blog của Thuận


Leave a comment

Thang máy Sài Gòn 19, 20, 21

Chương 19

Sài Gòn

Bảy giờ tối phòng khách là bãi biển về đêm. Đối diện với anh Mai là hai vị khách lớn tuổi, một nam và một nữ, hai “đồng nghiệp” của mẹ, theo lời bà giúp việc thông báo lúc ra mở cổng. Em bước vào, cả ba quay ra nhìn. Câu chuyện trước đó có lẽ rất buồn tẻ. Anh Mai ướt rượt như gà trúng mưa.

Hai vị khách co quắp trong đi-văng. Ba cây dừa bất động. Đâu đó vang lên tiếng cá quẫy. Khi có ý định biến phòng khách thành bãi biển, chẳng phải anh Mai đã không nghĩ tới buổi tối lúc mặt trời và ánh nắng sẽ không còn. Bởi có nghĩ, cũng thay đổi được gì. Bãi biển thật mà thiếu mặt trời và ánh nắng còn chẳng ra bãi biển nữa là bãi biển nhân tạo. Cái gì nhân tạo dưới mặt trời cũng dễ lộ vẻ nhân tạo, nhưng bãi biển nhân tạo thì không: bãi biển nhân tạo cần mặt trời để giấu bớt vẻ nhân tạo. Anh Mai biết điều này, nên buổi tối không tiếp khách ở nhà mà ra khách sạn năm sao. Tòa thị chính Paris cũng biết điều này, nên cứ đợi tháng Bảy chói chang là đổ một đống cát bên bờ sông Seine, bày thêm vài cái ghế gấp và dăm cây dù vải, thu hút được bao nhiêu người mỗi ngày, cả dân Paris lẫn khách du lịch, cả thanh niên lẫn cụ già… Năm đầu tiên ít kẻ lai vãng: người ta nhìn sông Seine bé tẹo thì lắc đầu. Nhưng càng về sau càng thành công rực rỡ: người ta tặc lưỡi còn hơn cởi trần phơi nắng ban công. Các thủ đô khác cũng noi theo. Nghe nói Berlin, Bruxelles đều có bãi biển nhân tạo. Tháng Bảy châu Âu nắng cũng kinh hồn.

Hai vị khách im lặng, chẳng biết làm gì ngoài xoa tay vào chén nước chè. Qua tường kính mênh mông của phòng khách, có thể thấy một phần thành phố. Tít ngoài kia là cảng Sài Gòn, mặt nước loang loáng ánh đèn. Bên phải là nhà thờ Đức Bà, hai tháp chuông sâm sẫm trong đêm. Đường Lê Lợi xe chạy như mắc cửi. Không hiểu đường nào là đường Huyền Trân Công Chúa la liệt quần áo thể thao, đường nào là đường Cách Mạng Tháng Tám dài gấp mấy lần phố Huế, đường nào là đường Công Xã Paris ngắn hơn cả ngõ Tạm Thương, đường nào là đường Tự Do bị đổi tên ngay ngày thống nhất.

Anh Mai bỗng chỉ vị khách nữ giới thiệu là cô Huệ cùng thực tập với mẹ ở Paris, rồi lại chỉ sang vị khách nam giới thiệu là chú Đỗ, chồng của cô Huệ. Nói xong, im lặng ngáp. Em nhìn cô Huệ, rồi lại nhìn thêm một lần nữa, nhưng không thể nhận ra người phụ nữ cạnh mẹ trong album ảnh mang từ Pháp về, cuốn album mà mẹ thường cất vào ngăn kéo riêng. Lần đầu tiên được biết thế nào là ảnh màu, và phải đợi rất lâu sau đó ảnh màu mới trở thành phổ cập ở Việt Nam, nên ký ức của em về bộ ảnh của mẹ tới bây giờ hầu như vẫn nguyên vẹn. Album nhỏ gồm hai mươi tấm ảnh màu cỡ 9×12, luôn luôn chụp mẹ bên một phụ nữ rất cao mà mẹ giới thiệu với mọi người là “đồng nghiệp”, cùng thực tập ở Paris. Hơn hai mươi năm trôi qua, em đã quên tên cô ta, nhưng đó khó có thể là cô Huệ, bởi cô Huệ thấp bé bao nhiêu thì người phụ nữ kia cao lớn bấy nhiêu, một chiều cao mà dường như phần lớn đàn ông Việt Nam thời ấy đều ganh tị.

Anh Mai ngáp thêm vài cái nữa. Điện thoại mà không bất ngờ reo vang thì anh sẽ vật ra đi-văng làm một giấc. Ngay tiếng chuông đầu, anh như bừng tỉnh. Anh đứng lên bắt tay hai vị khách, mời chút nữa ở lại dùng “bữa cơm giản dị” với gia đình rồi cầm điện thoại đi thẳng ra cửa. Cửa phập lại như nhốt chặt ba người bên trong.

“Còn một cô nữa trong đoàn thực tập?”, em nín thở hỏi.

“Madame Hòa, thực tập sinh nổi bật: cao nhất, lớn tuổi nhất, chức to nhất, thâm niên ba mươi hai năm tuổi Đảng”, cô Huệ trả lời.

Đúng rồi, cô Hòa. Em còn nhớ sau khi giới thiệu cô Hòa là đồng nghiệp, mẹ nói thêm cô Hòa giữ chức phó khoa một trường đại học.

“Madame Hòa là người ác độc nhất”, chú Đỗ tiếp lời cô Huệ.

Rồi không đợi phản ứng của những người đối diện, chú Đỗ vội vã kể :

“Tôi không phải là thực tập sinh. Tôi là Việt kiều, suốt đời là Việt kiều, lúc ở Lào thì là Việt kiều Lào, lúc sang Pháp lại là Việt kiều Pháp. Tiếng Lào giỏi, tiếng Việt giỏi, nhưng tiếng Pháp chỉ đủ chào hỏi và cám ơn nên tôi làm thuê cho một xưởng sửa xe ô tô ở ngoại ô Đông Nam, gần khu Tàu, khách chủ yếu là người gốc Á”.

Nhìn khuôn mặt ngẩn ra của em, chú Đỗ hối hả giải thích:

“Nửa năm sau ngày sang Pháp, vợ tôi bỏ đi, để lại ba đứa con. Các con còn nhỏ, tôi muốn tìm một người thay thế. Nhưng phụ nữ gốc Việt ở Pháp chê tôi gốc Lào. Phụ nữ gốc Lào ở Pháp chê tôi gốc Việt. Phụ nữ gốc Miên ở Pháp chê tôi gốc Việt-Lào. Phụ nữ gốc Hoa ở Pháp thì tôi không dám. Tôi vẫn nghe người ta bảo phụ nữ gốc Hoa ở đâu cũng sắc sảo. Vợ cũ của tôi chỉ có một phần tám máu Hoa trong người mà bỏ tôi ngay khi nhận được thẻ cư trú. Rồi tôi tình cờ gặp Huệ trong sứ quán, nhân dịp đến chỉnh hộ nhóm thực tập sinh chiếc vô tuyến màu không hiểu sao cứ rời tay ra lại biến thành đen trắng. Tính tới hôm đó Huệ mới sang Pháp được đúng một tuần. Tôi đã nghĩ là mình gặp may”.

Em giật mình. Chưa kịp hiểu gì thì cô Huệ đã tiếp lời:

“Chúng tôi bằng tuổi, nhưng quá khứ mỗi người mỗi vẻ. Khi gặp nhau, Đỗ bốn mươi hai tuổi vợ con đùm đuề, còn tôi bốn mươi hai tuổi vẫn chăn đơn gối chiếc. Học hết phổ thông, tôi theo anh trai ra mặt trận, ở chủ yếu chiến trường khu 9, trong rừng U Minh, giáp biên giới Cao Miên. Ba mươi tuổi, sau một lần bị sốt rét, tôi được gửi ra Bắc đi học. Không cần đi thi, tôi cũng được vào đại học. Không cần đạt điểm tốt nghiệp cao, tôi cũng được giữ lại trường. Không cần viết đơn lên ban giám hiệu, tôi cũng được phân một căn buồng trong khu tập thể. Không cần lên gặp giám đốc Sở, tôi cũng được hưởng tiêu chuẩn thực phẩm đặc biệt. Tất cả đều nhờ chế độ ưu đãi cán bộ tập kết”.

Chỉ có đường chồng con là chế độ không cách nào ưu đãi nổi. Người ta cứ bảo ở một mình mãi cũng thành quen. Nhưng tôi thì càng ở một mình càng thấy sợ. Nhất là những ngày cuối năm. Cái rét của Hà Nội khiến tôi đắp bao nhiêu chăn vẫn thấy lạnh. Trai Bắc lại không lấy gái Nam nên quần áo không mua chỉ mua chăn. Rồi tôi được chọn sang Pháp thực tập và tình cờ gặp Đỗ trong sứ quán. Tính đến hôm đó, Đỗ ly dị được đúng nửa năm. Tôi đã nghĩ là mình gặp may”.

Cô Huệ dừng lại, chú Đỗ tiếp lời:

“Tôi gặp Huệ lần đầu là thấy ưng ý ngay. Tôi không cần sắc đẹp, tôi cũng không cần tuổi trẻ, hai thứ phù hoa giả tạo. Tôi chỉ cần một người vợ không bao giờ bỏ mình ra đi. Tôi cũng tin Huệ gặp tôi lần đầu là thấy ưng ý ngay. Huệ không cần thanh lịch, Huệ cũng không cần giàu sang, hai thứ phù hoa giả tạo. Huệ chỉ cần một người chồng cho đỡ phải mua chăn. Chuyện giữa chúng tôi đơn giản có vậy. Nhưng Madame Hòa đã biến nó thành vụ án phức tạp. Ngay từ trong nước, Madame Hòa đã được bầu là trưởng nhóm nữ thực tập sinh. Sang tới Paris, Madame Hòa yêu cầu cả ba ở chung một phòng. Hôm nay Huệ làm gì đi đâu, hôm sau cả sứ quán đều biết. Sứ quán biết cả chuyện tôi có ba con riêng, và vì vợ tôi chỉ bỏ đi chứ chưa ly dị nên trên giấy tờ tôi vẫn là người có gia đình. Trong cuộc họp nội bộ thực tập sinh, Madame Hòa đứng lên chỉ vào mặt Huệ, buộc liền một lúc hai tội: hủ hóa và quan hệ với Việt kiều. Madame Hòa bảo tinh thần đảng viên để đâu mà chân ướt chân ráo tới Paris đã bị tư bản đồi trụy mua chuộc. Madame Hòa ra lệnh cho Huệ làm ba bản tự kiểm điểm: một gửi lên Sứ quán, một gửi về Bộ Giáo dục và Đại học, một gửi về Đảng ủy trường đại học nơi Huệ là cán bộ giảng dạy. Ba bản kèm ba lời hứa chấm dứt quan hệ với tôi. Madame Hòa còn trực tiếp yêu cầu đại sứ đuổi Huệ về nước trước thời hạn. Nếu thời điểm đó, nhân viên sứ quán mà không phải hằng ngày lót dạ mì gói thì đại sứ đã xiêu lòng xuất năm nghìn quan Pháp mua một vé Paris-Hà Nội, rồi cử cán bộ an ninh đưa Huệ ra sân bay Roissy ngay ngày hôm sau”.

Chú Đỗ lắc đầu, cầm tách chè lên chưa kịp uống, cô Huệ đã nói:

“Từ cuộc họp nội bộ thực tập sinh, tôi nghiễm nhiên đi đâu cũng có Madame Hòa đi kèm. Ra siêu thị mua băng vệ sinh, vừa trả tiền xong đã thấy Madame Hòa đứng sẵn ở cửa, chỉ vào túi bảo lại mua quà cho bố con thằng Đỗ à. Đau răng một tuần liền mới dám đổi ba lần tàu điện ngầm tới phòng khám, đang ngồi đợi gặp bác sĩ nha khoa, Madame Hòa tiến lại hất hàm hỏi gặp bác sĩ phụ khoa có việc gì. Ở Paris ba tháng mà tôi chưa bước vào rạp xem phim lần nào, bảo tàng Louvre tôi chỉ được nhìn từ xe buýt, thư viện Quốc Gia tôi chỉ được xem qua ảnh, vì những chỗ đấy Madame Hòa không quan tâm, Madame Hòa bảo văn hóa tư bản yêu đương nhăng nhít. Đỗ thì bị cấm cửa sứ quán. Người ta đã tìm được một Việt kiều khác, là thợ điện hẳn hoi, để chỉnh hộ cái vô tuyến màu vẫn thỉnh thoảng bất ngờ chuyển thành vô tuyến đen trắng. Một tuần trước ngày hết hạn thực tập, tôi đến trường để trả sách giáo khoa. Madame Hòa theo tôi lên tầng ba, nhìn cánh cửa thư viện đóng lại sau lưng tôi thì mới yên tâm quay xuống phòng giáo vụ làm nốt thủ tục hành chính trước khi về nước. Madame Hòa không ngờ Đỗ đã ngồi sẵn bên trong, cách quầy trả sách vài mét. Tôi cũng không ngờ. Tôi giật nảy mình khi nhìn thấy Đỗ”.

tranh vu 2

Chương 2O

Sài Gòn

Cô Huệ cúi đầu im lặng. Chú Đỗ tiếp lời. Trong tiếng cá ngựa quẫy dưới chân, chú bảo không chỉ cô Huệ giật nảy mình khi nhìn thấy chú. Chú cũng giật nảy mình khi soi gương. Mặt chú đầy râu ria. Quần áo chú xộc xệch. Mấy ngày rồi chú lảng vảng ở đây. Nhân viên thư viện bắt trình thẻ sinh viên, chú đành nói thật. Nhân viên thư viện nghe một lúc ba tiếng Pháp Việt Lào chẳng hiểu gì, nhưng cũng không nỡ đuổi chú đi, chỉ ra hiệu cho chú ngồi im một góc, có thể vì ngại sinh viên nhìn thấy chú sẽ cho là móc túi trá hình. Mấy ngày xin phép chủ nghỉ việc, đến thư viện từ chín giờ sáng, ngồi ở cái bàn này tới sáu giờ chiều, nhìn người ta im lìm làm việc, chú bắt đầu suy nghĩ. Chú tự hứa hôm nay là hôm cuối cùng chú quay lại thư viện. Chú còn ba con nhỏ phải nuôi ăn học. Chú mà mất việc ở xưởng ô tô thì bốn bố con chú tháng sau mang nhau ra đường ngay lập tức. Chủ nhà không bao giờ đủ lòng kiên nhẫn để đợi chú tìm được việc khác. Cái bụng của các con chú cũng không bao giờ đủ kiên nhẫn để đợi chú tìm được việc khác. Bản thân chú cũng không biết tìm việc khác như thế nào. Chú không cho phép mình chờ đợi cô Huệ vô vọng. Trong hoàn cảnh của chú, mọi vô vọng đều xa xỉ, mọi xa xỉ đều nguy hiểm ngang nhau.

Chú Đỗ im lặng quay sang nhìn cô Huệ. Suốt buổi tối, chú chưa lúc nào quay sang nhìn vợ. Có lẽ đây là lần đầu tiên chú thổ lộ cái điều mà chú đã đào sâu chôn chặt hơn hai mươi năm nay. Và thật kỳ lạ, đây cũng là lần đầu tiên chú dừng lại đã vài phút mà cô Huệ không tiếp lời.

Em đứng lên đi về phía cửa sổ. Các nhà hàng xóm đều đóng cổng im ỉm. Các tầng trên cũng chỉ thấp thoáng ánh đèn. Không thể tưởng tượng cách đây vài bước là tiệm phở bò một tối bán cả nghìn tô, cạnh tiệm phở bò là quán cơm gà xối mỡ, tủ kính lủng lẳng ba xâu gà vàng ươm. Bỗng một taxi phanh kít trước ngôi nhà đối diện, tài xế bước ra đầu tiên, rồi đi vòng qua mũi xe để mở cửa sau, loay hoay một lúc cũng lôi được ai đó từ bên trong ra ngoài. Không biết say sỉn ở mức nào mà chân tay loạng choạng, tài xế phải gần như bế về phía cổng, rồi lại phải ép vào hàng rào sắt, một tay giữ cho khỏi ngã, một tay bấm chuông. Ngay lập tức cả cổng lẫn sân sáng bừng, rồi có tiếng chân vội vã. Một phụ nữ đứng tuổi vận bà ba đen, có lẽ người giúp việc, chạy ra mở cổng. Hẳn đã quen với cảnh này, sau khi đưa cho tài xế xô nước và cái giẻ lau, liền giơ cả hai tay đỡ lấy người say, bây giờ dưới ánh đèn lộ rõ mái tóc xù mì ăn liền nhuộm vàng kiểu Hàn Quốc và đôi chân đi tất lưới thỉnh thoảng hở một miếng thịt hồng hồng. Em vừa nhận ra bà chủ nhà hàng xóm thì người say đã được nhấc bổng lên, chỉ mấy giây mà vào tận trong nhà, rồi đèn ngoài sân tắt phụt. Tài xế taxi cũng có vẻ đã quen với cảnh này, lẳng lặng lau chùi ghế sau, xong nhiệm vụ thì lên xe đi thẳng, xô và giẻ lau để lại ở cổng ra vào. Sự việc xảy ra rất nhanh, không biết có láng giềng nào nép sau cửa sổ nhìn trộm hay không, nhưng tuyệt nhiên không thấy ai chạy ra bình luận. Mấy cánh cổng vẫn im lìm đóng kín. Người giàu Sài Gòn tế nhị hơn cả dân Tây.

Em quay về đi-văng. Bụng sôi lên không dám nhìn về phía quán phở bò. Dường như giây phút riêng tư của chú Đỗ và cô Huệ đã trôi qua từ lâu và cô chú chỉ đợi em ngồi xuống là tiếp tục câu chuyện. Chú Đỗ lên tiếng. Chú bảo cái hôm ở thư viện ấy, nhìn thấy cô Huệ bước vào là chú đứng lên ngay, chú không cần biết sau lưng cô Huệ có cô Hòa hay không. Chú bảo “con giun xéo lắm cũng quằn”, chú bóp vào vai Cô Huệ đề nghị chọn lấy chú hay về nước, và phải trả lời chú ngay lập tức. Cô Huệ ngượng ngùng nhìn nhân viên thư viện và những người xung quanh. Chú lại bảo số phận của bốn bố con chú phụ thuộc vào câu trả lời này. Cô Huệ ngượng hơn nữa, vì sinh viên thấy hai người giằng co giữa phòng đọc thì bắt đầu để ý, đầu cúi xuống xem sách nhưng mắt vẫn lén nhìn lên. Chú càng bóp vai cô Huệ giục trả lời, cô Huệ càng đỏ mặt đứng im. Bỗng có tiếng chân thình thịch. Cô Hòa ngất ngưởng đi vào. Một tay gạt chú Đỗ, một tay kéo cô Huệ. Những người xung quanh chưa kịp phản ứng thì cửa thư viện đã sập lại, rồi cửa thang máy cũng sập theo. Chú Đỗ chạy ra cửa sổ phòng đọc, nhìn xuống sân trường thấy Cô Hòa bình thản khoanh tay đi trước, cô Huệ chạy theo sau, hai tay ôm chiếc túi ny lông căng phồng sách giáo khoa chưa kịp trả.

“Tôi về nhà mà ruột gan tan nát. Tôi thề sẽ ở vậy nuôi con, coi phụ nữ trên đời này chết hết. Hết đông sang hè, những ngày khốn khó nhất cũng trôi qua, các con lớn lên, tôi già đi, cũng là quy luật. Đến năm chín mươi, khi thằng con út đã chuẩn bị vào đại học thì tôi bất ngờ nhận được thư Huệ. Huệ viết vỏn vẹn mấy dòng, Huệ bảo nếu tôi vẫn còn muốn lấy Huệ thì Huệ sẵn sàng làm vợ tôi. Huệ vừa về hưu, không còn sợ bị buộc tội hủ hóa và quan hệ với Việt kiều. Huệ ở lại Hà Nội, trong căn phòng tập thể của trường. Càng có tuổi Huệ càng ngại di chuyển. Biên Hòa bây giờ cũng chẳng còn người thân. Ba má Huệ mất từ lâu. Anh chị Huệ đều đã lên Sài Gòn lập nghiệp”.

