We both are lost
And alone in the world
Walk with me
In the gentle rain
Don’t be afraid, I’ve a hand
For your hand and i
Will be your love for a while
I feel your tears as they fall
On my cheek
They are warm like gentle rain
Come little one you have me in the
World and our love will be sweet
will be sad
Like the gentle rain
Like the gentle rain
Run rẩy hơi nóng. Hôm nay trời vẫn 38° như bất kỳ một ngày tháng tư nào, nhưng lại là một ngày đáng nhớ, với hai sự kiện: sự kiện thứ nhất mang tính nghề nghiệp – cách đây nửa giờ đồng hồ tôi vừa đặt dấu chấm, kết thúc tiểu thuyết mà ngay từ đầu đã được đặt tên là « T mất tích », sự kiện thứ hai có lẽ thuộc về tình cảm – nửa giờ đồng hồ nữa tôi sẽ gặp lại hắn, người tôi thầm yêu trộm nhớ mười lăm năm trước, tên của hắn tôi không thể tiết lộ, không phải vì cả hai chúng tôi đều đã có gia đình riêng mà bởi một lý do bản thân tôi cũng chưa xác định nổi. Run rẩy hơi nóng. Sài Gòn không một hạt mưa. Sáu tháng liền không được uống một hạt mưa. Sáu tháng liền mưa dạo chơi ngoài biển để thành phố nghe mưa qua băng nhạc thính phòng. Nơi tôi đang ngồi là một căn gác xép, mái tôn và sàn gỗ phế phẩm. Chủ nhà khi có ý định biến nó thành quán cà phê đã nhiệt tình sơn lại cửa sổ và treo cả ri đô, nhưng năm tháng trôi qua, sơn đã phai và vải đã mòn, nhiệt tình tất nhiên là phai mòn trước hết. Rất có thể do hơi nóng. Thành phố chết ngạt trong hơi nóng, tàn tạ vì hơi nóng. Nhưng dù sao thì cửa sổ cũng từng sơn màu xanh lá cây, màu xanh lá cây duy nhất của cả một con phố dài, cũng cạn kiệt vì hơi nóng, cả một con phố dài, không một bóng cây, không một bóng người, chỉ có hai hàng cột điện với rất nhiều dây điện và dây cáp, với một dải băng đỏ cắt ngang – khẩu hiệu chào mừng ba mươi năm đất nước thống nhất. Run rẩy hơi nóng. Tôi ngó lòng đường, lòng đường trải nhựa cũng bốc hơi nghi ngút. Tôi ngó mặt trời, mặt trời đỏ lửa. Mặt trời đỏ lửa là Sài Gòn của tháng tư. Mặt trời âm u là Đông Dương của Duras. Ngày gặp hắn, mười lăm năm trước, tôi chưa đọc cả “Người tình” lẫn “Người tình Hoa Bắc”. Tôi chưa tập tọe cầm bút viết văn. Tôi chỉ thầm yêu trộm nhớ. Và lang thang. Zimmer không ở bùng binh Sài Gòn mà nằm trên quảng trường Châtelet, không sát nách siêu thị xe máy mà ngay cạnh nhà hát thành phố, đi thêm một đoạn là tới chợ, không bán sầu riêng và măng cụt mà bán thú cảnh và cây cảnh. Hôm tôi đi qua, thấy bán cả trúc núi và lợn Mường. Hôm tôi đi qua, trời vừa lạnh vừa ẩm. Paris cuối đông vừa lạnh vừa ẩm. Nhưng Hà Nội cuối đông cũng vừa lạnh vừa ẩm. Hồng Kông cuối đông cũng vừa lạnh vừa ẩm. Mười lăm năm trí nhớ phai mòn. Chỉ còn lại mỗi từ zimmer. Zimmer trong từ điển ghi là phòng ngủ, là từ tiếng Đức đầu tiên tôi học được. Ở Berlin, năm năm sau, cô nhân viên khách sạn hỏi thích zimmer nhìn ra phố hay xuống vườn. Wu chọn cái thứ hai. Anh không thích ngắm cây, không thích ngắm màu xanh, cũng chẳng thích ngắm yên tĩnh, nhưng thích ngắm tôi không mặc gì