24
Hà Nội
Bố mất trước mẹ mười năm. Thực ra, bố mẹ đã xa nhau mười năm trước đó. Ngày bố mẹ ly hôn, em học hết cấp một, anh Mai vừa tốt nghiệp đại học. Em không được nghe lời giải thích nào, cả từ phía bố, lẫn từ phía mẹ.
Bà nội em thời Pháp thuộc có một quầy bán tơ lụa ở phố Hàng Đào. Nếu ngày trước, nhờ cái quầy ấy mà bà nuôi sống được một đại gia đình gồm bố mẹ chồng, chồng và năm đứa con, thì sau này, cũng vì cái quầy ấy mà bà và đại gia đình bị xếp vào thành phần «trí thức-tiểu tư sản», thành phần «cặn bã» theo đánh giá của chế độ mới.
Bố là người duy nhất trong nhà chữa được cái phốt này trong lý lịch: ngay ngày Hà Nội giải phóng, bố bỏ học tham gia Cải tạo Công tư thương. Sau khi lên danh sách và đưa các đồng chí tới gõ cửa các bạn hàng của mẹ mình, bố đích thân đề nghị gia đình hiến biệt thự hai tầng đang ở cho chính phủ mới. Gọi là đề nghị, nhưng thực ra là bị gây áp lực: lúc đấy anh trai cả của bố đang chuẩn bị di cư vào Nam, gia đình sợ bị báo cáo lên chính quyền địa phương, đành đồng ý chuyển tới sống trong nhà kho của một Công ty Pháp bỏ lại.
Biệt thự hai tầng của bà nội em, sau đó được nhà nước phân cho một gia đình cán bộ cao cấp.
Các biệt thự hai tầng của các bạn hàng của bà nội em, sau đó cũng được nhà nước phân cho các gia đình cán bộ cao cấp khác.
Nhờ những đóng góp này, bố được gọi lên khen ngợi. Nhưng bố chỉ thực sự được cấp trên tin tưởng khi đã viết đơn tuyên bố «từ» người anh cả lúc ấy vừa đặt chân đến Sài Gòn. Bố được kết nạp vào Đảng và được chọn làm cán bộ nòng cốt cho Cải cách ruộng đất, do đã có kinh nghiệm trong Cải tạo Công tư thương.
Ngược lại với bố, con đường đến với Cách Mạng của mẹ bằng phẳng ngay từ đầu: mẹ xuất thân từ thành phần «dân nghèo thành thị», hết cao đẳng tiểu học thì bỏ học đi theo Việt Minh, mười bảy tuổi là đảng viên, mười chín tuổi là cán bộ liên lạc.
Hai mươi tuổi, cả bố lẫn mẹ đều được đặc cách vào đại học năm thứ hai.
Hai mươi ba tuổi, cả bố lẫn mẹ đều tốt nghiệp đại học, được phân về hai trường lớn của thành phố, vừa giảng dạy vừa làm cán bộ nòng cốt, đầu tiên cho Đoàn, sau đó cho Đảng.
Lý lịch của bố đẹp. Lý lịch của mẹ đẹp. Nhưng bố mẹ còn muốn lý lịch đẹp hơn nữa nên vẫn miệt mài chăm lo từng chi tiết bên trong.
Trong lý lịch của mẹ, em đọc được ngày tháng năm mẹ tham gia công tác gì, ở đâu, với thủ trưởng nào, cùng tất cả các loại giấy khen và danh hiệu.
Trong lý lịch của bố, em đọc được ngày tháng năm bố tham gia công tác gì, ở đâu, với thủ trưởng nào, cùng tất cả các loại giấy khen và danh hiệu.
Trong lý lịch của bố, phần bố khai về vợ, em đọc được ngày tháng năm mẹ tham gia Công tác gì, ở đâu, với thủ trưởng nào, cùng tất cả các loại giấy khen và danh hiệu. Trong lý lịch của bố, phần bố khai về anh chị em, em chưa bao giờ đọc thấy tên bác Cả. Năm 1977, khi Công an khu vực đến nhà nói chuyện với mẹ, em mới hay ngoài ba anh chị em ở miền Bắc, bố còn có một người anh trai nữa, người anh lớn nhất trong nhà, từng hai chục năm “sống dưới chế độ ngụy”. Những ngày ở Hà Nội, bác Cả không đặt chân tới căn hộ của bố mẹ. Những ngày ấy, bố mẹ cũng không đặt chân tới nhà ông bà nội, tới nhà các anh chị em khác của bố. Bố mẹ hoàn thành xuất sắc và sáng tạo vai «con người mới xã hội chủ nghĩa».
