Tôi ngoan ngoãn cho phép người ta đi giày cho tôi, nhỏ thuốc mũi cho tôi, chải tóc cho tôi, tắm rửa cho tôi, mặc quần áo và cởi quần áo cho tôi, chải chuốt, vuốt ve tôi; tôi chẳng biết cái gì hay ho hơn là đóng vai một đứa trẻ ngoan. Tôi không bao giờ khóc, cũng không cười, tôi không gây tiếng động; lên bốn, người ta dạy tôi nêm muối vào mứt hoa quả: tôi đồ rằng vì tình yêu khoa học hơn là tinh nghịch; dầu thế nào, đó là tội ác duy nhất mà tôi còn nhớ. Chủ nhật, hai người phụ nữ đó thỉnh thoảng đi lễ mi-sa ở nhà thờ, để nghe nhạc, một nghệ sĩ đàn ống nổi tiếng; cả bà ngoại tôi lẫn mẹ tôi đều không mộ đạo nhưng tín ngưỡng của những người khác đã khiến họ ngây ngất trong âm nhạc; họ tin vào Chúa trời vào lúc mê mải nghe một khúc tôcat… Những thời khắc của giá trị tinh tinh thần cao cả đó mang lại cho tôi vui thú : tất cả mọi người đều có vẻ như đang ngủ, đó là lúc có thể khoe ra điều mà tôi biết làm : quì trên ghế cầu kinh, tôi hóa tượng ; không được động đậy ngay cả một ngón chân ; tôi nhìn thẳng về phía trước, không chớp mắt, cho tới khi nước mắt chảy dài trên má ; theo lẽ tự nhiên tôi sẽ phải chiến đấu kinh hoàng để chống lại cảm giác kiến bò, nhưng tôi tin là tôi sẽ thắng, tôi ý thức được sức mạnh của mình đến độ không ngần ngại khêu gợi trong mình nỗi ham muốn tội lỗi là ban cho mình niềm vui sướng bằng cách đẩy những người kia ngã nhào ra : nếu tôi đứng lên và kêu « bùm » ? nếu tôi trèo lên cột nhà thờ và đái vào âu nước thánh ? Nhưng chút nữa, những khêu gợi khủng khiếp đó sẽ thích thú những lời chúc mừng của mẹ tôi hơn. Tôi nói dối ; tôi giả vờ mệt chết đi được để làm tăng vinh quang : chưa giây phút nào, sự cám dỗ đã tỏ ra thái quá cả ; tôi quá sợ tai tiếng ; nếu tôi muốn gây ngạc nhiên thì cũng bởi tính ngoan ngoãn của tôi. Những chiến thắng dễ dàng này khiến tôi tin rằng tôi sở hữu một bản tính tốt ; tôi chỉ cần cứ đi theo hướng đó là người ta đổ dồn vào tôi những lời ngợi ca. Nhưng ham muốn xấu xa và những suy nghĩ tồi tệ, nếu có, đều đến từ bên ngoài ; vừa vào tới tôi, chúng đã mất sức sống và úa mòn : tôi là một mảnh đất không hợp với cái ác. Ngoan ngoãn một cách đóng kịch, tôi không bao giờ cố cũng không bao giờ cưỡng ép bản thân : tôi bịa đặt. Tôi có cái tự do sang trọng của tay diễn viên biết làm cho khán giả nín thở và quá tinh tế trong vai diễn của mình. Người ta yêu tôi quá, nên tôi vô cùng đáng yêu. Cái gì dễ hơn khi thế giới đã được làm đâu vào đấy rồi? Người ta bảo tôi đẹp trai và tôi tin như thế. Từ ít lâu, tôi bị một vảy cá ở mắt phải khiến sau này tôi sẽ chột và lác, nhưng chưa ai biết cả. Gia đình chụp cho tôi hàng trăm tấm ảnh và mẹ tôi dùng bút chì màu tô lên vảy cá đó. Trên một trong những tấm ảnh còn sót lại này, tôi hồng nhào, tóc vàng, với những lọn quăn, má tôi tròn căng và trong cái nhìn thể hiện một sự tôn kính nhã nhặn dành cho trật tự đã được thiết lập ; miệng phồng lên bởi một sự ngạo nghễ giả dối : tôi biết giá trị của mình.
