1
Hàng chục năm trôi qua từ khi người ta không còn gọi tôi là « bé Ngọc », và lúc này tôi đang ở bến tàu điện ngầm Châtelet giờ cao điểm. Tôi đứng trong đám đông đi vào một hành lang hun hút, trên băng tải bộ. Một người đàn bà mặc măng-tô vàng. Màu của chiếc áo khiến tôi chú ý và tôi nhìn thấy bà từ phía lưng, trên băng tải bộ. Sau đó, bà bước dọc theo hành lang nơi có đề hàng chữ « Hướng Château-de-Vincennes ». Giờ thì chúng tôi cùng bất động, ép sát nhau, ở lưng chừng cầu thang đợi tàu đến. Bà đứng ngay cạnh tôi. Thế nên tôi thấy mặt bà. Mặt bà giống mặt mẹ tôi đến độ tôi nghĩ rằng đó chính là mẹ tôi.
Ký ức tôi hiện về một tấm ảnh, một trong vài tấm ảnh của mẹ tôi mà tôi còn giữ lại. Khuôn mặt bà sáng trưng như thể được một máy chiếu rọi vào giữa đêm. Tôi luôn cảm thấy ít nhiều khó chịu khi đối diện tấm ảnh này. Trong các cơn mơ của tôi, lần nào cũng vậy, đó là một tấm ảnh mang tính nhân trắc học mà ai đó chìa cho tôi – một thanh tra cảnh sát hoặc một nhân viên nhà xác – để giúp tôi nhận diện con người này. Nhưng tôi luôn câm lặng. Tôi có biết gì về mẹ tôi đâu.
Bà ngồi xuống một chiếc ghế băng của bến tàu điện ngầm, giữ một khoảng cách với những người đang chen chúc bờ kè đợi tàu tới. Cạnh bà không còn chỗ trống nên tôi đành đứng, hơi lùi lại, lưng dựa vào máy bán đồ tự động. Hẳn là ngày xưa, áo khoác của bà từng có kiểu dáng thanh nhã và sắc vàng tươi sáng mang lại cho nó một nét độc đáo. Nhưng giờ đây, màu vàng đã phai và gần biến thành xám. Bà dường như chẳng để ý đến những gì đang xảy ra xung quanh và tôi tự hỏi chẳng lẽ bà ngồi đây cho đến lúc hết tàu. Cũng nét mặt nghiêng nghiêng của mẹ tôi, sống mũi rất đặc biệt và hơi hếch. Cũng cặp mắt xanh nhạt. Trán cao. Không, bà không thay đổi mấy. Tóc không còn vàng như trước, nhưng nói cho cùng tôi cũng không rõ mẹ tôi tóc có vàng thật hay không. Miệng bà mím lại tạo thành một nếp nhăn ở mép. Tôi tin chắc đó là mẹ tôi.
Bà để một chuyến tàu chạy qua. Bến tạm vắng trong vòng vài phút. Tôi ngồi xuống ghế băng, bên cạnh bà. Rồi hành khách lại đổ đến. Giá mà tôi có thể bắt chuyện với bà. Nhưng tôi không biết nói gì và xung quanh chúng tôi toàn người là người.Tưởng như đã sắp ngủ gật trên ghế thì bà bỗng đứng dậy khi mới chỉ có tiếng tàu rung nhẹ từ xa. Tôi lập tức bước theo bà lên toa. Chúng tôi bị một nhóm người đang nói chuyện rất to chen vào giữa. Cửa toa đóng lại và chỉ lúc đó tôi mới nhận thấy rằng lẽ ra tôi phải lên chuyến tàu theo hướng khác. Ở bến sau, tôi bị đẩy xuống cùng đám đông ùn ùn bước ra, xong tôi quay trở lại ngay và tiến về chỗ bà ngồi.
Dưới ánh sáng điện trần trụi, trông bà có vẻ già hơn lúc nãy. Một vết sẹo dài cắt ngang thái dương trái và một bên má. Bà bao nhiêu tuổi nhỉ ? Khoảng năm mươi ? Thế còn trên những tấm ảnh mà tôi đang giữ ở nhà ? Hai mươi lăm ? Vẫn ánh mắt như cách đây hai mươi lăm năm, trong trẻo, hơi chút ngạc nhiên hay sợ sệt, rồi đột ngột trở nên chai cứng. Tình cờ, ánh mắt đó chạm vào tôi, nhưng bà không nhìn thấy tôi. Bà lôi từ túi áo măng tô một hộp phấn và mở nắp, ghé gương sát vào mặt, lấy ngón út của bàn tay trái phủi lên mí như thể muốn đẩy một hạt bụi khỏi mắt. Tàu tăng tốc, giật lên một cái, tôi phải bám lấy cột sắt trong toa nhưng bà không hề bị mất thăng bằng, vẫn bình thản soi gương. Đến bến Bastille, hành khách cố mọi cách để leo lên và cửa tàu mãi mới đóng lại được. Bà đã kịp cất hộp phấn trước khi người ta ào vào toa. Bà sẽ xuống bến nào ? Tôi tiếp tục đi theo ? Có cần như vậy không ? Kể ra cũng nên quen với việc giờ đây bà sống ngay trong một thành phố với tôi. Ngày trước, người ta nói với tôi rằng bà đã chết, lâu lắm rồi, ở tận Ma-rốc và tôi chưa bao giờ có ý định tìm hiểu thêm. « Mẹ cháu đã chết ở Ma-rốc » giống như tất cả những câu nói mà ta nghe được lúc bé và chẳng hiểu hết ý nghĩa. Chỉ âm thanh của chúng là còn đọng lại trong ký ức như vài câu hát đồng dao vẫn khiến tôi hoảng sợ. «Một con tàu be bé ở ngoài khơi… », « Mẹ cháu đã chết ở Ma-rốc.»
Trên giấy khai sinh của tôi có ghi ngày sinh của bà : 1917, còn trên những tấm ảnh mà tôi đang giữ, tôi đoán bà khoảng hai mươi lăm. Nhưng lúc ấy, có lẽ bà đã khai gian và sửa giấy tờ để cho trẻ hơn. Giờ đây bà ngồi trước mặt tôi, lấy tay dựng cổ măng-tô lên như thể bị lạnh trong một toa tàu nơi mà người ta đang chen chúc xô đẩy. Tôi nhận thấy diềm cổ áo của bà đã sờn hết. Bà mặc chiếc áo này từ khi nào ? Từ khi chụp những bức ảnh kia ? Thế nên màu vàng mới bạc phếch. Tàu sắp đến bến cuối và ở đó có xe buýt đưa khách đến một ngoại ô xa. Tôi định lúc ấy sẽ bắt chuyện với bà.
Sau khi tàu rời bến Gare-de-Lyon, trong toa bắt đầu vắng người. Một lần nữa, ánh mắt bà chạm vào tôi nhưng đó là cái nhìn vô cảm giữa các hành khách với nhau. « Mẹ có nhớ ngày trước người ta gọi con là bé Ngọc ? Mẹ cũng thế, khi ấy mẹ lấy họ giả. Và cả một cái tên giả là Sonia.»
