Rất có thể là thợ may đặc biệt, vì đã quá bận với trang phục của người lớn, chẳng còn thời gian để tự tay cắt đo cho hai đứa trẻ, nhưng đã chỉ đạo đám thợ phụ để trang phục của cả nhà, người sống cũng như người chết, đều cùng kiểu, cùng màu, cùng chất liệu. Mọi thứ được làm nhanh gọn và chính xác, như thể cả một ê kíp trợ lý đang đứng sau lưng anh Mai, chỉ đợi anh bấm điện thoại là răm rắp thực hiện.

Khi khách đến dự đã khá đông thì một nhóm quay phim gồm ba người từ từ tiến vào. Người vạm vỡ nhất cũng là người trẻ tuổi nhất vác trên vai máy quay to, ống kính để mở và tiếp tục phát ra những tiếng kêu khe khẽ. Có vẻ như cả nhóm vừa làm một vòng nghĩa trang để quay cảnh phụ, bây giờ đã sẵn sàng cho cảnh chính. Người bé nhỏ nhất cũng là người lớn tuổi nhất rất có dáng thư ký, lăm lăm trong tay cuốn sổ ghi chép và điện thoại di động, thỉnh thoảng ngẩng lên trao đổi với người thứ ba – cao, gầy, ria con kiến, đội mũ phớt và ngậm tẩu, không nghi ngờ gì nữa chính là trưởng nhóm. Trưởng nhóm chỉ tay về phía quan tài, nhà quay phim trẻ lập tức tiến lại, chĩa ống kính thẳng vào khuôn mặt mẹ, quay mấy phút liền, rồi bắt đầu thả ống kính, quay toàn thân, và sau đó còn quay những gì nữa thì em không rõ lắm vì đầu liên tục ở vị trí hơi cúi. Ai đó chợt nắm tay em, hóa ra thư ký, có lẽ quá bé nhỏ nên ra hiệu cho em cúi đầu thêm chút nữa, để có thể nói thầm vào tai em rằng bây giờ sẽ tới lượt em, nghĩa là khuôn mặt em sẽ trở thành tâm điểm của ống kính. Em chưa kịp phản ứng thì thư ký giải thích rằng em sẽ phải giữ làm sao để mắt không chớp trong vài phút liền, để lên hình không giống đang ngủ gật, rằng trường hợp của em nên thận trọng vì chiếc mũ màu đen hắt bóng tới tận môi trên. Em im lặng gật đầu. Đây là lần đầu tiên em đối diện với máy quay phim, lại máy quay phim chuyên nghiệp. Em tưởng tượng, thư ký bé nhỏ phải đi một vòng hoặc vài vòng, để dặn dò vào tai tất cả những ai sẽ có vinh dự trở thành tâm điểm của ống kính như em vừa rồi. Tất nhiên có những người hiểu ngay và có những người không hiểu gì cả, thế là sẽ phải nhắc lại, và không được nói to sợ ảnh hưởng tới không khí chung. Có khi một câu mà phải nói tới cả trăm lần không biết chừng. Thư ký trường quay hóa ra là một nghề không dễ chút nào.

Khi nắng vẫn còn chưa gắt, mây vẫn nhè nhẹ trôi và hoa hồng tỏa hương ngào ngạt, Amazing Grace chuyển sang Hoài Niệm, lễ hạ huyệt bắt đầu. Khoảng năm phút thì nhạc hết, anh Mai đọc một điếu văn ngắn, đại khái gia đình chúng tôi vô cùng biết ơn sự quan tâm của quý vị đối với thân mẫu của chúng tôi, thân mẫu của chúng tôi sinh thời ưa sống giản dị nên xin được ra đi trong yên tĩnh, thương tiếc nên giữ trong lòng, sầu bi là điều không cần thiết. Diễn văn kết thúc, cử tọa im phăng phắc (có cảm giác còn nghe thấy cả tiếng xè xè của máy quay phim), có lẽ một phần bởi đề nghị trực tiếp của anh Mai, nhưng em cho rằng phần lớn là do khách tới dự quá ấn tượng khi nhìn thấy mẹ trong quan tài kính. Ai nấy tự động xếp những vòng hoa khổng lồ vào một góc, sau đó đứng thành mấy hàng song song, tay chắp lại, mặt nghiêm nghị, đầu hơi cúi, chỉ đợi anh Mai đọc xong điếu văn là nối đuôi đi ra chiêm ngưỡng mẹ một lần nữa. Làm một vòng quanh miệng huyệt, trong tiếng kèn đồng vừa quay về Amazing Grace, mỗi người dừng lại một lát, ném xuống một bông hồng đỏ, một nắm đất con con, quay sang bắt tay anh Mai rồi bắt tay em, im lặng, đầu vẫn tiếp tục hơi cúi cho tới lúc về lại chỗ của mình. Cử chỉ, vẻ mặt đều tăm tắp như thể đã được tập luyện trước đó bao lần.

