Ở vùng Alsace, khoảng năm 1850, một giáo viên tiểu học để nuôi một đàn con đành chấp nhận làm nghề bán thực phẩm khô. Ông thầy bỏ nghiệp đó mong muốn một phần thưởng : vì ông đã từ bỏ công việc đào tạo các tinh thần, nên một trong các con trai của ông sẽ đào tạo các tâm hồn ; trong nhà ông sẽ có một mục sư, và đó sẽ là Charles. Nhưng Charles ăn trộm tiền, thích lang thang theo đuổi một nàng kỵ sĩ hơn. Người ta bèn úp ảnh hắn vào tường và cấm không được nói đến tên hắn. Đến lượt ai bây giờ ? Auguste vội vã bắt chước sự hy sinh của cha : cậu theo nghề buôn bán và cảm thấy rất dễ chịu. Còn lại Louis, nó chẳng có thiên hướng nào đặc biệt : ông bố tóm lấy thằng bé trầm tính này và nhoáy một cái biến nó thành mục sư. Sau này, Louis đẩy cao sự phục tùng đến độ cho ra đời một mục sư nữa, Albert Schweitzer, mà chúng ta đã biết rõ sự nghiệp. Tuy vậy, Charles đã không tìm thấy nàng kỵ sĩ ; hành động đẹp đẽ của người cha đã khiến hắn nhớ mãi : cả đời hắn, hắn giữ mãi mùi vị của sự cao thượng và hăng hái tạo ra những hoàn cảnh lớn với những sự kiện nhỏ. Như chúng ta thấy, hắn không tìm cách lẩn tránh thiên hướng của gia đình ; hắn mong muốn dâng hiến đời mình cho một hình thức nhẹ nhàng hơn của giá trị tinh thần, một nghề nghiệp cho phép hắn có những nàng kỵ sĩ. Nghề nhà giáo thật là hợp : Charles chọn nghề dạy tiếng Đức. Hắn bảo vệ luận án về Hans Sachs, lựa chọn phương pháp trực tiếp mà sau này hắn tự nhận là người phát minh ra, xuất bản, cùng với sự hợp tác của Simonnot, một cuốn Deutsches Lesebuch được đánh giá cao, và làm một sự nghiệp nhanh gọn : Mâcon, Lyon, Paris. Ở Paris, vào dịp trao giải thưởng, hắn đọc một bài phát biểu đã vinh dự được giành cho hẳn một số báo : « Thưa ngài Bộ trưởng, thưa các ông, các bà, các học trò thân mến, quí vị sẽ không bao giờ đoán nổi hôm nay tôi sẽ nói gì với quí vị ! Tôi sẽ nói với quí vị về âm nhạc ! » Hắn rất giỏi nảy thơ tại chỗ. Hắn có thói quen nói trong các cuộc họp gia đình : «Louis hiếu thảo nhất, Auguste giàu nhất, tôi thì thông minh nhất». Các anh em trai cùng cười, còn các chị em dâu thì mím môi. Ở Mâcon, Charles Schweitzer cưới Louise Guillemin, con gái của một nhân viên quan tòa theo đạo thiên chúa. Nàng ghét cay ghét đắng chuyến trăng mật của họ: Charles đã bắt cóc nàng trước khi bữa ăn kết thúc và ném nàng lên tàu. Ở tuổi 70, Louise vẫn còn kể về món xà lách tỏi tây mà họ đã ăn trong một quán nhỏ ở ga : « Lão ấy ăn hết phần trắng, để lại cho tôi phần xanh ». Họ đã ở Alsace, nhà cha của Charles, mười lăm ngày liền mà không rời bàn ăn ; các anh em trai kể cho nhau nghe bằng thổ ngữ những câu chuyện tục tĩu, thỉnh thoảng mục sư quay về phía Louise và với một lòng tương ái kiểu Cơ Đốc dịch cho nàng nghe. Nàng đã nhanh chóng tìm cách lấy được chứng nhận về sự thỏa mãn và nhờ đó mà được miễn thực hiện hợp đồng giường chiếu vợ chồng và có quyền ngủ riêng phòng; nàng nói về chứng đau đầu, thường xuyên nằm liệt giường và bắt đầu ghét tiếng động, thói dâm dục, sự phấn khích, toàn bộ cuộc sống no nê và giả dối của gia đình Schweitzer. Người phụ nữ sống động và tinh nghịch nhưng lạnh lùng này suy nghĩ thẳng thắn nhưng trái đạo, bởi vì chồng nàng suy nghĩ đúng đạo nhưng vẹo vọ ; vì hắn là một tên nói dối nhưng cả tin, còn nàng, nàng nghi ngờ mọi thứ : «Họ khẳng định là trái đất quay, nhưng họ biết gì về điều ấy?». Bao vây bởi những diễn viên kịch đầy đạo đức, nàng thù ghét kịch và đạo đức. Con người theo chủ nghĩa hiện thực rất thanh tao này, lạc lối trong một gia đình gồm những người theo nghĩa duy linh thô lậu, vì