Chúng tôi ngồi đối diện nhau trên hai ghế băng ngay sát cửa toa. « Con đã thử tìm mẹ trong danh bạ điện thoại, thậm chí con còn gọi cho bốn hay năm người có cùng tên thật như của mẹ, nhưng tất cả bọn họ đều chẳng biết mẹ là ai. Con tự nhủ một hôm nào đó con sẽ sang Ma-rốc. Đó là cách duy nhất để kiểm tra xem có đúng là mẹ đã chết hay không. »
Sau bến Nation thì tàu vắng tanh, nhưng bà vẫn ngồi nguyên như thế trước mặt tôi, tay đặt lên nhau, ống tay áo hớt lên để lộ cổ tay. Hai bàn tay trơ trụi, không một chiếc nhẫn hay vòng, hai bàn tay nứt nẻ. Trên những tấm ảnh mà tôi còn giữ, tay bà đeo nhẫn và vòng – những nữ trang to đùng như người ta vẫn đeo thời đó. Nhưng hôm nay, tay bà chẳng còn gì nữa. Bà nhắm mắt lại. Ba bến nữa sẽ đến bến cuối. Tàu sẽ dừng ở Château-de-Vincennes và lúc ấy có lẽ tôi sẽ nhẹ nhàng đứng lên, nhẹ nhàng ra khỏi toa, cho bà ngủ quên trên ghế. Tôi sẽ lên chuyến tàu ngược lại, theo hướng Pont-de-Neuilly, tôi sẽ làm như thể đã không hề nhìn thấy chiếc áo măng-tô vàng này trong hành lang bến Châtelet.
Tàu từ từ vào bến Bérault. Bà mở mắt và cái nhìn ngay lập tức lại trở nên chai cứng. Bà liếc xuống bờ kè rồi đứng dậy. Một lần nữa tôi đi theo bà dọc theo hành lang, nhưng lần này chỉ có hai chúng tôi với nhau. Tôi chợt phát hiện bà mang giày bệt bằng vải, loại mà người ta gọi là « panchos », và nhờ thế mà làm nổi bật dáng đi uyển chuyển như vũ nữ của bà.
Một đại lộ rộng, hai bên là những tòa nhà cao tầng, nằm ở bìa ngoại ô Vincennes và Saint-Mandé. Trời đã tối. Bà đi sang đường và bước vào một ca-bin điện thoại. Tôi đợi mấy đợt đèn đỏ rồi cũng sang theo. Trong ca-bin, bà tìm mãi mới thấy tiền xu hay cũng có thể là thẻ gọi. Tôi giả vờ chúi đầu vào một cửa kính sát ca-bin, một hiệu thuốc mà ngay trước cửa có treo tấm áp phích hồi bé tôi rất sợ : một con quỷ thổi ra lửa. Sau lưng tôi, trong ca-bin, bà đang quay một số điện thoại, chầm chậm như thể đó là lần đầu tiên. Rồi bằng cả hai tay, bà đưa ống nghe sát vào tai. Nhưng đầu kia không có ai trả lời. Bà đặt ống nghe xuống, lấy từ túi áo măng-tô một mẩu giấy, sau đó lại tiếp tục quay số, mắt không rời mảnh giấy. Bất chợt, tôi tự hỏi không biết bà có chỗ nào mà trú ngụ hay không.
Lần này, ai đó đã trả lời bà. Sau kính ca-bin, môi bà mấp máy. Bà vẫn giữ ống nghe bằng cả hai tay, và, thỉnh thoảng, gật gật đầu như dồn chú ý vào cuộc gọi. Theo sự chuyển động của môi bà, tôi đoán bà nói mỗi lúc một to, nhưng cuối cùng cũng phải dịu giọng. Bà gọi điện cho ai được nhỉ? Giữa những đồ vật mà bà để lại trong chiếc hộp bánh qui bằng sắt, tôi từng nhìn thấy một cuốn lịch và một sổ tay ghi địa chỉ, cả hai đều cùng thời với những tấm ảnh, thời mà người ta gọi tôi là « bé Ngọc ». Lớn lên một chút, tôi chưa bao giờ có đủ tò mò để mở cuốn lịch và sổ tay của bà ra xem, nhưng thời gian gần đây, buổi tối, tôi lật từng trang nhỏ trong đó. Những tên người. Số điện thoại. Tôi biết rằng có bấm cũng vô ích thôi. Nhưng tôi có buồn bấm đâu.
Trong ca-bin, bà tiếp tục nói. Bà có vẻ bị cuốn vào cuộc trò chuyện đến nỗi tôi có thể lại gần mà không bị phát hiện. Thậm chí tôi có thể giả vờ xếp hàng và qua lớp kính, chộp lấy vài từ để biết xem sự tình của bà đến đâu. Nhưng tôi chẳng nghe thấy gì. Có khả năng bà đang gọi cho một ai đó có tên trong cuốn sổ tay, người duy nhất bà vẫn còn gặp, hoặc chưa qua đời. Thường thường, thế nào cũng có ai đó hiện diện trong suốt đời bạn và không bao giờ bị bạn làm cho nản lòng. Người đó từng biết bạn vào những thời điểm huy hoàng, và sau đó, sẽ theo bạn vào cơn khốn quẫn, vẫn với ngần ấy ngưỡng mộ, là kẻ duy nhất còn tín nhiệm bạn và dành cho bạn cái gọi là lòng tin tuyệt đối. Dù bạn có đi ăn mày. Hay là một con chó trung thành của chủ, một nạn nhân đau khổ nhất trần gian. Tôi cố hình dung dáng vẻ của người ở đầu dây bên kia.
Bà bước ra, ném về phía tôi ánh mắt thờ ơ, vẫn như cách bà nhìn tôi trong tàu điện ngầm lúc nãy. Tôi mở cửa ca-bin. Không nhét thẻ, tôi quay một số điện thoại linh tinh bất kỳ, trong lúc đợi bà đi xa một chút. Tôi để ống nghe sát vào tai, thậm chí chẳng có cả tiếng tút tút. Im lặng. Tôi không thể quyết định cúp máy.
Bà bước vào quán cà phê bên cạnh hiệu thuốc. Tôi do dự một chút, rồi tôi tự nhủ bà sẽ chẳng phát hiện ra tôi. Chúng tôi là gì của nhau ? Một người đàn bà không rõ tuổi tác và một cô gái trẻ cùng bị lạc giữa đám đông dưới tàu điện ngầm. Chẳng ai có thể nhận ra chúng tôi trong đám đông đó. Và khi bước lên mặt đường, chúng tôi lại giống hàng nghìn người tan tầm đang trên đường về lại ngoại ô tối nay.
Bà tiến lại một bàn cuối phòng. Gã tóc vàng má phính đứng ở quầy mang cho bà một ly khai vị. Nên kiểm tra xem có phải tối nào, vào giờ này bà cũng ghé đây. Tôi tự hứa hãy cố nhớ lấy tên quán. Calciat, 96, đại lộ Paris, được vẽ ngay trên cửa ra vào, theo hình vòng cung và chữ màu trắng. Trong tàu điện ngầm về nhà, tôi đã nhẩm đi nhẩm lại cái tên đó và cả địa chỉ để có thể chép vào giấy ngay khi có thể. Người ta đâu có chết ở ma-rốc mà tiếp tục sống, một cách lén lút. Tối nào người ta cũng ghé Calciat làm một ly khai vị và khách khứa trong quán đều quen với sự hiện diện của người phụ nữ mặc măng-tô vàng. Chẳng ai vặn vẹo người ta câu nào.