Bản tính của tôi tốt vẫn chưa đủ, nó còn phải có khả năng tiên tri : chân lý được phát ra từ miệng trẻ con. Rất còn gần với thiên nhiên, trẻ con là những anh chị em họ của gió và biển : những tiếng ấp úng của chúng mang lại cho những ai có thể nghe được chúng những thông tin rộng và mơ hồ. Ông ngoại tôi đã vượt hồ Genève cùng Henri Bergson : « Tôi phát điên vì khoái, ông nói, tôi không đủ mắt mà ngắm hết những ngọn sóng sáng rực, để dõi theo những lấp lánh của mặt nước. Nhưng Bergson ngồi trên va-li nên không thôi nhìn mọi thứ giữa hai bàn chân ». Từ chuyến du lịch này ông kết luận rằng tâm tư thi vị thích hơn là triết học. Ông chuyển sự trầm ngâm sang tôi: ngồi trong vườn, trên một chiếc ghế vải gập, trong tay là một ly bia, ông nhìn tôi chạy nhảy, ông tìm minh triết trong những lời nói linh tinh của tôi, và ông đã tìm thấy. Sau này, tôi cười nhạo về sự điên khùng này ; bây giờ tôi tiếc là đã làm thế : đó là công việc của cái chết. Charles ông ngoại tôi đã chiến đấu với nỗi lo lắng ngất ngây. Ông khâm phục trong tôi tác phẩm tuyệt vời của trái đất để có thể tin chắc rằng mọi thứ đều tốt đẹp, ngay cả cái chết thảm thương của chúng ta. Thiên nhiên này chuẩn bị bắt ông về, ông sẽ tìm nó trên những ngọn sóng, những đợt sóng, giữa những ngôi sao, từ cuộc đời thơ trẻ của tôi, để có thể ôm hôn toàn bộ nó và chấp nhận tất cả cho tới khi một cái hố được đào cho ông ở chính trong đó. Đó không phải là Chân lý, đó là cái chết của ông đang nói với ông từ miệng của tôi. Chẳng có gì ngạc nhiên nếu niềm hạnh phúc nhạt nhẽo của những năm đầu đời tôi thỉnh thoảng có vị tang tóc : nhờ một cái chết đúng lúc mà tôi được tự do, nhờ một cái chết rất đúng qui luật mà tôi trở thành quan trọng. Nhưng : tất cả các nhà tiên tri đều chết, ai cũng biết vậy ; tất cả trẻ em đều là những cái gương phản chiếu cái chết.
Rồi ông ngoại tôi đâm ra thích trêu tức các con trai của ông. Người cha khủng khiếp này cả đời tìm cách nghiến nát họ ; họ rón rén bước vào và bắt gặp ông đang quì trước một thằng bé : thế là đủ tan nát trái tim họ. Trong cuộc chiến giữa các thế hệ, trẻ em và người già có một sự nghiệp chung : người này phán, người kia giải. Thiên nhiên nói còn trải nghiệm thì diễn dịch : người lớn chỉ việc khép nó lại nữa thôi. Nếu không có trẻ em, người ta lấy con cún : ở một nghĩa trang dành cho chó, vào năm ngoái, trong một bài phát biểu được truyền từ mộ này sang mộ kia, tôi nhận thấy những câu châm ngôn của ông ngoại tôi : loài chó biết yêu ; chúng dịu dàng hơn loài người, trung thành hơn ; chúng tế nhị và bản năng tuyệt vời của chúng cho phép chúng nhận biết đâu là cái Thiện, phân biệt ai tốt bụng, ai độc ác. « Polonius, một người đàn bà tuyệt vọng nói, con tốt hơn ta, mà con lại chết trước ta, ta vẫn tiếp tục sống. Một người bạn Mỹ đi cùng tôi : ông ta đã nổi giận, đá vào con chó bằng xi măng khiến nó gãy tai. Ông ta có lý : khi người ta yêu trẻ em và súc vật một cách thái quá, thì người ta đã yêu chúng để chống lại loài người.