Cầm thư cô Huệ trong tay, chú đi một mạch tới sứ quán. Chú đứng ngẩn người, mười mấy năm bị cấm cửa, chú không biết sứ quán đã được xây lại toàn bằng gạch men trắng, hình hoa sen cách điệu, ven tường trồng cúc vạn thọ. Chú chưa đặt chân tới Việt Nam nhưng chú mường tượng tòa nhà sứ quán giông giống ủy ban nhân dân huyện Tiên Sơn quê nội của chú. Chú bấm chuông nhưng đợi mãi mà cửa không mở. Một lúc sau, xuất hiện hai phụ nữ xách túi ny lông tình cờ thế nào cũng màu cúc vạn thọ, nhìn thấy chú thì đưa mắt ra hiệu đi sang chiếc cổng nhỏ xíu bên cạnh. Sau chiếc cổng nhỏ xíu là một ô vuông cũng nhỏ xíu. Chú gõ nhẹ một tiếng. Cửa mở, rồi một bàn tay của ai đó không nhỏ lắm quẳng ra mấy tờ giấy phô tô cô py ố vàng. Chú chưa kịp cầm thì cửa đã sập. “Thật chẳng hiểu ra làm sao”, chú Đỗ vừa nói vừa lắc đầu.

Em nhìn sang cô Huệ. Cô Huệ đang nhìn chú Đỗ. Em muốn nói với cô chú một câu gì đó, nhưng cuối cùng chỉ nghĩ em cũng từng có dịp lên sứ quán, một lần để xin gia hạn hộ chiếu, một lần để xin dán ảnh thằng Mike. Hoa sen cách điệu vẫn giống y hệt ủy ban nhân dân huyện. Nhưng ô vuông nhỏ xíu chú Đỗ nhìn thấy ngày xưa đã được thay thế bằng một phòng tôi tối với bảy ô vuông nhỏ xíu khác nhau. Có lẽ như thế mới đủ phục vụ nhu cầu thị thực của Việt kiều và du khách Pháp những năm 2000. Giấy phô tô cô py vẫn úa vàng. Cúc vạn thọ mùa đông ngập dưới tuyết.

Bà giúp việc gõ cửa thông báo cơm đã xong. Chú Đỗ và Cô Huệ vội vàng đứng lên, rồi vội vàng xuống nhà, hai chiếc bóng bé nhỏ vội vàng mất hút trong hành lang mênh mông. Cứ ngỡ sẽ gặp lại cô chú ở phòng ăn, em bất ngờ thấy bà giúp việc một mình trước một mâm ú ụ nem rán. Hai đứa trẻ đang ngay ngắn trước màn hình vô tuyến. Anh Mai đi tiếp khách ở khách sạn năm sao. “Hai đồng nghiệp của cụ nhà” nói thế nào cũng không chịu ở lại. Em ngồi xuống ăn cơm, vừa uể oải nhai nem vừa nghĩ hóa ra bà giúp việc cũng không biết cô Huệ và chú Đỗ là vợ chồng.

“Thật chẳng hiểu ra làm sao”, em nhớ lại câu cuối cùng của chú Đỗ và tự nhủ chú không hiểu được cái ô vuông nhỏ xíu của sứ quán Việt Nam tại Pháp, còn em thì không hiểu buổi viếng thăm của cô chú tối hôm nay, cô chú ngồi mấy tiếng, thay nhau kể chuyện cô chú mà không có từ nào dành cho mẹ, như thể mẹ không tồn tại trong ba tháng thực tập ở Paris. Nhưng ngay sau đó, em lại nghĩ, mẹ cũng vậy, mẹ từng ngồi vài tiếng liền, sôi nổi kể chuyện làm nem chào mừng quốc khánh cùng “toàn thể anh chị em sứ quán” mà không có từ nào dành cho cô Huệ, như thể cô Huệ không tồn tại trong ba tháng thực tập ở Paris.

“Thật chẳng hiểu ra làm sao”.

5

 

CHƯƠNG 21

Sài Gòn

Đêm hôm đó, lần đầu tiên em hình dung mẹ đi trên đại lộ Exalmens trống ngoác và buồn tẻ nối sứ quán với bến tàu điện ngầm, ba tháng liền, mỗi ngày hai lần, và lần nào cũng cùng với hai nữ đồng nghiệp: cô Huệ và cô Hòa. Trên thực tế, ba nữ thực tập sinh thuộc lứa đầu tiên của Bộ làm thành một phiên bản độc đáo của “ba chàng ngự lâm pháo thủ” hay “ba anh em trên một chiếc xe tăng”: ăn chung bàn, ngủ chung phòng, ngồi chung tàu, học chung lớp, thời gian biểu của một người là thời gian biểu của hai người còn lại. Em tưởng tượng, ba tháng đó, họ không bước chân vào rạp chiếu phim lần nào, bảo tàng Louvre họ chỉ nhìn từ xe buýt, thư viện Quốc Gia họ chỉ xem qua ảnh, vì cô Hòa, trưởng nhóm của họ, đã quyết định văn hóa tư bản yêu đương nhăng nhít.

Một lần đẹp trời, vài ngày trước khi về nước, bộ ba mượn máy đi chụp ảnh kỷ niệm. Sông Seine, tháp Eiffel, vườn Luxembourg, những nơi ít dấu vết văn hóa tư bản đồi trụy nhất. Nhìn thấy cầu Alexandre đệ Tam, cô Hòa dừng ngay lại, cô nao nao nhớ nước Nga vĩ đại nơi cô đã học năm năm đại học khoa tiếng Pháp, liên tục giữ chức bí thư đảng ủy kiêm hội trưởng hội đồng hương. Cô Hòa ra hiệu cho mẹ và cô Huệ đứng ra giữa cầu để cô bấm cho một kiểu. Chỉ cần cầm máy chụp ảnh một lần là đủ biết với mỗi cảnh thì kiểu đầu tiên thường mang tính thí điểm. Hai kiểu sau là để cô Hòa đứng lần lượt với mẹ (do cô Huệ bấm) và với cô Huệ (do mẹ bấm). Tới vườn Luxembourg, quá trình chụp ảnh cũng diễn ra tương tự. Cô Hòa ra hiệu cho mẹ và cô Huệ ngồi lên ghế đá, cạnh bụi hoa hồng, và bấm cho hai người một kiểu. Nhưng hai kiểu sau, lúc cô Hòa chụp lần lượt với từng người, cô yêu cầu được chụp đứng, lấy cả chân. Cô muốn chứng minh rằng cái chiều cao vẫn bị gọi sau lưng là “sếu vườn” của cô thực ra không chỉ đấng mày râu mà cả chị em cùng giới cũng thèm muốn. Hãy nhìn xem: cô đứng khoanh tay giữa lối đi trồng đầy hoa hồng, nhưng mẹ thì phải trèo lên vệ đường, cô Huệ thì còn thê thảm hơn: trèo lên cả ghế đá.

Cô Hòa cảm thấy vô cùng khoan khoái. Kể ra cách cô bấm kiểu đầu tiên cho mẹ và cô Huệ, rồi mới lần lượt chụp với từng người, cũng là một phép toán tối ưu, bảo đảm ở mỗi cảnh ai cũng có hai tấm chụp với hai đồng nghiệp của mình. Tính bình đẳng của bộ ba như thế là tuyệt đối an toàn. Rất có thể ở một vài cảnh, họ còn nhờ được khách qua đường bấm hộ một kiểu cho cả ba: cô Hòa đứng giữa, một bên là mẹ và một bên là cô Huệ. Nói chung, cô Hòa cũng thích chụp ba (là Đảng viên, cô không mê tín dị đoan), chụp ba cô được đứng giữa, càng khoe được chiều cao. Cô Hòa nhìn thẳng về phía trước, tay đặt lên vai hai nữ đồng nghiệp thấp bé nhẹ cân. Như thể cả ba đang đứng trên bục chuẩn bị nhận ba chiếc huy chương Olimpic. Vị trí trung tâm rất tôn chức vụ “trưởng nhóm” của cô Hòa. Có lẽ vì thế, cô Huệ mới nói cô Hòa là người “nổi bật nhất” trong ba nữ thực tập sinh đợt ấy.

Tóm lại, ở mỗi cảnh, mỗi người đều có ít nhất là hai tấm chụp lần lượt với hai người kia và đôi khi, thêm một tấm chụp ba người với nhau. Thế nên, nếu trong album của mẹ, chỉ có mỗi ảnh mẹ chụp với cô Hòa thì bởi vì mẹ đã cố tình loại bỏ những tấm có cô Huệ trong đó (khả năng mẹ và cô Hòa đi chụp ảnh riêng với nhau là rất ít vì trừ khi có thể nhốt cô Huệ vào phòng khóa trái cửa lại, thì cô Hòa mới đồng ý để cô Huệ ở nhà một mình).

Bộ ảnh đó, mẹ cất vào một ngăn kéo riêng chứ không lồng kính treo la liệt trong phòng khách như những bức ảnh chụp mẹ lúc nhận bằng khen, lúc trao giải thưởng, lúc đi họp cấp thành, lúc gặp gỡ bộ trưởng, thứ trưởng…

Cuối cùng em nghĩ câu chuyện cô Huệ và chú Đỗ kể hôm nay tuy không có từ nào về mẹ nhưng không phải là không cung cấp chút thông tin nào về mẹ. Ít ra thì nó cũng khiến em loại được giả thuyết rằng mẹ và Paul Polotski đã gặp nhau ở Paris năm 1977: dưới sự kiểm soát gắt gao của cô Hòa, mẹ trừ khi có phép tàng hình mới có thể làm quen, rồi sau đó giữ quan hệ hơn mức bình thường với một người ở bên ngoài sứ quán (đến mức nhận ảnh, và giữ ảnh). Vậy chỉ còn lại giả thuyết mẹ gặp Paul Polotski năm 1954. Giả thuyết này trùng với lời kể của ông Linh: một người Pháp tên Paul đã có mặt ở Hỏa Lò đúng vào thời gian mẹ bị bắt giam, và cùng với ông Linh chứng kiến cảnh mẹ bị đưa vào hỏi cung. Tấm ảnh đen trắng rất có thể đã được Paul Polotski tặng cho mẹ vào dịp đó, rồi chính ông ta đã đọc để mẹ viết lên mặt sau mấy chữ thế này: Paul Polotski, 1954, số nhà 21 đại lộ Suffren Paris.

Vì giả thuyết hai người gặp nhau ở Paris năm 1977 bị loại, nên giả thuyết hai người tái ngộ ở Paris năm ấy khó lòng đứng vững. Cứ cho là một lần hiếm hoi, nhân lúc cô Hòa nhức đầu ngủ sớm hơn thường lệ hay bận làm thám tử tư sau lưng cô Huệ, mẹ viết vội cho Polotski một lá thư ngắn tới “số 21 đại lộ Suffren” mà sáng hôm sau mẹ sẽ len lén thả vào thùng thư bưu điện màu vàng đặt ở trước bến tàu điện ngầm Exalmens. Cứ cho là địa chỉ Polotski đưa cho mẹ hai mươi ba năm trước vẫn còn dùng được, và ngay khi nhận được thư mẹ, Polotski cũng hồi âm lập tức thì bức thư của ông ta gửi cho mẹ sẽ gửi theo địa chỉ nào bây giờ?

Mẹ không thể mất cảnh giác đến độ cho ông ta địa chỉ sứ quán hình hoa sen cách điệu. Ngay cả đề địa chỉ người gửi lên mặt sau phong bì, mẹ cũng không dám: bởi nếu trong trường hợp không có người nhận (Paul Polotski đã chuyển đi nơi khác) thì bưu điện sẽ căn cứ vào địa chỉ người gửi mà ngược thư về sứ quán cho mẹ.

Mẹ cũng chẳng thể mất cảnh giác đến độ quên cả bài học của cô Huệ và chú Đỗ. Mẹ hoàn toàn ý thức được rằng trong trường hợp quan hệ của Polotski và mẹ bị phát giác thì tội của mẹ sẽ nặng gấp đôi tội của cô Huệ: mẹ đã có chồng (trong khi cô Huệ vẫn còn độc thân) và Paul Polotski là người Pháp (trong khi chú Đỗ là Việt kiều). Và điều gì bảo đảm được rằng cô Hòa không nhân dịp này mà tìm hiểu gốc gác của Paul Polotski, rồi mừng rú như bắt được vàng khi phát hiện mẹ đã quen ông ta ngay trong thời gian bị bắt tại nhà tù Hỏa Lò. Cả sứ quán náo loạn. Phòng an ninh liên tục đánh điện khẩn xin ý kiến của Bộ Nội vụ trong nước. Đại sứ hẳn là không còn suy tính một vé Paris-Hanoi tương đương với bao nhiêu cân thịt bò tươi, yêu cầu trưởng phòng an ninh vào phòng tài vụ nhận tiền mặt rồi đích thân đưa mẹ ra sân bay Roissy ngày hôm sau.

Mẹ không dám liên lạc với Paul Polotski bằng thư. Thậm chí nếu vô tình gặp ông ta ngoài đường, mẹ cũng không dám chào. Trong trường hợp ông ta nhanh mắt nhận ra mẹ, tay bắt mặt mừng, mẹ sẽ đành diễn vai không quen, mẹ lắc đầu bảo: “Xin lỗi, chúng ta chưa gặp nhau bao giờ”, rồi quay sang cô Hòa nhún vai: “Pháp kém thật, cứ thấy Việt là nhầm”.

Em ngờ rằng vai này mẹ diễn rất trơn tru vì mẹ đã luyện trước nhiều lần, những lúc ở trong buồng tắm hay trong toa lét, những địa điểm tế nhị mà cô Hòa không thể kè kè bên cạnh. Thực ra, vô tình gặp Paul Polotski ngoài đường là cơn ác mộng của mẹ trong ba tháng thực tập ấy. Có phải vì thế mà mẹ luôn phải lép vế trước cô Hòa, và trong bộ ảnh kỉ niệm Paris, nụ cười của mẹ bao giờ cũng gượng?

Advertisement


Leave a comment

Thang máy Sài Gòn 17, 18

17

Hà Nội

Có lẽ tất cả người Việt Nam đều công nhận một điều rằng công an khu vực là những người nắm rõ nhiều chi tiết trong cuộc đời chúng ta hơn chính bản thân chúng ta.

Ngày ấy, nếu không có công an khu vực thì em không biết bác Cả đưa vợ con ra thăm ông bà nội.

Khi em đi học về, công an khu vực đã cầm cặp đứng lên. Trên bàn là hai tách nước chè vẫn đầy nhưng nguội ngắt. Mẹ có vẻ vui. Ở ngưỡng cửa, mẹ tiếp tục kể chuyện.

Mẹ kể chuyện họp đảng ủy, ủng hộ chiến dịch phản công biên giới Tây-Nam.

Mẹ kể chuyện họp khu phố, đấu tranh với các phần tử làm ăn cá thể.

Mẹ kể chuyện họp chiến sĩ thi đua, đẩy mạnh phong trào “Người tốt việc tốt”.

Trong vòng có mấy phút mà mẹ tự đảm nhiệm ba vai liền: vai “phó bí thư đảng ủy”, vai “tổ phó khu phố” và vai “tổ trưởng bộ môn”. Vai nào cũng thấm nhuần tinh thần lạc quan cách mạng. Nhưng em biết mẹ chỉ làm công việc của một diễn viên. Khán giả chính (công an khu vực) vừa quay đầu đi, mặt mẹ chùng hẳn lại, mẹ ngồi bất động trên ghế.

Một lúc sau bố đi làm về.

Không khí căng thẳng.

Mẹ cao giọng: – Anh ra bàn, em nói chuyện.

Bố ngồi xuống chiếc ghế trước mặt mẹ.

Mẹ chỉ hai tách nước chè vẫn đầy nhưng nguội ngắt: – Tại gia đình anh.

Bố im lặng.

Trong khu tập thể, bố mẹ được tiếng là hòa thuận vì bao giờ một người cao giọng, người kia cũng im lặng. Em cũng nghĩ thế, chỉ có điều mẹ thường là người cao giọng còn bố thường là người im lặng. “Người vợ mới xã hội chủ nghĩa”, hai chục năm mẹ diễn với bố, có lẽ là vai đạt nhất của mẹ.

Mẹ bảo: – Anh Cả từng làm việc cho chính quyền ngụy.

Bố im lặng.

Mẹ bảo: – Anh Cả từng đi cải tạo.

Bố im lặng.

Mẹ bảo: – Con gái anh Cả nhiều lần bị bắt vì tội vượt biên.

Bố im lặng.

Mẹ bảo: – Công an khu vực vừa tới nhà mình.

Bố giật nảy người. Mặt bố chùng hẳn lại.

Bữa tối chỉ có anh Mai và em. Cơm ghế mì sợi, rau muống luộc, lạc rang. Bố mẹ cùng xách xe đạp ra khỏi nhà. Không theo bố mẹ xuống đường thì cô cũng biết bố và mẹ mỗi người đi một ngả.

Sau này em biết thêm rằng, vào thời điểm đó, mẹ đang chuẩn bị hồ sơ đi Pháp thực tập. Cả Bộ được ba suất thì có chín mươi ứng cử viên, chín mươi cán bộ giảng dạy tiếng Pháp của ba miền. Một chọi ba mươi là tỉ lệ ngặt nghèo. So với các ứng cử viên khác, mẹ tuy đuối về mặt chuyên môn nhưng mạnh về mặt lý lịch. Thời ấy, lý lịch vẫn ăn đứt chuyên môn. Bộ lý luận rằng đế quốc Mỹ vẫn còn là kẻ thù số một của dân tộc Việt Nam, Pháp là đồng minh của Mỹ, lý lịch phải thật vững vàng mới không bị đồng minh của kẻ thù mua chuộc. Sau nhiều vòng xét duyệt, hồ sơ của mẹ đã trụ lại trên bàn vụ trưởng Vụ Đào tạo và Hợp tác. Bước cuối cùng là nhận xét của Công an khu vực. Nếu mọi thứ xong xuôi, mẹ sẽ trở thành một trong những thực tập sinh Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đầu tiên ở Pháp. Nhưng sự xuất hiện của gia đình bác Cả đã thay đổi tất cả.