Vài tuần trước khi anh Mai thi tốt nghiệp đại học, em đã chứng kiến một trận cãi nhau đặc biệt giữa bố và mẹ. Gọi là cãi nhau nhưng đúng ra là chỉ có bố lên tiếng, bằng một giọng khá to, còn mẹ luôn cúi đầu im lặng. Em không thể không ngạc nhiên. Bố mẹ có vẻ đang đổi vai cho nhau.
Đứng giữa phòng khách, mắt nhìn thẳng ra cửa sổ, bố lên giọng: – Cô là đồ ích kỷ!
Mẹ cúi đầu im lặng.
Bố tiếp tục lên giọng: – Cô vô trách nhiệm với con cái!
Mẹ cúi đầu im lặng.
Em không sao quên được căn phòng chật vàng ánh đèn dầu, một đêm đầu hè nóng không tả nổi, cái dáng cao lớn của bố đột nhiên trở nên hung tợn, còn cái dáng mảnh mai của mẹ bỗng dưng trở nên yếu ớt. Ngoài cửa sổ bất động một màu đen. Em không hiểu bố tìm gì trong đó. Không có tiếng chó sủa. Không có tiếng lá cây. Ngay cả côn trùng cũng tắt lịm.
Suốt đêm em ngủ vật vờ. Mỗi lần tỉnh dậy, em lại vén màn nhìn sang phòng khách. Ngoài ấy, bố vẫn nhìn thẳng ra cửa sổ, mẹ vẫn cúi đầu im lặng. Lần nào em cũng thấy đúng một cảnh. Lần nào em cũng tự nhủ vai nạn nhân không hợp với mẹ chút nào.
Đến gần sáng thì em thức hẳn.
Đứng giữa phòng khách, mắt nhìn thẳng ra cửa sổ, bố lên giọng: – Thằng Mai không được lỡ suất thực tập Liên Xô.
Mẹ cúi đầu im lặng.
Bố tiếp tục: – Thằng Mai phải có lý lịch thật đẹp.
Mẹ cúi đầu im lặng.
Bố tiếp tục: – Cô phải có chứng nhận “Gan dạ bất khuất trong nhà tù thực dân”.
Mẹ cúi đầu im lặng. Bố đi đi lại lại trong phòng khách và thở hổn hển.
Căn hộ vang lên tiếng thở của bố, hổn hển như của một người sắp bị thần chết bắt đi.
Bất ngờ bố dừng lại giữa phòng khách, nín thở, chỉ tay vào mặt mẹ: – Cô đã làm gì ở Hỏa Lò trong ba ngày đó?
Tới hôm nay em vẫn còn nhớ đã choáng váng thế nào khi nghe câu hỏi ấy, đúng hơn là khi nghe cái giọng của bố lúc đặt câu hỏi ấy, một cái giọng rành mạch mà em chưa từng nghe thấy ở bố, một cái giọng chất chứa biết bao ngờ vực, biết bao căm phẫn, biết bao chịu đựng.
Em cũng nhớ là mẹ đã hơi giật mình, một chút thôi, vì bóng mẹ thoáng lay động trên bức tường đối diện. Nhưng mẹ một mực im lặng. Sự im lặng của mẹ khiến em rùng mình. Em hết nhìn bố lại nhìn mẹ. Chiếc đèn dầu thoi thóp một góc, khí nóng vẫn hun đúc khắp nơi. Mong muốn lớn nhất của em lúc đó là mẹ chấp nhận trả lời. Tuy không hiểu câu hỏi ấy của bố, em vẫn cảm thấy đó là một mối nguy hiểm. Đầu óc của một đứa trẻ lên mười vừa khai bản lý lịch đầu tiên trong đời cho phép em suy tính được rằng nếu mẹ không chấp nhận trả lời, thì mối nguy hiểm đó sẽ theo mẹ suốt đời, như một chi tiết không rõ ràng trong lý lịch.