Do vậy, tôi là một con cún của tương lai ; tôi tiên đoán được tương lai. Tôi nói ngôn lời của trẻ con, người ta nhớ, người ta nhắc lại chúng với tôi : tôi lại học để nói những từ khác. Tôi nói ngôn từ người lớn : tôi biết nói, mà không hiểu, những câu « già dặn hơn tuổi của mình ». Những câu này là những bài thơ ; công thức thật đơn giản: phải tin vào Quỷ giữ, một cách tình cờ, vào hư vô, mượn toàn bộ những câu nói của người lớn, nối chúng lại với nhau và nhắc lại mà không cần hiểu. Tóm lại, tôi phán như thánh và ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. Cái Thiện sinh ra tự đáy lòng tôi, cái Thật sinh ra ở bóng tối thơ trẻ của Lý trí tôi. Tôi không ngần ngại tôn thờ mình : thì ra những động tác và câu nói của tôi có những phẩm chất mà bản thân tôi cũng không hiểu nổi và chúng đập vào mắt người lớn. Chẳng sao cả ! tôi biếu họ toàn bộ niềm vui thú tinh tế không được dành cho tôi. Những câu nói hài hước mang vẻ ngoài của sự hào hiệp : vài người tội nghiệp lấy làm tiếc vì đã không có con; tôi mủi lòng và tôi rời khỏi hư vô một cách hăng hái đầy vị tha và tôi mặc lại bộ cải trang của trẻ con để cho họ ảo giác rằng họ có một cậu con trai. Mẹ tôi và bà ngoại tôi thường mời tôi lặp lại hành động nhân từ cao cả là đã sinh ra trên đời : hai người ca ngợi những thói kỳ quặc và sở thích của ông ngoại tôi là những cú đột ngột, rồi dành cho ông những bất ngờ. Hai người dấu tôi sau một đồ gỗ, tôi nín thở, hai người bỏ đi hay giả vờ quên tôi, tôi mệt nhoài ; ông ngoại tôi bước vào, chán chường và ủ ê, như thể ông sẽ như thế nếu không có tôi trên đời; đột nhiên tôi nhảy khỏi chỗ nấp, ban cho ông niềm vui sướng bằng cách bước vào đời ; ông nhìn thấy tôi, tham ra trò chơi này với tôi, thay đổi nét mặt và vung tay lên trời : tôi khiến ông tột cùng hạnh phúc bằng sự hiện diện của tôi. Chỉ một từ thôi, tôi tự sinh ra ; tôi tự sinh ra vào bất cứ lúc nào và ở khắp nơi, tôi phân phát tất cả : chỉ cần đẩy cửa là tôi có cảm giác xuất hiện trên đời. Tôi đặt những khối hình lên nhau, tôi tháo bánh cát ra khỏi khuôn, tôi kêu cứu ; ai đó chạy đến thốt lên, tôi sinh ra một kẻ hạnh phúc nữa. Bữa ăn, giấc ngủ và đề phòng thời tiết xấu đã trở thành những lễ chính và những nghĩa vụ chính của một cuộc sống đầy nghi lễ. Tôi ăn trước mặt mọi người như một ông vua : nếu tôi ăn khỏe, họ sẽ chúc mừng tôi ; bà tôi, chính bà tôi sẽ thốt lên : Thằng bé thật là ngoan vì đã đói !