Sau này em biết thêm rằng, trước ngày giải phóng, bác Cả là nhân viên kế toán cho một ngân hàng nhỏ tại Sài Gòn. Lương bác như lương Công chức. Thu nhập chính trong nhà đến từ tiệm may Đa Kao của bác gái. Hai bác đông con nhưng đều được học hành đến nơi đến chốn. Những người lớn được gửi đi nước ngoài. Ba người bé hơn ở lại với hai bác. Nói chung, không có gì đặc biệt so với các gia đình trung lưu ngày ấy. Đầu tháng Tư năm 1975, ngân hàng tuyên bố đóng cửa, bác Cả mất việc nằm nhà. Một tháng sau, bác được chính quyền mới gọi đi học tập hai tuần. Sau đó lại về nằm nhà. Tất nhiên, ngân hàng của chính quyền mới không có nhu cầu tuyển những nhân viên có lý lịch cũ. Cả nhà chỉ còn biết trông chờ vào tiệm may của bác gái. Nhưng nỗi lo lớn nhất của gia đình lại nằm ở con gái thứ tư: chị Đức. Từ ngày giải phóng, trong đầu chị Đức chỉ có một mong muốn duy nhất: vượt biên. Chị vượt biên chục lần đều không thành: thuyền chưa kịp nhổ neo đã bị biên phòng giữ lại, lần nào cũng mất ba lạng vàng và chịu ba tháng bóc lịch trong tù. Sau chục lần ấy, chị nếm gần hết các nhà tù từ Nam ra Bắc. Sau chục lần ấy, hai bác suýt bán cả nhà đi trả nợ. Sau chục lần lần ấy, chị bất đắc chí một thời gian dài. Suốt ngày chị nằm nhà đọc truyện chưởng cùng bác Cả. Hai bố con hai chiếc giường gấp, ở giữa là một chồng tiểu thuyết Kim Dung và một chồng cơm đĩa ăn dở. Tiểu thuyết Kim Dung, chị được đọc lần đầu tiên trong trại giam Chí Hòa, đọc bản viết tay, do một bạn tù viết lại theo trí nhớ. Mới đầu chỉ đọc để giết thời gian, không ngờ càng về sau càng ghiền. Ra tù, việc đầu tiên là chải chấy, tắm rửa rồi sang tiệm sách thuê một chồng Kim Dung. Chị truyền cơn ghiền ấy cho bác Cả. Chị chẳng gặp ai. Chị không đẹp, lại nam tính nên khó lấy chồng. Bác gái nhìn mà nẫu cả ruột gan.

Nhưng chị Đức là người sáng dạ và cứng cỏi. Cuối năm 80, Đổi Mới vừa bắt đầu, chị đốt hết truyện chưởng, xếp giường gấp lại, quyết tâm làm giàu. Các anh của chị ở tư bản gửi tiền về. Chị nhập hàng ngoại bán giá gấp đôi ở Sài Gòn. Một nửa chợ Bến Thành lấy nho Mỹ, pho mát Bò Cười và rượu vang Ý của chị. Chị xây khách sạn cho du lịch nước ngoài thuê. Chị thành lập công ty dịch vụ du học và xuất khẩu lao động. Chị hùn vốn với Việt kiều Đông Âu mở nhà máy may ở Bình Chánh. Chị đại diện cho Việt kiều Tây Âu mở xí nghiệp giày da ở Đồng Nai. Chị buôn bán bất động sản. Chị là chủ một loạt biệt thự. Chỉ có điều chị vẫn độc thân. Có vài người đặt vấn đề. Hai vợ chồng bác Cả cũng hùn vào. Nhưng chị đều gạt đi. Người ta đồn chị có bồ nhí. Các nam sinh viên cần tiền đi học. Toàn những người có vẻ tử tế, đẹp trai nhưng con nhà nghèo. Chị rộng rãi. Các em họ mới vào Sài Gòn lập nghiệp đều được chị giúp đỡ. Anh Mai, sau hợp đồng dạy toán-lý ở trường đại học Cần Thơ, chập chững làm quen với thương trường cũng chạy tới cầu cứu chị.

Đợt mẹ vào Sài Gòn vừa rồi, chị chiêu đãi mẹ ba ngày du lịch Băng Cốc, máy bay hạng nhất, khách sạn năm sao. Chị bảo chị được giảm giá năm mươi phần trăm, còn rẻ hơn đi du lịch trong nước. Mẹ vui vẻ nhận lời. Em không có mặt ở Sài Gòn lúc ấy, nhưng em tự hỏi: có phải với chị Đức, mẹ đã diễn vai cán bộ miền Bắc khoan dung, độ lượng.

Nhưng đó là chuyện sau này. Còn năm 1977, chị Đức là kẻ thù không đội trời chung của bố mẹ. Sau cái lần công an khu vực ghé thăm nhà, bố mẹ mấy tháng trời lao đao. Bữa tối nào cũng chỉ có em và anh Mai ngồi nhìn nhau. Anh Mai đi chợ, nấu cơm. Em rửa bát, quét nhà. Trên mâm vẫn gồm cơm hấp mì sợi, rau muống luộc, lạc rang.

Mẹ xách xe đạp đi một ngả.

Bố xách xe đạp đi một ngả.

Mẹ tới nhà người quen của mẹ nhờ tác động hộ.

Bố tới nhà người quen của bố nhờ tác động hộ.

Các người quen của bố và mẹ lại xách xe đạp đi các ngả, nhờ các người quen của họ tác động hộ.

Công an khu vực trông thế mà xa vời vợi.

Đồ đạc quý trong nhà lần lượt ra đi. Đầu tiên là cái vô tuyến đen trắng Sony, sau đó là cái tủ lạnh Hitachi, cả hai đều là đồ cũ chợ trời Sài Gòn, cả hai đều được bố ôm vào lòng trên tàu Thống Nhất, trong hai chuyến đi dự hội nghị toàn ngành sư phạm các tỉnh phía Nam. «Người Nam nhận họ, người Bắc nhận hàng» là thế.

Tóc bố bắt đầu điểm sợi bạc. Mặt mẹ thêm vài nếp nhăn. Bố mẹ thôi không ngủ cạnh nhau. Mẹ nằm trên giường, bố trải chiếu dưới đất. Đông chuyển sang hè, mùa nồm nước chảy lênh láng, bố mẹ vẫn kiên nhẫn mỗi người một nơi. Lo âu khiến con người thui chột mọi ham muốn. Nhưng tình đoàn kết của bố mẹ có vẻ không gì chia cắt nổi. Bố và mẹ cùng diễn vai đồng chí. Nhiều đêm thức dậy em không hiểu những lo âu ấy, những người quen ấy, bố mẹ bàn bạc với nhau lúc nào, ở đâu. Lo âu của thời ấy khác lo âu của bây giờ. Người quen của thời ấy cũng khác người quen bây giờ. Người quen của thời ấy nhận mảnh vải, hộp sữa. Người quen bây giờ nhận mỗi đô la.

Ngày mẹ được quyết định của Bộ, bố mẹ không dám nói với ai. Ngày mẹ lên đường sang Pháp, cả khu tập thể không ai biết, em và anh Mai cũng không ai biết. Hằng ngày, anh Mai vẫn đi chợ nấu cơm, em vẫn quét nhà rửa bát, bố đi lại vật vờ. Ba sinh vật mỗi người một góc. Giá mà còn có cái vô tuyến Sony đen trắng để gắn bó với nhau, dẫu chỉ là hai tiếng trước khi lên giường đi ngủ. Giá mà còn cái tủ lạnh Hitachi để góc nhà đỡ trống, để đi học về được mút đá thay kem.

Một tuần sau, tàu liên vận quốc tế tới Mạc tư khoa. Cầm vé máy bay đi Pháp trên tay, mẹ đánh điện về, bố mới thông báo cho ông bà ngoại. Ông bà nội, từ ngày gia đình bác Cả ra chơi, cả bố lẫn mẹ đều chưa gặp lại. Các anh chị em khác của bố, từ ngày bác Cả ra chơi, bố cũng chưa gặp lại. Họ hàng và người quen ở xa chưa kịp hay tin thì mẹ đã trên đường về nước.

Ngày mẹ về nước, bố đi đón mẹ ở ga Hàng Cỏ. Bố đèo mẹ bằng xe đạp, cả hai trong vai vợ chồng ba tháng không gặp. Đi song song với bố mẹ là một chiếc xích lô. Trên chiếc xích lô là một chiếc xe đạp và một chiếc xe máy, còn nguyên trong hộp, cùng gắn mác Peugeot. Sau đó, hai đại diện của nước Pháp được bày trân trọng giữa phòng khách, hộp tháo ra nhưng bánh và khung vẫn quấn mút mấy lần. Mẹ mang sô cô la, nho khô và khăn mặt mùi soa đi tặng những người quen đã tác động hộ mẹ. Chỉ sô cô la là sản phẩm của Pháp, còn nho khô được mua ở Liên Xô và khăn mùi soa được mua ở Trung Quốc. Người quen của thời ấy không câu nệ tư bản hay xã hội chủ nghĩa như người quen bây giờ.

Một tháng sau, bố mẹ gọi người vào bán chiếc xe máy. Một tháng sau nữa, bố mẹ đi sắm lại vô tuyến và tủ lạnh, mới nguyên nhưng sản xuất tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Số tiền còn lại, bố mẹ gửi tiết kiệm. Mấy tháng sau nữa, xảy ra sự kiện đổi tiền đầu tiên của cả nước, ngoài mấy chục cân gạo mua vội theo giá chợ đen, em không biết bố mẹ còn lại bao nhiêu, không biết có đủ làm quà Tết cho những người quen đã từng tác động hộ mẹ, không biết có đủ mỗi tháng bù ra vài cân thịt và chục cân gạo. Tóm lại, chuyến thực tập ở Pháp của mẹ lãi đúng chiếc xe đạp Peugeot.

Hai năm sau thì bố mẹ ly dị. Trẻ em mười tuổi không được phép có mặt ở tòa. Nhưng ngồi trong lớp học, em tưởng tượng vai «phụ nữ mới xã hội chủ nghĩa» mẹ đang diễn trước hội đồng bồi thẩm nhân dân. Mẹ diễn xuất sắc đến nỗi hội đồng bồi thẩm nhân dân xem xong cảm động lắm, không hỏi han gì thêm. Cuối buổi, bố mẹ bắt tay nhau, như những người đồng chí. Cử tọa cả trên lẫn dưới đều vỗ tay nhiệt liệt.

Buổi trưa đi học về, ăn bữa cơm cuối cùng với anh Mai, em đã nghĩ giá như có một chuyến đi nước ngoài, không tư bản thì xã hội chủ nghĩa, để củng cố tinh thần đoàn kết của hai đồng chí bố mẹ.

18

Paris

Sandra là nữ tiếp tân đã đứng lên đưa cô ra tận thang máy. Sandra để tóc xù, đi giày cao gót mũi nhọn, mặc mini màu hồng đào. Cứ vài bước, cô phải dừng lại cho Sandra kéo váy. Kéo thế nào cũng không chạm nổi mép mông. Mới đầu cô cũng áy náy. Nhưng sau đó cô phát hiện ra rằng Sandra thích được đứng lên đi lại hơn là ngồi đằng sau cái bàn tiếp tân vừa to vừa cao khiến chẳng ai có thể nhìn thấy đôi chân, đôi chân có vẻ đã ngốn của Sandra khá nhiều thời gian và ít nhất vài chục phần trăm lương tháng cho tiền kem, tiền se lông, tiền xoa bóp, và rất có thể cả tiền hút mỡ, vì đôi chân thon thả hơn hẳn các bộ phận còn lại của cơ thể. Trong lúc đứng đợi thang máy, Sandra vẫn tiếp tục quay trước quay sau, vừa kéo váy vừa vuốt từ eo xuống mông, vừa kéo váy vừa liếc phải liếc trái, còn mái tóc xù thì lắc liên tục. Cô hơi tiếc cho Sandra, giá không phải là cô mà một đấng nam nhi nào đó thì hai người sẽ có vài phút sôi động trong thang máy của Bộ Nông nghiệp.

Thang máy ngập ngừng rồi dừng lại ở tầng bảy. Sandra ra trước, rón rén rẽ phải, chân bước thẳng nhưng mắt nhìn xiên. Cô theo sau, vẫn thỉnh thoảng dừng lại cho Sandra kéo váy. Được một đoạn khá xa, Sandra xoay người, rón rén quay ngược lại, theo đường cũ, để tiến về phần bên kia của hành lang. Không ngoái đầu, Sandra nhún vai. Đôi vai đầy thịt. Nhất là tấm lưng. Cô đành nhìn từ đùi trở xuống. Không thể phủ nhận là công nghệ sắc đẹp ngày càng đạt được những thành tựu xuất sắc. Sandra mở cửa, chân bước vào còn mắt xiên dọc hành lang. Hành lang âm u hai dãy đèn nê ông xanh ngắt. Sandra nói: “Bảng đây nhé, khăn đây nhé, bút đây nhé”. Mắt mơ màng. Tai nghe ngóng. Tiếng chân ai rất nhẹ từ xa. Rồi dừng lại như chờ đợi. Sandra quay một trăm tám mươi độ. Không kịp chào. Không kéo váy. Giày cao gót lướt như bay trên hành lang. Mái tóc xù thành đám mây nhỏ. Mấy giây sau, thang máy ập vào rồi lao vút đi.

Từ ngày mẹ mất, cô hay tìm đọc các tài liệu về thang máy. Cùng với sự phát triển của văn minh nhân loại, thang máy cũng có lịch sử của riêng nó: một cái hộp tuyềnh toàng được kéo bằng dây thừng, dùng để chuyên chở hàng hóa, qua một thế kỷ đã biến thành một không gian đặc biệt của con người, có thể nói là khá ấm cúng, có gương soi, có đèn mờ, sạch sẽ, thơm tho, yên tĩnh. Vì thế, trong các Công ty lớn và các khách sạn nhiều sao, nơi thang máy được đầu tư rất kỹ (vì là chỗ mà người ta xét nét đầu tiên ngay sau khi đặt chân vào cửa), thang máy đã được coi là địa điểm của nhiều cuộc tình chớp nhoáng (hay “cuộc phiêu lưu lãng mạn” theo ngôn ngữ thời thượng), những lúc bên trong chỉ có hai người, ở những giờ vắng vẻ. Trên một diễn đàn Internet về chủ đề này, cô đọc được những chia sẻ đại loại như sau: “Ôi, tuyệt vời, đề nghị các đấng mày râu hãy thử một lần cho biết. Này nhé, nàng ngó đầu soi gương và thò tay sửa lại áo lót ngực, còn ta tiến lại từ phía sau rồi bất ngờ ôm lấy vòng eo, đôi mông của nàng ấm, lại càng đê mê trong chuyển động êm ái của thang máy…”. “Cảm giác thật kỳ lạ khi đột nhiên tôi thấy mình ở trong một không gian bé nhỏ và khép kín với một người đàn ông lạ mặt. Tôi nghe thấy tiếng thở nhè nhẹ của anh ta, ngửi thấy mùi thơm toát ra từ quần áo anh ta, và bàn tay anh ta đặt hờ trên thanh vịn, ngay cạnh tay tôi. Thang máy rùng mình một cái rồi vút đi, như thể đưa hai chúng tôi vào một hành tinh khác, như thể biến chúng tôi thành những con người khác. Lúc đấy thành thực mà nói, tôi đã quên tất cả để ngã vào lòng anh ta, người đàn ông mà tôi không quen, quà tặng bất ngờ của thượng đế. Ôi điều đó mới kỳ diệu làm sao!…”. Có kẻ còn cả quyết (bằng những dấu chấm hỏi không ngừng) rằng chính trong thang máy khách sạn mà các chị em phụ nữ thường cởi bỏ xi líp cũng như tất cả những thứ lủng củng khác trên cơ thể. “Thử hỏi chỗ nào lý tưởng hơn thang máy để làm chuyện ấy? – Ở nhà chăng? – Nếu bạn định báo cho chồng biết bạn đã có người mới rồi. Ở toa lét công cộng chăng? – Nếu bạn muốn khi tới với anh ấy, chỗ đó của bạn sực nức mùi thuốc khử trùng. Ở buồng tắm khách sạn chăng? – đáng tiếc là hơi muộn, vì anh ấy đã rình ở sau cửa, chỉ đợi thang máy mở ra là lao tới bế bổng bạn vào phòng và nuốt chửng bạn trong tích tắc. Nhưng bạn có biết cái gì thần diệu nhất trong việc cởi bỏ xi líp ở thang máy không? – Chính lúc ấy, lúc mà bạn đối diện với tấm gương dài của thang máy, tự tay giật phăng quần lót của mình (như một cản trở cuối cùng) trong một trạng thái bay bổng (vì thang máy đang đưa bạn đi lên, đúng không nào?), bạn đã bắt đầu làm tình rồi đấy! Thang máy phải chăng là cuộc giải phóng tình dục ở mức độ cao nhất trong lịch sử nhân loại? ”…

Mỗi khi đọc những tâm sự say sưa kiểu này, cô nghĩ cùng là thang máy, nhưng người ta đến đấy để tìm khoái lạc, còn mẹ thì đến đấy để nhận lấy cái chết. Cô không thể nào không hình dung cảnh mẹ rơi từ tầng thượng xuống tầng trệt, trong khoảng không hình ống tối tăm của thang máy, hai tay quàng quanh đầu để giữ cho khuôn mặt không bị tổn thương. Thang máy nhà anh Mai, lúc cô về, đã bị niêm phong để thanh tra Đức tiến hành điều tra. Nhưng CD sáu mươi phút và mấy trăm bức ảnh chụp buổi khánh thành nhà mới của anh Mai mà mẹ là khách mời danh dự, đều trình bày một thang máy lung linh, điệu đàng, một trong những mác lớn của châu Âu, khó có thể nghi ngờ về mức độ thanh lịch cũng như an toàn.

Hôm nay, bắt đầu buổi dạy tiếng Việt đầu tiên cho hai cán bộ cao cấp Bộ Nông nghiệp, nghe nói đang chuẩn bị đi Hà Nội nhận Công tác mới. Tuần trước, thư ký phòng Hợp tác của Bộ đã gọi điện tới cửa hàng mỹ nghệ, nơi cô vẫn dạy tiếng Việt tối thứ Hai và tối thứ Năm, xin bà Wang số điện thoại cá nhân của cô để liên lạc trực tiếp với cô. Thư ký nói rằng việc cực kỳ khẩn cấp, hai cán bộ cao cấp chỉ có một tháng để học ngoại ngữ, với mục đích là nắm được những phép giao tiếp chủ yếu của tiếng Việt. Cô thở dài tự nhủ, những phép giao tiếp chủ yếu của tiếng Việt thì nhiều người Việt cũng còn chưa nắm được. Thư ký nói tiếp, trong một tháng ấy, hai cán bộ cao cấp cũng chỉ có thể học mỗi tuần hai buổi, mỗi buổi một tiếng, vào những giờ không cố định, vì “họ đều có rất nhiều trọng trách”. Rồi dường như vẫn sợ người nghe không hiểu, thư ký nhấn mạnh: “Một vị thì tốt nghiệp khoa Kinh tế lớn nhất nước Pháp, một vị thì tốt nghiệp trường Hành chính quốc gia”. Cô đặt máy, thầm nghĩ may mà mỗi buổi dạy cũng kéo dài có một tiếng.

Có tiếng gõ nhẹ. Cô ngước lên và sửng sốt mất vài giây. Người đàn ông đứng ở ngưỡng cửa ra vào như thể là anh em sinh đôi với Kai. Cũng cặp kính nhỏ gọng kim loại, cũng sống mũi thẳng và hai gò má nhô cao. Cô nhìn xuống chiếc áo của anh ta (dù sao thì cô cũng chưa bao giờ thấy Kai mặc áo màu xanh nước biển và đeo cà vạt chấm vàng). Anh ta tự giới thiệu là Lionel Roux (anh ta có vẻ rất tự hào khi nói cái tên đó cho cô). Anh ta xin lỗi vì đã tới muộn, rồi tự động ngồi xuống một trong hai chiếc ghế đối diện với cô. Rút từ trong cặp ra mấy tờ giấy trắng và một cái bút bi, đặt tất cả lên bàn, Roux thở dài kêu mệt, ra dáng một cán bộ cao cấp “có nhiều trọng trách”. Sau đó anh ta nói liên tục. Phải công nhận là anh ta lợi khẩu. Cầm chiếc bút bi phác lên tờ giấy trắng trước mặt một hình thù bí hiểm, anh ta tâm sự với cô rằng cả tuần vừa qua anh ta phải lo dứt điểm vụ cho thuê ngôi biệt thự của gia đình trước khi lên đường. “Vấn đề lại ở chỗ có quá nhiều người muốn thuê”, anh ta phân trần bằng một giọng cũng tự hào y hệt như khi giới thiệu tên riêng lúc nãy. Cuối cùng, anh ta và vợ đồng ý chọn một cặp vợ chồng trung lưu, có mức thu nhập không phải là cao nhất trong số các ứng cử viên, nhưng đều là Công chức nhà nước, và điều ấy có nghĩa là “sẽ không có chuyện vài ba tháng nữa, họ sẽ gửi cho chúng tôi một lá thư bảo đảm sang tận Hà Nội để thông báo rằng một trong hai người đã bị mất việc và do đó không thể tiếp tục trả tiền thuê nhà, rồi đưa ra đề nghị hóc búa: hoặc là quay về Pháp để nhận lại biệt thự, hoặc là đồng ý cho họ ở lại với giá thuê giảm đi ba mươi phần trăm”.