thách thức mà nàng làm ra vẻ theo tinh thần của Voltaire nhưng lại không đọc Voltaire. Dễ thương và mũm mĩm, vô đạo, hồn nhiên, nàng đã trở thành một thứ tiêu cực trong trắng ; bằng một cái nhếch mày, một nụ cười khó nhận thấy, nàng coi khinh tất cả những thái độ trịnh thượng, dấu trong lòng để không ai phát hiện. Nàng bị giày vò bởi tính kiêu ngạo tiêu cực và sự ích kỷ khi chối từ. Nàng không gặp gỡ ai, quá kiêu hãnh để đòi vị trí thứ nhất, nhưng lại quá viển vông để đành lòng với vị trí thứ hai. «Hãy biết cách để khiến người khác thèm muốn mình» , nàng nói. Đầu tiên người ta thèm muốn nàng rất nhiều, rồi dần dần ít đi, và cuối cùng do không gặp nàng, nên họ quên nàng. Nàng hầu như không còn rời ghế bành và giường ngủ. Tự nhiên chủ nghĩa nhưng lại rất nguyên tắc về mặt đạo đức – sự kết hợp của hai đức tính hóa ra không hiếm như người ta tưởng – gia đình Schweitzer thích những ngôn từ sống sượng, những loại từ mà tuy hạ thấp cơ thể con người một cách rất đúng tinh thần đạo Cơ Đốc, nhưng lại tỏ ra hoàn toàn đồng ý với các chức năng bẩm sinh; Louise thì lại thích những ngôn từ ngầm. Nàng đọc rất nhiều tiểu thuyết phóng đãng mà nàng không thích tình tiết cốt truyện bằng những tấm mạng bao bọc nó: «Rất can đảm, viết tốt, nàng nói với vẻ tinh tế. Hãy trượt vào, tuyệt vời, đừng ấn!» Thiếu phụ trinh trắng này nghĩ là nàng có thể chết vì cười khi đọc «Cô gái rực lửa» của Adolphe Belot. Nàng thích thú kể lại những câu chuyện về tuần trăng mật bao giờ cũng kết thúc tồi : khi thì anh chồng, trong cơn vội vàng quá đáng, đập cổ vợ vào thành giường chỗ ; khi thì, chính cô vợ trẻ mà người ta tìm thấy sáng hôm sau, đang trốn trong tủ quần áo, trần truồng và hóa điên. Louise sống trong ánh sáng mờ mờ ; Charles vào phòng nàng, mở cửa chớp ra, bật tất cả các đèn, nàng rít lên và đưa tay che mắt : « Charles, anh làm tôi lóa mắt ! » Nhưng sự kháng cự của nàng không vượt qua giới hạn của một chống đối mang tính lập hiến : Charles đã khơi cho nàng sợ hãi, một tức tối kinh hoàng, đôi khi một chút tình bạn, miễn là đừng động tới người nàng. Nàng chịu thua hết mỗi khi hắn mở miệng kêu gào. Hắn cho nàng bốn đứa con một cách bất ngờ : một đứa con gái mất từ lúc nhỏ, hai cậu con trai và một đứa con gái nữa. Do thờ ơ hoặc do tôn trọng, hắn cho phép người ta nuôi dậy chúng theo tinh thần của đạo Thiên Chúa. Vô thần, và ghét đạo Tin Lành, Louise đã biến chúng thành những kẻ sùng đạo Thiên Chúa. Hai cậu con trai đứng về phía mẹ ; nàng dần dần tách chúng khỏi ông bố cồng kềnh ; Charles thậm chí không hay biết gì về điều này. Cậu con trai cả, Georges, vào học đại học Bách Khoa ; cậu thứ hai, Emile, thành giáo viên tiếng Đức. Cậu này khiến tôi tò mò : tôi biết rằng cậu cả đời độc thân, nhưng tôi cũng biết là cái gì cậu cũng bắt chước cha cậu tuy chẳng yêu cha. Cha và con sau đó giận nhau ; rồi lại có những cuộc làm lành đáng ghi nhớ. Emile giấu kín cuộc đời mình; cậu rất yêu mẹ, và cho đến cuối đời vẫn giữ thói quen đến thăm mẹ một cách không báo trước và lén lút ; cậu phủ lên mẹ những nụ hôn và những cái vuốt ve, rồi bắt đầu nói chuyện về bố, đầu tiên là mỉa mai, tiếp theo là nổi giận và rời khỏi nhà mẹ đóng sầm cửa lại. Louise yêu con trai, tôi tin vậy, nhưng cậu làm nàng sợ : hai người đàn ông thô lỗ và khó tính khiến nàng mệt mỏi và nàng thấy yêu Georges hơn, cậu này chẳng bao giờ có mặt ở nhà cả. Emile mất năm 1927, phát điên vì cô độc : người ta tìm thấy một khẩu súng lục dưới gối của cậu, một trăm đôi tất rách và hai mươi đôi giày đi ở nhà đã vẹt gót trong những cái rương.