khoanh chân cuốn sushi. Tảo và wasabi lúc nào cũng để sẵn trong túi du lịch, cạnh màu vẽ, bút lông và dây cước. Cơm trộn dấm không có trong cửa hàng Thổ nhưng đối diện khách sạn là quán ăn châu Á. Tới Berlin một ngày là đủ hiểu trong tiếng Đức bình dân đương đại, châu Á có nghĩa là Việt Nam, Việt Nam có nghĩa là Hà Nội, Hà Nội có nghĩa là bán cơm và thuốc lá lậu. Ngày gặp hắn, mười lăm năm trước, tôi chưa nếm cả sushi lẫn maki, và chỉ thèm cơm trắng. Nước Nga nhờ Cải Tổ mà hàn lại quan hệ Trung-Xô, Moscou nhận một cửa hàng ăn uống mậu dịch tỉnh Quảng Tây, đem về đặt dưới chân đồi Lê-nin, thực đơn gồm đậu phụ, tương đen và cơm trắng, đúng một trăm ngày thì đóng cửa vĩnh viễn. Nước Nga cũng nhờ Cải Tổ mà kết thúc chiến tranh lạnh, Moscou nhận một lâu đài giả cổ Mc Donald, đem về đặt cạnh quảng trường Đỏ, thực đơn gồm thịt bò, phó mát, khoai tây, đúng một trăm ngày đã đón nửa triệu thực khách. Ôi, những năm ngây ngô nhất của tôi cũng là những năm cuối cùng của liên bang Xô-Viết. Ngày gặp hắn, mười lăm năm trước, tôi nửa Hà Nội, nửa Liên Xô. Và tiếng Pháp nham nhở. Tiếng Pháp, tôi và Anna cùng học chung một sách, một thày, một lớp buổi chiều, tất cả những buổi chiều một mùa đông dài nhất trong năm năm, một mùa đông không có Adlan, tuyết rơi vô kể, sông Moscou biến mất hoàn toàn, đường tàu điện cũng biến mất hoàn toàn, hai đứa giữ tay nhau xiêu vẹo. Tôi không hiểu tại sao hắn lại đề nghị hội ngộ ở cái gác xép này. Không máy lạnh, không quạt trần, chỉ ba bộ bàn ghế, mặt ghế đầy vết dao cắt, mặt bàn nhớp nháp nước đá và tàn thuốc, đường, vỏ hạt dưa và xác con thiêu thân. Run rẩy hơi nóng. Không gian có chiều cao hai mét cạn kiệt vì hơi nóng. Tôi cũng không hiểu bằng cách nào hắn tìm được cái gác xép này. Không số nhà, không bảng hiệu, không thực đơn, chỉ ông chủ trung niên ngồi ngủ gật, và hai khách hàng không rõ tuổi cũng đang gật gù. Chiếc máy cát-xét không rõ tuổi cũng đang gật gù, Khánh Ly hát mãi our love will be sweet. Will be sad. Like the gentle rain. Like the gentle rain. Rất có thể do hơi nóng. Thành phố chết ngạt trong hơi nóng, tàn tạ vì hơi nóng. Mỗi ngày là một ngày 38°. Sáu tháng rồi mưa vẫn dạo chơi ngoài Thái Bình Dương. Nhưng dù sao thì cửa sổ cũng từng sơn màu xanh lá cây, màu xanh lá cây duy nhất của cả một con phố dài. Qua điện thoại, hắn nói xin chào bằng tiếng Việt, hắn nói hắn muốn nghe giọng tôi, hắn biết tôi viết tiểu thuyết. Giọng hắn run run, không biết có phải vì hơi nóng, nhưng rõ ràng là fan của Duras, từng từ từng chữ là fan của Duras. Hắn lại nói tiếp, tiếng Việt của hắn không đủ để đọc tôi. Rồi hắn im lặng. Tôi thở phào, dù sao thì câu này cũng không có trong « Người tình ». Dù sao thì hắn cũng không bảo hắn vẫn yêu tôi như trước, hắn không thể ngừng yêu tôi, hắn sẽ yêu tôi cho tới khi chết. « Người tình » tôi đọc đi đọc lại, nhưng cái câu kết thúc này chưa bao giờ tôi dám nhìn lần thứ hai. Cái câu kết thúc này, không cần Duras thì văn chương