blog của Thuận


Leave a comment

“MEURSAULT – TÁI ĐIỀU TRA” hay là câu trả lời cho “NGƯỜI XA LẠ”

Là em trai của “tên Ả-rập” từng bị “người xa lạ” giết chết trong tiểu thuyết nổi tiếng của Albert Camus, từ bé Haroun đã sống trong bóng tối kỷ niệm về người anh yểu mệnh. 70 năm sau, không chấp nhận để anh trai chìm trong vô danh và bất công, tối tối, trong một quán ba giữa nước Algieria nham nhở vết thương của một quá khứ thuộc địa, Haroun gặm nhấm cô đơn và giận dữ…

MEURSAULT – TÁI ĐIỀU TRA (tiểu thuyết, Kamel  Daoud, Acted Sud, 2014)

—————————
Giờ của tội ác không điểm cùng một lúc với tất cả các dân tộc
Tính liên tục của lịch sử được giải thích như thế đó.

E. M. Cioran
« Tam đoạn luận về sự chua chát ».

Hôm nay, mẹ vẫn sống. Mẹ không nói gì nữa, nhưng nếu muốn, mẹ vẫn có thể kể rất nhiều điều. Trái với tôi, vì cứ nhắc đi nhắc lại mãi câu chuyện này, tôi hầu như chẳng còn nhớ nữa.
Tôi muốn nói rằng đó là một câu chuyện có từ hơn nửa thế kỷ. Nó đã xảy ra và người ta đã nói nhiều về nó. Người ta vẫn còn nói về nó, nhưng chỉ gợi lại một người chết duy nhất – một cách trơ trẽn, cậu thấy không, trong khi có hẳn hai người chết. Vâng, hai người chết. Lý do của sự bỏ sót này ?
Người chết thứ nhất rất biết kể chuyện, đến nỗi mà hắn đã khiến người ta quên phắt tội ác của mình. Còn người chết thứ hai là một kẻ nghèo khổ, mù chữ, mà dường như Chúa Trời đã tạo ra chỉ để nhận một viên đạn và trở về cát bụi, một kẻ vô danh không có cả thời gian để có một tên gọi.
Tôi nói bạn thêm điều này : người chết thứ hai, người bị giết chết ấy, chính là anh trai của tôi. Giờ thì chẳng còn lại gì của anh. Chỉ còn mỗi tôi để nói hộ anh, đang ngồi ở quán bar, đợi mãi mà chẳng được ai chia buồn. Cậu có thể cười nhạo, nhưng sứ mệnh của tôi một chút gì đó như là bán lại sự yên lặng của hậu trường khi phòng chẳng còn ai. Ờ cũng chính vì thế mà tôi đã học nói và viết ngôn ngữ này ; để nói thay người đã khuất, tiếp tục chút nào đó vào lời của anh. Kẻ sát nhân đã trở nên nổi tiếng lừng lẫy và câu chuyện ấy được hắn viết tuyệt đến nỗi tôi không có định bắt chước hắn. Đó là ngôn ngữ của hắn mà. Thế nên tôi sẽ làm như nhiều người khác ở đất nước này sau ngày độc lập: lấy từng viên đá từ những ngôi nhà của thực dân để lại mà xây cho mình một ngôi nhà mới, một ngôn ngữ của chính tôi. Ngôn từ của kẻ sát nhân và những cách biểu thị của hắn trở thành một thứ của cải vô chủ cho tôi. Mà đất nước thì đang chất đầy những ngôn từ chẳng còn thuộc về ai, trước mặt tiền của những cửa hiệu cũ, trong những cuốn sách ố vàng, trên những khuôn mặt, hay bị biến đổi bởi thứ tiếng pha tạp kỳ lạ do chính sự giải phóng khỏi chế độ thực dân tạo ra.
Vậy đấy, kẻ sát nhân đã chết lâu lắm rồi, và cũng lâu lắm rồi anh tôi thôi không tổn tại trong tâm trí ai, ngoài tôi. Tôi biết, cậu đang nôn nóng hỏi cái loại câu hỏi mà tôi rất ghét, nhưng tôi yêu cầu cậu nghe tôi cho kỹ, cuối cùng cậu cũng sẽ hiểu cả thôi. Đó không phải là một câu chuyện bình thường. Đó là một câu chuyện được bắt đầu từ cuối và đi ngược về phía đầu. Vâng, như một đàn cá hồi được vẽ bằng bút chì. Giống tất cả những người khác, hẳn là cậu đã đọc câu chuyện đó như người viết