Sau khi nhắc đi nhắc lại cái câu “sẽ không bao giờ có chuyện đó”, Roux lôi điện thoại cầm tay ra gọi cho vợ. Cô đã định đứng lên rời khỏi phòng, nhưng anh ta vội vàng dùng tay bịt máy điện thoại rồi quay sang thì thào với cô rằng cứ yên tâm, không cần đi đâu cả, vì “toàn chuyện không có gì bí mật”. Cô đành ngồi lại. Anh ta tiếp tục nói chuyện với vợ như thể đang ở giữa nhà riêng, thỉnh thoảng quay về phía cô gật đầu, không hiểu lý do gì. Hai vợ chồng đang phân vân giữa mấy biệt thự định thuê tại Hà Nội. Nhìn qua ảnh nên cũng khó quyết. Chồng thích nhà mới, đã sạch sẽ lại tiện nghi. Vợ thích nhà cổ vừa lãng mạn vừa quý phái. Chồng thích khu Hồ Tây, có vườn rộng, để nghỉ ngơi thoáng đãng. Vợ thích khu Hồ Gươm, gần sứ quán, để tiện quản chồng. Cả hai thuộc lòng các phố đẹp của Hà Nội vì đã hai lần sang trước để tìm hiểu, nhất là để nắm được giá thuê cho đỡ hố, cò nhà đất Việt Nam nổi tiếng chặt đẹp khách hàng nước ngoài, nhất là khách hàng đến từ Pháp. Tiếp tục phác những hình thù bí hiểm trên tờ giấy trước mặt, anh ta vừa gật đầu với cô, vừa nói vào điện thoại, giọng vẫn ăm ắp tự hào: “Sao em cứ rỗi hơi lo những chuyện đâu đâu, đi lại đã có tài xế riêng đưa đón, nhức đầu xổ mũi đã có bệnh viện Việt-Pháp, nếu em nhất định muốn trẻ con nhổ răng ở bệnh viện năm sao thì Bộ cũng chi vé cho sang Băng Cốc… Đi nghỉ á? Năm đầu sẽ tạm đi các nước xung quanh. Nepal, Miến Điện cũng không đến nỗi. Trẻ con gửi về Pháp cho các cụ nhà em hay mời các cụ sang Hà Nội trông hộ. Tặng cho các cụ một đôi vé thì các cụ chẳng đồng ý cả hai tay… Khách sạn á? Em yên tâm, ngay trên đỉnh Phú Sĩ cũng có tiêu chuẩn quốc tế. Cứ chịu khó chi tiền là được!”

Đúng lúc ấy, cán bộ cao cấp thứ hai bước vào, bóng loáng từ đầu tới chân. Roux nói thêm vài câu nữa rồi mới tắt máy. Phòng tạm yên lặng được một phút. Cô thở ra, tự hỏi không biết Kai có nói chuyện điện thoại với vợ như thế hay không. Từ nãy tới giờ cô không biết để mắt vào đâu ngoài chiếc áo sơ mi màu xanh nước biển của anh ta.

Cán bộ cao cấp thứ hai tên là Nicolas Marchand. Cũng như Roux, đưa tay bắt tay cô, vừa ngồi xuống chiếc ghế còn lại, Marchand đã kêu mệt bã cả người. Từ sáng tới giờ, anh ta phải qua mấy cuộc họp, lần lượt với các sếp trong Bộ và cuối cùng với một nhân vật “đặc biệt quan trọng” mà anh ta tuyên bố là “không thể nêu tên”. Roux làm như không nghe thấy và chấp nhận cái nhìn không được hài lòng lắm của đồng nghiệp. Cô đứng lên định đi về phía bảng thì Marchand bất ngờ kêu đói. Trong bữa tiệc lúc nãy, với nhân vật “đặc biệt quan trọng” mà anh ta tuyên bố lại lần nữa là “không thể nêu tên”, có bao nhiêu món ngon, trứng cá đen ngon tuyệt, nhưng anh ta làm gì còn thời gian để nếm, đến sâm banh cũng chỉ nhấp môi một cái là bỏ ra ngay, vì phải liên tục trả lời các câu hỏi “sắc nhọn” của nhân vật “đặc biệt quan trọng”… Anh ta vừa kể vừa liếc về phía Roux. Roux vẫn làm như không nghe thấy. Có lẽ vì vậy mà anh ta lại phải kể về chuyến công tác một vòng các nước Đông Nam Á, dự định vào cuối năm, với một nhân vật cũng “đặc biệt quan trọng” mà lần này anh ta không ngần ngại tuyên bố là thành viên của Văn phòng Thủ tướng. Roux không thể làm ngơ được nữa. Roux choáng váng ra mặt. Anh ta không hiểu tại sao một dự định như thế này của Văn phòng Thủ tướng mà không ai trong Bộ thèm thông báo cho anh ta câu nào. Anh ta nhìn ra cửa rồi nói: “Thế đấy, tôi vẫn còn lù lù ra đây mà đã bị người ta coi là đồ bỏ đi!”. Giọng anh ta lúc nãy tự hào bao nhiêu thì bây giờ lại cáu kỉnh bấy nhiêu.

Cô đã chán chiếc áo màu xanh nước biển và không thể không nhìn vào mặt anh ta, mặc dù giây phút này anh ta giống Kai ghê gớm. Roux vẫn lảm nhảm rằng việc gửi anh ta đi Hà Nội đồng nghĩa với việc loại anh ta ra khỏi guồng máy lãnh đạo: hôm nay thì không được mời tới dự cuộc họp với nhân vật “đặc biệt quan trọng” mà Marchand không nói thẳng ra nhưng ai cũng hiểu là người đứng đầu Bộ, còn sắp tới thì không được cử đi áp tải thành viên của Văn phòng Thủ tướng, mà không nghi ngờ gì nữa là người phụ trách mảng nông nghiệp trong chính phủ hiện thời.

Marchand im lặng nhún vai. Chỉ thoáng nhìn cũng đủ biết anh ta đang rất mãn nguyện. Giày tóc quần áo bóng loáng, khuôn mặt tròn cũng bóng loáng, tất cả đều ánh lên một màu đo đỏ. Anh ta thấy cái tên đồng nghiệp sắp sánh vai với mình ở Hà Nội này thật đáng thương, đầu óc loanh quanh mấy chuyện hưởng thụ vặt vãnh và cái quy tắc lỗi thời “chất lượng/giá cả”. Giá như bây giờ được quyền nói thẳng vào mặt người khác tất cả mọi suy nghĩ của mình thì anh ta sẽ nói với Lionel Roux thế này: “Thằng đồng nghiệp đáng thương ơi, phải biết là trên đời này có những điều không thể tính được bằng tiền! Cuộc họp với nhân vật “đặc biệt quan trọng” kia chẳng hạn… Nếu phải chọn giữa xả hơi khách sạn năm sao đỉnh Phú Sĩ của mày và áp tải thành viên Văn phòng Thủ tướng của tao, tao sẽ chẳng lưỡng lự giây nào: đương nhiên là cái thứ hai!”.

Nhưng cuối cùng đó không phải là điều anh ta nói với Roux. Rất ra dáng một cán bộ cao cấp “có nhiều trọng trách”, sau khi “uống tạm” một ly sô cô la nóng mua ngay ở máy tự động trong hành lang, anh ta vỗ hai tay vào nhau, giọng sôi nổi: “Thế nào, các bạn thân mến của tôi, chúng ta bắt đầu buổi học đầu tiên nhé! Tiếng Việt là một ngôn ngữ rất thú vị !”. Lúc này, cô mới phát hiện Marchand đi người không tới lớp.

Dẫu sao thì buổi học cũng bắt đầu.


2 Comments

Thang máy Sài Gòn (14,15,16)

14

Paris

Cách đây hai năm, bà hiệu trưởng trường mẫu giáo của thằng Mike nhắn cô lên văn phòng để nói chuyện.

Cô có mặt đúng giờ nhưng đợi hơn hai mươi phút vẫn chưa được tiếp. Điện thoại của bà hiệu trưởng liên tục réo và mỗi lần nhấc máy lên, vừa nói a-lô bà hiệu trưởng vừa giơ ngón tay trỏ về phía cô không hiểu muốn đề nghị ở lại hay ra về.

Đúng lúc cô quay lưng định đi thì bà hiệu trưởng thò đầu ra mời vào, rồi không để cô kịp ngồi xuống ghế, bà hiệu trưởng tuyên bố nguyên nhân của cuộc nói chuyện sáng nay: cô giáo chủ nhiệm lớp thằng Mike, sau mấy tháng theo dõi đã đi tới kết luận là thằng Mike “mắc bệnh tự kỷ”, chính xác hơn là “hội chứng tự kỷ”, “một trong những hội chứng rối loạn phát triển ở trẻ em”.

Cô bật dậy nói: “Thằng Mike hoàn toàn bình thường như những đứa trẻ khác”.

Bà hiệu trưởng gạt tay nói tiếp: “Trong phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới trước đây thì người ta xếp tự kỷ vào loại bệnh tâm thần, nhưng ngày nay nó được tách ra như là một hội chứng rối loạn phát triển”.

Cô hoảng hốt nhìn quanh và thấy các cửa sổ đều đóng, cửa ra vào hình như còn gài cả then sắt. Bà hiệu trưởng lại bảo hội chứng tự kỷ của thằng Mike được biểu hiện qua các loại hành vi sau: thứ nhất, khiếm khuyết về quan hệ xã hội, thằng Mike không chia sẻ cảm xúc với những người xung quanh, không chú ý đến các hoạt động tập thể; thứ hai, khiếm khuyết về sử dụng ngôn ngữ giao tiếp, thằng Mike rất chậm nói, ba tuổi rồi mà không biết biểu đạt nguyện vọng bằng ngôn ngữ, và mắc tật nhại lời trì hoãn, rất nhiều lần cô chủ nhiệm bắt gặp nó nhắc lại một đối thoại đã có từ trước đó rất lâu; thứ ba, là chơi tưởng tượng, thằng Mike không thích chơi với các bạn mà chỉ thích chơi một mình, cũng không đa dạng trong cách chọn trò chơi, lặp đi lặp lại một động tác.

Bà hiệu trưởng nói rất hăng, kể thêm mấy hành vi khác thường nữa của thằng Mike, sau đó đưa ra cả nguyên nhân và biện pháp đối với “hội chứng tự kỷ”.

Cuối cùng, bà hiệu trưởng bảo nhà trường rất thông cảm với hoàn cảnh không có bố của thằng Mike nên đã kiên trì theo dõi nó trong ngần ấy thời gian, nhưng nhà trường yêu cầu cô đưa thằng Mike tới các nhà chuyên môn để điều trị. Nếu không năm tới nhà trường sẽ buộc phải gửi thằng Mike đến cơ sở giáo dục đặc biệt dành riêng cho trẻ em cùng bệnh, bệnh của thằng Mike bị phát hiện ở tuổi này là quá muộn, để thêm một thời gian ngắn nữa sẽ vô phương cứu chữa. Nếu không, bản thân cô cũng có nguy cơ bị đưa ra tòa vì tội “cố ý gây tổn hại tới trẻ vị thành niên”.

Cô nhìn vào tờ giấy bà hiệu trưởng ấn vào tay, trong đó ghi danh sách những chuyên gia mà cô có trách nhiệm mang thằng Mike đến gặp, đứng đầu là bác sĩ tâm thần trẻ em, một tuần hai buổi mỗi buổi một tiếng rưỡi.

Khi cô đứng lên chuẩn bị ra về, bà hiệu trưởng nhìn thẳng vào mắt cô, rồi bất ngờ hỏi:

– Đã bao giờ đi khám bác sĩ tâm thần chưa?

Cô không hiểu gì cả và chưa kịp phản ứng thì bà hiệu trưởng nghiêm giọng bảo:

– Muốn đưa trẻ em tới bác sĩ tâm thần trẻ em thì người lớn nên chủ động đến gặp bác sĩ tâm thần người lớn trước đã.

Sau lần gặp đó, chuẩn bị vào năm học mới, cô đã phải nhờ bà Wang cho mượn địa chỉ để xin trường mẫu giáo mới cho thằng Mike. Nhà bà Wang ở ngoại ô phía Bắc, hơn một nửa là dân nhập cư, các cô mẫu giáo cũng là dân nhập cư nên không ai phát hiện ra thằng Mike mắc bệnh tự kỷ. Cô chưa bị bà hiệu trưởng trường mẫu giáo mới gọi lên văn phòng nói chuyện bao giờ. Chỉ có điều ngày nào hai mẹ con cũng mất hai tiếng trong tàu điện ngầm, hai mươi bến, hai lần xuyên thành phố.

 

15

 

 Sài Gòn

 

Mưa đã rơi vào chín giờ sáng.

Cả nhà ăn trong im lặng. Không ai lên tiếng bình luận về cả cơn mưa lẫn tiếng mưa. Bàn đặt giữa ban công. Ban công bồng bềnh trong kính. Kính bồng bềnh trong mưa. Thế là được ngắm mưa thoải mái mà không sợ ướt người.

Thằng Mike nhìn đĩa nem rán, mặt buồn rười rượi. Nó không bằng lòng. Nó đã quen hằng ngày ngủ dậy được đi ô tô đến khách sạn Caravelle ăn sáng. Khách sạn năm sao phục vụ năm chục món điểm tâm. Sushi. Đỉm Sum. Petit déjeuner. Breakfast. Nó đã quên Paris. Paris chỉ có sữa ca cao và bánh bích qui, sản phẩm công nghiệp nhưng bảo đảm năng lượng, bảo đảm năng lượng cho hơn chục bến tàu điện ngầm, cho buổi sáng tới mười hai giờ trưa của thằng Mike, cho buổi sáng tới mười bốn giờ chiều của cô, mười bốn giờ chiều người Paris mới bớt lượn cửa hàng mỹ nghệ để cô ngồi vào ghế khảm trai tu nước chai và gặm bánh mì thịt nguội. Paris bây giờ tạm thuộc về quá khứ. Hà Nội đã thuộc về quá khứ từ lâu.

Mưa tạnh. Hành lang tiếng chân rầm rập. Bà giúp việc ngó đầu vào trước, cô chẳng nghe được từ nào nhưng thằng Mike đã vụt ra cửa để mấy giây sau lại quay đầu bỏ chạy. Vì húc phải người lạ. Người lạ ở đây là hai thanh tra nước ngoài, một già, một trẻ, không hiểu sao trông như đã gặp. Cả hai cùng giật mình trước phòng khách xanh thẳm, rồi tháo kính mát, hết nhìn ba cây dừa đung đưa từ xa, lại nhìn đôi cá ngựa vật nhau dưới nước.

Cô và thằng Mike cũng từng giật mình như thế, lần đầu đặt chân vào đây. Anh Mai nhìn hai mẹ con cô cười cười. Trên đường từ sân bay về nhà, anh không ngừng bấm điện thoại, hóa ra là để chỉ đạo biến phòng khách thành bãi biển Nha Trang. “Giá cả không thành vấn đề, nhưng bốn tám phút nữa nhất định phải xong”, anh Mai nói vào máy điện thoại khi xe bất ngờ giảm tốc độ trên đường Cộng Hòa chói nắng.

Hai vị thanh tra ngần ngừ nửa phút rồi xăm xăm hướng về chiếc thuyền độc mộc. Mỗi vị chiếm một đầu, tay dang sang hai bên, chân duỗi về phía trước, mặt cúi xuống giấu một cái ngáp nhẹ. Xong xuôi, vị lớn tuổi nhìn cô mỉm cười ra hiệu ngồi xuống ghế đối diện, vị trẻ tuổi nhìn bà giúp việc mỉm cười ra hiệu đi ra ngoài.

Nhìn hai con người tươi tỉnh, giữa đề-co bãi biển, chỉ vài phút sau cô đã hầu như không còn cảm giác đang đối diện với các thanh tra. Trong lúc hai vị hồn nhiên chọn đồ uống mà bà giúp việc liên tục khuân vào thì cô chợt phát hiện ra một điều khá thú vị: vị lớn tuổi, cao to, tóc bạch kim, giá thay quần jeans và polo kẻ ngang bằng com lê nâu và măng tô xám thì sẽ giống hệt thanh tra Derrick; còn vị trẻ tuổi, tầm thước, tóc bồng, giá thay quần jeans và áo polo kẻ sọc  thành quần tím than và vest len ghi xám hẳn sẽ khiến nhiều người nhầm là phụ tá Klein. Derrick và Klein, cô gặp trong phim hình sự Đức, ba tháng liền, tất cả các buổi chiều nằm ôm thằng Mike, trước màn hình vô tuyến, từ ngày rời nhà hộ sinh, cho tới khi đầu óc mụ mị.

Derrick bật nút một chai sâm banh nhỏ, tự rót cho mình một ly rồi quay về phía cô mỉm cười:

– Làm chút cho mát ruột?

Đã một tuần không nghe thấy tiếng Pháp nên cô giật mình. Klein tay cầm một chai bia, nhanh nhẹn tiếp lời, cũng khiến cô giật mình không kém:

– Tự nhiên nhé, bọn này khát cháy họng!

Không khí phòng khách thư giãn, hết hẳn tiếng tích tắc của đồng hồ treo tường, còn tiếng rì rầm của điều hòa nhiệt độ thì nhiều lúc tưởng tiếng sóng biển Nha Trang lúc trời lặng gió. Dierrick làm xong ly sâm banh, ngả hẳn vào lưng ghế, tay trái vỗ lên đùi một nhịp vu vơ. Klein đã sang chai bia thứ ba, nhưng mặt vẫn tỉnh như sáo (khả năng uống bia của dân Đức vô địch không kém khả năng ngoại ngữ), miệng chúm chím một giai điệu, nghe một lúc cũng nhận ra Lili Marleen. Mit dir Lili Marlene. Mit dir Lili Marlene. Lili Marleen, cô xem mòn cả băng video, ba tháng nằm nhà, từ lúc đợi sinh thằng Mike cho tới khi đầu óc mụ mị. Lili Marleen hôm nay, giữa Sài Gòn, cũng trở thành quá khứ.

Phòng rơi vào im lặng lúc nào không hay. Lili Marleen được thay thế bằng những tiếng thở nhẹ. Mặt trời len lỏi khắp nơi. Bấy giờ mới hay hai vị thanh tra đến từ nước Đức có nước da rám nắng đặc biệt. Ngoài quần jean và polo kẻ đang vận trên người (rất điển hình cho du khách phương Tây), thì nước da rám nắng (điển hình không kém) cũng góp phần tạo nên cái vẻ tươi tỉnh dễ gần ấy. Có lẽ nên hiểu rằng hai vị thanh tra muốn nhân dịp thanh tra tai nạn thang máy của Sài Gòn thì giải quyết luôn một thể nhu cầu nghỉ ngơi thư giãn của bản thân. Hai vị làm gì không biết cô có mặt ở Sài Gòn từ ngày nào, nhưng chưa vội gặp ngay vì còn đang bận tắm biển và phơi nắng ở Nha Trang hay Phú Quốc hay một nơi xa xa nào đó, như Bãi Cháy hoặc Sầm Sơn. Rất có thể, trước khi quyết định làm cho da chuyển thành màu đồng và khoác lên người những bộ quần áo của dân du lịch, hai vị cũng cảm thấy tiêng tiếc (được nhầm với diễn viên hình sự nổi tiếng kể ra cũng thú vị) nhưng rồi tặc lưỡi: giữa nhu cầu chinh phục công chúng Việt Nam và nhu cầu nghỉ ngơi thư giãn (đặc biệt là tắm biển và phơi nắng) thì rõ ràng nên nghiêng về nhu cầu thứ hai. Giữ nước da trắng bợt, vận áo vest len và măng tô dạ giữa cái nóng 39° để chinh phục công chúng Việt Nam thì hai vị được cái gì? Công chúng Việt Nam có chỉ trỏ hai vị từ xa, có gọi hai vị là Derrick và Klein, có xin chữ ký, tặng hoa thì hai vị được cái gì? Đặt chân tới Việt Nam hai vị biết ngay chẳng cần là diễn viên truyền hình nhiều tập Đức thì vẫn được chỉ trỏ từ xa, thậm chí có cả một đoàn thiếu nữ xinh xinh tiến lại tặng hoa, không xin chữ ký mà xin địa chỉ khách sạn.