Nhưng mẹ một mực im lặng. Nửa năm sau bố mẹ ra tòa ly dị. Bố chuyển công tác vào Sài Gòn, làm hiệu phó một trường đại học. Anh Mai đi theo bố, em ở lại với mẹ. Không biết cơm Sài Gòn hồi ấy hấp gì thay cho mì sợi Hà Nội nhưng chẳng bao giờ còn nữa những ngày anh Mai đi chợ nấu cơm và em rửa bát quét nhà, những ngày anh Mai đưa em tới trường, anh Mai đi họp phụ huynh cho em, anh Mai rẽ vào lớp xin phép cô giáo cho em nghỉ học, vì em bị cúm, bị lên sởi, bị viêm họng…
Chứng kiến cảnh bố xách va li ra khỏi cửa, em chợt nghĩ bố chia tay với mẹ như chia tay một mối nguy hiểm, một chi tiết không rõ ràng trong lý lịch. Sau này, em lại nghĩ trên thực tế hai mươi năm sống với mẹ là hai mươi năm bố sống với câu hỏi ấy trong đầu, và cuộc cãi nhau suốt đêm hè mất điện chỉ là cái cớ để bố nói lời chia tay một khi đã âm thầm lo xong chức hiệu phó ở Sài Gòn.
– Cô đã làm gì ở Hỏa Lò trong ba ngày đó?
Bố mẹ mỗi người sống một nơi. Em không bao giờ nghe lại câu hỏi ấy của bố. Câu hỏi ấy, em nghĩ tới ngay khi phát hiện ra tấm ảnh đen trắng của Paul Polotski, giữa hai lớp bìa cuốn sổ tay của mẹ, một buổi tối ở Sài Gòn, một ngày sau khi đưa tang mẹ. Câu hỏi ấy luôn gắn liền với hình ảnh mẹ cúi đầu im lặng. Câu hỏi ấy, có bao giờ em tìm ra câu trả lời?
25
Paris
Tháng Bảy cuối cùng cũng đã đến. Paul Polotski nghỉ dạy cả tuần nay và chỉ ra khỏi nhà để làm mỗi một việc là đến vườn hoa ngồi đọc báo. Từ hôm qua, cô đã quyết định chuyển hướng theo dõi sang vợ ông ta. Cho tới bây giờ, tất cả những gì cô biết về người phụ nữ này bao gồm cái tên Victoria (mới đây cô đã lọt vào cổng rồi đọc được trên hộp thư) và thói quen làm đỏm (trang phục của bà ta không một nếp nhàu, còn tóc thì miễn bàn, óng ả và lúc nào cũng như vừa ở hiệu bước ra).
Trên thực tế, cô đã muốn đi theo bà ta ngay sau cuộc nói chuyện mười phút với nữ bá tước Astrakhan (trong đó bà ta bị người tình xưa của chồng nhắc tới với biệt danh “heo nái”). Nhưng cô biết đó là một việc không dễ. Gần một tháng liền theo dõi Polotski, cô chạm mặt Victoria một số lần, đủ để hiểu rằng đối tượng này ra khỏi nhà không theo một thời gian biểu cố định nào cả. Hôm qua, cô đã đợi tới sáu giờ chiều mà bà ta không ló đầu xuống cổng. Sau sáu giờ chiều thì cô không thể.
Hôm nay có vẻ là một ngày may mắn. Ra khỏi cửa hàng mỹ nghệ của bà Wang (thứ Năm cô chỉ làm việc nửa ngày), cô xuống tàu điện ngầm đi thẳng tới đây, đứng khoảng hơn một tiếng thì Victoria xuất hiện ở cổng, váy áo chỉnh tề, mái tóc không chê được vào đâu, hai bàn tay sơn móng đỏ và đeo rất nhiều mặt đá. Tuy vậy, ngắm bà ta thì nghĩ ngay tới một gái già khó tính, không biết vì cái dáng khẳng khiu như một que củi, hay đôi mắt xám sâu hoắm, hay cặp môi mỏng mím chặt. Cô tự nhủ nếu có dịp trực diện Victoria, cô sẽ nhìn lên mái tóc của bà ta (vì bà ta cao hơn cô gần một cái đầu), và sau đó, khi đã mỏi cổ, cô sẽ nhìn xuống những chiếc nhẫn trên hai bàn tay bà ta (dù sao thì cảm giác ban đầu của cô là chúng không thuộc loại bán đại trà ngoài siêu thị).
Paris không nắng từ sáu giờ sáng nhưng tới một giờ trưa thì bầu trời cũng biến thành chiếc chảo gang. Victoria không đi tàu điện ngầm mà đi xe buýt. Theo đối tượng bước lên xe, đầu suýt va phải lưng bà ta, cô thấy tim như rơi khỏi lồng ngực. May mà vừa vào trong, bà ta đã được nhường một chỗ ngay cạnh cửa sổ, và từ đầu tới cuối chỉ ngồi quan sát đường phố, không hề biết rằng mình đang bị quan sát từ sau lưng. Ban đầu, cô đã thận trọng chọn một chỗ khá xa, nhưng xe mỗi lúc một đông, mỗi lúc một ngột ngạt, dần dần cô bị đẩy đi tứ tung, cuối cùng chỉ còn cách ghế của Victoria có mấy bước chân, thấy rõ từng cọng tóc vàng óng ánh. Mấy phút liền, cô đã ngắm trọn vẹn mái tóc của bà ta mà không cần phải ngẩng đầu hay kiễng chân. Sau đó cô cố nhớ tới mái tóc nhuộm đen, mỏng dính và nặng mùi của nữ bá tước Astrakhan. Như thế cũng giúp cô ít nhiều thoát khỏi cơn buồn ngủ mang tính tập thể vì xe buýt không hiểu lý do gì mà chạy chậm hơn cả rùa bò, còn không khí thì hầu như không chuyển động.