ra nó kể lại. Hắn đã viết tài tình đến độ mà ngôn từ của hắn chẳng khác gì những viên đá được đẽo gọt tỉ mẩn. Hắn, nhân vật chính của cậu đó, là một người rất nghiêm khắc với các sắc thái của ngôn từ, hắn bắt chúng trở thành gần như toán học vậy. Những phép tính vô tận có thành phần chủ yếu là đá và quặng. Cậu đã thấy cách hắn viết chưa ? Như thể hắn sử dụng nghệ thuật làm thơ để nói về một phát súng. Thế giới của hắn thật sạch sẽ, được cắt tỉa bằng ánh sáng sớm mai, chính xác, rõ ràng, được vẽ nên với những mùi thơm và đường chân trời. Bóng đen duy nhất là bóng của mấy « tên Ả rập », những vật thể lờ mờ và thô thiển, cũ kỹ, tựa như những bóng ma có kèm tiếng sáo. Tôi tự nhủ hẳn là hắn cũng chán ngấy vì không biết làm gì trong một đất nước nơi chẳng thích hắn chết cũng chẳng muốn hắn sống. Vụ án mạng mà hắn gây nên có vẻ như một vụ giết kẻ thất tình bằng một mảnh đất mà anh ta không thể sở hữu. Chắc hắn đã đau khổ lắm, thật tội nghiệp. Phải làm đứa con của một nơi đã không sinh ra mình. Tôi cũng đã đọc bản tự thuật của hắn. Giống như cậu và hàng triệu người khác. Ngay từ đầu, chúng ta đã hiểu tất : hắn, hắn mang tên người, còn anh tôi thì mang tên một tai nạn. Hắn có thể gọi anh tôi là « hai giờ chiều » như gã kia từng gọi thằng nô lệ da đen của gã là « Thứ sáu ». Một thời điểm trong ngày thay vì một ngày trong tuần, hay quá còn gì. « Zoudj » trong tiếng Ả rập là số hai, cặp đôi, anh tôi và tôi, như một cặp song sinh. Tóm lại, anh được coi là một tên Ả rập, về mặt kỹ thuật là không bền, đã sống hai giờ và chết một mạch bảy mươi năm, ngay cả sau khi đã đem chôn. Anh như thể trong suốt: ngay cả chết từ tay người khác, anh vẫn không ngừng bị gọi bằng cái tên của một thoáng chốc, hai chiếc kim đồng hồ, mãi mãi như thế, để anh diễn lại cái chết của chính mình do viên đạn bắn ra từ nòng súng của một tên người Pháp chẳng biết làm gì ngày hôm đó, chẳng biết làm gì với phần còn lại của nhân loại mà hắn vác trên lưng.

Chưa hết đâu! Mỗi khi nhẩm lại câu chuyện này, tôi lại cáu điên – ít ra khi nào tôi đủ khỏe để cáu. Chính tên người Pháp đã đóng vai người chết trong vụ này và dông dài về việc hắn bị mất mẹ, rồi bị mất thân thể của hắn dưới ánh mặt trời, rồi bị mất thân thể của ả người tình của hắn, rồi đến nhà thờ để nhận ra rằng Thượng đế của hắn đã từ bỏ thân thể người, rồi ngồi canh xác của mẹ hắn và của hắn, vân vân và vân vân. Trời đất, làm sao có thể giết ai đó và lại cướp đi của người ta ngay cả cái chết ? Chính anh tôi đã nhận viên đạn đó, chứ không phải hắn. Chính Moussa, chứ không phải Meursault, đúng không nào ? Có một việc khiến tôi sững sờ : chẳng một ai, ngay cả sau ngày độc lập, đã đi tìm tên tuổi, địa chỉ, tổ tiên, con cháu nếu có của nạn nhân. Tất cả đều há hốc mồm trước cái ngôn ngữ tuyệt hảo như kim cương đã được mài cạnh, và tất cả đều tuyên bố rất thông cảm với sự cô độc của kẻ sát nhân bằng cách gửi cho hắn những lời chia buồn thông thái nhất. Ngày hôm nay, ai có thể cho tôi hay tên thật của Moussa ? Ai biết con sông nào đã mang Moussa ra tận biển nơi anh phải vượt bộ, đơn độc và không có gậy thần ? Ai biết Moussa có súng lục, triết học hay bị say nắng hay không ?