Để cưỡng lại cơn buồn ngủ bất ngờ ập đến, cô tưởng tượng trong máy bay, Derrick và Klein tình cờ bị xếp ngồi cạnh một lão bụng đầy mỡ, đầu nhẵn thín, quần áo nhàu nhĩ, hơi thở đã hồng hộc lại thối hoắc đến độ đạo diễn điện ảnh nào có nhu cầu tìm diễn viên phụ đóng vai ăn mày cũng thấy ngần ngại. Các hành khách khác đều sợ vì hơi thở của lão mà mất dịp thưởng thức món cơm rang thập cẩm của Vietnam Airlines nên cứ chuyển chỗ dần dần và kết quả là hai thanh tra của chúng ta và lão ăn mày chia với nhau một góc khá rộng, gồm mấy dãy ghế bỏ không. May mà bình khử mùi và viên nút tai (những thứ này có thể nói khó để các chiêu đãi viên duyên dáng mặc áo dài hồng mang lại) cũng giúp Derrick và Klein ăn hết mấy bữa cơm rang thập cẩm và ngủ được vài giấc thoải mái trên hai dãy ghế bỏ không. Trong hơn mười tiếng ấy, lão kia vẫn nghênh ngang đi lại, hết vào toa lét lại ghé khoang đồ uống, rồi đi dạo giữa các dãy ghế, dường như để phân phối cho cả máy bay cái hơi thở kinh hoàng của lão. Hành khách tức điên mà không làm gì được, vì lão không phạm luật, vì không ai có thể bảo thẳng vào mặt lão rằng hơi thở của lão đã hồng hộc lại thối hoắc, lão không có quyền đi lại nghênh ngang. Nhưng có lẽ tức nhất là phải chứng kiến cảnh vừa ra khỏi máy bay, mới chạm chân đến lãnh thổ nước Việt, lão đã được hai em chân dài eo nhỏ lao tới ôm bụng (tất nhiên là mỗi em một bên và không em nào cần ghen tị với em nào). Hai em còn thi nhau hôn vào miệng hắn, như thể cái hơi thở từng khiến toàn bộ máy bay mất ăn mất ngủ kia thơm tho ngọt ngào chưa từng thấy. Hành khách tức nổ mắt. Nhưng có tức nổ mắt thì cũng không làm gì được lão, vì lão không phạm luật, vì không ai có thể bảo thẳng vào mặt lão rằng bụng lão đầy mỡ, đầu lão nhẵn thín, lão không có quyền được các em chân dài eo nhỏ lao tới ôm, vào vòng hai hay vào đâu cũng không được. Tóm lại, sau khi đã mục kích cảnh tượng trên và bản thân ngay ngày đầu cũng mấy lần được các thiếu nữ ân cần đề nghị trao đổi địa chỉ và điện thoại, Derrick và Klein quyết định đã tới Việt Nam thì nên bỏ các diễn viên điện ảnh lại cho công chúng châu Âu, để tận hưởng mặt trời, nước biển, các em chân dài eo nhỏ và bất cứ món quà gì mà cuộc sống trao tặng.

Tới Việt Nam để trở về với chính mình! Nếu có thể, Derrick và Klein sẽ khuyên tất cả các hãng du lịch phương Tây lấy câu này làm quảng cáo cho các tua đi Việt Nam.

Tới Việt Nam để trở về với chính mình! Cô đồ rằng trong cơn mơ màng, hai vị thanh tra nhắc đi nhắc lại tới độ mở mắt rồi, nhìn một lượt khắp phòng mà vẫn cứ tưởng đang nằm trên một bãi biển thần tiên, đầy ắp ánh nắng nhưng lại mát lịm như máy lạnh made in Japan, xa xa là bóng dừa xanh ngắt, gần hơn là nước biển cũng xanh ngắt, còn ngay bên cạnh là trùng điệp đồ uống, nguyên sâm banh đã gần chục loại, chưa biết nên chọn loại nào để vừa nồng lại vừa êm, vừa ngọt ngào lại vừa đỡ buồn ngủ. Brut hay extra brut? Sec hay Bi-sec? Cru hay grand cru?

Derrick bất ngờ vỗ hai tay vào nhau, giọng ngái ngủ:

– Bắt đầu làm việc nhé!

Klein im lặng, đứng lên vặn ba vòng lưng, rồi ngồi xuống thẫn thờ mở túi du lịch, lôi ra một máy ghi âm tí hon đặt lên bàn uống nước. Giơ tay ra hiệu cho cô ngồi gần lại, dưới bóng một cây dừa, và hướng về máy ghi âm, Klein hắng giọng nói một tràng tiếng Đức, không vấp chỗ nào nhưng uể oải tới phát khóc. Cô cố mãi cũng nghe được “Ho Chi Minh Stadt”, tên mẹ, tên anh Mai, tên cô. Tên cô nằm ở cuối cùng, không biết là chủ ngữ, bổ ngữ hay phụ ngữ. Ngữ pháp tiếng Đức nói chung cực kỳ phức tạp và rất ngược đời.

Derrick nhìn vào máy ghi âm, giọng vẫn ngái ngủ:

– Đề nghị kể một kỷ niệm sâu sắc với người quá cố!

Cô im lặng. Quả thật cô không bao giờ tính đến một câu hỏi như thế.

Derrick vẫn nhìn vào máy ghi âm, gợi ý, giọng đã bớt ngái ngủ:

– Ví dụ, lần đầu được mẹ dẫn đến trường.

Cô im lặng. Rồi bất ngờ nói:

– Mẹ không bao giờ dẫn đến trường.

Derrick ngẩng lên, hỏi vội:

– Thế ai dẫn đến trường?

Cô trả lời:

– Anh Mai.

Derrick hỏi tiếp:

– Ai kiểm tra bài tập về nhà?

Cô trả lời:

– Anh Mai.

Derrick hỏi tiếp:

– Ai đi họp phụ huynh?

Cô trả lời:

– Anh Mai.

Derrick thay đổi tư thế ngồi. Klein có vẻ đã lấy lại tinh thần sau một giấc trái giờ. Derrick vừa dừng lại, Klein liền tiếp lời:

– Ai nấu cơm?

Cô trả lời:

– Anh Mai.

Klein hỏi tiếp:

– Ai rửa bát?

Cô trả lời:

– Anh Mai.

Klein hỏi tiếp:

– Ai xếp hàng mậu dịch ?

Cô trả lời:

– Anh Mai.

Derrick và Klein quay ra nhìn nhau, rồi cùng nhún vai. Bản thân cô cũng ngạc nhiên. Có vẻ như không có buổi hỏi cung ngày hôm nay thì cô cũng quên hẳn những chi tiết ấy.

 

16

 

Sài Gòn

Rồi, như thể bị ai đó nhập vào người, cô hít thật sâu rồi nói một mạch:

– Lần nào nhìn thấy anh Mai, cô giáo cũng nhíu mày. Cuối cùng, cô giáo viết giấy yêu cầu gặp riêng phụ huynh. Mẹ đã tới và để lại rất nhiều ấn tượng. Hôm sau cô giáo nói với cả lớp rằng mẹ là một phụ nữ phi thường, một phụ huynh kiểu mẫu, một trí thức xã hội chủ nghĩa điển hình, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng chiến thắng. Giảng viên đại học, bí thư đảng ủy, tổ trưởng bộ môn, vừa tận tình với Đảng vừa tận tình với con…

Cô còn định nói thêm rằng đó cũng là lần đầu tiên cô nghĩ tới các vai diễn của mẹ. Nhưng dường như chính cái người vừa nhập vào cô đã ngăn cô lại.

Derrick bỗng e hèm một cái rồi nghiêm giọng:

– Hai mẹ con bao lâu rồi không gặp nhau?

Cô trả lời:

– Mười năm.

Derrick và Klein lại quay ra nhìn nhau rồi nhún vai. Rồi Klein hỏi:

– Vì sao?

Cô im lặng. Câu hỏi này, cô biết thế nào các vị ấy cũng đặt ra, nhưng trả lời thì cô không muốn.

Không khí căng căng.

Derrick đứng dậy (lần đầu tiên trong buổi nói chuyện hôm nay), bước những bước dài quanh phòng, tay chắp sau lưng.

Klein quay về máy ghi âm, bối rối giơ tay bấm nút off (chẳng lẽ lại để máy ghi âm ghi toàn tiếng lộp cộp của giày đàn ông).

Phòng lại rơi vào im lặng. Nghe rõ tiếng tích tắc của đồng hồ và tiếng rì rào của điều hòa nhiệt độ.

Derrick làm thêm vài vòng phòng khách. Klein vò đầu bứt tai chục lần. Cả hai cứ thỉnh thoảng lại liếc về phía cô rồi quay sang nhìn nhau nhún vai. Cuối cùng, vị lớn tuổi ngồi xuống, ngả lưng ra ghế, hất đầu cho vị trẻ tuổi ngồi theo. Như không có chuyện gì xảy ra, hai vị thanh tra cùng thở phào một lượt. Derrick dướn người tóm lấy một chai Pommery Grand Cru Millésime, Klein  quay ra nhấc một chai Pilsner Urquell. Trước khi đưa lên miệng, cả hai đồng thanh cái câu lúc nãy, với một thứ tiếng Pháp chuẩn hơn cả dân Paris:

– Tự nhiên nhé, bọn này khát cháy họng.

Cửa phòng khách chẳng hiểu vô tình hay cố ý mà để ngỏ một cánh. Mùi đặc sản Việt từ dưới bếp bay lên quyện với mùi bia Đức thành một hỗn hợp cực kỳ dễ chịu. Klein ngửa cổ làm một hơi, nháy mắt với cô rồi giơ tay tắt luôn máy ghi âm, dường như chỉ muốn chấm dứt cái công việc buồn tẻ này càng nhanh càng tốt.

Cô cũng thở phào trong bụng, thế là đã qua một câu hỏi không muốn trả lời.

Từ đó về sau Derrick và Klein luân phiên đặt câu hỏi. Đại khái hồi bé đi sơ tán ở đâu, khi còn đi học phổ thông thì khá tự nhiên hay xã hội, vào đại học nào, khoa nào, tại sao, sang Pháp làm cho tư nhân hay nhà nước, lương có đủ tiêu, bao nhiêu con, con mấy tuổi, thỉnh thoảng có cho con đi tắm biển và phơi nắng, về Hà Nội lần cuối năm nào, công viên Lê-nin vẫn bày tượng Lê-nin, lăng Bác Hồ vẫn bày xác Bác Hồ?

Phải công nhận là hai vị thanh tra đến từ nước Đức nhanh trí, sau kinh nghiệm lúc nãy, không câu hỏi nào đặt ra là cô không thể trả lời. Máy ghi âm quay liên tục cả tiếng đồng hồ. Tuần tự một bên đặt câu hỏi, một bên trả lời, chưa bên nào phải đợi quá mấy giây.

Đồng hồ máy ghi âm chỉ số 80. Klein bấm vào nút off nhưng Derrick lập tức bấm vào nút on. Câu hỏi cuối cùng, dành cho anh Mai: “Anh trai cô là người như thế nào?”.

Câu hỏi này không khiến cô bất ngờ. Chắc hẳn họ cũng từng hỏi anh Mai rằng cô là người thế nào, rồi lại hỏi bà giúp việc rằng anh Mai và cô là người như thế nào. Nhìn đôi cá ngựa vật nhau say sưa ngay dưới chân, cô lại hít một hơi thật sâu rồi chậm rãi nói:

– Anh Mai là một người tử tế, chưa bao giờ bị kiện ra tòa vị tội lừa đảo. Anh Mai cũng là người có hiếu. Anh đã tổ chức một đám tang ngang tầm Hollywood cho mẹ. Sau đám tang, anh Mai chỉ được cuốn  CD sáu mươi phút và mấy trăm bức ảnh màu.

Rồi cô cúi đầu làm một ngụm nước cam. Cô có quyền uống chút gì đấy vì từ khi buổi nói chuyện bắt đầu, chỉ có hai vị thanh tra là tự phục vụ và để lại một đống vỏ chai kha khá cạnh chân bàn. Nước cam khiến đầu óc tỉnh táo hơn, nhưng lại tạo ra một hố nhỏ ở bụng. Từ phía Derrick và Klein, không mảy may phản ứng, không hiểu có phải lại rơi vào một giấc ngủ mới. Mi mắt cô cũng bắt đầu nằng nặng. Nếu không có cái hố giữa bụng thì cô đã gục xuống bên cạnh hai vị thanh tra.

Khi đồng hồ máy ghi âm chuyển từ số 84 sang số 85, Derrick bừng tỉnh, Klein cũng giật mình. Cả hai quay ra nhìn cô chằm chằm khiến cô bỗng thấy tim hơi loạn nhịp. Cô cố trấn tĩnh rồi tiếp tục chủ đề anh Mai:

– Anh Mai rộng rãi, sáng nào cũng đưa cả nhà đi ăn sáng ở khách sạn Caravelle, khách sạn Caravelle phục vụ điểm tâm năm chục món. Buổi sáng đầu tiên sau đám tang mẹ, anh Mai chiêu đãi cả nhà cao lâu, món yến huyết made in China mỗi bát nửa triệu.

Klein bật cười khùng khục, Derrick ngúc ngắc đầu, định quơ tay làm một chai gì đó, nhưng lại thôi. Đồng hồ máy ghi âm chỉ số 87. Ba phút nữa sẽ hết cuộn băng. Hai vị thanh tra ngồi thẳng dậy, tỏ ý muốn chấm dứt cuộc nói chuyện. Cô tự hỏi: có nên thông báo cho các vị ấy về tấm ảnh đen trắng tìm thấy trong sổ tay của mẹ? Rồi lại tự hỏi: ba phút có nên giao phó một bí mật?

Máy ghi âm kêu cạch một tiếng, ngừng quay. Klein hoan hỉ nhấc lên, mở ổ băng tí hon rút cuộn băng tí hon đút vào túi quần bên trái rồi lại mở ổ pin tí hon rút đôi pin tí hon đút vào túi quần bên phải, xong đâu đấy nhét máy ghi âm vào túi du lịch. Derrick quay sang bắt tay cô mỉm cười bảo “buổi nói chuyện” hôm nay đã kết thúc, rất cám ơn sự hợp tác của cô.

Cô thở dài nghĩ hai vị thanh tra về tới Đức sẽ làm được một bản báo cáo dài về cô để đưa vào hồ sơ tai nạn thang máy (băng ghi âm chín mươi phút và hai trí tưởng tượng kết hợp lại thì phải xào ra mấy chục trang A4), còn cô thì chẳng thu thập được thông tin nào từ hai vị ấy, không thể biết hai vị ấy đã điều tra đến đâu, có manh mối gì, sắp tóm được ai trong vụ án thang máy Sài Gòn.

Rồi cô lại nghĩ thực ra, cô đã dự cảm được điều này ngay khi nhìn thấy trang phục du lịch và nước da màu đồng của hai vị thanh tra. Hơn một tuần vừa qua, hai vị ấy còn mải “trở về với chính mình” ở một hay vài bãi biển nguyên sơ và thơ mộng nào đấy của Việt Nam. Nếu đôi khi hai vị ấy có nhíu mày, nghiêm mặt, hay bước những bước dài quanh phòng khách thì chỉ để cưỡng lại cơn buồn ngủ hoặc tránh những câu hỏi mà cô không muốn trả lời. Những câu hỏi mà cô không muốn trả lời không là mối quan tâm của hai vị ấy, nhưng lại gây ra những im lặng mất thời giờ. Hai vị ấy không cần cô im lặng, hai vị ấy cũng không cần “quay” cô, hai vị ấy chỉ cần cô trả lời cho hết 90 phút là xong trách nhiệm chuyến công tác chín ngày (đầu chuyến là 90 phút nói chuyện với anh Mai và bà giúp việc, cuối chuyến là 90 phút nói chuyện với cô, còn giữa chuyến là chín ngày “trở về với chính mình”). Hai vị ấy chưa bao giờ dọa cô và tỏ ý muốn dọa cô. Hóa ra một vài lúc, tim cô đã đổi nhịp một cách vô lý.

Cô tự nhủ, có lẽ chính vì thế mà Derrick và Klein đã trở thành hai nhân vật đáng yêu nhất trong ngành thanh tra. Hai nhân vật đáng yêu tươi cười cảm ơn lời mời “bữa cơm giản dị” chắc hẳn là rất hấp dẫn, nhưng “chúng tôi không còn nhiều thời gian, xin hẹn một dịp khác”.

Phòng khách đóng lại, lần này thì cả hai cánh hẳn hoi (hai vị ấy sợ cô chạy theo đòi được nói chuyện tiếp). Tiếng chân như chạy trong hành lang (hai vị ấy cũng sợ bà giúp việc lao từ bếp ra đòi được chiêu đãi đặc sản Việt).

Cô ngồi xuống đi văng thở dài, may mà không giao phó bí mật của mẹ cho hai vị thanh tra đáng mến. Hai vị thanh tra có nhìn thấy tấm ảnh của Paul Polotski thì cũng nhíu mày, nghiêm giọng hỏi tìm thấy bao giờ, bước vài vòng xung quanh phòng khách rồi nhét vào một ngăn nào đấy của hai túi du lịch. Mấy hôm nữa về tới Đức, trong lúc soạn quần áo bẩn mang đi giặt, nếu có vô tình sờ thấy cũng chẳng còn nhớ là của ai, hoặc nếu nhớ thì cũng tặc lưỡi vứt vào sọt rác vì tự dưng lại mua việc vào thân, biết khai thế nào vào báo cáo gửi cho hãng thang máy. Khai thật thì sẽ bị hỏi tại sao không ở lại thêm một vài tiếng để tiếp tục điều tra. Chẳng lẽ lại trả lời rằng một vài tiếng đấy chúng tôi đã sử dụng để “trở về với chính mình” lần cuối cùng, trước khi lên máy bay quay lại châu Âu âm u buồn tẻ.

Người ta bảo Berlin mùa xuân âm u và nhiều gió. Cô tự nhủ Paris mùa hè không có gió nhưng cũng âm u. Tháng Tám cửa hàng nào cũng đóng, trừ cửa hàng mỹ nghệ của bà Wang, bà Wang bảo khách Paris đi nghỉ hè nơi khác thì bán cho khách nơi khác đến Paris nghỉ hè, rồi bày lên tủ kính một loạt tháp Eiffel bằng nhôm và khăn mùi xoa in hình lâu đài Versailles made in China, nhưng cuối cùng cũng chẳng câu được khách nào. Chín tiếng một ngày, cô ngồi trên ghế khảm trai, uống nước chai và gặm bánh mì thịt nguội, một chồng tiểu thuyết trinh thám đặt bên cạnh, cuốn nào cũng dở dang.

Paris mùa hè nhớ nhất những cơn mưa rào, trời bỗng tối đen và nổi sấm đùng đùng.