Anh Mai bắt tay từng người nói cám ơn, em cũng bắt tay từng người nói cám ơn. Anh Mai gật đầu, em cũng gật đầu. Anh Mai gọi người ấy là chị, em cũng gọi là chị, gọi là bà, em cũng gọi là bà, gọi là ông, em cũng gọi là ông. Tóm lại, anh Mai làm gì, em làm nấy. Chỉ có lúc anh đọc điếu văn là em phải đứng một mình, hết nhìn mẹ trong quan tài kính lại nhìn hoa hồng đỏ, nhìn đất mới đào, nhìn ổ kiến lửa cạnh gốc cây bách, đầu vẫn hơi cúi, mặt vẫn nghiêm nghị, tay tiếp tục chắp. Hai mươi phút cũng nhanh chóng trôi qua, chiếc mũ đen vẫn yên vị trên đầu. Kể ra chẳng có gì là khó, chỉ cần tập trung một chút. Ngay cả cái Ngọc và thằng Mike cũng làm được. Xem lại băng video sáu mươi phút và mấy trăm bức ảnh, em nhận thấy rằng đứng sau lưng em và anh Mai, người lớn làm gì, chúng nó làm nấy. Cử chỉ, vẻ mặt của người lớn đều tăm tắp như thể đã được tập luyện trước đó bao lần. Cử chỉ, vẻ mặt của chúng nó cũng đều tăm tắp như thể đã được tập luyện trước đó bao lần. Như thể tất cả những người ở đây không phải đang tiến hành đám tang của mẹ mà đang diễn chung với nhau một kịch bản phim, với một bảng phân vai thế này:

Anh Mai – trong vai con trai trưởng,

Em – trong vai con gái thứ,

Cái Ngọc và thằng Mike – trong vai cháu nội và cháu ngoại,

Khách tới dự – trong vai khách tới dự,

Chục thanh niên cầm máy ảnh – trong vai thợ chụp ảnh kiêm nhà báo,

Mấy chục thanh niên cầm điện đài di động – trong vai bảo vệ phường kiêm nhân viên của anh Mai,

và đương nhiên,

Mẹ – vai người quá cố.

Đám tang mẹ thành tác phẩm điện ảnh (về sau không ít người so sánh với Hollywood), công lao đầu tiên phải kể tới là anh Mai, nhà sản xuất kiêm đạo diễn. Công lao tiếp theo, không kém quan trọng, em mạo muội nghĩ rằng lại thuộc về mẹ. Thuộc về mẹ chứ không ai khác, bằng cách chấp nhận cơn đau khủng khiếp để giữ cho khuôn mặt được nguyên vẹn. Thử tưởng tượng, nếu khuôn mặt mẹ cũng nát bấy như thi thể mẹ, thì phấn nền và mascara cao cấp đến đâu cũng vô tác dụng, chuyên gia hóa trang nhà nghề đến mấy cũng đành bó tay, anh Mai chỉ còn mỗi một cách là đặt mẹ vào quan tài gỗ và trong trường hợp này có lẽ không cần tới áo dài gấm đen và hoa hồng đỏ. Và thế là tài thánh cũng không thể biến đám khách đến dự thành những diễn viên nhu mì và tận tụy, bởi làm thế nào để họ tự động xếp những vòng hoa khổng lồ vào một góc cũng đã là việc không đơn giản chút nào. Đám tang yên tĩnh – lịch sự – có tổ chức sẽ bị thay thế bởi một đám tang ồn ào – dung tục – vô tổ chức. Có vẻ chính sự hiện diện của mẹ, đẹp đẽ và sang trọng trong quan tài kính, như một diễn viên gạo cội, đã truyền hứng diễn cho những người xung quanh. Và kết quả là ai nấy động tác cử chỉ đều tăm tắp như thể được tập dượt trước đó bao lần. Xem lại CD sáu mươi phút và mấy trăm bức ảnh, em ngạc nhiên thấy họ là những diễn viên thực sự có năng khiếu. Em cũng ngạc nhiên khi nhìn mình trong đó. Như thể không phải là em mà là một phụ nữ cỡ tuổi em, có hình thức tương đối giống em, đã được mời đến để thay thế em. Người phụ nữ ấy trang điểm kỹ với phấn nền và mascara, những thứ em chưa sử dụng bao giờ. Người phụ nữ ấy trang phục cầu kỳ với áo dài đen, quần đen, mũ đen – những thứ em cũng chẳng mặc bao giờ. Người phụ nữ ấy có khả năng không chớp mắt mấy phút liền và tỏ ra tự tin trước ống kính quay phim. Người phụ nữ ấy không phải là em.