Anne-Marie, cô con gái út, trải cả tuổi thơ trên một cái ghế. Người ta dạy cô biết buồn chán, biết đứng thẳng người và biết may. Cô có một số năng khiếu : người ta tin là cứ để hoang chúng thì mới là tao nhã ; về những gì lấp lánh : người ta cẩn thận tìm cách dấu cô. Những thị dân khiêm tốn và kiêu hãnh này đánh giá sắc đẹp cao hơn khả năng tài chính của họ hoặc thấp hơn điều kiện mà họ có ; họ cho phép cô gặp gỡ những người đàn bà làm bộ cao sang và cả bọn gái điếm. Louise có một nỗi kiêu ngạo cằn cỗi nhất trên đời : sợ bị lừa, nàng phủ nhận ở con cái, chồng và cả bản thân những đức tính hiển nhiên nhất ; Charles không biết nhận thức vẻ đẹp của người khác : hắn nhầm nó với sức khỏe : từ khi vợ bị bệnh, hắn giải khuây với bọn đàn bà theo chủ nghĩa duy tâm, có ria và nhuộm tóc, mạnh khỏe. Năm chục năm sau, lần giở những trang album của gia đình, Anne-Marie nhận ra rằng mình đã từng đẹp.
Gần vào thời điểm mà Charles Schweitzer gặp Louise Guillemin, một đốc tờ nông thôn kết hôn cùng con gái một điền chủ giàu có vùng Périgord và đến ở cùng vợ trong con phố chính buồn bã của thị trấn Thiviers, đối diện với hiệu thuốc. Sau đám cưới một hôm, người ta phát hiện ra rằng ông bố vợ chẳng có xu nào. Giận dữ, đốc tờ Sartre bốn mươi năm liền không nói chuyện với vợ ; ở bàn ăn cơm, ông chỉ ra dấu, cuối cùng bà đành gọi ông là « khách trọ ». Ông ngủ cùng giường với bà, và, thỉnh thoàng, chẳng nói năng gì, làm bà có chửa : bà cho ông hai con trai và một con gái ; những đứa trẻ sinh ra từ sự lặng câm này có tên là Jean-Bastsiste, Joseph và Hélène. Lớn lên, Hélène lấy một sỹ quan kỵ binh, người này sau đó bị bệnh điên. Joseph đi nghĩa vụ trong lính bộ binh ở Algeria và nhanh chóng rút về nhà cha mẹ. Anh ta không có nghề ngỗng gì : giằng xé giữa tính nín lặng của mẹ và sự eo sèo của cha, anh ta trở thành kẻ nói lắp và chiến đấu suốt đời với ngôn từ. Còn Jean-Batiste thì muốn vào hải quân để thấy biển. Năm 1904, ở Cherbourg, là sĩ quan hải quân và đã bị kiệt quệ bởi các cơn sốt có từ hồi ở Nam kỳ Đông Dương, anh ta làm quen với Anne-Marie Schweitzer, chiếm được cô thiếu nữ bị lãng quên trong gia đình, cưới nàng làm vợ, chớp nhoáng cho nàng một đứa con, tức là tôi, và toan trốn mình vào cái chết.