Tôi tới một bàn không xa và cũng cao giọng gọi một ly khai vị, để bà nghe và tìm thấy trong đó một sự đồng cảm. Nhưng bà không mảy may động lòng. Đầu hơi cúi, ánh mắt vừa chai cứng vừa u sầu, hai tay bắt chéo tựa vào bàn, cùng một tư thế với người trong tranh. Bức tranh đó giờ ở đâu nhỉ ? Nó từng theo tôi suốt thời thơ ấu, ngự trong phòng tôi ở Fossombronne-la-Forêt. Người ta bảo : «Chân dung mẹ cháu đó.» Nó được vẽ ở Paris bởi một tay Tola Soungouroff nào đó. Tên tác giả và thành phố có ghi ở cuối tranh, phía trái. Hai tay bắt chéo, như lúc này, chỉ khác là ở cổ tay đeo một chiếc vòng rất to hình mắt xích. Đột nhiên, tôi tìm ra cớ để bắt chuyện với bà : « Bà giống người phụ nữ trên một bức chân dung mà tôi trông thấy tuần trước ở chợ trời, cửa ô Clignancourt. Tên người vẽ là Tola Soungouroff. » Nhưng tôi không đủ hào hứng để đứng lên, và ghé đầu về phía bà. Cứ cho là tôi sẽ nói trôi chảy : « Ông họa sĩ có tên Tola Soungouroff, còn bà là Sonia, nhưng đó là tên giả ; tên thật của bà, như người ta đọc thấy trên giấy khai sinh của tôi, là Suzanne. » Vâng, nói vội câu này xong, tôi được thêm cái gì ? Biết đâu bà sẽ giả vờ không hiểu, hoặc cũng có thể ngôn từ sẽ xô đẩy trong miệng khiến bà chẳng thốt nên lời vì đã từ lâu rồi bà có nói với ai đâu. Bà sẽ phủ nhận, sẽ xóa vết, y như thời đó bà từng khai gian tuổi, lấy tên giả. Và họ giả. Tước hiệu quý tộc giả. Bà khiến thiên hạ tin là bà thuộc về một gia đình danh giá Ái Nhĩ Lan. Tôi đồ rằng bà nảy ra ý này vì đã từng gặp một gã người Ái Nhĩ Lan trên đường đời. Một gã Ái Nhĩ Lan. Có thể đó là cha đẻ của tôi – một kẻ rất khó tìm lại, và bà đã phải quên đi. Bà hẳn cũng quên luôn mọi thứ liên quan đến hắn và sẽ rất ngạc nhiên khi tôi nhắc lại. Chuyện về ai chứ đâu phải bà. Ngần ấy năm, những lời nói dối cũng biến thành mây khói. Nhưng thời đó, tôi chắc là bà đã tin chúng như đinh đóng cột.
Gã tóc vàng má phính mang thêm cho bà một ly khai vị nữa. Giờ đây trước quầy rất đông người. Tất cả các bàn đều có khách ngồi. Giữa những âm thanh ầm ĩ này, có lẽ chúng tôi sẽ chẳng nghe được tiếng nói của nhau. Tôi có cảm giác vẫn đang ở trong tàu điện ngầm như lúc nãy. Hay chính xác hơn, trong phòng đợi của một nhà ga mà không biết phải lên chuyến nào. Nhưng với bà thì xong vấn đề tàu xe rồi. Bà chưa muốn về nhà thôi. Nhà bà có lẽ không xa đây. Tôi chỉ tò mò muốn biết bà ở đâu, chứ không thiết tha chuyện trò với bà. Tôi chẳng thấy có chút tình cảm đặc biệt nào dành cho người phụ nữ này. Hoàn cảnh đã khiến giữa chúng tôi không từng có cái gọi là tình mẫu tử thiêng liêng. Giờ đây, điều duy nhất tôi muốn biết là cuối cùng bà đã trôi dạt vào đâu, sau mười hai năm tưởng đã chết ở Ma-rốc.
2
Đó là một con phố nhỏ, trong vùng lân cận của lâu đài hoặc pháo đài. Tôi không rõ hai cái này khác nhau thế nào. Hai bên đường là những ngôi nhà thâm thấp, ga-ra để xe và cả chuồng ngựa. Mà phố cũng có tên là «Tàu ngựa» hẳn hoi. Trên vỉa hè bên phải, ở khoảng giữa, nổi lên một khối nhà cao tầng bằng gạch sẫm. Khi chúng tôi rẽ vào phố thì trời đã muộn. Tôi vẫn đi sau bà vài mét, nhưng dần dần tôi thu hẹp khoảng cách. Tôi chắc chắn một điều là ngay cả khi chúng tôi có bước song song thì bà cũng chẳng nhận ra. Mấy hôm sau, tôi đã quay lại con phố này vào ban ngày. Vượt qua khối nhà cao tầng sẽ bước vào một khoảng trống. Trời quang hơn. Nhưng nếu đi tới cuối đường, sẽ nhận thấy phố dẫn ra một dải đất như kiểu bị bỏ hoang nằm dọc theo một khu rất rộng. Một tấm biển ghi hàng chữ «thao trường». Bên kia là rừng Vincennes. Buổi tối, con phố này giống tất cả các phố ngoại ô : Asnières, Issy-les-Moulineaux, Levallois… Bà bước chậm, vẫn dáng đi của một cựu vũ nữ. Hẳn là không dễ khi mang giày bệt panchos.
Khối gạch sẫm khổng lồ át hết những ngôi nhà xung quanh. Một câu hỏi đặt ra là tại sao nó được xây trong con phố nhỏ như thế này. Ở tầng trệt, một tiệm bán thực phẩm sắp đến giờ đóng cửa. Đèn nê-ông đã tắt, chỉ còn mỗi ánh sáng ở quầy thu ngân. Tôi thấy bà qua cửa kính. Bà đang lấy từ kệ hàng nằm tít đằng xa một món đồ hộp, rồi một hộp nữa. Và một gói màu đen. Cà phê ? Hay cà phê decaf ? Bà giữ mấy thứ đó trước ngực, nhưng ra đến quầy, sắp trả tiền thì bị trượt chân. Đồ rơi hết xuống đất. Nhân viên thu ngân cúi xuống nhặt. Anh ta mỉm cười với bà. Môi của cả hai đều mấp máy, và tôi tò mò muốn biết anh ta gọi bà bằng tên gì. Tên thật như ghi trên giấy khai sinh ? Bà ra khỏi cửa hàng, vẫn ôm những món đồ bằng cả hai tay, hơi giống cách người ta bế một đứa trẻ sơ sinh. Suýt nữa thì tôi chạy lại đề nghị được giúp bà, nhưng bỗng dưng tôi có cảm giác phố «Tàu ngựa» quá xa Paris, nằm tận một tỉnh lẻ heo hút hay một thị trấn đồn trú nào đó. Vài phút nữa tất cả sẽ đóng cửa, đường phố sẽ vắng tanh và tôi sẽ nhỡ mất chuyến tàu điện ngầm cuối cùng.