Sau đó, sẽ không có gì đáng kể nếu trên đại lộ Courcelles không xảy ra một sự kiện nho nhỏ sau đây. Tại bến đỗ cách Khải Hoàn Môn vài chục mét, xe đã bớt đông do khách du lịch nối đuôi nhau đi xuống, hành khách còn lại bắt đầu dãn ra để hít không khí (vì từ nãy tới giờ toàn phải hít hơi người), cô tỉnh hẳn ngủ và nhân dịp này lùi ra sau một đoạn ngắn, và tình cờ thế nào lại đứng ngay cạnh một nữ hộ pháp, với chiều cao khoảng thước chín và chiều ngang khoảng năm gang, địu trên lưng một thằng bé chừng ba tuổi. Chị ta có vẻ mệt, đứng im, động tác duy nhất là thở (cô có cảm giác đỉnh đầu bị gió Lào ngùn ngụt thổi qua). Ngược lại, thằng bé gầy gò và vô cùng hiếu động, không ngừng quay ngang quay ngửa và quờ quạng khắp nơi. Phải nói là nhờ chiều cao khác thường của mẹ nó, nó có thể làm những việc đấy một cách khá dễ dàng. Sờ vào gáy ông đằng trước, mó vào vai bà đằng sau, chạm vào tai thanh niên bên cạnh, giật tóc cô vài lần, nó tỏ ra rất khoái chí, thỉnh thoảng ré lên cười. Cô không phản ứng. Không hành khách nào phản ứng. Dường như ai cũng bị cái lò nướng thịt di động này làm cho tê liệt. Người ta vẫn chưa quên trận nắng nóng thê thảm năm ngoái. Chỉ một tháng mùa hè mà khai tử mấy chục nghìn sinh mệnh.
Cô nhắm mắt. Để chống lại một cơn buồn ngủ mới, cô nghĩ tới phòng khách mát lịm nhà anh Mai. Sau ngày cô đi, bãi biển Nha Trang được thay thế bằng cung điện Versailles, có cả kiến trúc sư Pháp sang chỉ đạo, báo chí trong nước ca ngợi là bước nhảy vọt của nghệ thuật nội thất Sài Gòn. Trong ảnh minh họa, anh Mai thắt cà vạt đỏ, ngồi phô tơi mạ vàng kiểu hoàng hậu Marie-Antoinette, đằng sau là tượng thần Vệ Nữ thành Milo, xa hơn nữa là chân dung nàng Mona Lisa. Anh có vẻ tự tin. Nói chung, anh hay gặp may với phái đẹp.
Xe buýt lảo đảo tiến về phía trước. Hành khách im lặng. Ngay cả thằng bé hiếu động cũng im lặng. Có cảm giác nó bị mất hứng. Tất cả không có gì đặc biệt, ngoài hơi nóng. Nhưng vào cái phút không ngờ nhất, không hiểu sao cô lại mở mắt, để thấy ngay trên đầu cô, thằng bé hiếu động đang giơ lên một bộ tóc giả (như thể vừa tìm được một đồ chơi mới) và cạnh nó, bên tay phải là cái sọ lưa thưa vài cụm tóc nhuộm đen của Victoria.
Cảnh này, tuy vậy, chỉ gây cho cô đôi chút ngỡ ngàng (cô không lạ gì tính nghịch ngợm của trẻ con, và cả tính ưa làm đỏm của nhiều phụ nữ cao tuổi).
Cảnh tiếp theo mới thực sự khiến cô choáng váng, đó là khoảnh khắc khi Victoria quay đầu nhìn xoáy vào mặt thằng bé.