Em bỗng ngờ rằng khi chứng kiến thi thể nát bấy của mẹ giữa vũng máu, anh Mai cũng vô cùng kinh ngạc phát hiện ra rằng, ngay kề đấy, khuôn mặt mẹ vẫn hoàn toàn nguyên vẹn. Mười mấy năm lập nghiệp ở Sài Gòn đã cho anh không ít cơ hội dàn dựng các kịch bản khác nhau (mà buổi khánh thành thang máy chỉ là một kịch bản khiêm tốn) và đã biến anh thành một đạo diễn có nghề. Gác nỗi xúc động sang một bên, anh lập tức phác họa trong đầu một kịch bản có khả năng khai thác triệt để cái cơ may có thể nói là không ngờ này. Hành động cấp tốc và chính xác như thế nào mới kịp đặt cho mẹ một quan tài kính cỡ lớn, rồi lại chuyên chở từ Singapore về Sài Gòn. Bảy ngày là một cái hạn kỷ lục.

Người chết thật diễn vai người chết? Không ít đạo diễn từng mời cảnh sát thật diễn vai cảnh sát, gái điếm thật diễn vai gái điếm, bác sĩ thật diễn vai bác sĩ, bệnh nhân thật diễn vai bệnh nhân, người Pháp thật diễn vai người Pháp… nhưng mời người chết thật diễn vai người chết thì có lẽ trong lịch sử điện ảnh Hollywood chưa có trường hợp nào. Tuy vậy, thật ngược đời, điều này có thể xảy ra ở một số quốc gia có nền điện ảnh hoàn toàn vô danh, Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên là một ví dụ. Không biết một năm sản xuất được bao nhiêu bộ phim, nhưng từ khi Kim Nhật Thành qua đời tới nay phải có vài chục tác phẩm điện ảnh chỉ riêng về đám tang của Lãnh tụ Vĩ đại. Tác phẩm điện ảnh chứ không phải phim a-ma-tơ, vì tất cả những người tham gia đều diễn rất đâu vào đấy: tay đấm ngực, chân khuỵu xuống, mặt mếu máo, tóc tơi tả… một rừng người động tác, vẻ mặt đều tăm tắp như thể được tập dượt trước đó bao lần. Rồi các dàn nhạc đồng loạt chơi những bản bi hùng, các MC đồng loạt nói những câu có cánh, các bí thư các đảng cộng sản đồng loạt đọc những lời ngợi ca… Nhưng có lẽ vai diễn sinh động nhất, thuyết phục nhất lại thuộc về chính người chết – Chủ tịch Kim Nhật Thành: đầu đặt trên gối cao, hơi chếch sang trái để che đi khối u lớn mọc sau gáy, toàn thân phủ cờ đỏ rực rỡ, Chủ tịch tám mươi hai tuổi má hồng, da mọng, môi căng, khuôn mặt của tám mươi bức tượng cỡ người thật đặt khắp nơi trên lãnh thổ Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên. Khuôn mặt ấy, ngày hôm nay, còn uy nghi lẫm liệt hơn nữa, dưới ánh hào quang bí hiểm của cái chết.