Bà vượt qua hàng rào sắt. Lúc nãy vừa thoáng thấy khối nhà cao tầng, tôi đã linh cảm rằng bà sống trong đó. Bà đi tới một cái sân có nhiều tòa nhà giống nhau, bước chân ngày càng chậm, như thể sợ làm rơi mấy món đồ vừa mua. Quan sát bà từ sau lưng, người ta hẳn sẽ nghĩ bà đang vác cái gì nặng lắm và có nguy cơ gục xuống bất kỳ lúc nào.
Bà đi vào một trong những tòa nhà đó, ở trong cùng, phía tay trái. Mỗi tòa nhà có một lối đi riêng với bảng chỉ dẫn : Cầu thang A. Cầu thang B. Cầu thang C. Cầu thang D. Căn hộ của bà nằm ở cầu thang A. Tôi dừng lại một lúc trước mặt tiền và đợi xem có cửa sổ nào sắp sáng đèn. Nhưng chẳng được kết quả gì. Tôi tự hỏi bên trong có thang máy hay không. Tôi hình dung bà leo lên cầu thang A, hai tay ôm mấy món đồ hộp. Tôi không sao gột được ý nghĩ này khỏi đầu ngay cả khi đã ngồi trong tàu điện ngầm về nhà.
3
Hành trình được lặp lại vào những tối tiếp theo. Tôi ngồi xuống ghế băng ở bến Châtelet đúng vào cái giờ mà tôi gặp bà lần đầu. Tôi rình đợi chiếc măng tô vàng. Tàu đến, cửa mở, hành khách ào ra. Chuyến sau vẫn tiếp tục chen chúc. Bến chỉ vợi được vài phút rồi lại đông nghịt, và sự chú ý bắt đầu chểnh mảng. Đờ đẫn trước người đi kẻ đến nườm nượp, chẳng còn nhìn thấy cái gì cụ thể, nào có ai mặc măng-tô vàng. Rồi bị đẩy lên tàu bởi một cơn hồng thủy. Bây giờ tôi vẫn nhớ bến nào cũng treo đúng một áp-phích : hai vợ chồng với ba đứa trẻ tóc vàng, cả nhà ngồi ở bàn ăn, buổi tối, trong một căn nhà gỗ trên núi. Những khuôn mặt được chiếu sáng bởi ánh đèn. Ngoài trời tuyết đang rơi. Hẳn là Giáng Sinh. Phía trên của áp-phích có ghi hàng chữ : PUPIER, CHOCOLAT của MỌI GIA ĐÌNH.
Tuần đầu tiên sau đó, tôi lại tới Vincennes. Tuần tiếp theo, hai lần. Rồi hai lần nữa. Trong quán cà phê, tầm bảy giờ bao giờ cũng lắm người nên chẳng ai để ý đến tôi. Lần thứ hai, tôi đánh liều hỏi gã tóc vàng má phính đang phục vụ đồ uống rằng người phụ nữ mặc măng-tô vàng hôm nay có ghé hay không. Gã nhíu mày có vẻ không hiểu. Rồi bàn bên cạnh gọi gã. Tôi nghĩ gã đã không nghe thấy câu hỏi của tôi. Mà nếu nghe thấy thì cũng chẳng có thời gian trả lời. Đây cũng là giờ cao điểm với gã. Có thể, bà không phải là khách quen. Bà không phải là dân cư khu này. Cái người mà bà gọi điện từ ca-bin hôm trước sống trong tòa nhà gạch sẫm và bà chỉ đến thăm. Bà mang tặng mấy món đồ hộp. Sau đó, cũng như tôi, bà đã quay lại tàu điện ngầm để về nhà, một địa chỉ mà tôi sẽ chẳng bao giờ biết. Điểm mốc duy nhất là cầu thang A. Nhưng chẳng lẽ gõ tất cả các căn hộ của từng tầng và hỏi những ai có nhã ý mở cửa rằng ông hay bà có biết một phụ nữ ngũ tuần mặc măng-tô vàng, mặt có sẹo ngang. Đúng đấy, bà ấy tới đây tối tuần trước, sau khi đã mua trong cửa hàng ngoài phố mấy món đồ hộp và một gói cà phê. Họ còn có thể trả lời tôi gì hơn nữa ? Tôi ngồi mơ.
Thế mà cuối cùng bà cũng tái hiện vào tuần thứ năm. Vừa chui từ tàu điện ngầm ra, tôi thấy bà đứng trong ca-bin điện thoại. Bà vẫn mặc chiếc măng tô vàng đó. Tôi tự hỏi bà cũng vừa ra khỏi tàu điện ngầm hay không. Vậy thì trong cuộc sống của bà hẳn là có những di chuyển và thời gian biểu đều đặn… Tôi khó hình dung bà làm một công việc thường nhật, giống như tất cả những ai ngồi tàu điện ngầm vào giờ đó. Bến Châtelet. Chưa thể nói thêm điều gì. Mỗi ngày, vào sáu giờ chiều, hàng chục nghìn người dạt vào cái bến trung tâm này để tỏa ra tứ phía lấy tàu đi tiếp. Dấu vết của họ lẫn vào nhau và rối tinh rối mù. Trong đám đông đó, luôn tồn tại những điểm cố định. Lẽ ra tôi không nên khoanh tay ngồi rình trên ghế băng của bến tàu. Phải đến đợi thật lâu trước các quầy vé và quầy báo, trong cái hành lang dài có băng tải bộ đó, và cả những hành lang khác. Những chỗ này, nhiều kẻ đứng cả ngày nhưng người ta chỉ để ý đến họ sau một thời gian đã quen. Ăn mày. Nhạc sĩ rong. Móc túi. Những kẻ lang thang không bao giờ ngoi lên mặt đất. Biết đâu đấy, có thể ban ngày bà cũng ở lì dưới bến Châtelet.
Tôi quan sát bà trong ca-bin điện thoại. Giống như lần đầu tiên, bà có vẻ không nối máy được ngay. Bà quay lại số rồi bắt đầu nói, nhưng không lâu lắm. Đặt ống nghe xuống, bà ra khỏi ca-bin, không ghé quán cà phê mà bước dọc theo đại lộ Paris, vẫn với dáng đi của một cựu vũ nữ. Tôi tiếp tục theo sau bà. Chúng tôi đi bộ qua bến Château-de-Vincennes. Tại sao lúc nãy bà không lên bến này cho gần nhỉ ? Bà lên bến trước để ghé cabin điện thoại và vào quán cà phê làm một ly khai vị trước khi về nhà ? Thế còn những buổi tối không thấy bà đâu ? Chắc là bà lên bến này rồi. Nên bắt chuyện nếu không bà sẽ phát hiện có người đang theo dõi. Tìm một câu gì đấy, ngắn gọn thôi. Có lẽ chỉ cần chìa tay về phía bà và nói thế này : « Mẹ đã gọi con là bé Ngọc. Hẳn là mẹ vẫn nhớ… »
Chúng tôi đến gần tòa nhà gạch sẫm, và giống như hôm trước, tôi không cảm thấy hào hứng nói chuyện với bà. Ngược lại, tôi để cho bà đi trước một đoạn, chân tôi nặng như đeo chì và bà càng bước xa hơn thì tôi càng thấy nhẹ người. Tối đó bà không ghé tiệm bán thực phẩm mua đồ hộp. Bà bước qua sân, còn tôi thì dừng lại trước hàng rào sắt. Sân chỉ được chiếu sáng bởi một bóng đèn hình cầu gắn bên trên lối vào cầu thang A. Dưới ánh sáng điện, chiếc măng-tô lấy lại màu vàng vốn có. Hơi khom lưng, bà mệt mỏi tiến lại cầu thang A. Trong ký ức tôi chợt hiện lên cuốn truyện tranh từng đọc vào cái thời mà người ta gọi tôi là Bé Ngọc, cuốn truyện có tựa «Con ngựa già của gánh xiếc».