Leave a comment

Thang máy Sài Gòn (12, 13)

 

12

Paris

 

 

“Đúng vào ngày sinh nhật thứ hai mươi, tôi quyết định hỏi mẹ tôi về bố đẻ của mình. Lý luận của tôi thế này: con người cần phải biết kẻ đã sinh ra mình là ai. Mẹ tôi quá bất ngờ, chủ đề bố đẻ chưa bao giờ xuất hiện giữa hai mẹ con. Mẹ tôi ngay lập tức từ chối, lấy lý do vấn đề này đã thuộc về quá khứ, không cần thiết phải nhắc lại. Nhưng tôi nằn nì. Tôi hứa dù thế nào cũng không để hai mẹ con xích mích. Tôi còn nói thêm tôi sắp hai mươi tuổi, đủ chín chắn để đương đầu với sự thật, và tôi không tin có một thứ tình cảm gọi là phụ tử giữa những người chưa bao giờ sống với nhau ngày nào. Cuối cùng, mẹ tôi cũng xuôi lòng. Nhưng tất cả thông tin mà mẹ tôi có thể có được chỉ là họ và tên của người được coi như bố đẻ của tôi. Paul Polotski”.

Bill ngừng nói. Cô giật mình. Hóa ra trên đời cũng lắm tình cờ. Tối hôm qua, cầm điện thoại lên cô phải đợi một lúc. Đã ngỡ bị gọi nhầm máy thì đầu kia một giọng đàn ông nói rằng muốn gặp cô không phải để xin học tiếng Việt, mà để nói chuyện về một người có tên là Paul Polotski. Giữa đêm cô giật mình tỉnh dậy. Cô thấy tiếc là đã vội nhận lời, đã quên không hỏi làm cách nào anh ta biết được mối quan hệ giữa cô và Polotski, mối quan hệ mà cô tin rằng ngay cả Polotski cũng chẳng hay.

Thông tin duy nhất mà cô có được về anh ta là cái tên Bill không kèm họ. Nó khiến cô nghĩ tới tổng thống Clinton. Cái tên đặc Mỹ, cô suy luận.

Cô tới nơi sớm hơn mười lăm phút, hồi hộp. Trong tàu điện ngầm, cô chợt có ý nghĩ Bill sẽ thay đổi ý kiến và tự hủy cuộc hẹn, mặc dù chính anh ta là người đưa ra đề nghị. Sau đó cô lại nghĩ anh ta sẽ xuất hiện ở điểm hẹn đúng giờ đã định, sẽ ngay lập tức yêu cầu cô không nên đi theo Polotski, vì nếu biết, ông ta có quyền kiện cô ra tòa hay thuê côn đồ đánh cho một trận. Cô hơi rùng mình. Cuối cùng để bớt sợ, cô tự thuyết phục rằng hành động của cô mấy tuần nay đã bị anh ta phát giác, nhưng việc ấy chỉ nói lên một sự thật rằng cả anh ta và cô cùng có chung một đối tượng theo dõi – Paul Polotski.

Quán đã bớt đông. Khách tới đây phần lớn để ăn trưa. Mặt bàn la liệt đĩa bát bẩn và vỏ chai rỗng. Sau khi đã chạy như những con thoi trong một tiếng liền, bồi bàn mệt mỏi, vừa thu dọn vừa ngáp và lấy tay áo lau mồ hôi.

Hai người đối diện nhau trong tiếng ồn ào không ngừng vang lên từ tứ phía.

Hóa ra hai khả năng mà cô nghĩ tới lúc nãy đều không xảy ra. Bill đến đúng giờ nhưng im lìm như một pho tượng thạch cao (trên người anh ta một màu trắng toát, từ quần áo tới khăn quàng và mái tóc bạch kim). Đi thẳng tới bàn cô đang ngồi, anh ta thậm chí không mở miệng chào cũng không đưa tay ra bắt. Sau khi đứng một lúc thì anh ta tự động ngồi xuống chiếc ghế còn lại và nhìn cô chằm chằm. Tuy vậy, cô không cảm thấy ngạc nhiên hay khó chịu. Vẻ lạnh lùng bất lịch sự của anh ta, cô đã từng thấy ở ông Linh. Nếu ông Linh đã khiến cô liên tưởng tới một pho tượng đồng đen thì Bill khiến cô liên tưởng tới một pho tượng thạch cao. Cái nhìn của anh ta lúc này cũng là cái nhìn của ông Linh cách đây mấy tháng. Cách đây mấy tháng, trong phòng khách nhỏ của con hẻm nhỏ của một thành phố không nhỏ, cô đã thất vọng vì bức tường trước mặt không có một bức tranh, không có một khung ảnh, không có cả một vết bẩn để có thể tránh được cái nhìn ấy. Còn bây giờ, cô thở dài rồi quay đầu xuống phố. Phố trải một màu vàng. Sáng sớm nay, một cơn giông lớn đã đi qua Paris và đem theo toàn bộ hơi nóng tích tụ từ đầu hè. Bao lâu rồi cô không quay lại đây. Tối hôm qua, lúc Bill hỏi có thể gặp nhau ở đâu, cô nói tên của quán, cái tên tự nhiên hiện ra trong đầu, rõ ràng rành mạch với cả địa chỉ và cách đến. Anh ta đồng ý và đặt máy xuống khiến cô ngay sau đó muốn thay đổi mà không kịp.

Bao lâu rồi cô không quay lại đây, không ngồi ở cửa sổ này, ở cửa sổ này nếu nhìn xuống thì thấy phố mà nhìn lên sẽ thấy các mái nhà nhấp nhô. Lần cuối cùng ngồi đây, cô phát hiện ra một lồng chim treo trên cây tiêu huyền, gần sát mái nhà thấp nhất. Lần cuối cùng ngồi đây, cô không nói gì với Kai. Thời gian trước khi chia tay, Kai cáu kỉnh như khỉ ăn mắm tôm, vì những lý do mà cô không sao hiểu nổi. Một ngày giữa hè, từ nhà nghỉ của gia đình, Kai gửi tin nhắn : “Anh không muốn tiếp tục mối quan hệ của chúng ta”. Một tuần sau, cô định nhắn lại: “Anh làm ơn im đi được không”. Nhưng cuối cùng cô đã không gửi gì cả.

Bồi bàn tiến lại hỏi có muốn uống gì không. Hỏi tới lần thứ hai thì cô đành gọi một ly nước cam với thật nhiều đá bào. Không cần nhìn sang Bill, cô cũng biết là anh ta không nghe thấy gì hết, kể cả câu hỏi của bồi bàn, kể cả câu trả lời của cô, kể cả đám người đang đi xuống cầu thang, vừa đi vừa ồn ào bình luận về một bộ phim mới ra, rất bạo lực mà không ghi cấm trẻ em, như thế là phạm luật. Ai đó còn nói to không phải cứ tiếng súng thì mới là bạo lực, “có những sự im lặng còn nguy hiểm hơn tiếng súng!”, những kẻ khác vỗ tay tán thưởng rồi cả bọn chen nhau bước ra đường.

Trong góc phòng, một phụ nữ trung niên ngồi lật họa báo, trước mặt bày một chai bia đã cạn tới đáy. Chị ta có mái tóc vàng xù như rơm và cứ vài phút lại buông họa báo để ngó nghiêng. Bill ngồi quay lưng lại. Như vậy có lẽ tốt hơn, cô nghĩ. Bởi nếu thấy chiếc khăn trắng toát thế nào chị ta cũng sẽ bỏ họa báo để nhìn chằm chằm vào mặt anh ta như anh ta đang nhìn chằm chằm vào mặt cô bây giờ, rồi rất có thể sẽ buột miệng kêu to: “Chỉ những pho tượng mới quàng khăn giữa mùa hè!”. Sau đó, vì Bill sẽ im lặng, chị ta sẽ kêu to hơn nữa: “Có những sự im lặng còn nguy hiểm hơn tiếng súng!” hay một câu gì na ná như thế mà người ta vẫn hằng ngày đọc được trong các họa báo.

Bồi bàn sau khi mang lại ly nước cam thì giơ tay nhìn đồng hồ và phi xuống cầu thang. Có vẻ như đã quá giờ phục vụ. Anh ta không nhận ra khách quen một thời. Ngày trước mỗi khi cô đặt chân tới cửa, anh ta đều nháy mắt chỉ lên gác, nơi ấy Kai đã ngồi sẵn bên chiếc bàn kê sát cửa sổ, tờ báo mở đôi đặt trên ghế đối diện. Có lần cô hỏi Nagasaki cũng phải xếp gạch giành chỗ như Hà Nội hay sao, Kai không hiểu và cô cũng không tìm cách giải thích.

Cô đẩy ly nước cam đến trước mặt Bill. Chiếc khăn quấn mấy vòng quanh cổ khiến mồ hôi chảy tong tỏng từ trán anh ta xuống mặt bàn. Nhưng sự ngốt ấy, anh ta không thể nói lên lời nên đành trút vào cái nhìn về phía cô và cô lại đành ngó xuống phố.

Phố vẫn trải một màu vàng tươi. Trong màu vàng không lẫn đi đâu được của tháng Sáu, cô lại nghe thấy cái giọng đều đều của Bill kể tiếp:

“Ngoài cái tên Paul Polotski, mẹ tôi không có thông tin nào khác. Đấy là một cuộc gặp gỡ bất ngờ và chớp nhoáng, cả hai không biết gì về nhau và cũng không có ý định gắn bó cuộc đời với nhau. Cách đây hai mươi năm người ta hầu như chưa biết tới bao cao su và thuốc tránh thai. Ngay lập tức tôi tìm thấy tên ông ta trong danh bạ điện thoại. Tôi tin đó là bố đẻ của mình, bởi tôi đã kiểm tra danh bạ của cả nước Pháp, chỉ có đúng một người mang tên họ như vậy, trong thành phố Paris. Và cũng vì linh tính. Càng sống tôi càng tin là trong các cuộc tìm kiếm, linh tính luôn  đóng vai trò quan trọng. Tôi cầm điện thoại lên, bấm số vừa tìm được. Ba lần chuông reo, có tiếng trả lời. Một giọng đàn ông khiến tôi run bắn. Cố trấn tĩnh, tôi bảo tôi tìm một người tên họ như thế này, nếu đúng xin được phép nói chuyện riêng. Đầu dây kia ngần ngừ rồi đồng ý. Lấy hết can đảm, tôi nói cái câu đã hình dung nghìn lần trong đầu: “Bố ơi, chắc là bố không biết con đâu, nhưng con là con trai của bố”.

Đầu dây kia im phăng phắc. Tôi lại lên tiếng: “Con sẽ không làm phiền bố đâu. Con chỉ muốn biết rằng bố tồn tại trên đời. Một tuần nữa là con tròn hai mươi tuổi”. Tôi im lặng chờ đợi. Một lát sau, đầu dây kia trả lời, rằng ông cũng rất vui được biết tôi sắp hai mươi, ông không ngờ là có một đứa con trai đã lớn như vậy, sau cuộc gặp gỡ chóng vánh, ông và mẹ tôi không hề liên lạc với nhau. Tôi liền bảo tôi không trách ông, rằng không ai có lỗi trong việc này, rằng tôi không hề cảm thấy bất hạnh khi sống một mình với mẹ vì đó là một người mẹ trên cả tuyệt vời… vân vân và vân vân. Câu chữ cứ thế mà tuôn trào. Như thể bao nhiêu năm không được nói. Tôi nhớ là tôi đã bảo ông: “Đó có lẽ là sự lựa chọn của mẹ, bố ạ”. Tôi đã chuẩn bị tinh thần, nhưng lần đầu tiên được gọi ai đó là “bố”, thấy xúc động khôn tả. Cuối cùng, tôi nói với ông rằng vài ngày nữa tôi có việc phải lên Paris, đây là đầu tiên tôi đặt chân tới thủ đô, nếu ông không cảm thấy ngại thì tôi rất muốn được gặp ông, ở một quán cà phê chẳng hạn, độ nửa tiếng. “Con sẽ không làm phiền bố đâu. Con chỉ muốn biết rằng bố tồn tại trên đời”, tôi nhắc lại cái câu lúc nãy. Ông chấp nhận, lại còn đưa cho tôi địa chỉ của một quán cà phê mà ông nghe bảo là khá yên tĩnh. Tôi đặt máy xuống mà thấy người lâng lâng”.

 

 

13

Paris

“Mấy tối liền sau đó tôi nằm mơ thấy Paul Polotski, và dù chưa bao giờ biết mặt ông, tôi cũng có cảm giác đó là một người đàn ông bé nhỏ, tóc đen, có vẻ nhút nhát và mơ màng, một “tâm hồn Nga” như người ta hay nói.

Trong mơ tôi thấy ông đưa tôi về một làng nhỏ hệt trong tiểu thuyết Sông Đông êm đềm, tối hôm đó chúng tôi được dân làng làm tiệc tiếp đón, lần đầu tiên tôi biết thế nào là bánh rán nhân thịt và bia làm từ lúa đại mạch, và được nhảy với một thiếu phụ vô cùng duyên dáng mà không hiểu sao tôi cứ nghĩ đó là nàng Asinia. Tỉnh dậy tôi vẫn còn ngất ngư. “Paul Polotski” với tôi là một cái tên đẹp nhất lúc đấy. Tôi bắt đầu tiếc là đã không được mang họ Nga của ông, và tự hỏi không hiểu sao mẹ tôi lại đặt cho tôi một cái tên đặc Mỹ. Thậm chí tôi còn thử ghép tên tôi với họ của ông và ngán ngẩm lắc đầu: Bill Polotski nghe không ổn chút nào.

Đúng hẹn, tôi đáp máy bay lên Paris, rồi tiếp tục đi tàu điện ngầm tới quán cà phê. Tôi đến nơi sớm hơn một tiếng. Phải nói là tôi hồi hộp, bảo là lên thủ đô có việc nhưng thực ra chỉ là cớ để gặp bố. Tôi chọn một bàn khuất nhất của một góc vắng nhất, ngồi tì tay nhìn ra cửa, hy vọng sẽ nhìn thấy bố ngay khi ông xuất hiện. Tôi chuẩn bị một tệp khăn mùi soa giấy. Tôi biết là tôi sẽ khóc ngay câu đầu tiên. Tôi biết là tôi đã không giữ lời hứa với mẹ. Nhưng tình phụ tử là cái gì đó không thể nói là không thiêng liêng.

Tháng Sáu nắng bao giờ cũng vàng một màu không lẫn đi đâu được. Nửa tiếng trôi qua. Nửa tiếng nữa trôi qua. Quá giờ hẹn một tiếng, vẫn không thấy ông đâu. Quán quả là yên tĩnh như ông đã nghe nói, trong suốt mấy tiếng đồng hồ chỉ có vài khách bước vào, nhưng ba người thì đi với một ai đó, còn lại là một ông say bí tỉ và một thanh niên hút thuốc phì phèo. Tôi hết cả kiên nhẫn và bỏ điện thoại ra bấm để rồi choáng váng: đầu dây bên kia là giọng tổng đài, thông báo rằng số điện thoại ấy không còn hợp lệ. Tôi gọi lại một lần nữa, vẫn là giọng tổng đài. Tôi gọi lại một lần nữa. Sau ba lần, tôi mới đành chấp nhận đó là sự thật”.

Bill dừng lại. Cô quay sang nhìn anh ta. Cô vẫn không thoát được cảm giác trước mặt mình là một pho tượng thạch cao. Và từ khi pho tượng ấy mấp máy môi, cô lại có thêm cảm giác đang nghe một băng học ngoại ngữ. Nhưng rồi cô tự nhủ có lẽ nhờ cái giọng đều đều dễ gây buồn ngủ này mà người nghe đã không rơi nước mắt trước câu chuyện của anh ta. Một ý nghĩ chợt tới trong đầu cô: rất có thể cả đêm hôm qua, Bill đã giam mình trong phòng riêng, kể đi kể lại câu chuyện ấy cả chục lần, mới đầu vừa kể vừa thút thít, sau đó vừa kể vừa oán hờn, cuối cùng khi thuộc như cháo chảy thì cũng là lúc đã chai sạn cảm xúc. Gần một tiếng đồng hồ lúc nãy, anh ta đối diện với cô mà không mở miệng nói câu nào, chẳng qua chỉ để dượt thêm vài lần nữa trong đầu cho thật chắc. Và kết quả đúng là ngoài sức tưởng tượng: anh ta đã kể câu chuyện của chính mình như kể câu chuyện của một người khác. Cô có cảm giác thậm chí mấy câu trao đổi ở điện thoại tối hôm qua cũng được anh ta tập trước, chúng cũng được nói bằng một giọng đều đều vô cảm đến nỗi cô đã mất bình tĩnh và phản ứng như một cái máy: ngay lập tức đồng ý tới gặp anh ta, rồi lại ngay lập tức đưa cho anh ta tên của cái quán vừa bất ngờ hiện ra trong đầu.

Nếu có một cuộc thi lạnh lùng thì Bill và ông Linh sẽ đồng giải nhất, cô tự nhủ. Ông Linh muốn cô hiểu rằng cơn “ám ảnh chết người” mà mẹ từng gây cho ông ấy ngày nào đã chấm dứt từ lâu, còn Bill muốn cô hiểu rằng nỗi “xúc động khôn tả” mà Polotski từng gây cho anh ta ngày nào cũng chấm dứt từ lâu.

Cô nhìn anh ta một lần nữa. Khả năng tỏ ra lạnh lùng của Bill kể ra cũng đáng gờm. Bộ quần áo trắng toát cùng chiếc khăn quàng trắng toát kết hợp tài tình với mái tóc bạch kim. Anh ta quả là tính đến từng chi tiết. Nhưng điều khiến cô ngạc nhiên hơn cả là chính Bill chứ không ai khác đã vô tình gây ra nỗi khốn khó mà cô phải gánh chịu trong quá trình tìm kiếm Paul Polotski: sau cú điện thoại mà anh ta nằng nặc nhận là con trai, Polotski lúc ấy hẳn đã lập gia đình, không muốn gặp rắc rối, đã quyết định đổi số điện thoại nhà riêng. Từ đó đến nay hai mươi năm, mỗi năm ông ta phải trả France Télécom một khoản tiền để họ tên không bị hiện lên danh bạ điện thoại.

Mười ngày sau khi đưa tang mẹ, quay lại Paris, cô đã mở danh bạ điện thoại, tìm khắp thành phố và ngoại ô Paris, rồi sau đó là hai mươi bốn vùng của nước Pháp, nhưng không thấy người nào là Paul Polotski. Lúc ấy, ông ta chưa bắt đầu dạy hợp đồng cho khoa Đông Âu. Bấm họ tên ông ta ở Internet, chỉ được một vài thông tin mù mờ, một vài địa điểm nơi ông ta đã là giáo viên thỉnh giảng từ những năm nảo năm nao, trong một thời gian rất ngắn, cho một chủ đề lỗi thời, đến nỗi khi cô gọi điện tới, chẳng ai buồn vào lưu trữ để kiểm tra. Một thư ký còn nói huỵch toẹt rằng ngày xưa làm gì có máy vi tính để có thể cất vào kho ảo “mọi thứ hổ lốn trên đời”.

Mấy tuần tiếp theo, cô không nhớ đã gõ cửa bao nhiêu khách sạn và bưu điện để xin danh bạ điện thoại cũ. Hai trăm cuốn danh bạ điện thoại của Paris và hai mươi bốn vùng nước Pháp cũng không giúp cô dò được dấu vết nào của Paul Polotski.

Mấy tuần tiếp theo, cô đành ngồi lập danh sách tất cả những ai mang họ Polotski mà cô tìm thấy trong hai trăm cuốn danh bạ điện thoại, với hy vọng mong manh rằng đó là những kẻ ruột thịt của Paul Polotski.