Em nhớ rằng, đầu tháng Bảy năm 1994, trường Sư phạm Hà Nội gửi lời chia buồn tới trường Sư phạm Bình Nhưỡng, một tuần sau nhận lại một băng video chín mươi phút đám tang Lãnh tụ Vĩ đại, hai tháng sau, nhân liên hoan Quốc khánh mồng Hai tháng Chín, quyết định chiếu chiêu đãi cán bộ và giáo viên toàn trường. Mặc dù đã về hưu, nhưng mẹ vẫn nhận được giấy mời. Sau khi uống nửa ly vang Thăng Long chua ngọt, giữa hàng ghế đầu, mẹ đã ngồi xem bộ phim từ A tới Z, với một cảm giác lâng lâng thoải mái hiếm có. Rồi trong lúc các đồng nghiệp cũ thổn thức trước hình ảnh quan tài kính được vây quanh bởi một rừng người đang đập đầu bứt tai, mẹ đã nhanh chóng phát hiện ra ý tưởng phi thường của các đồng chí đạo diễn điện ảnh Triều Tiên – ý tưởng “người chết diễn vai người chết”. Có lẽ từ giây phút đó trở đi, mẹ bắt đầu mơ màng tới vai diễn cuối cùng của chính mình. Em còn nhớ cả tháng liền, gặp ai mẹ cũng kể về đám tang có một không hai của Kim Chủ tịch, về chiếc quan tài kính mỗi chiều dễ tới tám mét, ban ngày thì rực rỡ dưới ánh mặt trời, ban đêm thì lung linh bởi hàng vạn ngọn nến, và dĩ nhiên về khuôn mặt tươi như hoa của Kim Chủ tịch. Khuôn mặt người chết như thế còn đẹp hơn chân dung người sống. Phải đẹp thế nào mới khiến hai chục triệu người đang sống đập đầu bứt tai đòi được chết theo. “Thật là phi thường!” trở thành câu yêu thích của mẹ, được mẹ nhắc đi nhắc lại, lần nào cũng bằng ngần ấy hân hoan.

Nhưng không phải lúc nào niềm hân hoan của mẹ cũng được chia sẻ. Việt Nam thời điểm đấy đã bắt đầu cơn sốt Đại Hàn. Nghe mẹ ca ngợi đám tang của Kim Nhật Thành, nhiều người nhíu mày bỏ đi. Mẹ cũng đã về hưu, quyền chức không còn, không thể diễn vai tổ trưởng bộ môn hay phó bí thư đảng ủy để chỉ tay vào mặt ai, đề nghị ngồi yên khi cấp trên phát biểu. Nhưng mẹ bất chấp. Cái câu “Thật là phi thường!” vẫn không ngớt phát ra từ miệng mẹ. Trong một tháng liền, mẹ diễn vai “cuồng fan” của Kim Chủ tịch.

Tuy vậy, nhanh chóng phát hiện bao nhiêu thì cũng nhanh chóng thất vọng bấy nhiêu: một tháng sau, mẹ nhận thức được rằng phi thường dễ biến vô tưởng, người chết thật diễn vai người chết, cả Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên chỉ Kim Nhật Thành mới có vinh dự. Cơn thất vọng, chính xác hơn là sự buồn chán đã theo mẹ trong vòng mười năm, bắt đầu ở tuổi lục tuần. Năm 2004, sáu mươi chín tuổi, không biết vì lý do gì mẹ chấp nhận lời mời của anh Mai vào Sài Gòn khánh thành thang máy. Đây là lần thứ hai mẹ vào Sài Gòn. Lần đầu tiên, trước đó hai thập kỷ, mẹ theo đoàn của Sở Giáo dục Hà Nội vào dự hội nghị toàn ngành sư phạm các tỉnh phía Nam. Những năm đầu tám mươi, nhân viên phục vụ nhà khách thành phố vẫn còn nhầm khăn ăn với giấy toa lét nên chuyến đi hầu như không để lại cho mẹ ấn tượng nào. Hai mươi năm sau, ở nhà anh Mai vài ngày, sử dụng thang máy tư gia vài lần, ngồi Mercedes vài buổi, ăn khách sạn năm sao vài bữa, xem phim Mỹ màn ảnh rộng vài tối, cái nhìn của mẹ về Sài Gòn thay đổi hoàn toàn, và giấc mơ về vai diễn cuối cùng lại bắt đầu cựa quậy, tất nhiên không theo tinh thần Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên mà theo tinh thần điện ảnh Hollywood. Nếu buổi khánh thành thang máy với anh Mai là một kịch bản khiêm tốn thì với mẹ, lại trở thành một khám phá quan trọng. Đó là lần đầu tiên mẹ được gặp gỡ giới thượng lưu Sài Gòn. Trong cuốn băng video sáu mươi phút và bộ ảnh mấy trăm bức, em không ít lần bắt gặp mắt mẹ mở to trước một chuỗi vòng cổ lấp lánh, tay mẹ luống cuống khi phải dùng dao dĩa, tai mẹ hướng về hai vị khách nữ đang khoe nhau hai chiếc túi Louis Vuitton. Em cũng không ít lần bắt gặp mẹ thẹn thùng nhìn xuống bộ áo dài ny lông thêu rồng phượng của phố Hàng Đào, đôi giày giả da vừa nặng vừa cứng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chiếc vòng tay đồi mồi của cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Hà Nội. Đúng thế, ngoài mặt mẹ cố đóng vai người phụ nữ Hà Thành thanh lịch và tự tin, nhưng em biết trong đầu mẹ suy nghĩ rất lung khi bọt sâm banh trào lên trắng xóa, khi đèn flash nháy như sao đêm hè, khi bốn nhân viên của anh Mai khiêng chiếc bánh ga tô khổng lồ tiến vào, khi xung quanh mẹ người ta chúc nhau thu nhập mấy tỉ, du lịch mấy nước, sổ đỏ mấy nhà.