Khi bà mất hút vào cầu thang A, tôi liền vượt qua hàng rào. Ở tay trái là một cửa kính bên trên gắn tấm biển ghi một danh sách tên người theo thứ tự chữ cái, cạnh đó là tên cầu thang tương ứng. Sau cửa kính có ánh đèn. Tôi gõ mạnh. Cửa hé mở, xuất hiện một khuôn mặt phụ nữ tóc đen cắt ngắn và khá trẻ. Tôi giải thích rằng tôi tìm một người đàn bà sống ở đây. Một người đàn bà đơn thân mặc măng-tô vàng.
Thay vì đóng phắt cửa lại, chị ta nhíu mày như thể cố nhớ lại một cái tên.
« Đó hẳn là bà Boré. Cầu thang A… Tôi quên mất tầng mấy. »
Chị ta lướt một ngón tay lên tấm biển ghi danh sách và chỉ cho tôi một họ tên. Boré. Cầu thang A. Tầng 4. Tôi bước vài bước qua sân. Khi nghe thấy chị ta đóng cửa lại, tôi quay ngược trở ra rồi biến vào phố.
*
Tối hôm đó, trong suốt chuyến tàu về nhà, tôi tin chắc sẽ ghi nhớ cái họ này. Boré. Đúng thế, nó hơi giống họ của người đàn ông mà tôi từng tin là anh trai mẹ tôi, một ông Jean Borand nào đó. Chỉ đơn thuần là một sự tình cờ ? Thế mà, họ của mẹ tôi ghi trên giấy khai sinh của tôi là Cardères. Còn O’Dauyé là họ mà bà sử dụng như một kiểu nghệ danh. Đó là thời kỳ mà bản thân tôi được người ta gọi là Bé Ngọc… Tối hôm đó, tôi xem lại những tấm ảnh cũ, mở cuốn lịch và sổ tay vẫn cất trong hộp bánh qui, rồi ở giữa cuốn lịch, tôi bất chợt rơi phải tờ giấy hẳn đã được xé từ một quyển vở học sinh, tờ giấy mà tôi biết rõ. Nét chữ li ti bằng mực xanh lơ không phải là nét chữ của mẹ tôi. Trên đầu trang được viết là : SONIA CARDERES. Dưới họ được gạch chân. Sau đó là những dòng chữ tràn cả ra ngoài lề :
Bị thất hẹn. Đau khổ vào tháng Chín. Cãi nhau với một phụ nữ tóc vàng. Có khuynh hướng bỏ mặc cho những giải pháp dễ dãi nguy hiểm. Tình yêu sét đánh với một người đàn ông ngoại quốc. Thay đổi trong những tháng tiếp theo. Chú ý cuối tháng Bảy. Có một người lạ tới thăm. Không rủi ro, nhưng cũng nên thận trọng. Chuyến đi sẽ kết thúc tốt đẹp.
Bà đã đi xem bài Tây hay xem tướng. Tôi đồ rằng bà đã không tin tưởng ở tương lai. Khuynh hướng bỏ mặc cho những giải pháp dễ dãi nguy hiểm. Đột nhiên, bà cảm thấy sợ như đang ở trong trò chơi đu quay mà người ta gọi là scenic railway. Giống như đã trèo lên lưng hổ. Tàu liên tục tăng tốc và lúc nào cũng như sắp trật đường ray. Bà cảm giác bất hạnh đang tiến lại gần. Đau khổ vào tháng Chín. Không nghi ngờ gì nữa đó chính là mùa hè mà tôi bỗng nhiên bị bỏ một mình ở nông thôn. Chuyến tàu đông nghịt. Tôi đeo ở cổ một mẩu giấy có ghi địa chỉ. Gương vỡ chẳng bao giờ lành. Ở nông thôn, một thời gian ngắn sau, tôi nhận được một bưu thiếp. Bây giờ nó vẫn nằm dưới đáy hộp bánh qui. Casablanca. Quảng trường Nước Pháp. «Mẹ hôn con yêu quý.» Thậm chí không có cả chữ ký. Nét chữ to tướng, giống như trong cuốn lịch và sổ tay. Ngày trước, thời mẹ tôi, người ta dạy học sinh viết chữ rất to. Tình yêu sét đánh với một người đàn ông ngoại quốc : nhưng là ai ? Trong sổ tay ghi rất nhiều những cái tên không phải Pháp. Chú ý cuối tháng Bảy. Đó là tháng mà tôi bị gửi về Fossombronne-la-Forêt. Trong phòng ngủ của tôi, trên tường treo bức tranh của Tola Soungouroff, vì thế mà mỗi sáng thức dậy, tôi bị đôi mắt mẹ tôi chĩa thẳng vào. Sau tấm bưu thiếp từ Casablanca đó, tôi không nhận được thêm tin tức nào. Tất cả những gì còn lại từ bà là ánh mắt đó, vào buổi sáng, và cả buổi tối, khi tôi đi nằm và khi tôi đọc sách, hay khi tôi bị ốm. Sau một thời gian, tôi nhận thấy ánh mắt đó không hẳn là chĩa về phía tôi, nó bị biến vào khoảng không vô định.
Không rủi ro, nhưng cũng nên thận trọng. Chuyến đi sẽ kết thúc tốt đẹp. Những ngôn từ mà người ta thường tự nhắc trong bóng tối như để động viên bản thân. Cái hôm mà bà đi xem bói, bà hẳn đã biết sẽ phải đi Ma-rốc. Mà dù thế nào, thầy bói cũng đọc thấy điều này trong quân bài hay trên chỉ tay của bà. Một chuyến đi. Bà khởi hành sau tôi vì chính bà là người đưa tôi ra ga Austerlitz. Tôi vẫn còn nhớ chúng tôi đi bằng xe hơi, dọc theo sông Seine. Nhiều năm sau, tôi nhận ra rằng chỉ cần đi qua khu này là trong tôi gợn lên một cảm xúc kỳ cục. Trời đột nhiên trở lạnh và tối lại.