Nhưng chết đâu có dễ : cơn sốt kiết lị không vội giâng cao, bệnh thuyên giảm. Anne-Marie hết lòng chăm sóc chồng, nhưng không đẩy sự gần gũi sỗ sàng thành tình yêu với anh ta. Trước đấy, Louise đã gây cho anh ta mối ác cảm về cuộc sống hôn nhân : tiếp theo đám cưới bị phản đối kịch liệt, là một chuỗi dài hy sinh vô tận bị cắt rời bởi những sự tục tĩu hàng đêm. Theo gương bà ngoại tôi, mẹ tôi thích nhiệm vụ hơn là khoái cảm. Mẹ tôi không biết cha tôi mấy, trước cũng như sau khi lấy ông, và hẳn là đôi khi cũng tự hỏi lý do gì mà con người xa lạ đó lại chọn để chết trong vòng tay của mình. Người ta đã chuyển ông đến một trại lính canh cách thị trấn Thiviers mấy dặm. Cha của ông hàng ngày tới thăm ông bằng xe bò. Chăm sóc và lo lắng đã hết sức lực của Anne-Marie, sữa mẹ tôi cạn, người ta giao tôi cho một người bảo mẫu không xa nhà lắm, và tôi, tôi cũng hợp với chết : vì viêm ruột non, hoặc có thể là vì oán giận. Hai mươi tuổi, không kinh nghiệm, không lời khuyên, mẹ tôi tan tác giữa hai kẻ sắp chết xa lạ ; đám cưới đầy lý trí của mẹ tôi tìm thấy sự thật trong bệnh tật và tang tóc. Còn tôi, tôi lợi dụng tình thế ấy : thời đó, các bà mẹ tự cho con bú rất lâu ; không có cái may mắn được hấp hối hai lần, tôi chuốc lấy những khổ cực của một vụ cai sữa muộn màng. Ốm đau quặt quẹo, bị ép cai sữa lúc 9 tháng, sốt cao và mụ mẫm đã ngăn cản tôi cảm thấy nhát kéo cuối cùng cắt đi mối quan hệ mẫu tử ; tôi như bơi trong một thế giới hỗn loạn, đầy những ảo giác giản đơn và những thần tượng thô lậu. Cha tôi qua đời, mẹ tôi và tôi cùng thức dậy bởi một cơn ác mộng chung ; tôi khỏi bệnh. Nhưng chúng tôi đều là nạn nhận của một sự hiểu lầm : bà hạnh phúc tìm lại một thằng con mà bà chưa từng thật sự rời bỏ; tôi tỉnh lại trên đầu gối của một người đàn bà xa lạ.
Không tiền, chẳng nghề, Anne-Marie mẹ tôi quyết định quay lại sống ở nhà ông bà ngoại tôi. Nhưng cái chết trêu ngươi của cha tôi đã làm mếch lòng gia đình Schweitzer : như thể ông đã bỏ mẹ tôi. Vì đã không biết dự báo cũng như cảnh báo, mẹ tôi đâm mang tiếng là có tội : đã dại dột lấy phải một thằng chồng không bền. Mẹ tôi cho rằng trước khi mẹ tôi ôm con quay lại Meudon, cả gia đình bên mẹ tôi đều hoàn hảo : trước đó, ông ngoại tôi đã xin nghỉ hưu nhưng sau đó lại quay trở về với công việc không một lời oán trách ; còn bà ngoại tôi thì đã kín đáo chiến thắng. Nhưng mẹ tôi, tuy đờ đẫn vì biết ơn, vẫn đoán ra sự khiển trách dưới những đối xử tốt đẹp: đương nhiên, cha mẹ nào cũng thích con gái bị góa bụa hơn là con gái không chồng mà có con, chính xác là như vậy. Để được họ tha thứ, mẹ tôi đã tiêu sài không tính toán, chăm sóc ngôi nhà của cha mẹ ở Meudon, rồi ở Paris, biến mình thành quản gia, y tá, bếp trưởng, nữ tùy tùng, nô tì, mà không tài nào làm nguôi đi nỗi tức tối câm lặng của bà ngoại tôi. Louise bà ngoại tôi chán ngấy việc sáng lên thực đơn, tối tính toán chi tiêu, nhưng lại khó khăn chấp nhận người khác làm thay mình ; bà vừa trút bỏ trách nhiệm, vừa cáu kỉnh vì bị mất đặc quyền. Người phụ nữ đang già đi và vô sỉ này chỉ có một ảo tưởng : bà tự tin là người tối cần thiết. Ảo tưởng tiêu tan và bà bắt đầu ghen với con gái. Thật khổ thân Louise mẹ tôi : khi mẹ thụ động, người ta đã buộc tội mẹ là gánh nặng cho họ ; khi mẹ tích cực, họ nghi mẹ muốn cai quản cái nhà này. Để tránh vỉa đá ngầm đầu tiên, mẹ cần toàn bộ lòng dũng cảm, để tránh vỉa đá ngầm thứ hai, mẹ cần toàn bộ sự nhún nhường. Chẳng bao lâu, góa phụ trẻ quay trở lại làm đứa con vị thành niên : một trinh nữ không tì vết. Không phải họ từ chối tiền tiêu vặt của mẹ, mà họ quên đưa cho mẹ ; mẹ dùng mòn cả tủ quần áo mà ông ngoại tôi vẫn tính đến chuyện mua thêm cho mẹ. Người ta hầu như không chịu nổi việc mẹ đi chơi một mình. Khi các bạn cũ của mẹ, hầu như đã có gia đình, mời mẹ đến nhà ăn tối, họ đều phải năn nỉ rất lâu và xin phép trước, cũng như phải hứa là sẽ đưa mẹ về nhà trước mười giờ. Giữa bữa ăn, chủ nhà đứng dậy rời khỏi bàn để dẫn mẹ ra ô tô. Trong lúc đó, ông ngoại tôi mặc áo ngủ bước từng bước dài trong phòng, tay cầm đồng hồ. Đúng đến tiếng gõ cuối cùng của mười giờ, ông gầm lên. Những lời mời ngày càng hiếm và mẹ tôi phát ớn lên vì những niềm sung sướng phải trả giá đắt như thế.