Moussa là ai ? Anh tôi đó. Tôi muốn kể cho cậu những điều mà Moussa không bao giờ có thể kể. Khi đẩy cửa bước vào quán ba này thì cậu đã mở cửa một nấm mồ, bạn trẻ ạ. Cậu có cuốn sách đó trong cặp chứ ? Được thôi, làm học trò đi và đọc cho tôi những đoạn đầu tiên nào…

Cậu hiểu chứ ? Không à ? Tôi sẽ giải thích cho cậu. Người đàn ông này, kẻ sát nhân đó, ngay khi mẹ hắn chết, hắn không còn quê hương nữa và rơi vào cảnh nhàn rỗi và phi lý. Đó là một Robinson khi tin rằng có thể thay đổi số phận bằng cách giết thằng bạn « thứ Sáu » của mình, nhưng lại phát hiện ra rằng hắn bị lừa ở lại trên đảo hoang và thế là bắt đầu dông dài một cách tài tình như một con vẹt tự mãn. « Poor Meursault, where are you ? » Nhắc lại câu này một chút và tôi thề là cậu sẽ thấy hắn bớt nực cười cho mà xem. Tôi bảo cậu làm thế là vì cậu thôi. Còn tôi, tôi thuộc lòng cuốn sách này, tôi có thể đọc nó từ A đến Z như đọc kinh Coran. Câu chuyện này đã được viết bởi một xác chết chứ không phải bởi một nhà văn. Có thể nhận biết điều này ở cách hắn rất khổ sở khi tiếp xúc với mặt trời, khi lóa mắt trước màu sắc, và chẳng còn có được ý kiến ý cò về bất cứ cái gì ngoài mặt trời, biển và những tảng đá có từ đời nảo đời nào. Ngay từ đầu, chúng ta đã cảm thấy hắn đi tìm anh tôi. Trên thực tế, hắn tìm anh ấy không phải để gặp mà để chẳng bao giờ phải gặp. Mỗi khi nghĩ đến chuyện đó, điều làm tôi đau nhất là hắn đã giết anh ấy bằng cách bước qua người chứ không phải bắn từ trên xuống. Cậu biết không, tội ác của hắn uể oải một cách oai vệ. Nó khiến cho tôi sau này không thể nào chứng minh anh tôi là một “chahid”. Tuẫn đạo đã đến quá muộn. Trong suốt thời gian đó, anh tôi đã tan thây nát thịt dưới lòng đất và cuốn sách của hắn đã thành công rực rỡ như ta thấy đó. Tiếp theo, tất cả mọi người cùng gãy lưỡi chứng minh rằng không có vụ giết người nào cả, chỉ có sự say nắng mà thôi.

Haha, cậu uống gì nào? Ở đây, rượu ngon nhất là loại người ta tặng sau khi đã chết, chứ không phải trước đâu. Do tôn giáo, anh bạn ạ. Uống nhanh lên, vài năm nữa, quán ba duy nhất còn mở sẽ là quán ba trên thiên đường, sau ngày tận thế.