Tôi không biết bức tranh đó giờ đây nơi nao. Nó vẫn còn trong phòng tôi ở Fossombronne-la-Forêt ? Hay là sau ngần ấy năm, như tôi tưởng tượng hôm trước, nó đã dạt vào một chợ trời nào đó của cửa ô Paris. Trong sổ tay, bà có ghi địa chỉ của người vẽ bức tranh, Tola Soungouroff. Đó là cái tên đầu tiên của vần S, được viết bằng màu mực không giống như với những tên khác, kiểu chữ nhỏ hơn, như thể bà đã cố gắng. Tôi đồ rằng Tola Soungouroff là một trong những người đầu tiên bà quen ở Paris. Bà cũng từng đến ga Austerlitz, lúc còn trẻ, vào một buổi tối, điều này thì tôi gần như chắc chắn. Chuyến đi sẽ kết thúc tốt đẹp. Tôi nghĩ là thầy bói đã đoán sai, hoặc có thể là thầy cũng giấu một phần sự thật để khách không thất vọng. Giá mà tôi biết được mẹ tôi đã mặc gì hôm đó, tại nhà ga Austerlitz, khi lần đầu đặt chân đến Paris. Tất nhiên là không phải chiếc măng-tô vàng. Rồi tôi lại tiếc là đã làm mất cuốn truyện tranh «Con ngựa già của gánh xiếc». Tôi đã được tặng khi ở nông thôn. Nhưng tôi nhầm… Tôi tin là đã có nó khi còn sống ở căn hộ Paris. Mà bức tranh kia cũng được treo trong một phòng của căn hộ đó, phòng mênh mông với bậc tam cấp bọc nhung lông màu trắng. Trên bìa sách nổi bật một con ngựa ô. Nó đang làm một vòng đường đua, có lẽ là vòng cuối, đầu cúi xuống, vẻ mệt mỏi, như thể sắp ngã. Đúng thế, khi quan sát bà đi qua sân lúc nãy, trong óc tôi bỗng tái hiện hình ảnh con ngựa ô. Nó bước quanh đường đua, bộ yên cương có vẻ quá nặng. Bộ yên cương cùng một màu vàng với chiếc áo khoác của mẹ tôi.
4
Tính đến buổi tối mà tôi tin là đã nhận ra mẹ tôi dưới tàu điện ngầm thì tôi gặp một người tên là Moreau hay Badmaev được một thời gian. Chuyện đó xảy ra ở hiệu sách Mattei trên đại lộ Clichy. Hiệu này đóng cửa rất muộn. Tôi đang tìm một tiểu thuyết hình sự. Lúc đó là mười hai giờ đêm và anh ta đã khuyên tôi nên đọc một cuốn trong tủ sách «Những tuyển tập Hắc ám». Sau đó chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện trên lối đi nằm giữa đại lộ. Đôi lúc anh ta có một một cách phát âm rất kỳ lạ khiến tôi nghĩ rằng anh ta là người nước khác. Sau này, anh ta giải thích rằng cái tên Badmaev có xuất xứ từ ông bố mà anh ta hầu như không biết. Người Nga. Còn mẹ anh ta thì người Pháp. Trên mảnh giấy mà anh ta ghi địa chỉ cho tôi, vào cái hôm đầu tiên chúng tôi gặp nhau đó, có viết : Moreau-Badmaev.
Chúng tôi nói chuyện đủ thứ linh tinh. Đêm ấy, anh ta không kể cho tôi mấy về bản thân, trừ việc anh ta sống ở phía cửa ô Orléans và chỉ tình cờ qua đây. Nhưng đó là một sự tình cờ may mắn vì nhờ thế mà anh ta quen được tôi. Anh ta muốn biết tôi có đọc sách khác ngoài tiểu thuyết hình sự. Tôi đi cùng anh ta đến bến tàu điện ngầm Pigalle. Anh ta hỏi tôi mình có thể gặp lại nhau nữa không. Rồi mỉm cười nói :
– « Như thế mình sẽ thử xem xét mọi chuyện. »
Câu này khiến tôi choáng váng. Như thể anh ta đọc được các ý nghĩ trong đầu tôi. Đúng vậy. Tôi đang đi đến một giai đoạn mà tôi muốn xem xét mọi chuyện.
Ngay từ đầu, với tôi mọi thứ đã có vẻ lộn xộn, ngay từ những kỷ niệm xa xưa nhất của thời thơ ấu… Thỉnh thoảng chúng viếng thăm tôi, khoảng 5 giờ sáng, cái giờ nguy hiểm mà bạn không còn có thể ngủ lại. Những khi ấy, tôi ngồi đợi rồi mới ra phố, để chắc chắn là những quán cà phê sớm nhất đã mở. Tôi biết hơn ai hết rằng một khi đã ở ngoài đường thì những kỷ niệm ấy sẽ tan như những mảnh vụn của ác mộng. Và vào bất kỳ mùa nào trong năm. Những buổi sáng mùa đông khi trời còn tối, không khí sôi động, đèn vẫn sáng trưng và những người khách đầu tiên tụ tập trước quán rượu như những kẻ mưu phản, mang cho bạn ảo tưởng rằng một ngày bắt đầu như một phiêu lưu mới. Ảo tưởng này sẽ ở lại trong bạn suốt phần đầu của buổi sáng. Còn mùa hè, khi mở mắt ra trời đã nóng và xe cộ vẫn chưa đông, tôi đến ngồi ở hiên của quán cà phê được mở đầu tiên và tự nhủ chỉ cần đi bộ xuống phố Blanche là có thể nhìn thấy bãi biển. Những buổi sáng đó cũng vậy, tất cả các kỷ niệm buồn đều tan biến.
Moreau-Badmaev cho tôi một cái hẹn ở cửa ô Orléans trong một quán cà phê tên là Corentin. Tôi là người đến đầu tiên. Trời đã tối. Đồng hồ chỉ 7 giờ. Anh ta bảo tôi là không thể đến sớm hơn vì phải làm việc ở văn phòng. Tôi trông thấy một người đàn ông cao lớn, tóc đen, mặc áo vét da. Anh ta ngay lập tức tia thấy tôi và ngồi xuống ghế đối diện. Trước đó tôi đã sợ là anh ta không nhận ra mình. Anh ta sẽ chẳng bao giờ biết tôi từng có tên là Bé Ngọc. Ngoài tôi ra thì còn ai biết nữa ? Mẹ tôi ? Một hôm nào đó tôi sẽ phải kể cho anh ta. Để thử xem xét mọi chuyện.
Anh ta mỉm cười với tôi. Anh ta nói là anh ta đã sợ thất hẹn. Tối hôm đó, anh ta bị giữ lại làm việc lâu hơn mọi khi. Ngoài ra thì giờ làm việc của anh ta mỗi tuần một khác. Vào thời điểm này, anh ta làm ban ngày, nhưng tuần sau sẽ từ 10 giờ tối đến 7 giờ sáng. Tôi hỏi anh ta làm nghề gì. Anh ta nghe các chương trình radio tiếng nước ngoài rồi dịch sang tiếng Pháp và làm tóm tắt. Và cho một tổ chức mà tôi không rõ là có thuộc về một cơ quan thông tấn hay bộ nào không. Người ta đã thuê anh ta làm công việc này vì anh ta biết khoảng hai mươi ngôn ngữ. Tôi rất là ấn tượng vì tôi chỉ nói mỗi tiếng Pháp. Nhưng anh ta nói là cũng chẳng khó như thiên hạ nghĩ đâu. Một khi đã biết hai, ba ngoại ngữ rồi thì cứ đà đó mà học tiếp. Cái này nằm trong tầm tay của bất kỳ ai. Thế còn cô, cô làm nghề gì ? Ồ, hiện tại, tôi làm vài thứ nho nhỏ bán thời gian, nhưng tôi hy vọng sắp tới sẽ tìm được một công việc cố định. Tôi rất cần thế – đầu tiên là để lên tinh thần.