Tôi không ngừng sáng chế ; tôi là kẻ cho và cũng là tặng vật. Nếu cha tôi còn sống, tôi sẽ biết quyền của tôi và trách nhiệm của tôi ; nhưng cha tôi đã mất và tôi không biết ; tôi không có quyền vì tôi được yêu quá ; tôi không có trách nhiệm vì tôi phân phát mọi thứ một cách thích thú. Mệnh lệnh duy nhất : làm vui lòng ; một cách phô trương. Trong gia đình tôi, sao mà có quá nhiều tấm lòng hào hiệp : ông ngoại tôi nuôi tôi còn tôi, tôi mang lại hạnh phúc cho ông ; mẹ tôi thì tận tụy với tất cả mọi người. Hôm nay, nhớ lại tôi có cảm giác lòng tận tụy đó là cái duy nhất có thật ; nhưng khi ấy chúng tôi có chiều hướng bỏ qua nó trong im lặng. Vấn đề gì đâu : cuộc sống của chúng tôi là một chuỗi nghi lễ và chúng tôi sử dụng thời gian vào việc đội lên đầu các loại ơn nghĩa. Tôi tôn trọng người lớn với điều kiện họ tôn thờ tôi ; tôi thẳng thắn, cởi mở và dịu dàng như con gái. Tôi hướng thiện, tôi tin tưởng vào người khác : ai cũng tốt vì ai cũng hài lòng. Tôi coi xã hội như chiếc thang phân chia chặt chẽ về công trạng và quyền lực. Những ai ở trên đỉnh phân chia tất cả những gì họ có cho những người ở bên dưới. Tuy vậy, tôi không xếp mình vào bậc cao nhất : tôi biết nó được dành cho những ai nghiêm khắc, có tâm, có khả năng chấn chỉnh xã hội. Tôi ngồi trên một chiếc ghế cao ngoài rìa, không xa họ, và hào quang của tôi lan ra khắp chiếc thang, từ cao xuống thấp. Tóm lại, tôi chăm chút để tách mình khỏi sức mạnh thế tục : không ở dưới, không ở trên, mà ở chỗ khác. Cháu của một giáo sĩ, ngay từ bé tôi đã là một giáo sĩ ; tôi có sự dịu dàng của các giáo chủ, sự hồn nhiên của các tăng lữ. Tôi đối xử với những kẻ dưới mình một cách bình đẳng : đó chính là sự lừa dối thành kính mà tôi tạo ra để họ được hạnh phúc và do vậy, họ cũng nên là những kẻ dễ lừa ở một mức độ nào đó. Với người hầu, với ông phát thư, với con chó của tôi, tôi đều nói với một giọng nhẫn nại và ôn hòa. Trong cái thế giới có trật tự này, có những người nghèo khổ. Có cả những con cừu năm cẳng, những đứa trẻ sinh đôi dính nhau, những tai nạn tàu hỏa : những bất bình thường đó không phải do lỗi của ai cả. Những người nghèo tốt bụng không biết rằng nhiệm vụ của họ là thử thách lòng hào hiệp của chúng ta ; đó là những kẻ nghèo đáng xấu hổ, họ phá tan những bức tường ; tôi lao tới, tôi ấn vào tay họ một đồng hai xu, và nhất là trao cho họ một nụ cười bình đẳng. Tôi thấy họ có vẻ ngu ngu và tôi không muốn chạm vào họ, nhưng tôi bắt tôi phải làm : đó là một thử thách ; và rồi họ cần phải yêu tôi : tình yêu này tô điểm cho cuộc sống của họ. Tôi biết họ thiếu cái cần thiết và tôi thích thú được là cái thừa ra của họ. Hơn thế, dù có nghèo khó đến thế nào thì họ cũng không bao giờ đau khổ bằng ông ngoại tôi : lúc còn nhỏ, ông phải dạy rất sớm và mặc quần áo trong bóng đêm ; vào mùa đông, để rửa ráy, ông phải đập đá trong bình đựng nước. May sao, từ đó đến nay, mọi thứ đã thay đổi : ông ngoại tôi tin tưởng ở Tiến bộ, tôi cũng vậy ; Tiến bộ, con đường gay go trắc trở đó đã đến được tận tôi.