Việt cũng đẫm nước mắt rồi. Qua điện thoại, hắn nói tạm biệt bằng tiếng Việt, hắn nói có giấy bút không ghi lại địa chỉ, hắn nói địa chỉ lằng nhằng lắm, không cẩn thận là lạc như chơi. Giọng hắn run run, không biết có phải vì hơi nóng. Mười lăm năm trước, qua điện thoại giọng hắn không run, hắn bảo zimmer, quảng trường Châtelet, rồi cúp máy. Mười lăm năm trước, hắn không biết một câu tiếng Việt nào. Mười lăm năm trước, tôi mất cả giờ lẩm bẩm zimmer. Hắn cũng chẳng buồn nói có giấy bút không ghi lại địa chỉ, địa chỉ lằng nhằng lắm không cẩn thận là lạc như chơi. Hắn bảo zimmer, quảng trường Châtelet, rồi cúp máy. Mười lăm năm trước, hắn biết là tôi sẽ đến, Paris có bão tuyết thì tôi cũng sẽ đến, quảng trường Châtelet có lụt tới bụng thì tôi cũng sẽ đến, Zimmer có bị đặt bom thì tôi cũng sẽ đến. Mười lăm năm trước, tôi chỉ biết yêu thầm nhớ trộm. Nửa Liên Xô, nửa Hà Nội. Và tiếng Pháp nham nhở. Tiếng Pháp nham nhở là lỗi của tôi và Anna, hay lỗi của Adlan, hay lỗi của cộng hòa Nga, hay lỗi của nghĩa quân Tchéchène, hay lỗi của cuối đông vừa lạnh vừa ẩm, hay vì Anna khóc một tuần liền mà Adlan vẫn một mực về Grozny, thi tốt nghiệp mỏ – địa chất không quan trọng bằng học bắn tiểu liên và ném lựu đạn cối. Mười lăm năm trước Anna không yêu thầm nhớ trộm. Qua điện thoại Anna bảo Adlan chết rồi, lúc chết vẫn cầm tiểu liên. Tôi khóc. Hai đứa cùng khóc. Paris cuối đông vừa lạnh vừa ẩm. Moscou cuối đông vẫn im lìm trong tuyết. Anna bảo nó hối hận đã làm phiền tôi, rằng chúng nó đã làm phiền tôi quá mức, năm năm liền mỗi tuần vài ba lần tôi nằm không nhúc nhích, từ nửa đêm tới bảnh mắt, để chúng nó không phải thầm yêu trộm nhớ ngay trên giường bên cạnh, rằng chúng nó không biết tôi có nhét bông vào tai hay không, chúng nó cũng không biết tôi có ti hí mắt lươn hay không, chúng nó không thể kiểm tra và cũng không có ý định kiểm tra, nhưng như thế là quá mức, năm năm liền, ngay giữa thi cuối năm, thi quốc gia, thi lịch sử đảng, một trăm hai mươi câu hỏi từ cách mạng tháng 10 tới hội nghị 26, chỉ bỏ đúng đoạn Gorbachev đón Reagan vào điện Kremlin. Ừ, một ngày cuối tháng 5, ba đứa ngây ngô, ngỡ ra Vnukovo từ sớm, là có thể thấy Reagan và Nancy, là có thể thấy nửa kia của thế giới. Moscou cuối mùa tử đinh hương. Adlan chia bó hoa làm đôi, tôi và Anna mỗi đứa một cành tím ngắt. Nhưng tất cả những chuyện ấy bây giờ vô nghĩa, vô nghĩa hoàn toàn. Từ ngày tôi đi. Từ ngày Adlan chết. Tôi khóc. Anna khóc. Điện thoại khản đặc. Qua điện thoại, hắn bảo hắn lấy vợ rồi, đã có con. Giọng hắn run run. Mười lăm năm trước, hắn không nhả từ nào về đời tư của hắn. Một tiếng đồng hồ ở Zimmer, hắn im lặng, tôi im lặng, cốc dứa xay nước đá chảy ròng ròng. Mười lăm năm trước, tất cả trong tôi đều mù mịt. Qua điện thoại, hắn bảo hắn biết tôi đã lấy chồng. Giọng hắn run run. Mười lăm năm trước, hắn không phát âm nổi tên tôi, lúc thừa h, lúc thiếu h, lúc dấu sắc, lúc dấu huyền, và tất nhiên không biết dấu nặng