Anh ta ghé đầu về phía tôi và hạ giọng :
« Vì sao ? Cô buồn à ? »
Tôi không bị sốc bởi câu hỏi này. Tôi chỉ mới quen anh ta nhưng cảm giác đó là người có thể tin được.
« Chính xác là cô tìm gì trong cuộc sống ? »
Anh ta có vẻ xin lỗi vì đã đặt một câu hỏi không rõ ràng và quá nghiêm trọng. Cặp mắt trong nhìn tôi chăm chú và tôi nhận thấy chúng có màu xanh lơ gần chuyển sang xám. Anh ta cũng có hai bàn tay rất đẹp.
« Cái mà tôi tìm trong cuộc sống… »
Tôi nín thở lấy đà, nhất định tôi phải có câu trả lời. Một người nói hai mươi thứ tiếng như anh ta làm sao hiểu được rằng tôi chẳng có gì để trả lời.
« Tôi tìm … quan hệ giữa người với người…»
Anh ta không có vẻ thất vọng về câu trả lời của tôi. Một lần nữa, cái nhìn trong trẻo lại phủ lên tôi và khiến tôi cụp mắt xuống. Và hai bàn tay úp lên mặt bàn mà tôi tưởng tượng những ngón dài mảnh mai lướt trên phím dương cầm. Tôi rất nhạy với những ánh mắt và những bàn tay… Anh ta nói với tôi :
« Có một từ mà cô sử dụng ban nãy khiến tôi bị sốc… từ cố định… »
Tôi không nhớ nữa. Nhưng tôi cảm thấy được tâng bốc khi anh ta chú ý đến mấy thứ mà tôi vừa nói. Những thứ thật tầm phào.
« Vấn đề, đó là tìm được một điểm cố định… »
Ngay lúc đó, dù vẻ ngoài bình tĩnh và giọng nói dịu dàng, anh ta vẫn cho tôi cảm giác là chính anh ta cũng đang lo lắng chẳng kém gì tôi. Ngoài ra, anh ta cũng hỏi tôi là tôi có cảm thấy khó chịu khi nổi lềnh bềnh như thể bị một dòng nước cuốn đi mà không biết bám vào đâu.
Đúng thế, đó cũng hơi giống cảm giác của tôi lúc này. Ngày nối ngày hệt nhau và từ từ trượt vào nhau như băng tải bộ trong bến Chatelet. Tôi bị cuốn dọc theo một hành lang vô tận mà không cần phải bước. Ấy thế mà, một chiều nào đó, tôi đột nhiên phát hiện một chiếc măng-tô vàng. Giữa đám đông không quen gồm cả tôi trong đó, một sắc màu nổi lên mà tôi buộc phải dán chặt mắt vào nếu muốn biết hơn về chính bản thân tôi.
« Phải tìm được một điểm cố định để cuộc sống thôi là sự trôi nổi vĩnh viễn… »
Anh ta mỉm cười với tôi như muốn làm giảm sự nghiêm trọng của câu nói.
« Một khi đã tìm được điểm cố định thì mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn, cô không tin sao ? »
Tôi cảm thấy anh ta đang cố nhớ lại tên tôi. Một lần nữa, tôi muốn tự giới thiệu với anh ta : «Người ta từng gọi tôi là Bé Ngọc. » Tôi muốn giải thích cho anh từ đầu. Nhưng cuối cùng tôi chỉ nói :
« Tên tôi là Thérèse.»
Lần trước, trên lối đi nằm giữa đại lộ Clichy, tôi đã hỏi tên anh ta và anh ta trả lời : «Đừng gọi tôi bằng tên. Hãy gọi ngắn gọn theo họ là Badmaev. Hay Moreau, nếu cô muốn.» Điều này khiến tôi ngạc nhiên, nhưng về sau tôi nghĩ đó là để tự vệ và giữ khoảng cách. Anh ta không muốn thiết lập một mối thân thiết quá lớn với người khác. Có thể anh ta đang che giấu gì đó.
Anh ta đề nghị tôi ghé nhà. Anh ta sẽ cho tôi mượn một cuốn sách. Anh ta sống trong một dãy chung cư đối diện với quán cà phê Corentin, ở đầu kia của đại lộ Jourdan. Chúng tôi đi dọc qua những mặt tiền giống y hệt nhau. Đến số 11 phố Monticelli, chúng tôi leo cầu thang lên tầng 4. Cửa ra vào thông với một hành lang trải linoleum màu đỏ đậm. Đi hết hành lang thì tới phòng ngủ. Một tấm đệm đặt thẳng lên sàn, và những chồng sách xếp dọc theo các bức tường. Anh ta đề nghị tôi ngồi xuống chiếc ghế duy nhất, đặt trước cửa sổ.
«Tôi phải đưa cô cuốn sách… không thì quên mất.»
Anh ta cúi xuống những chồng sách và cân nhắc từng chồng một, cuối cùng rút ra một cuốn nổi bật bên cạnh những cuốn khác nhờ cái bìa màu đỏ. Anh ta đưa nó cho tôi và tôi mở trang đầu tiên : Những ranh giới của cuộc sống.
Anh ta có vẻ xin lỗi. Anh ta nói thêm :
«Cô không buộc phải đọc nếu thấy chán.»
Anh ta ngồi trên thành giường. Căn phòng chỉ được chiếu sáng bởi một bóng đèn không có chụp, gắn vào đỉnh của một cái giá ba chân. Bóng đèn rất nhỏ và cường độ quá yếu. Cạnh giường, thay vào chỗ của bàn ngủ là một chiếc đài khổng lồ, loại có màng loa vải. Tôi từng nhìn thấy một chiếc như vậy ở Fossombronne-la-Forêt. Anh ta bắt gặp cái nhìn của tôi.
«Tôi thích cái đài này lắm, anh ta nói. Thỉnh thoảng tôi dùng nó cho công việc. Khi tôi có thể ngồi làm việc ở nhà…»
Anh ta cúi xuống và vặn nút. Một đốm sáng màu xanh lá cây bật lên.
Từ trong phát ra một giọng yếu ớt đang nói một thứ tiếng nước ngoài.
«Cô có muốn biết tôi làm việc như thế nào không?»
Anh ta cầm lấy một tập giấy loại viết thư và một chiếc bút bi đang để trên đài và vừa nghe giọng nói kia vừa viết ra giấy.
«Dễ lắm… Tôi viết tốc ký. »
Anh ta lại gần và đưa cho tôi tờ giấy. Tôi vẫn giữ nó trên người từ bữa đó đến bây giờ.
Phía dưới có những ký hiệu tốc ký:
Niet lang geleden slaagden matrozen er in de sirenen, enkelen mijilen zuidelijd van de azoren, te vangen.