Sáu mươi chín tuổi, mẹ vẫn đủ minh mẫn để ý thức rằng mơ theo Kim Nhật Thành vừa phí phạm thời gian vừa phí phạm sức lực (mười năm liền thất vọng và buồn bã), rằng bước sang thế kỷ 21 chỉ anh Mai mới có khả năng thực hiện ý tưởng năm xưa – ý tưởng “người chết diễn vai người chết”. Để vai diễn cuối cùng của mẹ là vai diễn để đời. Và khác thường cuối cùng của mẹ là khác thường đáng nhớ nhất. Em ngờ rằng khi cân nhắc các khả năng, mẹ cũng thoáng nghĩ tới Hà Nội – nơi mẹ đã trải qua sáu mươi chín năm trên cõi đời này, dù sao thì cũng không thể nói là không gắn bó, rồi lại quyết định chọn Sài Gòn làm địa điểm duy nhất cho đám tang của mình.

Mẹ đã thử tưởng tượng mẹ qua đời ở Hà Nội: anh Mai sẽ cùng vài nhân viên vội vã ra sân bay Tân Sơn Nhất, ba tiếng sau có mặt ở Nội Bài, trên đường về nhà bấm điện thoại cho họ hàng dưới quê sẽ tìm được dăm người cả nam lẫn nữ thuận tình giúp việc khẩn cấp năm ngày, tiền công một triệu trọn gói không kể vé ô tô khứ hồi, sau khi thương lượng một buổi chiều với ủy ban phường và khu tập thể sẽ dựng được một nhà bạt mỗi chiều năm mét trong sân chung của khu, rồi cả ngày hôm sau cũng sẽ tìm được một miếng đất tương đối tinh tươm trong nghĩa trang Văn Điển. Suốt thời gian ấy, mẹ sẽ nằm trên giường, đắp một tấm chăn mỏng, đầu giường để bát cơm và quả trứng luộc, bên cạnh là bàn thờ treo hai tấm phướn màu tím, hương khói chưa bao giờ nghi ngút như thế. Ngày thứ ba sẽ là ngày động quan, pháp sư tới làm lễ cả ngày, đem theo một phường bát âm và hai bà khóc mướn, đêm ngày sẽ thay nhau vật vã, hết khóc hộ anh Mai và em, lại khóc hộ cái Ngọc và thằng Mike, có lúc lại khóc hộ cả bố và các cán bộ giảng dạy trường Sư phạm.