Cái chết của Jean-Baptiste cha tôi là một sự kiện lớn trong đời tôi : nó trả lại cho mẹ tôi sợi dây xiềng xích và trao cho tôi sự tự do.
Không có người cha tốt, qui luật thế rồi ; hãy đừng kêu ca đàn ông mà hãy trách móc mối quan hệ phụ tử đã thối rữa. Đẻ con, không có gì hay hơn thế ; nhưng có con, ôi lo lắng làm sao ! Nếu còn sống thì cha tôi sẽ nằm lên lưng tôi và sẽ nghiến nát tôi. May thay, ông đã mất khi tôi còn quá nhỏ ; ở giữa những đứa con Enée cõng trên lưng các ông bố Anchise, tôi đi từ bờ này tới bờ kia, đơn độc và căm ghét những bậc sinh thành vô hình ngồi suốt đời trên lưng những đứa con của mình ; tôi để lại phía sau một thanh niên chết trẻ không có đủ thời gian để trở thành cha tôi và ngày hôm nay có thể là con trai tôi. Đó là điều tốt hay điều xấu ? Tôi không biết, nhưng tôi sẵn sàng ký vào bản tuyên án của một nhà phân tâm học lỗi lạc : tôi không có ai-trên-lưng.
Chết không phải là tất cả : phải chết đúng lúc. Sau này, tôi tự cảm thấy có tội ; một đứa trẻ mồ côi có ý thức mắc khuyết điểm : bực mình vì phải nhìn thấy nó, cha mẹ nó đã rút vào chỗ ở của họ trên trời cao. Tôi thì tôi vô cùng sung sướng : hoàn cảnh đáng buồn của tôi khiến người khác phải kính nể, lập nên sự quan trọng của tôi ; tôi liệt sự tang tóc của tôi vào số những may mắn tôi có. Cha tôi đã có nhã ý chết do lỗi của ông : bà ngoại tôi nhắc đi nhắc lại rằng cha tôi đã lẩn tránh trách nhiệm của mình ; ông ngoại tôi, chính vì kiêu hãnh với truyền thống trường thọ trong gia đình Schweitzer nên không cho phép người khác qua đời ở tuổi ba mươi. Quan sát cái chết khó hiểu này, ông ngoại tôi đâm ra nghi ngờ về sự tồn tại của con rể, để cuối cùng thì quên hẳn cha tôi.
Tôi không cần phải quên cha tôi : trong khi im lìm chạy trốn, Jean-Baptiste cha tôi đã từ chối không cho tôi nềm hạnh phúc được làm quen với ông. Thậm chí hôm nay tôi vẫn còn ngạc nhiên với những điều ít ỏi mà tôi biết về ông. Dù sao thi ông cũng đã yêu, đã muốn sống, và ông đã thấy mình chết ; điều ấy đủ để làm nên một con người. Nhưng chẳng ai trong gia đình tôi có khả năng khiến tôi tò mò về con người ông. Trong nhiều năm liền, tôi có thể thấy, ngay trên đầu giường tôi, chân dung của một sĩ quan nhỏ bé với đôi mắt ngây thơ, đầu tròn và ít tóc, với một bộ ria mạnh mẽ : khi mẹ tôi tái hôn, bức chân dung biến mất. Sau này, tôi thừa hưởng những cuốn sách từng thuộc về ông : một tác phẩm của Le Dantec về tương lai của khoa học, một cuốn nữa của Weber có nhan đề : Về chủ nghĩa thực chứng thông qua chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối. Ông đọc những thứ vớ vẩn y hệt như những người cùng thời ông. Ở lề sách, tôi thường thấy những nét chữ nguệch ngoạc không sao luận được, những dấu hiệu chết của một tia sáng bé nhỏ từng sống và nhảy nhót vào thời điểm tôi