Đó là Thiên đường. Mỗi sáng tôi thức dậy trong một niềm tê mê sung sướng, khâm phục sự may mắn khôn cùng là được sinh ra trong một gia đình hòa hợp nhất, trong một đất nước tươi đẹp nhất. Những ai không hài lòng đều khiến tôi căm phẫn : họ có thể phàn nàn về điều gì cơ chứ ? đó là những tên nổi loạn. Đặc biệt là bà ngoại tôi khiến tôi cực kỳ lo lắng : tôi đau đớn nhận thấy rằng bà không khâm phục tôi đúng mức. Trên thực tế, bà đã vạch trần tôi. Bà thẳng thừng khiển trách thói rởm trong con người tôi, điều mà bà không dám phàn nàn ở chồng. Tôi là một tên pha trò, một thằng hề, một thằng bé hay nhăn nhó, bà ra lệnh cho tôi phải chấm dứt những trò « nhõng nhẽo ». Tôi còn nổi giận hơn nữa vì tôi ngờ rằng bà cười cợt cả ông ngoại tôi : đó chính là « Tinh thần luôn phủ nhận ». Tôi đáp trả bà ; bà yêu cầu tôi phải xin lỗi ; tin chắc là được ông ngoại tôi ủng hộ nên tôi từ chối xin lỗi bà. Ông chụp lấy thời cơ để bày tỏ điểm yếu của mình, ông đứng về phía tôi chống lại vợ khiến bà giận dữ đứng phắt lên và vào phòng khóa chặt cửa lại. Mẹ tôi lo lắng vì sợ bà trả thù, nên nói nhỏ rằng ông đã sai, ông tôi nhún vai và bỏ vào phòng làm việc ; rồi mẹ tôi năn nỉ tôi đi xin lỗi bà. Tôi sung sướng về quyền lực của mình : tôi là thánh Michel và tôi đã quật ngã cả Quỉ sứ. Cuối cùng, tôi đi xin lỗi một cách lấy lệ. Ngoài chuyện này, tất nhiên là tôi vô cùng yêu quí bà : vì bà là bà của tôi. Mọi người gợi ý tôi gọi bà là « bà ngoại », gọi ông ngoại tôi là Karl như tên riêng theo vùng Alsace của ông. Karl và « bà ngoại » nghe hay hơn là Roméo và Juliet, hay Philémon và Baucis. Mẹ tôi ngày nào cũng nhắc lại cả trăm lần không phải không chủ ý : những từ « Karl-và-bà-ngoại đang đợi chúng ta, Karl-và-bà-ngoại rất hài lòng, Karl-và-bà-ngoại … » gợi lên, nhờ sự gắn kết mặt thiết của bốn từ, sự hòa hợp tuyệt vời giữa hai người. Tôi chỉ dễ lừa một nửa thôi, nhưng tôi sẽ thu xếp để tỏ ra dễ lừa hoàn toàn : đầu tiên là với chính tôi. Ngôn từ ném cái bóng của nó vào sự vật ; thông qua những từ « Karl-và-bà-ngoại », tôi có thể gìn giữ sự hòa hợp không tì vết của gia đình và chuyển vào đầu của bà ngoại tôi một phần lớn các công trạng của ông ngoại tôi. Bị nghi ngờ và cũng ý thức được tội của mình, bà ngoại tôi lúc nào cũng suýt phạm tội, nhưng được ngăn lại bởi cánh tay của các thiên thần và bởi quyền lực của một từ gọi là Tự do.