Anh Mai sẽ không tiếc tiền mua cho mẹ một bộ quan tài gỗ, hàng Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm ba năm sau bốc mộ vẫn chưa mục. Các nhân viên của anh sẽ làm vài vòng taxi quanh phố cổ Hà Nội rồi mang về cho mẹ một bộ áo dài ny lông, tất ny lông, giày giả da, khuyên, xuyến, kiềng mạ vàng… tất cả đều made in China, nhập cảng không chính thức cửa khẩu Hữu Nghị. Ngày thứ tư sẽ là ngày đưa tang, rất đông người đến dự, đông hơn ở Sài Gòn rất nhiều. Họ hàng, đồng nghiệp, người quen của mẹ phần lớn ở Hà Nội. Phường, quận, thành phố, hội cựu chiến sĩ Việt Minh, trường Sư phạm, Sở Giáo dục… sẽ đều cử đại diện mang vòng hoa tới viếng. Sân khu tập thể suốt ngày nườm nượp người, nhà bạt hai mươi lăm mét vuông hết chỗ, anh Mai sẽ lại một lần nữa thương lượng với phường và khu tập thể để kê thêm chục bộ bàn ghế nhựa trong sân, anh cũng sẽ luôn miệng xin lỗi hàng xóm vì khách đưa tang, trong lúc leo bộ ba tầng thang gác lên thắp hương cho mẹ, có lẽ vì mỏi mệt đã vô ý vặt trụi mấy chậu cây cảnh và để lại một đống rác ngay đầu cầu thang gồm vỏ hương Chí Thành, lá chuối bọc hoa, giấy gói quà cúng… mà những người giúp việc mới ở quê ra còn say xe chưa kịp quét dọn.

Nói chung đám tang của mẹ ở Hà Nội sẽ rất đông. Anh Mai sẽ làm hết trách nhiệm của con trai trưởng. Anh sẽ sẵn sàng thuê vài xe buýt gắn điều hòa chở tất cả khách dự ra nghĩa trang Văn Điển, rồi lại chở về Hà Nội. Anh sẽ chẳng ngại đội mũ rơm và chống gậy. Mấy chục mâm tám bát tám đĩa của cỗ bàn Bắc Bộ anh cũng sẽ không tiếc. Nhưng trách nhiệm nhà sản xuất điện ảnh nằm ngoài kế hoạch của anh, đơn giản vì mọi kịch bản mà anh bỏ vốn đầu tư, làm đạo diễn (và bao giờ cũng giành đóng một vai), là để phục vụ công chúng Sài Gòn, nơi thời điểm nào anh cũng có vài trăm căn hộ và biệt thự đang trong giai đoạn tìm người làm chủ. Phục vụ công chúng Hà Nội thì anh được cái gì? Công chúng Hà Nội có hoan hỉ ngưỡng mộ đám tang đáng tầm Hollywood của mẹ thì cũng hoan hỉ ngưỡng mộ từ xa, chứ đời nào chịu vượt hai nghìn cây số vào tận Sài Gòn, gọi điện tới công ty của anh, nhất định đòi nhân viên bằng mọi cách phải thu xếp cho gặp giám đốc để có thể nói trực tiếp với anh rằng họ đã có dịp theo dõi đám tang yên tĩnh – lịch sự – có tổ chức của thân mẫu anh và vô cùng tự hào khi thấy rằng không phải tất cả người Việt Nam đều chấp nhận thói quen ma chay ồn ào – dung tục – vô tổ chức, và điều ấy chứng tỏ khả năng hội nhập thế giới của Việt Nam. Nhân dịp này, họ cũng muốn được anh chỉ dẫn làm thế nào để trở thành chủ nhà hay làm thế nào để đầu tư vào bất động sản… Anh sẽ mời họ lên xe và bảo tài xế riêng đưa đi thăm một số căn hộ và biệt thự, hoặc đã hoàn thiện hoặc chuẩn bị xây. Vừa giới thiệu chi tiết, anh sẽ vừa ân cần chỉ bảo để giúp họ tìm được ngôi nhà trong mộng phù hợp với hầu bao, để cái đống tiền bắt đầu cồng kềnh của họ được gom gọn lại một cách có ý nghĩa. Trong lúc nói chuyện thế nào anh cũng tìm thời điểm thích hợp để kể về mẹ một cách trân trọng, thêm vài chi tiết hài hước, ví dụ bà cụ không phải là người đề cao tiện nghi vật chất, và từ lâu vẫn có thói quen leo ba tầng cầu thang khu tập thể Hà Nội, nhưng lại mê mẩn thang máy, đến độ tìm mọi cách để sử dụng, sáng trưa chiều tối, thậm chí cả ban đêm (lúc cả nhà đang ngủ say) bấm nút lên tầng thượng hóng gió, tưới hoa, tập thể dục. Người nghe sẽ càng thêm hoan hỉ ngưỡng mộ một bà mẹ tuy đã cao tuổi và có vấn đề về sức khỏe (hẳn đây là nguyên nhân dẫn tới cái chết) mà vẫn lạc quan yêu đời, không bao giờ làm phiền con cháu, mỗi ngày vài lần lên sân thượng hóng gió, tưới hoa, tập thể dục dưỡng sinh. Câu chuyện cứ thế mà lan tỏa. Nói chung, giữa những người lịch sự và có phương tiện thì mọi chuyện đều dễ chịu. Với họ, mua căn hộ sáu buồng như người thường mua bao gạo sáu cân. Căn bản là tạo được niềm tin lẫn nhau. Đương nhiên trong những câu chuyện kiểu này, không có một chữ nào cho tai nạn thang máy.