vừa lọt lòng. Tôi bán những cuốn sách ấy đi : kẻ quá cố này hầu như không liên quan đến tôi. Tôi nghe phong thanh về ông, như kiểu tôi nghe về chàng Mặt nạ Sắt hay hiệp sĩ Eon, và những gì tôi biết về ông chẳng ăn nhập gì với tôi : ông có yêu tôi hay không, ông có ôm tôi vào lòng hay không, ông có hướng về tôi cặp mắt màu sáng của ông, cặp mắt ngày hôm nay đã bị mục trong đất, hay không ? giờ đây chẳng ai còn nhớ : đó là những nỗi đau khổ yêu thương đã mất rồi. Người cha này thậm chí không phải là một cái bóng hay một cái nhìn : chúng tôi, ông và tôi, trong một khoảng thời gian nào đó, đã cùng xuất hiện trên trái đất này, có vậy thôi. Thay vì coi tôi như một đứa con của người chết, người ta đã muốn tôi hiểu rằng tôi là đứa con của phép màu. Từ đó suy ra, không nghĩ ngờ gì nữa, sự phóng túng không thể tin nổi của tôi. Tôi không phải là sếp, cũng không mong muốn trở thành sếp. Ra lệnh, phục tùng, tất cả chỉ là một. Người độc đoán nhất ra lệnh nhân danh một kẻ khác, một kẻ ăn bám thiêng liêng – cha tôi -, truyền đi tất cả những hung bạo trừu tượng mà chính mình từng gánh chịu. Cả đời tôi, tôi chưa bao giờ ra lệnh mà lại không cười và chọc cười ; đó là vì tôi đã không bị ăn mòn bởi sự lở loét của quyền lực : người ta không dạy tôi phải phục tùng.
Tôi phải phục tùng ai nhỉ ? Người ta chỉ cho tôi xem một thiếu phụ khổng lồ, người ta bảo tôi đó là mẹ tôi. Về phía tôi, tôi coi bà như thể chị cả của tôi. Thiếu phụ trinh trắng bị tù tại gia đó, tuân lệnh mọi thứ, tôi thấy rõ là bà có mặt ở đây là để phục vụ tôi. Tôi yêu bà, nhưng làm sao tôi có thể tôn trọng bà trong khi chẳng ai tôn trọng bà? Trong nhà của ông bà ngoại tôi có ba phòng ngủ : phòng của ông ngoại tôi, phòng của bà ngoại tôi, phòng của « trẻ con ». « Trẻ con », tức là chúng tôi, mẹ tôi và tôi : đều vị thành niên như nhau và đều phải được nuôi dưỡng như nhau. Nhưng mọi sự quan tâm đều dành cho tôi. Trong phòng của tôi, người ta kê một cái giường thiếu nữ. Nàng thiếu nữ ngủ một mình và trong trắng thức dậy ; trong khi tôi vẫn còn ngủ, thì nàng đã chạy đi tắm ; rồi nàng quay lại quần áo đâu vào đấy: làm sao tôi lại có thể được sinh ra từ nàng ? Nàng kể cho tôi những bất hạnh của nàng và tôi nghe với một lòng tắc ẩn : sau đó, tôi sẽ cưới nàng để bảo vệ nàng. Tôi hứa với nàng điều đó : tôi sẽ chìa tay về phía nàng, đặt tay lên nàng, lấy sự quan trọng non trẻ của tôi ra để giúp nàng. Người ta nghĩ là tôi sẽ phục tùng nàng hay sao ? Tôi nhân từ lùi bước trước những thỉnh cầu của nàng. Mà nàng có bao giờ ra lệnh cho tôi đâu: bằng những lời nhẹ nhàng, nàng phác thảo một tương lai mà nàng tha thiết mong tôi thực hiện : « Con trai bé nhé yêu dấu của mẹ sẽ dễ thương, sẽ ngoan ngoãn, sẽ để mẹ nhỏ thuốc mũi. » Tôi để mình rơi vào bẫy của những lời tiên tri êm ái này.