Tôi sẽ tóm tắt câu chuyện trước khi kể: một người biết viết đã giết một kẻ mà hôm đó còn chưa có cả tên (như thể anh ấy đã để nó móc vào một cái đinh khi gặp nạn) – giết xong rồi hắn giải thích rằng đó là lỗi của một Chúa trời không hề hiện diện trên đời, rằng đó là do những gì mà hắn vừa hiểu ra dưới ánh mặt trời, rằng vì muối biển đã bắt hắn phải nhắm mắt lại. Đùng một cái, giết người trở thành một hành động không thể bị trừng phạt và nó không phải là một tội ác vì không có luật pháp giữa trưa và hai giờ chiều, giữa hắn và Zoudj, giữa Meursault và Moussa. Sau đó, bảy mươi năm liền, tất cả mọi người cùng bu vào để nhanh chóng giấu đi thi thể của nạn nhân và biến địa điểm gây tội thành một bảo tang phi vật chất. Meursault có nghĩa là gì? Meurt seul (chết một mình)? Meurt sot (chết ngu xuẩn) ? Ne meurt jamais (không bao giờ chết) ? Anh tôi không có quyền được một từ nào trong câu chuyện này cả. daoudỞ đây, cậu cũng như những người trước cậu, cậu đã hiểu sai rồi. Sự phi lý, chính anh tôi và tôi đã vác nó trên vai hay trong bụng của đất đai chúng tôi, chứ không phải hắn. Hãy hiểu tôi cho đúng, tôi không bày tỏ nỗi buồn hay sự giận dữ. Thậm chí tôi cũng chẳng giở trò tang tóc, chỉ có điều, chỉ có điều gì nhỉ… Tôi cũng không biết nữa. Tôi tin là tôi muốn công lý phải được thực hiện. Ở tuổi tôi, điều này có vẻ là lố bịch… Nhưng tôi thề là như vậy. Ý tôi muốn nói : đó không phải công lý của tòa án mà là công lý của «cân bằng». Thêm vào đó, tôi còn một lý do nữa : tôi muốn chết mà không bị một bóng ma truy đuổi. Tôi tin là tôi đã đoán ra tại sao người ta viết những cuốn sách đích thực. Không phải để trở nên nổi tiếng mà để trở nên vô hình hơn nữa, nhưng vẫn đòi được ăn nhân lõi thật của quả đất.

Uống đi và nhìn qua cửa sổ, cậu sẽ thấy đất nước này như một bể cá. Ờ, mà cũng tại cậu cơ, anh bạn trẻ ạ, chính sự tò mò của cậu đã khiêu khích tôi. Tôi đã đợi cậu lâu lắm rồi, và nếu tôi không viết được cuốn sách của mình thì tôi cũng có thể kể nó cho cậu nghe, đúng không ? Một người uống bao giờ cũng mơ có một người nghe. Đó là minh triết trong ngày, hãy ghi vào sổ tay của cậu đi.

Đơn giản thôi, câu chuyện kia phải được viết lại, vẫn cùng một ngôn ngữ, nhưng từ phải sang trái. Nghĩa là bắt đầu bởi thân thể đó lúc còn sống, bởi những con hẻm đã dẫn nó đến cái chết, bởi cái tên Ả-rập, cho tới cuộc gặp gỡ của nó với viên đạn. Thế nên, tôi đã học ngôn ngữ này, một phần để thay anh tôi kể lại câu chuyện, anh tôi người bạn của mặt trời. Cậu thấy chuyện này có vẻ như không có thật ? Cậu nhầm rồi. Tôi đã phải tìm câu trả lời ấy, câu trả lời mà không ai muốn cho tôi biết đúng lúc cần biết. Một cái lưỡi được uống và tự nói, rồi một ngày nó sẽ sở hữu ta; và nó sẽ có thói quen thay ta nắm mọi thứ, nó chiếm lấy miệng như cặp tình nhân trong nụ hôn ngấu nghiến. Tôi quen một người đã học viết tiếng Pháp chỉ vì người cha mù chữ của anh ta một hôm nhận được một bức điện mà chẳng ai có thể hiểu được nội dung – đó là vào thời đại của nhân vật chính và bọn thực dân. Bức điện chết thối trong túi áo anh ta cho tới khi có người đọc nó. Trong đó, thông báo vỏn vẹn ba dòng rằng mẹ anh ta đã qua đời trong vùng quê xa xôi không một bóng cây. « Tôi đã học viết vì cha tôi và để việc này sẽ không bao giờ xảy ra lần nữa. Tôi không bao giờ quên được cơn giận bản thân của cha và ánh mắt ông nhìn tôi cầu cứu », anh ta nói với tôi. Thực ra, tôi cũng có lý do y hệt anh ta. Thôi, hãy tiếp tục đọc đi mặc dù trong đầu tôi đã có cả rồi. Tối nào cũng thế, anh tôi Moussa, tức Zoudj, cũng hiện lên từ thế giới bên kia, giật râu tôi và kêu : «Ôi, em Haroun, sao em lại để người ta làm vậy ? Anh đâu phải con bò cái tơ, trời ơi, anh là anh ruột của em cơ mà». Cậu đọc tiếp đi nào !