là gì, dấu mũ là gì. Hắn không cần biết. Hắn biết nếu hắn có biến tên tôi thành cái gì đi nữa, hoặc chẳng thành cái gì đi nữa, thì tôi cũng không chấp. Mười lăm năm trước, tôi chỉ thầm yêu trộm nhớ và lang thang. Paris cuối đông vừa lạnh vừa ẩm. Hà Nội cuối đông cũng vừa lạnh vừa ẩm. Hồng Kông cuối đông cũng vừa lạnh vừa ẩm. Mỗi Sài Gòn là không có mùa đông. Người Sài Gòn leo xe đò lên Đà Lạt để được cưỡi ngựa và khoác áo choàng len. Paris không có ngựa, chỉ có tàu điện ngầm. Mười lăm năm trước, dưới tàu điện ngầm, tôi và hắn mỗi đứa một kè, hai hướng ngược nhau, Nation và Charles-de-Gaulle Etoile, hai tàu vùn vụt lại gần, chưa đầy phút sau lại vùn vụt chia tay. Zimmer là buổi chia tay vĩnh viễn. Từ Zimmer trở đi, nhà hát thành phố tôi không dám lai vãng, đài phun nước Palmier tôi không dám chụp ảnh, quảng trường Châtelet tôi tránh từ xa. Thấy đôi cánh của thần Chiến Thắng là xe nào có tôi ngồi trong cũng tự động đổi hướng. Zimmer là từ húy của tôi. Zimmer là buổi chia tay vĩnh viễn. Qua điện thoại, hắn bảo tôi gọi điện cho hắn, số cầm tay đây, nhớ gọi. Giọng hắn run run. Tôi không hiểu hắn tới Sài Gòn làm gì, lâu hay chóng, làm việc hay du lịch mà có điện thoại cầm tay. Tôi không hiểu vợ hắn người Việt hay người Pháp, trẻ hay già, hấp dẫn nhiều hay hấp dẫn ít, có biết Sài Gòn không mà để chồng lang thang giữa Sài Gòn một mình. Tôi không hiểu bằng cách nào hắn tìm ra tôi, bằng cách nào hắn biết tôi để Wu lại khách sạn Hồng Kông, về Sài Gòn ba tháng, có ngày vài trăm chữ, có ngày vứt đi vài trăm chữ, « T mất tích » ra đời và kết thúc trên giường gỗ không đệm, một phòng trọ không điều hòa, không quạt trần, không bàn ghế, chỉ một cửa sổ nhỏ, sơn màu xanh lá cây, từ bao nhiêu năm không rõ, nhưng là màu xanh lá cây, màu xanh lá cây duy nhất của cả một con phố dài. Chợ Lớn phố nào cũng dài, phố nào cũng thừa đèn lồng đỏ, thiếu cửa sổ màu xanh lá cây. Qua điện thoại, câu cuối cùng hắn bảo hắn thèm viết văn như thèm cái chết. Giọng hắn run run. Hắn đặt ngay máy. Nhưng giá hắn có ngập ngừng thêm chút nữa thì tôi cũng không biết nói gì. Câu cuối cùng này quả là bất ngờ, bất ngờ hơn nhiều so với chuyện vợ con của hắn, bất ngờ hơn nhiều so với việc hắn đang ở Sài Gòn, hắn tìm ra số điện thoại của tôi, hắn hẹn tôi tới cái gác xép lợp tôn này. Mười lăm năm trước, tôi không biết hắn uống cà phê pha mấy viên đường, chủ nhật có thích ngủ dậy muộn hay không, giữa phim trinh thám và phim khoa học viễn tưởng thì không chọn phim gì. Mười lăm năm trước, mộng viết văn của hắn, mộng viết văn của tôi đều mù mịt. Mười lăm năm trước, Grozny sôi sục chia tay Moscou, tôi và Anna nằm ôm nhau khóc, học bổng vừa đủ tiền ăn xúp khoai tây, cơm trắng thuộc về trìu tượng, lớp tiếng Pháp những buổi chiều lê thê, những buổi chiều lạnh nhất của một mùa đông dài nhất, mùa đông không có Adlan, sông Moscou vẫn im lìm dưới tuyết. Mười lăm năm trước, thành phố Hồ Chí Minh căng khẩu hiệu chào mừng mười lăm năm