Có máu nhập cư trong người cũng có nghĩa là ít khi nào chấp nhận dừng chân. Sau khi tra xong hai trăm cuốn danh bạ, cô biết được rằng toàn bộ nước Pháp trong vòng chục năm nay có chín vị mang họ Polotski, nhưng duy nhất một vị tên là Anatole trong năm năm cuối không chuyển nhà lần nào, còn lại thì cứ đều đặn hai hay ba năm lại thấy thay địa chỉ một lần. Có những vị bỗng dưng từ đâu xuất hiện, có thể thanh niên ra ở riêng, hoặc trung niên mới ly dị, hay bất kỳ tuổi nào nhưng vừa từ Nga sang. Có những vị tự nhiên biến mất, có thể đã qua đời, vào nhà dưỡng lão, trở về cố quốc hay lập gia đình rồi chuyển đến ở với vợ, hoặc rất đơn giản, đã bỏ điện thoại bàn và chỉ sử dụng di động như rất nhiều dân Pháp độc thân bây giờ. Cô không còn cách nào hơn là gọi điện tới từng vị. Cô nghĩ, thám tử tư đầy kinh nghiệm thì cũng phải sử dụng cái phương pháp thủ công này.

Chín vị nhưng cuối cùng thành mấy chục cú điện thoại, mấy chục cú điện thoại đều bắt đầu bằng câu hỏi “Xin lỗi, có phải đây là nhà ông Paul Polotski?”, mấy chục cú điện thoại trong đó một nửa vừa nghe xong, đầu kia đã đặt máy, không biết vì lý do gì và cô đành để vài ngày sau gọi lại, vài ngày sau mà vẫn bị đặt máy thì lại đành để vài ngày sau nữa gọi lại. “Quá tam ba bận” cô tự đặt cho mình quy tắc như thế. Có cú điện thoại chỉ kéo dài chưa đầy nửa phút, đủ để cô nhắc lại cái câu hỏi đã thuộc lòng ấy và đầu kia trả lời ngắn gọn: “Xin lỗi, nhầm số rồi”. Lại có cú điện thoại kéo dài cả tiếng, cô vừa nghe vừa nghĩ tới hóa đơn điện thoại tháng sau, nhưng đầu kia một cụ già nào đó đang buồn chán và thèm trút bầu tâm sự, không có Paul Polotski nào ở đây nhưng có cụ, cụ cũng gốc Nga, càng già càng nhớ cố hương, càng phát khổ phát sở vì các kỷ niệm. Có cú điện thoại khiến cô phì cười khi đầu kia một giọng phụ nữ quang quác: “Thằng Paul đâu, lại thêm một con ranh gọi mày đi nhảy đây này”. Lại có cú điện thoại khiến cô không cười nổi khi đầu kia một giọng phụ nữ nghẹn ngào: “Cô là ai mà không biết Paul đã qua đời năm ngoái, một ngày trước khi anh ấy tròn ba mươi”. Nhưng cú điện thoại sau đây cô cho là kỳ lạ nhất:

– Xin lỗi có phải đây là nhà ông Paul Polotski?

– Sáng nay cũng có một người Mỹ gọi tới đây hỏi Paul Polotski. Cô gọi có việc gì?

– Tôi chỉ muốn xem ông Paul Polotski có sống ở đây không.

– Nói thật cho tôi biết có đúng là mafia Hoa kiều đang truy lùng cái văn tự thổ trạch ấy?

– Văn tự thổ trạch nào cơ?

– Văn tự thổ trạch mà nhà Thanh của các người đã ký với Sa hoàng của chúng tôi.

– Tôi không hiểu ông đang nói gì.

– Thôi đừng giả bộ. Các người đã làm mất văn tự trong chiến tranh Hoa-Nhật, giờ đây mới cuống cuồng tìm lại, nhờ cả CIA tìm giúp.

– Nhưng văn tự về cái gì vậy?

– Các người đã lợi dụng Sa hoàng để mua rẻ bốn hòn đảo phía Đông sông A-mo của chúng tôi.

– Sông A-mo ở tận Xi-bi-ri ấy à?

– Chứ còn ở đâu nữa.

– Lần đầu tiên tôi nghe thấy chuyện này đấy.

– Thôi dừng giả bộ. Các người chẳng tính toán từ cả thế kỷ nay.

– Thế mafia quận Mười Ba thì có dính dáng gì tới chuyện này?

– Chính các người vừa ra giá một trăm triệu cho ai tìm thấy văn tự.

– Thế Paul Polotski thì có dính dáng gì tới văn tự?

Mỗi khi nhớ lại cú điện thoại này, cô lại tự nhủ không biết vì lý do gì mà đầu kia thình lình đặt máy ở đúng câu hỏi cuối cùng của cô, rồi ngay lập tức để kênh máy và từ ngày hôm sau, cắt luôn số điện thoại. Cách đây mấy ngày, cô thử gọi lại vẫn bị rơi vào tổng đài. Bây giờ, ngồi trước mặt Bill, cô chợt nghĩ rất có khả năng Bill đã là người gọi điện tới số máy ấy vào buổi sáng hôm đó: sau hai mươi năm sống trong thắc mắc, anh ta không chịu nổi và lại bắt đầu cuộc tìm kiếm dấu vết của bố đẻ. Việc đầu tiên mà anh ta làm là lục tung danh bạ điện thoại Paris và hai mươi bốn vùng của nước Pháp để lên danh sách tất cả những ai mang họ Polotski, với hy vọng mong manh rằng đó là họ hàng máu mủ của ông ta (và vì thế cũng là họ hàng máu mủ của chính anh ta). Lập xong danh sách chín vị, Bill đã quyết định cầm máy lên gọi điện cho từng vị một. Lý luận của anh ta cũng chẳng khác gì cô: thám tử tư đầy kinh nghiệm cũng không thể không sử dụng phương pháp thủ công này. Tóm lại, anh ta và cô đều vô tình suy tính và tiến hành một số thao tác tìm kiếm cơ bản bằng điện thoại. Rồi có một ngày cả hai cùng gọi tới một số máy, cùng đặt câu hỏi về Paul Polotski và đã bị đầu dây kia ngờ là đang truy lùng văn tự thổ trạch của bốn hòn đảo trên sông A-mo, anh ta thì đại diện cho CIA (vì có tên đặc Mỹ) còn cô thì đại diện cho mafia Hoa kiều (vì có giọng Á châu).

Trời tối lại từ lúc nào, không phải vì đã muộn mà vì một cơn mưa. Tầng vẫn không có thêm khách, bồi bàn cũng chẳng buồn quay lại hỏi thăm.

Cô chợt muốn đứng dậy để ra về. Thình lình người phụ nữ tóc vàng tiến thẳng tới bàn cô, một tay chống nạnh, một tay chỉ vào chiếc khăn màu trắng quấn quanh cổ Bill, miệng nói dõng dạc: “Đúng là thằng chập mạch!”. Cô vội đứng lên cầm tay chị ta kéo ra chỗ khác. Ngay sau đó, cô hơi bất ngờ vì hành động của mình rồi tự lý giải rằng cô chỉ muốn bảo vệ một kẻ không có khả năng tự vệ: trước sự tấn công của người lạ mặt, Bill tiếp tục ngồi im như tượng.

Người phụ nữ tóc vàng dãy dụa quyết liệt. Sau mấy cái vung tay khiến cô bắn ra một góc, chị ta quay phắt lại và nổ như súng liên thanh vào Bill cái câu lúc nãy: “Đúng là thằng chập mạch!”, tay tiếp tục chỉ vào chiếc khăn màu trắng. Vì Bill vẫn không phản ứng nên chị ta nhảy choi choi, vừa nhảy vừa ngó nghiêng khắp phòng, nhưng vẫn không quên đong đưa bộ tóc vàng làm duyên. Có cảm giác chị ta đang tìm một vật đủ sắc để cắt phéng chiếc khăn. Lại cũng có cảm giác chị ta đang đóng vai một quí bà nạ dòng đỏng đảnh. Cảnh tượng vừa hung hãn vừa khôi hài. Cô suýt bật cười, đứng nhìn cho tới khi bồi bàn từ dưới nhà lao lên, lôi chị ta xuống cầu thang, tống ra ngoài.

“Đúng là một lũ chập mạch!”, tiếng bồi bàn rú rít. Cô phẩy tay, đứng lên.

Buổi chiều, trên đường tới trường mẫu giáo đón thằng Mike, cô không thể nào không nhớ lại cảnh này, và vẫn thấy buồn cười như lúc nãy. Người phụ nữ tóc vàng có thể đập vỡ chai bia để tấn công chiếc khăn quàng màu trắng, nhưng Bill bắt buộc phải ngồi im vì anh ta đã không lường trước được rằng chiếc khăn của mình có khả năng khiến ai đó nổi điên. Anh ta không biết phải làm gì trong trường hợp này. Đánh lại một người điên thì anh ta không dám, mà lên tiếng giải thích cho chị ta hiểu thì anh ta không thể (anh ta chưa kịp luyện giọng trước ở nhà). Anh ta chấp nhận bị một người điên tấn công còn hơn là phải để lộ giọng thật của mình.

Cô có linh cảm rằng cô và Bill sẽ còn gặp lại nhau, trong một hoàn cảnh khác.


Leave a comment

Thang máy Sài Gòn (9, 10, 11)

9

 

 Sài Gòn

Trong căn phòng nơi mẹ ở hai tuần trước khi tai nạn xảy ra, cô đã tìm được cuốn sổ tay ở một chỗ khá bất ngờ: giữa chiếc gối đặt trên đầu giường mẹ. Trước đó, cô đã mất cả tiếng lục lọi mọi ngóc ngách và ngăn tủ nhưng sờ tới chỗ nào cũng thấy trống trơn. Căn phòng ngay khi mẹ mất đã được bà giúp việc dọn dẹp, rồi đem đốt hết quần áo và vật dụng mà mẹ để lại. Căn phòng từ đó bị đóng kín, hẳn là ai cũng sợ bước vào nơi ở của người vừa qua đời. Thế nên, một ngày sau đám tang, cả anh Mai và bà giúp việc đều ngạc nhiên khi cô đòi mượn chìa khóa, rồi vào đó một mình.

Đặt lên bàn cuốn sổ tay của một thời bao cấp, cô vội lật từng trang giấy mủn, và ngạc nhiên khi không tìm thấy một dấu tích nào của mẹ. Thế nhưng càng ngẫm nghĩ, cô càng tin rằng cuốn sổ tay này có một ý nghĩa đặc biệt với mẹ. Phải đặc biệt thế nào, mẹ mới mang từ Hà Nội vào đây, rồi lại cất kỹ trong lớp bông dày của chiếc gối. Cầm cuốn sổ lên, lật đi lật lại, cô phát hiện ra tấm ảnh đen trắng giữa hai lớp bìa. Trên ảnh là một thanh niên da trắng, tóc thẫm, mắt trong. Mặt sau của tấm ảnh có ba dòng viết tay:

Paul Polotski

1954

Số nhà 21 đại lộ Suffren, Paris.

Cô nhận ra nét chữ quen thuộc của mẹ.

Cô không nhớ đã đứng bao lâu ở cửa sổ trước khi nhận thấy đối diện với cô, qua khoảnh sân nhỏ, một đôi trai gái không mảnh vải trên người, đang hì hụi dịch chuyển từ đi văng xuống mặt sàn, trong phòng khách tranh sáng tranh tối. Ngay cạnh đấy một đôi khác có vẻ trẻ trung hơn, nhà nghề hơn, liên tục thay đổi tư thế, trên một chiếc giường rộng mênh mông. Nhìn một lúc thì cô phát hiện ra bà hàng xóm và bạn trai, còn đôi kia là hai diễn viên của dòng phim X.

10

 

 Paris

Thứ Năm. Tám người được dẫn tới một bàn tròn, bàn tròn nằm ngay cạnh cửa sổ tầng hai, còn cửa sổ tầng hai thì trông xuống đường lớn, đường lớn chín giờ tối đã chìm vào im lặng, thi thoảng một chiếc ô tô chạy qua, đèn pha lướt trên vỉa hè ẩm ướt. Một học trò đã gọi điện đặt chỗ từ trước. 7 giờ 15, chuẩn bị chữa bài tập về nhà, ai đó chợt bâng quơ: “Chút nữa đi chén nhé”. Không khí sôi động hẳn. Chủ yếu để bàn xem “chén” ở đâu. Quán này, mấy em bồi bàn màu mỡ nhưng món nem lại khô cằn. Quán kia, gỏi cuốn rất hào phóng tôm nhưng toa lét lại vô cùng tiết kiệm nước. Quán kia nữa, nem màu mỡ, mỗi gỏi cuốn có hẳn hai con tôm, toa lét hào phóng nước, nhưng nhìn mặt lão chủ chỉ muốn cho mấy cái tát…

Lần nào nghe những nhận xét kiểu này, cô đều nghĩ nếu ai có nhu cầu tìm hiểu ẩm thực Việt tại Paris thì nên đến gặp học trò tiếng Việt, còn nếu ai có nhu cầu học tiếng Việt thì cuối cùng cũng chỉ biết mỗi ẩm thực Việt tại Paris.

Nửa tiếng sau cũng quyết định xong, một quán có lẽ quy tụ được cả ba yêu cầu. Thế nhưng khi gọi điện tới thì mới hay cả tuần nay một trăm cái nồi đất bị ách lại ở cảng Le Havre nên đầu bếp không thể phục vụ món gà hấp nồi đất. Thế là lại mất thêm mươi phút nữa tranh luận. Cuối cùng vẫn nhất trí tới quán đó, ăn món này, món này… nhưng phải gọi điện lại để kiểm tra trước rồi mới đặt bàn. Hóa ra cũng ổn. Còn đúng hai mươi phút để sửa bài tập về nhà. Không khí có vẻ chùng xuống. Đầu óc chỉ nghĩ tới mấy món sắp ăn. Bụng sôi sùng sục. Cũng dễ hiểu, giờ học tiếng Việt rơi đúng vào giờ cơm tối.

Cô thở dài, hóa ra kẻ thù nguy hiểm của lớp học tiếng Việt không chỉ là vô tuyến truyền hình Pháp mà còn là các quán cơm Việt. Một lát sau, nhìn cả lớp chăm chú nghiên cứu thực đơn, cô lại thở dài lần nữa: học trò của cô dù sao cũng có nhiều lựa chọn (hàng trăm món ăn Việt cùng với mấy chục kênh vô tuyến truyền hình Pháp), còn cô thì không có lựa chọn nào khác – « bán hàng, dạy học, nghỉ buổi nào trừ lương buổi ấy, nghỉ nửa buổi trừ nửa buổi », bà Wang đã giao hẹn ngay từ buổi đầu tiên.

8 giờ 30 cả lớp lên đường tới quán. Trừ một người, có lẽ trẻ nhất, tên là Luc mà cô và những học trò khác đều không biết họ là gì. Nói chung, chẳng ai biết chút thông tin nào về nó, và cũng không có ý định biết thì phải. Nó bao giờ cũng chọn góc khuất nhất để ngồi, không trò chuyện, không giơ tay phát biểu ý kiến, không đi ăn chung, không về cùng tàu điện ngầm, không đến chơi nhà người nào ở lớp. Thực ra, thời gian đầu, nó cũng đã thử tham gia các hoạt động tập thể, vì mục đích đến đây của nó có lẽ không phải là học tiếng Việt mà là tìm một chỗ giải khuây, kiểu một câu lạc bộ nho nhỏ, rồi biết được thêm câu tiếng Việt nào thì càng tốt. Đúng thế, nó đã cố tìm cách hòa mình vào đám đông, không ít lần. Nhưng ngay lập tức nó bị gạt ra ngoài. Và điều này thì ai cũng biết.

Nó vừa bước chân vào lớp, người ta đã bụm miệng cười.

Nó bảo hè tới định đi Việt Nam một chuyến, từ Bắc vào Nam, muốn tìm ai đó đồng hành cho vui. Người ta quay sang nhìn nhau ngáp.

Nó khoe mới mua một chiếc khăn đũi để ngày mai tặng sinh nhật một nữ đồng nghiệp cùng phòng, chưa dứt lời đã bị hỏi giật giọng: “U50 hay U60?”

Một học trò lấy chồng, gửi thiếp mời cả lớp, trừ nó. Không hiểu bằng cách nào mà nó biết, nó đòi góp tiền mua quà, nhưng người ta không nhận, bảo chuẩn bị xong đâu đấy rồi, muốn tặng gì đưa thẳng cho cô dâu chú rể. Hôm cưới, tất nhiên không thấy nó đâu: trên bàn tiệc ghi rõ tên từng khách mời.

Tết Việt Nam, nó rụt rè hỏi có tổ chức hội hè gì không, nó biết một cửa hàng bán bánh tét và giò thủ chuyển thẳng từ bên kia sang, theo đường Vietnam Airlines nên không sợ bị ách ở cảng Le Havre. Không ai trả lời.

Ngay tối đó, cả lớp rủ nhau đi ăn quán, người ta bàn phải dứt khoát với “thằng Luc ấy”, không hiểu sao nhìn mặt nó là mất vui.

Từ đấy, nó có vẻ hiểu ra vấn đề. Nó co rúm vào một góc. Cô thấy lạ là nó vẫn tiếp tục đến lớp. Tiếng Hoa mở ra, nó vội vàng đăng ký đi học. Thời gian đầu, nó có vẻ phấn khởi. Nó tới lớp tiếng Việt với vẻ tự tin, vác theo mấy quyển sách giáo khoa tiếng Hoa. Giải lao mười phút, nó mở sách ra làm bài tập, rồi đọc thành tiếng, không hiểu để tranh thủ thời gian hay muốn lòe người khác. Chẳng ai buồn để ý. Những giờ giải lao sau đó, nó ngồi cắn móng tay, mặt cúi gằm xuống đất. Cô chỉ sợ nó sẽ òa lên khóc hoặc bật dậy đánh một ai đó. Nhưng không có chuyện gì xảy ra. Tất cả các buổi học đều thấy nó đến, rất đúng giờ, rồi rón rén chọn góc khuất nhất. Một hôm, tình cờ gặp cô ở bến tàu điện ngầm, giáo viên tiếng Hoa nói: “Thằng Luc ấy chẳng hiểu thế nào, ngày trước giải lao có mười phút mà mở sách giáo khoa tiếng Việt ra làm bài tập, đọc thành tiếng, bây giờ thì ngồi cắn móng tay”. Cô tưởng tượng nó cũng đã thử tham gia các hoạt động tập thể của lớp tiếng Hoa, nhưng ngay lập tức nó bị gạt ra ngoài. Ở đấy, người ta cũng bàn nhau phải dứt khoát với “thằng Luc ấy”, không hiểu sao nhìn mặt nó là mất vui.

Tám người quyết định mỗi người chọn một món rồi ăn chung, thiếu thì gọi tiếp. Ai cũng hồ hởi, đề nghị bồi bàn mang cho một ly rượu đế, nhấp môi một lượt trong lúc chờ đợi. Tinh thần tập thể tỏ ra rất cao. Bồi bàn còn mang cho một đĩa phồng tôm và củ kiệu để nhắm, thấy cô nháy mắt hỏi: “Hà Nội qua hồi nào zdậy?”

Cả bọn nhìn nhau. Một bà thở dài bảo tiếng Việt khó kinh hồn, học mãi mà chỉ nghe được mỗi từ “Hanoi”. Bà này là học trò nghiêm túc nhất của lớp, bài tập về nhà bao giờ cũng làm rất đâu vào đấy, ngay hôm đầu đã xin phép được thu băng giờ học để về nhà ôn lại. Một ông loắt choắt, tỏ ra thông thạo, vội giải thích “khó kinh hồn” chẳng qua là vì bồi bàn nói giọng Nam. Bà học trò nghiêm túc có vẻ không được thuyết phục lắm nhưng im lặng, không muốn mất thời gian vào việc tranh cãi, dù sao cũng bỏ tiền túi ăn quán tối nay.