Tai nạn thang máy mãi mãi là một bí mật của những người trong nhà.

 

 

                                                         Chương 3 ở đây


2 Comments

Thang máy Sài Gòn (1)

TMSG

 

Paris

Năm giờ chiều, khi Paul Polotski mở báo ra đọc thì mây đen bắt đầu kéo tới. Hai người ngồi cách nhau hai chục thước, trên hai ghế đá của một vườn hoa vô danh. Người đàn ông này không hoàn toàn xa lạ với cô.  biết ông ta sinh năm nào. Cô biết ông ta sống ở đâu. Thậm chí biết cả mặt vợ ông ta. Một vài thói quen của ông ta, cô cũng bắt đầu nắm được. Từ hai tuần nay, cô đi sau Polotski. Đó không phải là một việc khó: đối tượng của cô hầu như chỉ ra khỏi nhà để đến khoa Đông Âu, nơi ông ta dạy hợp đồng một tuần hai lần, mỗi lần chín mươi phút, như thời khóa biểu đã ghi.

Lần đầu theo Polotski tới trường, trong lúc ông ta rẽ qua văn phòng khoa, cô đã nhanh chân lẻn vào giảng đường, định tìm một chỗ kín đáo để ngồi nhưng không thành: giảng đường mênh mông chỉ có ba sinh viên, thấy cô một cậu tóc rễ tre ngẩng đầu lên nói “nhầm lớp rồi”. Cô đành xin lỗi và đi ra. Một lát sau, đứng ở một góc không xa, cô nhìn ông ta uể oải bước trên hành lang, uể oải rẽ vào giảng đường, rồi uể oải khép cửa lại. Chín mươi phút tiếp theo, khi đã ngồi trên một chiếc ghế dựa, cô ngáp và tưởng tượng rằng, sau cánh cửa kia, ông ta đang uể oải giảng, còn ba sinh viên thì uể oải nghe, đến giữa buổi cả bốn lăn đùng ra làm một giấc, cậu tóc rễ tre lúc nãy ngáy khò khò, thỉnh thoảng ú ớ một câu gì đó, dường như là “nhầm lớp rồi” và hướng thẳng về phía Polotski vì cậu ta ngồi ngay hàng đầu, đối diện với bục giảng.

lascenseur-de-saigonCô mở mắt khi Polotski đã ở đầu kia của hành lang. Mới đầu cô ngỡ là đang mê ngủ và định thiếp thêm vài phút nữa bởi đêm qua hầu như cô không chợp mắt chút nào. Nhưng một giọng quen quen đã đánh thức cô dậy. Cậu tóc rễ tre hỏi to: “Ngủ ngon chứ?”, không phải hướng về cô mà một ai đấy ở đầu kia của điện thoại cầm tay. Cô chạy vào tàu điện ngầm đúng lúc cửa tàu chuẩn bị sập lại, tay va phải lưng của Polotski. May mà tàu khá đông nên ông ta chẳng buồn phản ứng. Ra khỏi tàu, ông ta không về nhà ngay. Vườn hoa công cộng không có đài phun nước, nhưng có rất nhiều cẩm tú cầu đỏ, nằm cách căn hộ của ông ta mươi phút đi bộ. Ông ta cắm cúi đọc báo, một tờ báo mang sẵn trong cặp. Theo đối tượng đến lần thứ ba, cô hiểu rằng đọc báo ở vườn hoa không phải là ngẫu hứng, mà là thói quen của Polotski. Cô không biết thói quen này hình thành từ bao giờ, nhưng cô tự hỏi tại sao ông ta không ở lại cho tới hết buổi chiều. Dù sao thì cô cũng có cảm giác chẳng ai đang đợi ông ta ở nhà.