thống nhất, Little Saigon treo cờ rủ tưởng niệm mười lăm năm quốc hận. Mười lăm năm trước, tôi chỉ biết thầm yêu trộm nhớ. Và lang thang. Mười lăm năm trước, tôi không biết T là ai. Mười lăm năm trước, tôi không biết mất tích là gì. Mười lăm năm trước, nếu tôi có cầm bút, Zimmer có là buổi chia tay vĩnh viễn hay tạm thời, thì T phải là chính tôi, chồng T phải là hắn, chúng tôi sẽ xây mộng đẹp như mơ, tôi là nàng lọ lem, còn hắn là chàng hoàng tử, một mối tình Việt-Pháp xinh tươi, với những kỉ niệm Việt-Pháp xinh tươi, văn chương không thể không xinh tươi. Như tôi của mười lăm năm trước. Má không nhọn và môi không cần son. Mười lăm năm trước, tôi chỉ thầm yêu trộm nhớ, nói gì tới chuyện phản bội, dù là phản bội như trong phim tình cảm xã hội, dù là chỉ nghĩ đến những ngón tay của một ai đấy, để đỡ phải uống thuốc ngủ, để đỡ bồn chồn khi ngồi máy bay. Mười lăm năm trước, Wu lúc đấy chưa là chồng tôi, chưa đặt chân đến cả Hồng Kông, Berlin lẫn châu Mỹ, nhưng đẹp trai và hào hiệp, gặp tôi lần đầu Wu bảo lấy anh đi để đừng lang thang, để không mất thời gian thầm yêu trộm nhớ. Giọng Wu không run, nói chung giọng anh không run bao giờ. Giọng chồng T cũng không run bao giờ, ngay cả khi hay tin T mất tích, ngay cả khi bị cảnh sát gọi lên hỏi han tận tình, ngay cả khi con Hannah khóc nhớ mẹ. Đúng như Wu nói, chúng tôi không mất thời gian thầm yêu trộm nhớ. Hai cá nhân chưa vợ chưa chồng, không bị ung thư giai đoạn cuối, không phạm tội hình sự, không ở lại Pháp trái luật, thì không lý gì lại mất thời gian thầm yêu trộm nhớ. Không lý gì. Wu nói chung thường có lý. Và không phí phạm thời gian. Hắn cũng không phí phạm thời gian. Nhưng hắn khác Wu, hắn không thể yêu một đứa lang thang. Hắn thích các nghiệm ổn định. Nói chung các nghiệm ổn định bao giờ cũng dễ được thích. Lang thang hiển nhiên là không ổn định, phụ nữ lang thang còn không ổn định hơn. Thế nên bố mẹ anh chị em tôi mừng như trúng sổ số độc đắc khi tôi được Wu hỏi làm vợ, đám cưới tiệc mặn, có gia đình bè bạn hai bên đến chia vui, có giấy đăng ký kết hôn do thị trưởng ký tên đóng dấu. Dù sao cũng đỡ lang thang. Đỡ lang thang là có khả năng chuyển hướng thành ổn định. Qui luật phát triển xã hội bố mẹ anh chị em tôi nắm vững và đặt hết niềm tin vào độ hào hiệp của Wu. Trong lúc tôi ngồi đợi hắn ở cái gác xép lợp tôn này thì Wu đang gọi vằn thắn dưới chân khách sạn Cheung Sha Wan, rồi khi cô phục vụ mang vằn thắn lại, thế nào anh cũng gọi thêm xíu quẩy, không có tôi cuốn sushi thì vằn thắn và xíu quẩy là món Wu thích, không biết có phải vì vằn thắn Hồng Kông vừa giòn vừa ngọt, hay xíu quẩy Cheung Sha Wan vàng xuộm và căng phồng, to đúng bằng chiếc bánh mì đũa của Paris, hay cô phục vụ biết cách điều chỉnh xườn xám thế nào để càng kéo xuống thì lại càng lộ đùi non. Hay vì cả ba lý do cùng một lúc. Xườn xám, vằn thắn Hồng Kông và cháo quẩy Cheung Sha Wan cũng là những nghiệm ổn định, đã thành truyền thống thì không thể