Tất cả đã xảy ra không những chớp nhoáng mà còn trong tuyệt đối im lặng: đối tượng của cô không kêu gào, những người xung quanh không thất thanh, mẹ thằng bé cũng không quát mắng nó, chỉ lặng lẽ đặt bộ tóc giả về lại vị trí cũ. Nhưng về phía thằng bé, cô tin rằng tâm hồn tơ non của nó vừa bị hằn một vết mà không gì có thể xóa nổi. Nó không òa lên nức nở (giá mà nó khóc được một cái). Toàn thân nó run lên từng hồi nhè nhẹ, và khuôn mặt quay về phía sau thì bộc lộ cả một sự kinh hoàng. Ba tuổi, hẳn nó đã nhìn thấy chó sói, nếu không trong sở thú thì cũng trên phim hoạt hình. Cô hình dung đêm nay nó sẽ rơi vào một cơn ác mộng. Và từ ngày mai trở đi sẽ thay đổi hoàn toàn, sẽ tránh xa những ai có mái tóc màu vàng, sẽ từ chối đi sở thú, sẽ lắc đầu với phim hoạt hình. Nhưng cơn ác mộng với những cặp mắt sói nhất định không buông tha nó, mà nó cũng không dám thổ lộ với ai. Thời gian đầu, bố mẹ nó sẽ mừng nhiều hơn lo, vì từ một thằng bé hiếu động, gây khá nhiều phiền hà cho người xung quanh, giờ đây nó trở nên e dè và có vẻ lẩn tránh đám đông. “Nó chín chắn sớm hơn tuổi”, họ nói với nhau như vậy. Không ai biết nó sẽ như thế nào ở tuổi thiếu niên, thanh niên, trung niên… Chịu không ai biết. Dù sao, cô cũng không thể không nghĩ tới “thằng Luc ấy” của lớp học tiếng Việt.
Ngay sau đó, xe cập vào một bến chính. Hành khách đổ xô ra cửa. Cô vội vàng theo chân Victoria bước xuống. Thế là cuối cùng cũng thoát được cái lò nướng thịt di động. Từ xa đã thấy chóp tròn lấp lánh của nhà thờ Nga. Nhà thờ Nga Alexandre Nevski, người Paris ai cũng biết là ở quận Tám, phố Daru, cạnh đại lộ Courcelles. Bấy giờ cô mới vỡ ra rằng, khi nãy trên xe buýt, trong lúc cô nhắm mắt mơ tưởng tới phòng khách mát lịm nhà anh Mai thì Victoria đã đứng lên định đi ra cửa, để xe cập bến là xuống ngay, nhưng vừa đứng lên chưa kịp đi đã bị thằng bé hiếu động tóm lấy bộ tóc giả. Cũng như cô, thằng bé bị thu hút bởi những sợi tóc óng ánh vàng. Có thể nó bị thu hút từ trước, nó rất muốn sờ tay vào xem sao, nhưng vì bà ta ngồi dưới ghế còn nó thì ở trên lưng mẹ nên nó đành phải đợi thời cơ. Nó đã không khóc lóc đòi mẹ cho ngồi xuống để ngay lập tức đạt được ý muốn. Nó có quyền làm thế, vì nó còn bé, hành khách trong xe phải nhường chỗ cho nó ngồi. Nhưng nó quyết định đợi. Nó sợ đối tượng cảnh giác và bỏ đi mất. Nó im lặng. Cô đã ngỡ là nó bị mất hứng nghịch ngợm những người xung quanh, không biết rằng nó đang đợi thời cơ. Và thời cơ quả thực đã đến ngay sau đó, khi Victoria đứng lên để đi ra cửa. Tóm lại, nó là một thằng bé khá tự tin và biết tính toán. Đúng thế, trước khi bị cặp mắt xám kinh rợn của Victoria xoáy vào, không nghi ngờ gì nữa đầu óc ba tuổi của nó phát triển hết sức bình thường. Vấn đề ở chỗ là một điều bình thường như thế khó lòng thu hút được sự chú ý của người lớn. Người lớn thường có chiều hướng coi thường đầu óc của bọn trẻ ba tuổi. Bản thân cô đã