Còn lại người ông gia trưởng : ông ngoại tôi giống Chúa trời đến độ người ta thường coi ông là Chúa trời. Một hôm, ông vào một nhà thờ qua kho đồ thờ ; cha xứ đang dọa lũ người sùng đạo bằng những lời sấm truyền : « Chúa trời có mặt ở đây ! Người nhìn thấy các vị ! » Bỗng dưng, các tín đồ phát hiện dưới bục giảng của cha xứ một lão già cao lớn có râu, lão đang nhìn họ : họ bỏ đi. Trước đây, ông ngoại tôi nói là họ quì dưới chân ông. Ông dần dần thích hiện hình. Tháng Chín năm 1914, ông hiện ra trong một rạp xi nê của Arcachon : mẹ tôi và tôi đang ngồi ở trên gác, lúc ông yêu cầu bật đèn ; những quí ông khác đóng vai các thiên thần xung quanh ông và kêu : « Chiến thắng ! Chiến thắng ! » Chúa trời bước lên sân khấu và đọc bản thông cáo Marne. Vào thời kỳ mà bộ râu của ông còn đen, ông là Giê-hô-va và tôi ngờ rằng Emile con trai ông đã chết vì ông, một cách gián tiếp. Tên Chúa trời nổi giận này đã uống máu tươi của các con trai, nhưng tôi thì lại hiện diện trong suốt cuộc đời dài của ông, bộ râu của ông bạc đi, thuốc lá đã mang lại cho nó màu vàng và mối quan hệ phụ tử không khiến ông khoái nữa. Giá mà ông có sinh ra tôi, dẫu vậy, tôi vẫn tin rằng, theo thói quen, ông sẽ không thể nhịn được ý muốn biến tôi thành nô lệ. Sự may mắn của tôi là thuộc về một người chết: một người chết đã rót vài giọt tinh trùng tạo ra một giá trị thường thấy là một đứa trẻ; tôi là vùng đất mặt trời độc chiếm, ông ngoại tôi có thể có tôi trong tay mà không cần sở hữu tôi: tôi là “kỳ quan” của ông bởi vì ông muốn kết thúc đời mình như một người già bị choáng ngợp. Ông quyết định coi tôi như một đặc ân của số phận, một món quà không mất tiền mua, có thể bỏ đi bất cứ lúc nào; ông trông chờ gì ở tôi? Tôi chỉ có thể cho ông mỗi sự hiện diện của tôi mà thôi. Ông là Thánh thần với bộ râu của Cha và trái tim thiêng của Con; ông đặt tay lên tôi, tôi cảm thấy trên đầu tôi hơi ấm của lòng bàn tay ông, ông gọi tôi là thăng cu con bé bỏng của ông bằng một giọng run rẩy ngọt ngào, nước mắt nhòa đi cái nhìn lạnh lẽo. Tất cả mọi người cũng kêu lên: “Thằng ranh con đã khiến lão ấy phát rồ!” Ông tôn thờ tôi, rõ là thế. Nhưng ông có yêu tôi không? Trong một niềm say mê công khai như thế, tôi khó lòng có thể phân biệt thành thật và giả vờ: tôi không tin là ông có nhiều tình cảm với những đứa cháu trai khác của ông; đúng là ông cũng ít gặp họ và họ cũng chẳng cần gì ở ông. Tôi, tôi phụ thuộc tất cả vào ông: ông tôn thờ trong tôi lòng cao thượng của chính ông.
Trên thực tế, ông có chú ý ít nhiều đến sự cao cả: đó là một người của thế kỷ 19 và giống như bao người cùng thời của ông, giống như bản thân Victor Hugo, ông tự cho mình là Victor Hugo. Với tôi, người đàn ông đẹp trai có bộ râu dài như suối, lúc nào cũng ở giữa hai cảnh thay đổi bất ngờ của một vở kịch, là một kẻ say giữa hai loại rượu vang, nạn nhân của hai kỹ thuật được phát hiện không lâu: nghệ thuật nhiếp ảnh và nghệ thuật làm ông. Ông có cái may và cái bất hạnh là người ăn ảnh; trong nhà tràn ngập ảnh ông: vì người ta không chụp ảnh lấy ngay, nên ông dần dần khoái pô ảnh và cảnh người thực; tất cả với ông chỉ là cái cớ để dừng cử động, để bất động trong một tư thế đẹp, để hóa thành đá; ông phát điên lên trước những chốc lát ngắn ngủi này của sự bất tử, lúc mà ông trở thành bức tượng của chính ông. Tôi chỉ giữ lại từ ông – có liên quan đến sự yêu thích ông giành cho cảnh người thực – những hình ảnh thô cứng của đèn lồng màu nhiệm, ông tổ của máy chiếu dương bản: một cảnh trong rừng, tôi ngồi trên một thân cây, tôi năm tuổi: Charles Schweitzer ông ngoại tôi đội mũ panama, mặc com-lê bằng flannel có sọc đen, áo gi-lê bằng vải chần màu trắng, đeo một sợi xích đồng hồ; đôi kính cặp mũi treo ở đầu một sợi dây; ông nghiêng xuống tôi, giơ một ngón tay đeo nhẫn vàng, và nói. Tất cả đều u tối, tất cả đều ẩm ướt, trừ bộ râu chói sáng của ông: ông mang hào quang của ông xung quanh cằm. Tôi không biết ông đang nói gì: tôi quá chú ý nghe để nghe thấy. Tôi đồ rằng cụ già theo chế độ Cộng hòa Đế chế này đang dạy tôi những bài học công dân và kể cho tôi nghe về lịch sử tư sản; có vua, hoàng đế, bọn chúng rất độc ác; chúng ta đã quét sạch chúng, mọi thứ sẽ tốt đẹp. Buổi tối, khi chúng tôi ra đường đợi ông, chúng tôi ngay lập tức nhận ra ông trong đám người du lịch chui ra từ cáp treo, nhờ chiều cao của ông, nhờ dáng đi như thày dạy nhảy của ông. Từ nơi xa nhất, ông nhìn thấy chúng tôi, ông “tạo dáng”, tuân theo những mệnh lệnh của một thợ ảnh vô hình: râu bay trong gió, thân thẳng, hai bàn chân vuông góc, ngực ưỡn ra, hai cánh tay mở rộng. Trước tín hiệu đó, tôi bất động, rồi tôi nghiêng về phía trước, tôi là vận động viên xe đạp bắt đầu cuộc đua, con chim nhỏ được nhấn nút; chúng tôi nhìn vào mặt nhau vài tích tắc, một nhóm người từ vùng Saxe, rồi tôi chồm lên, người chất đầy hoa và quả, hạnh phúc của ông. Tôi va vào đầu gối của ông, giả vờ đứt hơi, ông nhấc tôi khỏi mặt đất, nhấc bổng tôi lên tận mây xanh, ấp tôi vào ngực và thầm thì: “Cục vàng của ông!”. Tôi là nhân vật thứ hai, nổi bật giữa những người qua đường. Chúng tôi đóng một vở kịch đơn giản với nhiều đoạn: ve vãn, hiểu lầm rồi thôi, chọc ghẹo, mắng yêu, hờn dỗi, ra vẻ bí mật âu yếm và say mê: đôi khi tôi hống hách, nhưng những thất thường này không thể dấu được sự nhạy cảm tao nhã của tôi; ông cho thấy sự phù phiếm cao cả và ngây thơ rất hợp với những người ông, ông cho thấy sự mù lòa – những sự yếu đuối tội lỗi mà Hugo từng bắt chúng ta nên có. Nếu người ta cho tôi bánh mì khô, thì ông mang cho tôi mứt hoa quả; nhưng bà ngoại tôi và mẹ tôi, hai người phụ nữ bị khiếp sợ kia, đã hết sức tránh để tôi đừng động đến. Và tôi cũng là một đứa trẻ ngoan: tôi thấy vai của mình hợp đến độ tôi chẳng rời ra được. Trong thực tế, sự về hưu nhanh chóng của ông đã tặng tôi một phức cảm “Oedipe” không đầy đủ: không có ai – trên – lưng, đúng thế, nhưng cũng không cũng chẳng có hung bạo. Mẹ tôi thuộc về tôi, chẳng ai tranh cãi với tôi cái quyền sở hữu trầm lặng đó: tôi không biết thế nào là bạo lực và thù hận, người ta cũng tránh cho tôi sự luyện tập khó khăn của lòng ghen tức; thiếu dịp va chạm vào các góc của nó, đầu tiên tôi chỉ biết sự thật qua tính lỏng lẻo tươi cười của nó. Tôi nối dậy chống ai, chống cái gì bây giờ: không bao giờ sự đồng bóng của một người khác lại tự coi là uy quyền của tôi.
Tôi hiền lành cho phép người ta đi giày ngủ cho tôi, nhỏ thuốc mũi cho tôi, chải tóc cho tôi, tắm rửa cho tôi, mặc quần áo và cởi quần áo cho tôi, chải chuốt, vuốt ve tôi; tôi chẳng biết cái gì hay ho hơn là đóng vai một đứa trẻ ngoan. Tôi không bao giờ khóc, cũng không cười, tôi không gây tiếng động; lên bốn, người ta dạy tôi cho muối vào mứt hoa quả: tôi đồ rằng vì tình yêu khoa học hơn là tinh nghịch; dầu thế nào, đó là tội ác duy nhất mà tôi còn nhớ. Chủ nhật, hai người phụ nữ đó thỉnh thoảng đi lễ mi-sa ở nhà thờ, để nghe nhạc, một nghệ sĩ đàn ống nổi tiếng; cả bà ngoại tôi lẫn mẹ tôi đều không mộ đạo nhưng tín ngưỡng của những người khác đã khiến họ ngây ngất trong âm nhạc; họ tin vào Chúa trời vào lúc mê mải nghe một khúc tôcat.
…