không ổn định, thế nên nói chung ai cũng thích, chứ không riêng gì Wu, chứ không riêng gì hắn. Wu bảo Hồng Kong gallery là Berlin Paris cộng lại chia đôi, rồi lại bảo Hồng Kông restaurant là Thượng Hải Luân Đôn cộng lại chia đôi, cuối cùng Wu bảo Hồng Kông nói chung là Bắc Kinh New York cộng lại chia đôi. Nói chung cộng lại chia đôi bao giờ cũng có lý. Hai cái gì cộng lại chia đôi cũng ra một cái gì đấy. Paris, New York, Luân Đôn, Berlin, Bắc Kinh, Thượng Hải đều là các nghiệm ổn định, cộng lại chia đôi hay chia mấy thì cũng ra một nghiệm ổn định. Hà Nội, Sài Gòn thì không. Đã không ổn định thì cộng lại chia đôi hay chia mấy cũng ra một nghiệm không ổn định. Cô nhân viên khách sạn Cheung Sha Wan hỏi thích room nhìn ra đảo Chek Lap Kok hay xuống cảng Victoria, Wu chọn cái thứ hai. Anh không thích ngắm biển, ngắm cảng, ngắm nhà chọc trời mà thích ngắm tôi không mặc gì khoanh chân cuốn sushi. Từ ngày lấy tôi, tảo và wasabi bao giờ cũng để sẵn trong túi du lịch, cạnh màu vẽ, bút lông và dây cước. Đêm trước khi tôi đi, anh bảo Hồng Kông đã sang là quên Chợ Lớn. Anh để tôi tới Chợ Lớn một mình. Anh để tôi tự do trong phòng trọ không điều hòa, không quạt trần, không bàn ghế, tự do trên giường gỗ không đệm, tự do ngắm cửa sổ sơn màu xanh lá cây, màu xanh lá cây duy nhất của cả một con phố dài chỉ treo đèn lồng đỏ. Run rẩy hơi nóng. Không gian có chiều cao hai mét cạn kiệt vì hơi nóng. Ông chủ trung niên và hai vị khách vẫn đang gật gù. Khánh Ly vẫn hát our love will be sweet. Very sad. Very sweet like gentle rain. Like the gentle rain. Like the gentle rain. Rất có thể do hơi nóng. Thành phố chết ngạt trong hơi nóng, tàn tạ vì hơi nóng. Mặt đường trải nhựa cũng nghi ngút hơi. Tôi không biết hắn sẽ đến từ hướng nào, bằng xe ôm hay tắc-xi. Tôi cũng không biết nhà hắn ở đâu, phố có dài, cửa sổ có quét sơn màu xanh lá cây. Mười lăm năm lẽ nào đủ để hắn đổi Paris thành Sài Gòn, Zimmer thành gác xép lợp tôn, Glenn Gould thành Khánh Ly, cuối đông lạnh và ẩm thành tháng tư đỏ lửa, và thèm viết văn như thèm cái chết, viết văn không phải là truyền thống, không phải là giá trị ổn định, kém ổn định hơn cả lang thang, hơn cả Hà Nội, hơn cả Sài Gòn. Tôi tự nhủ giá « T mất tích » mà chưa viết xong, máu trinh thám còn lại ít nhiều, thế nào tôi cũng hứng khởi làm một cuộc điều tra về những biến đổi bất ngờ của hắn. Nhưng bây giờ thì muộn. Mọi thứ đều muộn. Đánh dấu chấm hết xong là muộn. Mười lăm năm là quá muộn. Ai đợi ai được mười lăm năm. Qua điện thoại, hắn bảo tôi cố đợi, nếu hắn đến muộn năm mười phút. Giọng hắn run run. Tôi định bảo năm mười phút nghĩa là gì so với mười lăm năm. Rồi lại thôi. Ai đợi ai được mười lăm năm. Tôi có nói hắn cũng không hiểu. Hắn không thể hiểu. Tôi cũng không thể hiểu. Mười lăm năm không phải là ba tháng. Năm 2005 thì ba tháng một ngày là điều-không-thể. Cách đây đúng ba tháng, tôi đang ở sân bay Hồng Kông, Wu gọi vào cầm tay bảo đúng ba tháng nữa mà tôi không