Có những kẻ độc ác : bọn người Prussiens mà đã chiếm của chúng tôi vùng Alsace-Lorraine cùng tất cả các đồng hồ của gia đình, trừ chiếc đồng hồ quả lắc bằng đá cẩm thạch đen đang trang trí lò sưởi trong phòng ông ngoại tôi và cũng chính là quà tặng cho ông từ đám học trò người Đức ; chúng tôi tự hỏi họ đã ăn cắp được ở đâu. Gia đình mua cho tôi những cuốn sách của Hansi, cho tôi xem những hình ảnh trong đó : tôi chẳng thấy ghét chút nào những thằng người béo tốt bằng đường hồng rất giống với các ông cậu gốc Alsace của tôi. Ông ngoại tôi, đã chọn nước Pháp vào năm 1871, thỉnh thoảng cũng đi Gunsbach, Pfaffenhofen, để thăm những người đã chọn nước Đức. Cả nhà cho tôi đi cùng. Trên tàu khi ông lái tàu người Đức kiểm tra vé của ông, trong quán cà phê khi người bồi bàn chậm đến phục vụ, Charles Schweitzer ông ngoại tôi đỏ mặt tía tai trong cơn giận đầy vị ái quốc ; bà ngoại tôi và mẹ tôi giữ chặt lấy hai tay ông : « Charles ! ông không nghĩ tới điều đó sao ? Họ sẽ đuổi chúng ta ra khỏi đây và ông sẽ bị lôi đi trước ! » Ông ngoại tôi cao giọng : « Tôi rất muốn xem chúng đuổi chúng ta như thế nào : tôi đang ở trên đất nước của tôi ! » Bà tôi và mẹ tôi ủn vào chân tôi, tôi nhìn ông van nài và ông dịu đi : « Thôi thì cũng nghĩ cho thằng cháu ngoại », vừa thở dài vừa xát vào tóc tôi bằng những ngón tay khô cằn. Những cảnh này khiến tôi khó chịu với ông chứ không làm tôi nổi giận với những kẻ xâm lược. Ngoài ra, ở Gunsbach, ông ngoại tôi cũng không thiếu dịp quá lời với bà chị dâu của ông ; mỗi tuần mấy lần ông ném khăn ăn lên bàn và rời khỏi phòng ăn đập cửa rầm một cái : mà bà chị dâu đâu phải người Đức. Sau bữa ăn, bà ngoại tôi, mẹ tôi và tôi chạy lại kêu gào và thút thít cạnh chân ông, ông ngạo nghễ chống lại. Làm sao có thể không đồng ý với bản án của bà ngoại tôi : « Alsace có nghĩa gì với ông ấy đâu ; ông ấy không nên quay lại suốt như thế » ? Hơn nữa tôi cũng không thích những người Alsace đối xử với tôi thiếu tôn trọng, và tôi cũng chẳng cáu giận gì vì người Đức đã lấy mất vùng đất ấy của chúng tôi. Dường như tôi hay đến cửa hàng bán thực phẩm khô của ông Blumenfeld ở thị trấn Pfaffenhofen và làm phiền ông ấy về những thứ đâu đâu. Dì Caroline đã khiến mẹ tôi « suy nghĩ » ; hai người đã nói với tôi điều đó ; một lần duy nhất, bà ngoại tôi và tôi ủng hộ nhau : bà căm ghét gia đình chồng. Ở Strasbourg, từ một phòng khách sạn nơi chúng tôi đang tụ tập, tôi nghe thấy những tiếng động lảnh lót và lan tỏa như trên mặt trăng, tôi chạy ra cửa sổ ; đó là quân đội ! Tôi thật sung sướng được xem dân Prousse duyệt binh trong tiếng nhạc ngây thơ ấy, tôi đập tay theo. Ông tôi ngồi ở ghế và càu nhàu ; bà tôi tới nói nhỏ vào tai tôi là tôi phải rời cửa sổ ngay lập tức. Tôi nghe lời và dỗi hờn một chút. Tôi ghét người Đức, tất nhiên, nhưng ghét lấy lệ. Tuy vậy, ông ngoại tôi chỉ cho phép mình một chút gọi là tinh thần nước lớn : năm 1911 chúng tôi rời ngoại ô Meudon về sống ở Paris, số 1 phố Le Goff ; ông phải về hưu và để nuôi sống cả gia đình, đã phải thành lập « Viện sinh ngữ » : dậy tiếng Pháp cho người ngoại quốc qua Paris ngắn ngày. Theo phương pháp trực tiếp. Học viên chủ yếu đến từ nước Đức. Họ trả khá tiền : ông cất những đồng tiền vàng vào túi áo vét mà chẳng đếm trước ; bà ngoại tôi, bị bệnh mất ngủ, lẩn vào phòng đựng áo khoác để « trộm » tiền của ông như chính bà đã thổ lộ với con gái : tóm lại, chính kẻ thù đang nuôi sống chúng tôi ; một cuộc chiến tranh Pháp-Đức sẽ trả lại cho chúng tôi vùng Alsace và phá tan Viện sinh ngữ : Charles ông ngoại tôi đứng về phe duy trì hòa bình. Và rồi có những người Đức tốt bụng đến ăn trưa ở nhà chúng tôi : một nữ tiểu thuyết gia mặt đỏ và đầy lông lá mà bà ngoại tôi vừa cười ghen tức vừa gọi là « người tình của Charles », một ông bác sĩ hói đầu đẩy mẹ tôi vào tường để đòi hôn ; khi mẹ tôi ngượng nghịu phàn nàn, ông ngoại tôi nổi nóng : « Các người làm tôi bất hòa với tất cả! ». Rồi ông nhướn mày, kết luận : « Con nói càn rồi, con gái ạ », và chính mẹ tôi lại cảm thấy có lỗi. Tất cả các vị khách mời này đều hiểu rằng họ phải tỏ ra khâm phục các phẩm chất của tôi, họ ngoan ngoãn âu yếm tôi : chính vì thế mà mặc dù là người Đức, họ vẫn sở hữu một khái niệm lờ mờ của cái Thiện. Vào dịp lễ sinh nhật của Viện sinh ngữ, có khoảng hơn một trăm khách mời, với đồ uống pha sâm banh, mẹ tôi và cô Moutet chơi nhạc của Bach bằng bốn tay ; mặc váy trong suốt màu xanh, tóc gắn những ngôi sao nhỏ, tay đeo cánh, tôi đi từ người này sang người kia, tay cầm làn đựng quít phân phát cho mọi người, và ai nấy kêu lên : « Đúng là một thiên thần ! » Thế đấy, họ cũng không phải những kẻ xấu xa lắm. Đương nhiên, chúng tôi không từ bỏ cuộc trả thù cho vùng Alsace đã tử vì đạo: trong gia đình, bằng một giọng thì thầm, như các người anh em họ của chúng tôi ở Gunsbach và Pfaffenbofen, chúng tôi giết người Đức bằng trò chế giễu ; chúng tôi cười trăm lần liền, không mệt mỏi, về một nữ học viên vừa mới viết trong một bài luận bằng tiếng Pháp như sau : « Charlotte đau đớn đến đờ đẫn trên mộ của Werther», về một ông giáo trẻ, trong một bữa tối, đã ngờ vực nhìn lát dưa vàng rồi cuối cùng ăn hết cả lát, từ hạt đến vỏ. Những lầm lẫn này khiến tôi quay về hướng bao dung : người Đức là những kẻ thấp kém nhưng có may mắn là ở ngay cạnh chúng ta ; chúng ta đã cho họ ánh sáng của mình.
Một nụ hôn không ria mép, lúc đó người ta ví, như một quả trứng không muối ; tôi nói thêm : và như là cái Thiện thiếu cái Ác, như cuộc sống của tôi vào những năm 1905-1914. Nếu người ta chỉ tự định nghĩa mình bằng cách chống đối, thì tôi là cái vô hạn làm từ xương và thịt ; nếu tình yêu và hận thù là mặt phải và mặt trái của tấm huân chương, thì tôi chẳng yêu ai, cũng chẳng yêu cái gì. Cũng đúng thôi : ta không thể yêu cầu cùng một lúc vừa căm ghét vừa làm vui lòng. Hay vừa được yêu lại vừa yêu.
Vậy tôi có phải là kẻ si mê bản thân ? Ồ không : quá lo lắng tìm cách quyến rũ người khác, tôi quên chính tôi. Tóm lại, tôi không thích cho lắm trò làm bánh cát hay vẽ nghệch ngoạc, nhu cầu tự nhiên của tôi là : để cho chúng có giá trị dưới mắt mình, tôi cần ít ra là một người lớn khâm phục những trò này của tôi. May mắn làm sao, những tràng vỗ tay không bao giờ thiếu : dù họ nghe tôi ba hoa về những bản nhạc fuga, người lớn đều nở cùng một nụ cười nghịch ngợm và thông đồng ; điều ấy cho thấy rằng tôi có bề sâu : một của cải mang tính văn hóa. Văn hóa thấm vào tôi và tôi trả nó lại cho gia đình tôi bằng hào quang, giống như những ao nước ban đêm trả lại sức nóng của ban ngày…