Cần nói ngay từ đầu : chúng tôi chỉ có hai anh em, không người tình như nhân vật chính viết trong sách nhé, Moussa là cả, đầu anh ấy chạm mây. Đúng vậy, anh ấy rất cao, nhưng gầy, gồ ghề vì đói và vì sức lực mà giận dữ mang đến. Anh có gương mặt góc cạnh, đôi bàn tay rộng che chở cho tôi và đôi mắt nghiêm khắc do đất đai của tổ tiên bị mất. Nhưng khi nghĩ tới điều này, tôi tin rằng anh đã yêu chúng tôi như cách của người chết yêu người thân của mình, nghĩa là với ánh mắt đến từ thế giới bên kia và không lời lẽ thừa mứa. Tôi chỉ nhớ ít hình ảnh về anh nhưng tôi sẽ cố tả tỉ mỉ cho cậu. Hôm đó anh từ chợ hay cảng về sớm ; anh làm phu khuân vác và bất kỳ việc gì ở những nơi đó : bê, kéo, nhấc, đổ mồ hôi. Hôm đó, anh gặp tôi đang chơi một chiếc lốp xe ô tô cũ, thế là anh đặt tôi lên vai, rồi bảo hãy giữ lấy hai tai anh như thể đầu anh là tay lái ô-tô. Tôi còn nhớ niềm vui lên tận mây xanh của tôi khi tay anh đẩy bánh xe còn miệng anh thì làm tiếng gừ gừ của mô-tơ. Tôi nhớ cả mùi cơ thể anh. Một thứ mùi dai dẳng trộn lẫn mồ hôi và rau thối, cơ bắp và hơi thở. Một hình ảnh nữa, vào ngày cuối cùng của lễ Ramadan. Tối hôm trước, tôi rất hư và bị anh đánh đòn nên bây giờ cả hai chúng tôi đều ngại ngùng. Đó là ngày lễ tha thứ, anh coi như phải ôm hôn tôi nhưng tôi không muốn anh mất sĩ diện hay phải hạ mình xin lỗi tôi, ngay cả khi nhân danh Thượng đế tối cao. Tôi cũng nhớ biệt tài của anh khi bất động trên ngưỡng cửa nhà chúng tôi, nhìn về bức tường nhà hàng xóm, miệng hút thuốc, tay cầm tách cà phê đen mà mẹ tôi pha cho.

Cha chúng tôi đã mất tích trước đó rất lâu, nát vụn trong tiếng xì xào rằng người ta từng gặp ông ở Pháp, và mỗi anh Moussa có thể nghe thấy tiếng ông, anh kể cho chúng tôi những gì anh ấy đã nói với ông trong các giấc mơ của mình. Anh chỉ gặp lại ông có đúng một lần, nhưng xa đến nỗi mà anh ngờ là không phải. Ngay từ bé tôi đã có khả năng đoán được những ngày thiên hạ xì xào và những ngày không. Hôm nào Moussa nghe thấy người ta nói về cha chúng tôi là anh trở về chân tay bồn chồn, mắt bừng bừng như có lửa, thì thào nói chuyện với mẹ chúng tôi và cuối cùng bao giờ cũng kết thúc bởi những trận cãi nhau kinh hoàng…

Advertisement