có mặt ở Cheung Sha Wan thì anh đề nghị tôi mất tích luôn một thể. Giọng anh không run chút nào nhưng đảo Chek Lap Kok bỗng dưng chòng chành, ba chiếc máy bay cùng hạ cánh một lượt, chệch vài mét là lao thẳng xuống biển. Trong tiếng rít của động cơ, tôi nghe Wu nói tiếp : ba tháng mất tích là đủ, đừng lẫn lộn tiểu thuyết với cuộc đời. Không hiểu anh chủ động cúp điện thoại hay vì ba chiếc máy bay khác lại chuẩn bị hạ cánh, tiếng rít của động cơ tăng gấp đôi, tai tôi điếc đặc. Nhưng dù thế nào thì Wu cũng có lý (đừng lẫn lộn tiểu thuyết với cuộc đời) và không phí phạm thời gian (ba tháng là đủ). Bởi vậy, khi chiếc Air Bus 330 của hãng Dragon Air bay lượn trên biển Nam rồi biển Đông nối Hồng Kông với Sài Gòn, tôi đã bắt đầu hình dung trong đầu một thiếu phụ ngồi ở dãy bốn mươi, sát cửa sổ bên phải, trên một chiếc máy bay cất cánh cùng giờ với chiếc Air Bus 330 của tôi, nhưng xuất phát từ sân bay Charles-de-Gaulle của Pháp. Tôi sẽ gọi cô là T. T để đỡ nhầm với một loài hoa nào đó, một hương thơm nào đó, để đỡ nhầm với tuyết rơi hay mùa thu, hay trí tuệ hay hài hòa hay bất kì một mỹ từ nào đó của tiếng Việt. T đơn giản là T, có vậy thôi. T cúi đầu xem một cuốn họa báo, mái tóc đen thả dài. Vài ba lần, T cũng ngẩng lên, nhưng chỉ để ngó ra cửa sổ mấy phút, nên tôi đợi mãi đợi mãi hơn một tiếng đồng hồ mà không biết khuôn mặt T thế nào. Tôi cũng không biết T đi đâu, du lịch, công tác hay thăm thân nhân, nhưng có vẻ như T bình thản, tay giở đều đặn từng trang họa báo, dây bảo hiểm thắt gọn gàng ở bụng, túi xách tay cài ngay ngắn nơi lưng ghế đối diện. Cuối chiều của châu Á là giữa trưa của châu Âu nên cửa sổ máy bay lung linh ánh nắng. Rõ từng sợi tóc màu đen của T. Trong khoang khá vắng, ba ghế liền bên tay trái T đều không có người ngồi, cả dãy ghế đằng sau cũng trống trơn. Hành khách im lìm như hồi hộp trước một chuyến bay dài. Vô tuyến không có ai bật. Toa-lét không có ai đợi. Nhưng điều ấy có giúp được gì cho tôi nếu như T cứ nhất định cúi đầu, để khuôn mặt mãi mãi là một ẩn số. Tôi bắt đầu sốt ruột, từ loa phát ra lần lượt ba giọng nữ ngọt ngào bằng tiếng Hoa, tiếng Anh và tiếng Việt thông báo rằng chiếc Air Bus 330 của tôi chỉ nửa tiếng nữa sẽ hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, nhiệt độ bên ngoài là 38° và đề nghị quí khách nên điền trước tờ khai hải quan Việt Nam. Tôi có cảm giác chút nữa thôi, chỉ cần ra khỏi máy bay là trí tưởng tượng của tôi sẽ đứt liên lạc hoàn toàn với T. Tôi sẽ không thể tiếp tục hình dung khuôn mặt T, nơi T sẽ tới, công việc T sẽ làm, những người T sẽ gặp. Và như thế có nghĩa là chuyến đi Chợ Lớn của tôi thất bại ngay từ đầu, phòng trọ cửa sổ sơn màu xanh lá cây có nghĩa gì nữa đâu, tiểu thuyết là cuộc đời hay không là cuộc đời. Đang gần tuyệt vọng, khi chiếc Air Bus 330 chuyển mình lướt xuống đường bay Tân Sân Nhất trắng muốt như muối, tôi bất ngờ thấy một nữ chiêu đãi viên hàng không, đồng phục tím than, lại gần vỗ nhẹ lên vai T, rồi chìa ra một hộ chiếu bìa tím đậm kẹp vé máy bay hàng không Air France ở giữa. Trong một tích tắc, tôi đã ngỡ T sẽ ngẩng đầu lên, như phản xạ tự nhiên, để cầm lấy hộ chiếu và vé, để nói một từ merci hay thank you chẳng hạn, để nếu không nở một nụ cười xã giao thì cũng chớp chớp mắt tỏ ra cảm động. Nhưng cơ hội duy nhất để tôi nhìn thấy khuôn mặt T cũng biến mất vì nữ chiêu đãi viên, đúng tích tắc ấy, đã đặt hộ chiếu và vé lên mặt bàn tí hon mở sẵn ngay cạnh T, phía bên trái, và T đã hơi nghiêng vai định ngẩng đầu lên thì lại cúi ngay xuống, mái tóc đen vẫn lòa xòa che kín khuôn mặt, bàn tay nhỏ nhắn bình thản cầm lấy hộ chiếu và vé rồi lại bình thản đút chúng vào túi xách tay để ở lưng ghế đối diện. Tuy vậy, thật kì lạ, cũng vào tích tắc ấy, trong óc tôi vang lên một từ tôi chưa nghe thấy bao giờ, như thể một thiên thần bé nhỏ, cũng đang lơ lửng cùng độ cao của chiếc Air Bus 330, sau khi chứng kiến nỗi tuyệt vọng của tôi, đã thì thầm vào tai tôi cái từ ấy. Trong ba phút liền, trong sự im lặng khác thường của cả khoang, khi máy bay liên tục giảm độ cao, tôi lẩm bẩm nó đúng như cái cách tôi từng lẩm bẩm từ zimmer mười lăm năm trước, khi hắn bảo zimmer, quảng trường Châtelet, rồi cúp máy. Và ở phút cuối cùng, vào lúc mà chiếc Air Bus 330 hơi chồm lên rồi bất ngờ chạm sát đường băng trắng muốt như muối, trong tiếng động cơ chói tai, tôi chợt hiểu một điều hết sức đơn giản rằng cái từ vô nghĩa tôi vừa lẩm bẩm ấy là nơi T sẽ tới, sau mười mấy tiếng ngồi máy bay. Nơi ấy rất xa. Nơi ấy tôi không thể đến. Nơi ấy có thể chỉ cách Sài Gòn vài chục cây số, nhưng nơi ấy rất xa, nơi ấy tôi không thể đến. Mười hai giờ đêm hôm nay, sân bay Tân Sơn Nhất có bị lệnh bế quan tỏa cảng, hãng hàng không Dragon Air có tuyên bố phá sản, nước biển Nam có tràn lên đảo Chek Lap Kok, thì tôi vẫn phải có mặt ở khách sạn Cheung Sha Wan, như lời Wu dặn cách đây ba tháng, để không nhầm tiểu thuyết với cuộc đời, để mất tích chỉ thuộc về T.
Tiếng chân bước nhẹ lên thang gỗ, không khiến hơi nóng bớt run rẩy và Khánh Ly thôi hát Gentle rain. Cuộc hội ngộ hôm nay là quà tặng của số phận hay bóng ma của quá khứ, hay là cả hai, hay chẳng là cái gì cả, tôi không biết. Không ai có thể biết. Mười lăm năm trí nhớ phai mòn. Mười lăm năm trước tôi không biết mặt trời đỏ lửa là Sài Gòn tháng tư. Mười lăm năm trước tôi không biết cái gác xép lợp tôn này. Mười lăm năm trước tôi không biết our love will be sweet. Will be sad. Like the gentle rain. Like the gentle rain. Mười lăm năm trước tôi chỉ biết zimmer. Mười lăm năm trí nhớ phai tàn. Bỗng nhiên tôi tự hỏi phải chăng thiên thần bé nhỏ của Air Bus 330 ngày trước đã xuất hiện trở lại để hôm qua thì thầm vào tai hắn số điện thoại cá nhân của tôi, rồi bây giờ lại thì thầm vào tai tôi câu này: hắn sẽ là độc giả đầu tiên của T mất tích. Ôi, hắn thèm viết văn như thèm cái chết. Our love will be sweet. Will be sad. Like the gentle rain. Like the gentle rain…