Trời tối dần. Có những tiếng sấm. Và hình như có cả những ánh chớp. Cô quay đầu nhìn Polotski một lần nữa. Không hiểu hôm nay có việc gì xảy ra với ông ta. Từ lúc ra khỏi nhà, khuôn mặt ông ta đã đờ đẫn khác thường. Bước chân cũng chậm chạp quá mức. Cô phải liên tục giảm tốc độ để không bất ngờ vượt lên trước. Giảng đường hôm nay ba sinh viên vẫn chuyên cần ngồi đợi, cậu tóc rễ tre vẫn chiếm vị trí hàng đầu, đối diện với bục giảng, để cô lại gật gù chín mươi phút trên ghế dựa, trong một góc hành lang. Sau đó, tất cả tuần tự như mọi khi, trừ việc ông ta nấn ná trong vườn hoa, mây kìn kịt, cẩm tú cầu ủ rũ, ghế đá nóng rãy đùi.

Không một bóng người. Không một bóng mèo. Tất cả đang đợi một cơn mưa lớn. cô tưởng tượng rằng hơn một tiếng đồng hồ vừa qua ông ta chỉ mở báo rồi để đấy bởi đầu óc còn bận ở nơi khác. Nhưng nơi nào thì cô không thể biết.

Cô nhớ tới bức ảnh tìm thấy trong cuốn sổ tay của mẹ, bức ảnh đen trắng giấy mịn, bức ảnh chụp Polotski tóc thẫm, mắt trong veo, trong đến độ nếu không  nhìn thấy toàn thân người trong ảnh thì cô đã nghĩ đó là cặp mắt của một đứa trẻ con. Lần đầu tiên giáp mặt Polotski cách đây hai tuần, cô giật mình: mái tóc thẫm trong ảnh giờ đây đã bạc trắng, còn cặp mắt trong veo thì bị che lấp bởi cặp kính to bản. Nửa thế kỷ đã trôi qua.

Cô nhìn những bông hoa ủ rũ. Ngay từ khi bắt đầu theo dõi Polotski, cô đã tự hỏi dưới cõi âm, mẹ nghĩ thế nào khi biết cô tìm hiểu bí mật của mẹ, bí mật mà mẹ từng âm thầm giữ kín từ nhiều năm nay, không muốn và có lẽ cũng không dám chia sẻ cùng ai. Cuốn sổ tay mẹ đã mang theo người cả những ngày cuối đời, trước khi chết còn cất kỹ trong gối.

Mưa đã rơi. Trong khi những hạt nước thi nhau trút xuống thì từ dưới đất, hơi nóng cũng hừng hực dâng lên. Mặt đường như được một làn khói mỏng bao phủ. Cô mở ô. Polotski vẫn bất động ở ghế đá, tay đặt trên gối còn mắt nhìn xuống đất. Chỉ một loáng những sợi tóc bạc đã ướt sũng, nước loang lổ trên vai và ngực áo sơ mi. Cô ngập ngừng. Cô vừa muốn chạy tới che ô cho ông ta, vừa muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông ta cứ tiếp tục ngồi dưới mưa như thế.

Polotski đứng dậy rồi uể oải rút từ trong cặp ra một chiếc ô. Toàn bộ khuôn mặt đẫm nước. Cô đợi mãi mà ông ta không tháo cặp kính to bản. Sát vỉa hè, nước làm thành một dòng suối nhỏ cuồn cuộn chảy. Cô lặng lẽ đi sau ông ta. Hai chiếc ô chuyển động nhấp nhô rồi biến mất trong vô vàn những chiếc ô khác giữa ngã tư.

Mưa hối hả rơi. Người hối hả đi. Tháng Sáu năm nay mưa nhiều vô kể.

đọc tiếp chương 2