từng như vậy, nhưng thằng Mike đã nhanh chóng giúp cô hiểu ra vấn đề. Ba tuổi, nó được cô dẫn ra cửa hàng bán đồ chơi phố Tolbiac. Chọn nửa tiếng được một con robot biến hình. Bà bán hàng bảo bốn mươi euro. Cô lắc đầu. Chọn nửa tiếng nữa được một con robot biến hình nhỏ hơn một nửa. Bà bán hàng bảo hai mươi euro. Cô vẫn lắc đầu, định chọn tiếp. Bà bán hàng bảo lần sau hỏi giá rồi hãy chọn hàng, đừng làm mất thời gian của người khác. Thằng Mike không nói gì. Sau lần đấy, trước khi ra phố Tolbiac, nó đề nghị cô kiểm tra ví tiền, nếu dưới hai mươi euro thì nhất định không đi. Sau lần đấy nữa, nó không đề nghị cô kiểm tra ví tiền, nó tự động kiểm tra ví tiền của cô. Ba tuổi, chưa biết đọc, chưa biết đếm, nhưng thằng Mike biết số 0, biết càng nhiều số 0 đằng sau thì càng có giá trị. Bảy tuổi, mới biết đọc, mới biết đếm, nhưng cô đã chứng kiến lần đổi tiền đầu tiên của cả nước, bây giờ vẫn nhớ mấy ngày trước khi đổi tiền, dân Hà Nội mang bao tải đi mua gạo ngoài, vì nghe đồn sau đổi tiền giá gạo tăng gấp đôi. Về sau lại nghe nói, dân Sài Gòn nghe đồn đổi tiền từ lâu mà không biết mua gì, hôm đổi tiền mang cả bao tải tiền đi đốt…
Trước cửa nhà thờ, một đám chục người đang bàn luận sôi nổi, chủ đề có vẻ là biên giới Nga-Trung, bốn hòn đảo trên sông A-mo. Victoria lập tức góp chuyện. Lập luận nhiệt tình. Váy áo trau chuốt. Mái tóc hoàn hảo. Mười móng tay đỏ chói dập dờn trong không khí. Những chiếc nhẫn mặt đá không ngừng lóe sáng. Câu nào cũng bắt đầu bằng “ông Paul nhà tôi nói rằng”… Cử tọa còn biết làm gì hơn là tỏ vẻ thán phục. Tất nhiên chẳng ai biết sự kiện nho nhỏ vừa xảy ra trên xe buýt.
Cuộc bàn luận có lẽ còn tiếp tục không kém sôi nổi ở bên trong nhà thờ. Cô xuống tàu điện ngầm đi về hướng Nation. Hôm qua, thư ký của Vụ Hợp tác Bộ Nông nghiệp đã gọi điện thông báo: vì lý do công việc, hai cán bộ cao cấp chỉ có thể học tiếng Việt vào giữa giờ chiều. Cô im lặng. Vào giữa giờ chiều hay vào giờ nào khác thì cô cũng biết chắc chắn một điều: buổi học thực chất chỉ kéo dài hai mươi phút. Và điều ấy không khiến cô khó chịu chút nào. Không một chút nào.
26
Paris
Năm giờ chiều, trong cửa hàng mỹ nghệ của bà Wang, cô đã mơ một giấc mơ quái đản: cô ngồi bên một cửa sổ rộng. Trời rất oi. Một phụ nữ lớn tuổi bỗng dưng tiến lại và nhìn cô từ đầu tới chân. Đó chính là Victoria, vợ của Paul Polotski. Cặp mắt nhỏ sâu hoắm của bà ta nhìn xoáy vào cô khiến cô liên tục rùng mình. Sau khi xòe cho cô thấy hai bàn tay phủ kín nhẫn mặt đá, bà ta rút từ người ra một tập ảnh màu, trong đó cô là nhân vật chính từ A đến Z: lúc thì cuốc bộ sau Paul Polotski, lúc thì ngồi quán cà-phê với Bill, lúc thì lấp ló cạnh nhà thờ Saint Alexandre Nievski. “Bây giờ đến lượt cô bị tôi theo dõi! » bà ta thì thầm tuyên bố rồi biến mất. Cô còn đang chết lặng đi vì sợ thì chỉ mấy giây sau bà ta lại hiện ra, lơ lửng trên đầu cô, trong một tràng cười khoái chá.