Ông kia lại nói bạn gái ông ta “Hà Nội chính gốc” vào Sài Gòn chơi mà chỉ nghe được có một nửa, nửa còn lại phải nhờ phiên dịch của ông ta giải thích hộ. Những người khác nhìn ông ta gật gù. Còn ông ta thì nhìn cô len lén. Cách đây hơn năm, một lần sau giờ học, đợi những người khác về hết rồi, ông ta mới chìa ra một bức thư nhờ cô dịch hộ. Bức thư cụt lủn những chữ ngoằn ngoèo, rất khó đọc và be bét lỗi chính tả. Ngồi một lúc cô cũng luận ra được rằng người viết khẩn khoản yêu cầu ông ta gửi gấp tiền về để trả tiền nhà, tiền điện thoại và chuộc xe máy. Ông ta nghe xong thì đỏ mặt, gãi đầu nói “cô ấy” thực ra là một người cần kiệm, rất ít nhu cầu “vật chất”, chẳng qua vì gánh nặng gia đình nên mới cần ông ta giúp đỡ “tài chính”. Cô để ý rằng ông ta luôn tránh dùng từ “tiền”, cái từ, ngược lại, nao nức xuất hiện trong bức thư mà cô vừa dịch xong. Sau đó, ông ta rút từ túi áo ngực một tờ giấy A4 gấp tư, hóa ra đã đánh máy sẵn hồi âm và nhờ cô dịch hộ càng sớm càng tốt. Ở bến tàu điện ngầm, ông ta có vẻ suy nghĩ, cuối cùng trước khi bước lên tàu, ông ta nhìn cô gãi đầu nói “chuyện này” ông ta đề nghị cô giữ kín, vì ông ta và vợ đang giai đoạn ly dị, luật sư của ông ta yêu cầu không được để hở “chuyện này” ra ngoài. Sau đó, cô còn dịch thêm cho ông ta vài lần nữa, chủ yếu từ Việt sang Pháp, vì “cô ấy” ở đầu kia đã tìm được ai đó có thể dịch hộ thư của ông ta. Cô thấy nhẹ cả người, định hỏi tại sao “cô ấy” không nhờ dịch luôn thư trước khi gửi đi Pháp, nhưng lại thôi. Cô không hình dung nổi ông ta đến lớp tiếng Việt làm gì nếu không phải để nhờ dịch thư «cô ấy».

Bồi bàn lần lượt mang ra các món, trông đều bắt mắt, món bò nướng có lẽ bắt mắt nhất, được mang ra sau cùng. Ai đó vừa thốt lên “nhìn kìa”, đã thấy chiếc chảo trên tay bồi bàn bốc cháy, lửa kêu xèo xèo, mùi thơm nức mũi. Thực khách trong phòng cùng ngoái ra xem, rồi một vị vỗ tay, những vị khác vỗ theo, rất nhiệt tình, không hiểu theo điệu nhạc tưởng tượng nào, riêng cô bỗng dưng nhớ tới bài hát “Nổi lửa lên em, đánh Mỹ đêm nay” từng rất được ưu ái bởi loa truyền thanh phường Thành Công. Bồi bàn đặt chảo vào giữa bàn, nhìn cô cười khoái chí: “Hà Nội không có món này nha !”. Mấy học trò lại nhìn nhau, vẫn chỉ nghe được mỗi từ “Hanoi”. Bà học trò nghiêm túc nhất không phản ứng. Bà ấy đang gắp một miếng bánh cuốn nhân tôm.

Mọi người lần lượt nếm các món rồi thi nhau khen ngon. Ông loắt choắt lại được dịp tỏ ra thông thạo, giải thích rằng muốn ăn cơm Việt phải tới Noisy-Le-Grand, vừa ngon vừa rẻ, chỉ ngại đường sá vòng vèo. Chị trung niên ngồi trước mặt nói đường sá vòng vèo thì sợ quái gì, thời buổi khủng hoảng toàn cầu, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đấy. Nói xong thở phì phò như một con tê giác. Mọi người im thin thít. Chắc chưa ai quên giờ học cuối tháng Chạp vừa rồi, chủ đề là nghề nghiệp, học trò nào cũng được đề nghị trả lời câu hỏi: “Bạn làm nghề gì? Bạn có thích công việc của mình không?” Tất cả tham gia sôi nổi. “Thằng Luc ấy” còn mạnh bạo đưa ra một câu trả lời lê thê. Không ai hiểu gì nhưng cũng không bụm miệng cười. Có lẽ cũng nên một đôi lần tỏ ra khoan dung, nhất là vào những dịp lớp có sinh nhật như tối nay, góc phòng đã bày sẵn bánh ga tô, nước hoa quả, bia táo và một mùi gì thơm thơm rất đặc trưng của cơm Việt. Riêng chị trung niên thì cáu kỉnh ra mặt, thay vì trả lời bằng tiếng Việt, chị ta nhả ra một tràng tiếng Pháp: “Nghề của tôi ấy à, là nghề đi nhận trợ cấp thất nghiệp, vì trong khi mà các vị có cái may mắn là hằng ngày tới chỗ làm đú đởn với nhau thì tôi vừa bị đuổi việc hôm qua. He he, đúng như vậy đấy, thằng giám đốc nhân sự vớ được một con bớp ở đâu mang về, một thời gian sau tống cho tôi một lá thư, thông báo hợp đồng đã hết, công ty không có khả năng gia hạn”. Dứt lời, chị ta òa lên nức nở. Mọi người im thin thít. Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên chị ta một mình khiêu khích tập thể. Cách đấy mấy tuần, trong một giờ học về chủ đề gia đình, chị ta kể rằng gia đình nhỏ của chị ta có một «thằng cu bé bỏng», một tháng tuổi thôi, dễ thương vô cùng. Ai cũng giật mình kinh ngạc. Chị ta đã bao giờ bụng mang dạ chửa. Một người đánh bạo nói: “Vớ được ông chồng khéo ghê, cũng biết trông con trai cho vợ đi luyện tiếng Việt”. Thế là chị ta cười sằng sặc bảo chồng con quái gì, đấy là con tũn mà chị ta mới xin được, rồi kết luận tỉnh bơ: “Kể ra các vị cũng dễ tin nhỉ!”. Trong mọi giờ học, có bị hỏi bằng tiếng nào thì chị ta cũng cứ tiếng mẹ đẻ mà phang. Mỗi lần như thế cô lại tự nhủ chị ta phí tiền đi học tiếng Việt để làm gì. Trong Paris này, lướt net vài giây là hiện ra một tá hiệp hội của người độc thân. Tới đấy thế nào cũng tóm cổ được vài chục ông độc thân. Lớp tiếng Việt của cô có dăm ông độc thân, nhưng lại toàn các ông độc thân đang mong được phụ nữ Việt tóm cổ. Thế mà hình như chị ta không hiểu ra vấn đề, gần hai năm rồi vẫn tiếp tục trả tiền học để lâu lâu lại òa lên nức nở hay cười sằng sặc giữa lớp.

Lúc này, cô bỗng có linh cảm thế nào cũng xảy ra một cuộc đụng độ. Chị trung niên có cái vẻ hiếu chiến đáng sợ của một con tê giác mắc chứng trầm uất. Không hiểu tình cờ hay cố ý, hôm nay chị ta vận một chiếc váy màu xám nhạt, để lộ cặp đùi núng nính đi tất cũng xám nhạt, còn tóc thì búi thành một chiếc sừng nhỏ ngay trên trán. Người ta nói tê giác mà nổi cơn thịnh nộ thì không gì cản nổi, nhất là loại tê giác một sừng.

Ông loắt choắt lại lên tiếng kể chuyện du lịch Việt Nam, chủ yếu là lấy cớ để kể về “cô ấy” mà ông ta không ngừng nhấn mạnh là “Hà Nội chính gốc”. Những người khác không phản ứng. “Hà Nội chính gốc” hay “Hà Nội mở rộng” không quan trọng bằng bánh bột lọc nhân tôm hay bánh cuốn nhân thịt. Tám đĩa đồ ăn vơi đi rất nhanh. Sau đó lại bàn bạc để gọi thêm vài món nữa ăn với cơm rang thập cẩm cho chặt dạ dày. Thịt kho? Cá kho? Rau xào? Nhớ xin thêm bát nước mắm chanh ớt. Tinh thần tập thể có vẻ vẫn được giữ vững. Nhưng điều này khiến chị trung niên không thể chịu nổi. Chẳng thèm nhìn ai, chị ta tuyên bố một câu xanh rờn: “Biết thế đặt quách từ đầu một thực đơn 12 euro ba món, bảo đảm dạ dày chặt tới tận ngày mai, xong xuôi còn được khuyến mại một cà phê đá”. Mọi người im thin thít. Nói chung, từ sau cái lần chị ta kể chuyện con tũn, mỗi khi chị ta cất tiếng là ai nấy im thin thít.

Tối nay sự im lặng phảng phất ít nhiều bồn chồn: giống như cô, tất cả đều có  cảm giác con tê giác đang tìm cách trút cơn thịnh nộ lên đầu ai đó. Chỉ ông loắt choắt là hồn nhiên, cười nói luôn miệng. Khi ông ta ngoác miệng ra, trông đặc biệt giống một con ễnh ương (trên người ông ta lúc này là một bộ com lê màu xanh biếc lác đác vài sợi óng ánh vàng, có vẻ đắt tiền nhưng hẳn là mua nhầm số). Nghe chị trung niên tuyên bố thì ông ta phẩy tay, ăn xong ai trả được bao nhiêu thì trả, phần còn lại ông ta chịu trách nhiệm. Cả bọn hoan hỉ, chị trung niên lúc lắc chiếc sừng nhỏ và ông ta tiếp tục kể chuyện du lịch Việt Nam. Từ lúc ấy cho tới gần cuối bữa, ông ta độc thoại. Có vẻ như ông ta chấp nhận trả nhiều tiền hơn để được nói về ông ta và “cô ấy”. Ông ta cần được thổ lộ “chuyện này” với người khác. Lớp tiếng Việt là nơi duy nhất ông ta có thể thổ lộ mà không đến nỗi nguy hại lắm. Ở nhà ông ta, ở nhà bạn bè ông ta, ở cơ quan ông ta, ở tất cả những nơi công cộng, ông ta buộc phải ngậm miệng vì luật sư của ông ta đã yêu cầu không được hở “chuyện này” ra ngoài. Ngồi ngay bên cạnh, cô ù hết hai tai vì kế hoạch “về hưu làm lại cuộc đời” của ông ta với Nguyễn Thị Dinh (trong tất cả các bức thư mà cô phải dịch sang tiếng Pháp, có mỗi ba chữ này là không phải luận gì). Đã mấy lần, cô thử tưởng tượng ông loắt choắt và cô Dinh dắt tay nhau đi tập tài chí chuẩn ở bờ hồ Hoàn Kiếm, nhưng lần nào cũng thất bại, vì trong óc cô nhất định chỉ hiện lên một con ễnh ương cao một mét rưỡi và con gái bà giúp việc nhà anh Mai. Bà giúp việc, hôm cô lên đường quay lại Pháp, đặt vào tay cô một bức ảnh con gái út để đầu duỗi, mặc áo dài cách điệu, dặn đi dặn lại: “Nếu quen anh Tây nào cô đơn thì gửi ngay về Hải Dương cho cái Dinh”.

11

 

 Paris

Câu chuyện của ông loắt choắt lẽ ra đã hạ cánh an toàn nếu ông ta không bất ngờ phang một câu khá gay cấn:

– Nhưng tôi và cô ấy chưa bao giờ làm cái trò đó!”. Những người khác ngừng khua đũa.

Chị trung niên chồm hẳn dậy:

– Thế thì làm quái gì? Ngửi nách nhau chắc? Hay là uống vi-a-gờ-ra chưa đủ liều?

Chị ta nói to tới mức cả phòng giật mình quay ra. Cô hiểu là cuộc đụng độ đã thực sự bắt đầu. Vì hai người ngồi đối diện với nhau, và chị ta thì rất to con còn ông ta lại quá bé nhỏ, kẻ đứng người ngồi, nên từ ngoài nhìn vào, có cảm giác chị ta đang chuẩn bị chộp lấy ông ta, con tê giác chộp con ễnh ương, một hình ảnh không thể nói là không ấn tượng. Tuy vậy ông ta không có vẻ giận. Ông ta uống ực một ngụm nước lọc rồi trả lời dõng dạc như để mọi người cùng nghe:

– Chúng tôi đã quyết định trong thời gian tìm hiểu, không làm cái trò đó!

Chị trung niên thở hồng hộc, chiếc sừng nhỏ ve vẩy:

– Nghe ngứa cả tai. Không làm được gì thì cứ nói phắt ra cho nhau nhờ!

Uống thêm một ngụm nước lọc nữa, ông ta đáp lại bằng một câu tuyên bố đầy kiêu hãnh:

– Cô ấy vẫn còn trinh!

Ai đó bật cười. Nhưng những người khác dường như không để ý vì mải theo dõi cuộc đấu khẩu mà kẻ nào thích lý luận có thể gọi là cuộc đụng độ giữa truyền thống và hiện đại, còn kẻ nào không thích lý luận có thể gọi là cuộc đụng độ giữa tê giác và ễnh ương.

– Ối giời, đúng là thằng chập mạch ! chị trung niên cười hô hố, xa xa có tiếng cười theo. Ông loắt choắt tím mặt ngồi im. Một lát sau, dường như quá mếch lòng vì không được ai trong đám cửa tọa lên tiếng bênh vực, ông ta quay lại nhìn một lượt từ bàn này sang bàn khác, rồi bất ngờ phang một câu:

– Nói thật với các vị, tôi đã chán ngấy cái quy luật ngu xuẩn của các vị, cái quy luật mà đàn ông đàn bà cứ gặp nhau là phải đè ngửa nhau ra.

Không một phản ứng. Mọi người cúi đầu tiếp tục khua đũa. Kể ra nếu ông ta cường tráng hơn chút nữa thì thế nào câu tuyên bố này cũng thuyết phục được một vài tâm hồn lãng mạn. Ông ta xách cặp đứng lên, không nói không rằng đi thẳng xuống nhà. Ngay dưới bộ com lê xanh biếc, lộ ra một đôi giày cùng màu, bóng nhẫy và rất oách, nhưng có lẽ cũng mua nhầm số.

Bàn ăn hết vẻ sôi nối. Bảy khuôn mặt nhìn nhau gượng gạo. Bảy nỗi tuyệt vọng gắn liền với cái hóa đơn hẳn phải nở bung gấp bảy lần (từ lúc ông loắt choắt tuyên bố “ai trả được bao nhiêu cứ trả”, hai chục món nữa đã xuất hiện trên mặt bàn, không biết có chắc dạ hay không nhưng đều bắt mắt, lần nào bồi bàn bưng vào cũng được các thực khách trong phòng đồng loạt vỗ tay).

Chỉ đến lúc bà học trò nghiêm túc nhất e hèm gọi bồi bàn lại thanh toán, nhân tiện đem hộ chiếc máy tính để chia tiền cho tiện, thì cả bọn mới hay ông loắt choắt đã trả toàn bộ bằng thẻ visa. Bảy cái miệng toang hoác cười. Trên đường ra bến tàu điện ngầm, một người lên tiếng: – Thằng cha ấy làm gì mà có vẻ lắm đạn thế nhỉ?

Một người khác trả lời: – Giám đốc phụ trách thương mại, ở công ty cũng quyền sinh quyền sát chứ bộ!

Chị trung niên đắc thắng: – Biết ngay mà, tất cả những thằng giám đốc đều chết mê chết mệt những con bớp!

Mọi người im thin thít cho tới lúc đường ai nấy đi.

Sau lần đổi tàu, không hiểu bằng cách nào, cô tình cờ ngồi sau lưng hai học trò, vẫn đang theo đuổi câu chuyện từ nãy. Học trò thứ nhất có vẻ cay cú, thề rằng vụ này cần phải kiểm tra lại, vì theo anh ta “con ễnh ương ấy mọt đời cũng không lên được chức giám đốc”, anh ta nói có sách mách có chứng, anh ta vừa đọc xong một cuốn sách cực hay tên là Cẩm nang xem tướng Trung Hoa, cuốn sách ấy khẳng định rằng “loắt choắt” là một điều tối kỵ trong tướng mạo con người.

Học trò thứ hai cố pha trò bằng cách bảo các cụ tác giả có lẽ cần đội mồ đứng dậy mà cập nhật cẩm nang, thử tới dự một cuộc họp lãnh đạo công ty anh ta mà xem, một tiểu đội ễnh ương ngồi chồm chỗm, điểm mặt ra toàn các sếp bự.

Học trò thứ nhất không có cách nào phản biện, đành chua chát ghi nhận rằng đó là lý do mà trong cả lớp chỉ có “con ễnh ương ấy” mới đủ đạn để năm nào cũng lượn vài vòng Việt Nam. “Còn những bọn như tôi và anh thì chắt bóp mãi mà chưa đi nổi một lần”, anh ta nói thêm có phần khiêu khích.

Dường như không để ý, học trò thứ hai tiếp tục đùa cợt:

– Sang Việt Nam đột nhiên ễnh ương trở thành tê giác, có khi còn cưỡi cả xe máy phân khối lớn.

Vẫn không thể nào thoát khỏi trạng thái cay cú, học trò thứ nhất thốt lên:

– Nhưng sang Việt Nam mà không làm cái trò đó thì sang làm quái gì!

Học trò thứ hai im lặng, vẻ suy nghĩ, một lát sau nhắc lại, giọng phẫn uất:

– Ừ, sang Việt Nam mà không làm cái trò đó thì sang làm quái gì!

Thế rồi cả hai xuống tàu bỏ cô ngồi lại với ý nghĩ rất có thể sáng nay, ông loắt choắt đã giải quyết xong vụ ly dị, nên tỏ ra rất thoải mái khi kể chuyện “cô ấy”, và cũng nhân đây muốn chiêu đãi cả lớp một bữa. Giá như không có vụ đụng độ với chị trung niên, biết đâu ông ta còn cao hứng mời cả lớp sang Việt Nam dự đám cưới – tiền vé trả được bao nhiêu cứ trả, phần còn lại ông ta chịu trách nhiệm.

Sau đó, cô tưởng tượng ra cách đây nửa ngày ông ta đứng giữa tòa (trong bộ com lê xanh biếc và rộng hơn hai số), ngó vào mặt từng thành viên đoàn bồi thẩm, rồi bất ngờ phang một câu: “Nói thật với các vị, tôi đã chán ngấy cái quy luật của các vị, cái quy luật mà đàn ông đàn bà cứ lấy nhau là phải ăn đời ở kiếp với nhau!”. Luật sư của ông ta sững sờ. Bà vợ ông ta cũng sững sờ, rồi nước mắt tuôn rơi như đài phun nước (rất có thể bà ta cũng vận một bộ váy xam xám, để lộ cặp đùi núng nính, và tóc cũng búi thành chiếc sừng nhỏ ngay giữa trán). Ai cũng tỏ vẻ thông cảm. Một con tê giác cũng có quyền đau khổ cơ mà. Phiên tòa kết thúc, bà vợ kéo luật sư ra một góc :

– Năm nào lão ấy cũng lượn vài vòng Việt Nam, không hiểu để làm gì ?

– Sang Việt Nam, không làm cái trò đó, thì có quái gì mà làm ? luật sư quặc lại.

– Nhưng lão ấy bất lực ! bà vợ khẩn khoản.

– Thì đã có vi-a-gờ ra! luật sư cười khẩy.

Bà vợ lại òa lên.

Cô về tới nhà khi đồng hồ chỉ hai mươi ba giờ. Thằng Mike đã được bác hàng xóm đón về từ sáu giờ chiều, đang ngủ trên đi-văng, tay nắm chặt, bên cạnh là vô tuyến, chương trình “Điều tra tội phạm”, cấm trẻ em dưới 12 tuổi.