Ai đó vỗ vào vai cô. Không cần mở mắt cô cũng biết rằng đó là “ông Robert”. Ngày nào cũng vậy, đúng giờ này là ông ấy ghé thăm cửa hàng. Cô có cảm giác ông ấy thuộc lòng thời gian biểu của cô, chỉ đợi cô tới bán hàng là đến ngồi tâm sự đời tư. Thời gian đầu, cô đã lịch sự mời ông ấy ra ngoài, lấy cớ rằng bà Wang, chủ của cô, có thể bước vào bất cứ lúc nào. Nhưng sau đó, cô nghĩ dù sao thì tạm làm chị Thanh Tâm cho ông Robert vẫn còn hơn là mộng mị quái đản, vì từ khi cô làm việc ở cửa hàng này, không hiểu sao cứ khoảng cuối giờ chiều là cô lại lăn ra ngủ rồi ngay lập tức rơi vào một giấc mơ quái đản. Thế là, sau năm năm, ông Robert thì biết rõ thời gian biểu của cô, còn cô thì biết rõ đời tư của ông Robert. Ví dụ như ông Robert sinh ra trong một làng nhỏ ven biển tỉnh Quảng Trị, là đồng hương của bà Wang, hơn nửa thế kỉ trước ông Robert sang Pháp bằng tàu thủy, hai tháng rưỡi lênh đênh từ cảng Hải Phòng tới cảng Marseille… Ví dụ như ông Robert tên cúng cơm là Rô, nhưng từ ngày vào quốc tịch Pháp thì quyết định đổi tên thành Robert… Ví dụ như ông Robert cưới vợ được đúng ba tháng thì ly dị vì vợ ông ấy cứ ngửi thấy mùi mắm tôm là buồn nôn còn ông ấy cứ ngửi thấy mùi pho mát là chóng mặt, vân vân và vân vân…
Cô mở mắt ra và thấy hai bàn tay vẫn còn run. Ngẩng đầu nhìn khắp ngóc ngách của hàng, cô nghe thoang thoảng tiếng thì thầm của Victoria: “Bây giờ đến lượt cô bị tôi theo dõi”, cùng tràng cười khoái chá của bà ta. Ông Robert nhìn tay cô rồi hỏi có phải cô bị trúng gió hay không rồi chạy sang cửa hàng thực phẩm bên cạnh mang về một túi gừng tươi. Vừa xắt gừng thành từng lát mỏng, ông Robert vừa kể quê ông ta mới bị một trận lụt to nhất thế kỷ, sau lần này thì tất cả sẽ phải bỏ làng mà đi, vì nhà cửa đồ đạc đã bị nước cuốn hết ra biển. Cô định bảo ông Robert rằng các hoa hậu Việt Nam thế nào cũng đang tranh nhau tới quê ông để phát chẩn mì ăn liền thì nhận thấy cả hàm dưới của cô cứng như đá tủ lạnh.
Ông Robert lại kể tiếp rằng, thực ra, một nửa làng của ông ta đã bỏ ra thành phố từ mấy năm nay rồi, con trai làm thợ hồ, con gái làm ô-sin hay bất cứ nghề nào mang lại tiền. Lần cuối cùng ông ta về Hà Nội, trong một cửa hàng cắt tóc, một đứa con gái kháu khỉnh lại gần rủ ông ta đi hát karaoke, nghe giọng nó ông ta nhận ra ngay người cùng làng, ông ta dẫn nó tới một hiệu cơm, cho nó ăn một trận thỏa thích, rồi hỏi con cái nhà ai mà lưu lạc ra đây, thế là con bé nổi cáu, nó bảo Việt kiều rắc rối bỏ mẹ, làm gì thì làm cho nhanh, ngay bên cạnh có khách sạn mini đấy, nó có là công nhân viên chức nhà nước đâu mà phải kê khai lý lịch. Ông Robert bảo nghe thế nhưng không giận. Ông ta chỉ thương quê hương bé nhỏ quanh năm nhận thiên tai hộ cả nước. “Nhưng đó là một cái làng đẹp vô cùng”, ông Robert nói gần như khóc, “tôi đã bôn ba nhiều nơi, nhưng chưa thấy nơi nào có mái đình đẹp như làng tôi, cuối xuân hoa gạo nở đỏ”.
Ông Robert đang rút khăn mùi soa thì thấy cái đầu của chị Lăm Phun. Không như ông Robert, chị Lăm Phun chỉ ghé thăm cửa hàng vài tháng một lần. Có lẽ vì vậy mà cô chưa bao giờ mời chị ấy ra ngoài. Sau năm năm, cô cũng có dịp biết vô khối chi tiết đời tư của chị Lăm Phun. Ví dụ như tên cúng cơm của chị ấy là Lăm Phun, khi vào quyết tịch thì thành Lucienne, nhưng bị “quân mất dậy quận Mười Ba” gọi là “bé bự”. Ví dụ như ở Pháp gia đình chị ấy mấy thế hệ chui rúc trong một căn hộ tí hon nhưng ngôi biệt thự mà bố mẹ chị ấy bỏ lại Viên Chăn thì giờ đây đã trở thành nhà thổ lớn nhất nước Lào.
Lần này, vừa đẩy cửa bước vào, chẳng nhìn ai, chị Lăm Phun lên giọng bất bình: “Thật là khủng khiếp! Chúng nó không chừa một nơi nào, phòng thờ ông bà tổ tiên mà dám đem trai vào làm cái trò đó!”. Rồi quay sang cô, chị Lăm Phun bảo trong số nhân viên nhà thổ ở Viên Chăn, con gái Việt được trả tiền cao nhất, nhưng khách bắt trình chứng minh thư nhân dân để làm tin. Chị Lăm Phun vừa dứt lời thì ông loắt choắt xuất hiện. Cô không hiểu tại sao ông ta có mặt vào lúc này vì mấy tiếng nữa mới bắt đầu giờ học tiếng Việt. Ông loắt choắt kịch liệt phản đối chị Lăm Phun. Ông ta bảo đó luận điệu của bọn phản động, chứ phụ nữ Việt Nam không bao giờ “làm cái trò đó” để lấy tiền, chứng cớ là ông ta và cô bạn “Hà Nội gốc” chưa bao giờ “làm cái trò đó”.
Ông loắt choắt và chị Lăm Phun cãi nhau rất to. Cô và ông Robert không biết tham gia như thế nào, đành khoanh tay ngồi nhìn. Ông loắt choắt vẫn diện bộ com lê xanh biếc có vằn vàng rộng hơn hai số. Chị Lăm Phun bất ngờ búi tóc rơi xuống trán như một chiếc sừng nhỏ. Thế là lại thêm một cuộc đụng độ giữa ễnh ương và tê giác.
Chị Lăm Phun đùng đùng bỏ đi. Ông loắt choắt quay sang đưa ông Robert một tờ giấy gập tư. Đó là thư bạn gái của ông ta, được gửi kèm một bản dịch tiếng Pháp, nhưng ông ta vẫn nài nỉ xin ông Robert “dịch lại hộ”. Ông ta có vẻ rất bị kích động. Cứ gặp người không quen là ông ta bị kích động. Vì gặp người không quen, ông ta có thể kể mỏi miệng về cô bạn “Hà Nội gốc” của ông ta, về dự định “về hưu làm lại cuộc đời” của ông ta, về các chuyến du lịch của hai người ở Sài Gòn, Mũi Né, Phú Quốc, Hội An… những chuyện mà ông ta từng kể không ít lần trong các quán ăn Việt, nơi các bạn học của ông ta chấp nhận nghe với điều kiện ông ta trả hóa đơn từ A tới Z.
Nhìn ông ta loay hoay giữa đám hoa sen lụa y hệt một con ễnh ương, cô tự hỏi cửa hàng mỹ nghệ của bà Wang sẽ trụ được tới bao giờ vì đã từ rất lâu, cô có cảm giác tới đây không phải để bán hàng mà để nghe tâm sự đời tư. Sau đó, cô thở dài và nghĩ trong ngần ấy năm, cô không ít dịp được nghe các kiều dân quận Mười Ba thổ lộ nỗi lòng, nhưng chưa từng chứng kiến kiều dân Căm-pu-chia nào có ý định trút bầu tâm sự. Quả thật là cô có ý đợi, cô cũng nổi máu tò mò, nhưng họ chỉ viếng thăm cửa hàng thực phẩm bên cạnh chứ nhất định không bước chân vào cửa hàng mỹ nghệ của bà Wang. Về sau, cô nghe có người nói rằng cuộc diệt chủng Pôn-pốt đã phá hủy mọi nhu cầu tâm sự của dân xứ Ăng-ko. Muốn hay không thì quá khứ gần nhất vẫn là chất liệu chính của các cuộc tâm sự. Trong trường hợp dân Căm-pu-chia, quá khứ gần nhất lại là cái mà họ tìm mọi cách để quên đi. Ghế khảm trai và bình hoa sứ, họ xóa sổ đầu tiên. Cửa hàng mỹ nghệ của bà Wang họ không ghé là phải. Năm 2004, Phnom-pênh trở thành trung tâm nô lệ tình dục trẻ em lớn nhất thế giới.
Ông loắt choắt mời ông Robert sang quán cà phê bên cạnh, làm một “ly giải nhiệt”, có lẽ cho dễ bề tâm sự đời tư. Cửa hàng bỗng dưng rơi vào im lặng. Để chống lại một cơn buồn ngủ mới, cô đành nhớ lại giấc mơ quái đản lúc năm giờ chiều. Thế rồi, thay vì nhớ lại cặp mắt nhỏ sâu hoắm của Victoria và những chiếc nhẫn mặt đá của bà ta, cô lại nhớ ra điều này: trong cuộc bàn luận trước cửa nhà thờ Alexandre Nevski, Victoria là người duy nhất không nói được chữ tiếng Nga nào.