Và phần dịch : «Cách đây không lâu lắm đâu, các thủy thủ vẫn còn bắt được tiên cá, ở vài dặm phía Nam quần đảo Acores. »
«Tiếng Hà Lan. Nhưng người đọc hơi có thổ âm Flamand vùng Anvers. »
Anh ta vặn nút để chúng tôi không nghe thấy giọng phát thanh viên, nhưng để lại đốm đèn xanh lá cây. Đấy, công việc của anh ta là như thế. Người ta giao cho anh ta một danh sách các buổi phát thanh phải nghe, ban ngày hay ban đêm, và anh ta có nhiệm vụ phải dịch xong vào ngày hôm sau.
«Đôi khi có những buổi phát thanh từ những nơi rất xa… các speakers nói những thứ tiếng kỳ cục lắm.»
Anh ta lại ngồi xuống thành giường. Anh ta nói rằng từ khi sống ở đây, anh ta chưa từng dùng đến bếp. Căn hộ còn có một phòng ngủ nữa nhưng anh ta để trống và chẳng vào bao giờ. Ngoài ra, vì cứ phải nghe đài nước ngoài, nên cuối cùng anh ta chẳng còn rõ mình đang sống ở nước nào.
Cửa sổ trong xuống một sân rộng và mặt tiền của các khu nhà khác với những ô cửa sổ sáng đèn ở các tầng khác nhau. Thời gian sau, lần đầu tiên đi theo mẹ tôi đến tận chỗ bà ở, tôi tin rằng phòng ngủ của bà cũng có góc nhìn giống phòng của Moreau-Badmaev bây giờ. Tôi đã xem danh bạ điện thoại để tìm tên của bà và ngạc nhiên vì số người sống ở đó. Khoảng năm chục, trong đó có một chục phụ nữ độc thân. Nhưng không có tên bà, cả tên thật như ghi trên giấy tờ lẫn tên giả được sử dụng hồi xưa. Chị gác cổng lúc đó chưa cho tôi biết bà tên là Boré. Rồi tôi lại buộc phải dùng danh bạ điện thoại một lần nữa, vì tôi làm mất số điện thoại của Moreau-Badmaev. Ở địa chỉ của anh ta cũng có ngần ấy người như ở địa chỉ của mẹ tôi. Thật vậy, những khối nhà cao tầng, ở Vincennes hay cửa ô Orléans, đều na ná nhau. Tôi tìm thấy tên Moreau-Badmaev trong danh sách. Đó là bằng chứng rằng tôi đã không ngủ mơ.
Tối hôm đó, vào lúc mà tôi nhìn qua cửa sổ, anh ta nói với tôi rằng góc nhìn “hơi tẻ”. Thời gian đầu mới đến đây sống, anh ta có cảm giác bị ngộp thở. Phải nghe mọi tiếng động từ hàng xóm, cùng tầng và cả tầng trên lẫn tầng dưới. Một sự ồn ào liên tục như trong các nhà tù. Anh ta đã nghĩ rằng rồi đây sẽ bị giam trong một xà lim giữa hàng nghìn xà lim chứa những gia đình hay những người độc thân như anh ta. Anh ta vừa trở về từ một chuyến đi Iran và sau đó đã mất thói quen sống ở Paris và các đô thị lớn. Anh ta sang đấy để thử học một ngôn ngữ gọi là “tiếng Ba Tư của thảo nguyên”.
Không thầy giáo nào dạy môn này, ngay cả ở Trường Ngôn ngữ phương Đông. Thế nên phải đến tận nơi để học. Anh ta đã thực hiện chuyến đi vào năm trước đó. Cuộc trở về Paris, cửa ô Orléans, rất khó khăn, nhưng bây giờ tiếng động của hàng xóm không còn làm phiền anh ta chút nào. Chỉ cần bật đài và vặn núm. Thế là một lần nữa, anh ta lại ở một nơi rất xa. Thậm chí anh ta chẳng có nhu cầu đi du lịch nữa. Chỉ cần cái đốm màu xanh lá cây sáng lên là đủ.
“Nếu cô muốn, tôi có thể dạy cô tiếng Ba Tư của thảo nguyên…”
Anh ta nói đùa nhưng câu này vang lên trong đầu tôi vì cái từ “thảo nguyên”. Tôi nghĩ rằng tôi sắp rời khỏi thành phố này và chẳng có một lý do nghiêm túc nào để cảm thấy bị cầm tù bởi bất cứ cái gì. Tất cả các chân trời rộng mở trước tôi, những thảo nguyên vô tận chạy dài về phía biển. Một lần nữa thôi, tôi muốn thu thập vài kỷ niệm ít ỏi, tìm lại dấu vết của thời thơ ấu, như một hành khách sẽ giữ cho đến cuối, trong túi áo của mình, tấm thẻ căn cước đã hết hạn. Nhưng có gì mấy mà thu thập trước khi xuất hành đâu.
Đã chín giờ tối. Tôi nói với anh ta là tôi phải về nhà. Lần tới, anh ta sẽ mời tôi ăn tối nếu tôi đồng ý. Và anh ta sẽ dạy tôi một bài tiếng Ba Tư của thảo nguyên.
Anh ta đưa tôi ra tận bến tàu điện ngầm. Tôi không nhận ra cửa ô Orléans, thế mà trước đây, cho đến năm mười sáu tuổi, mỗi lần đến Paris tôi đều phải qua đây. Thời đó, chuyến xe khách mà tôi đi từ Fossombronne-la-Forêt dừng lại trước quán cà phê Rotonde.
Anh ta tiếp tục nói với tôi về tiếng Ba Tư của thảo nguyên. Tiếng này, theo anh ta, giống với tiếng Phần Lan. Cũng dễ nghe như thế. Người ta tìm lại ở đó tiếng gió lao xao trong cỏ và tiếng rì rầm của thác nước.
5
Thời gian đầu, tôi ngửi thấy một mùi kỳ lạ trong hành lang. Đó là mùi của tấm thảm màu đỏ. Nó đang từ từ thối rữa. Ở nhiều nơi, trên các bậc thang, đã lộ cả gỗ. Bao nhiêu người đã lên, xuống những bậc thang này vào cái thời mà nơi đây còn là một khách sạn. Cầu thang rất dốc và nằm ngay sau cửa ra vào. Tôi biết là mẹ tôi đã từng sống ở khách sạn này. Địa chỉ được ghi trên giấy khai sinh của tôi. Một lần trong lúc xem quảng cáo tìm nhà, tôi đã vô tình rơi vào địa chỉ này và ngạc nhiên thấy nó nằm trong mục “Căn hộ một phòng cho thuê”.
Tôi có mặt đúng giờ yêu cầu. Một người đàn ông ngũ tuần, tóc nhuộm đỏ, đợi tôi trong hành lang. Ông ta cho tôi xem một phòng với buồng tắm bé xíu trên tầng một, rồi yêu cầu tôi trả ba tháng tiền nhà bằng “tiền mặt”. May mà tôi có gần đủ số tiền đó. Ông ta đưa tôi đến một quán cà phê nằm ở góc đại lộ Clichy để điền và ký hợp đồng. Ông ta giải thích cho tôi là khách sạn không còn nữa và các phòng trong đó bây giờ trở thành các “căn hộ một phòng”.
“Mẹ tôi từng sống trong khách sạn trước đây …”
Tôi ngạc nhiên nghe câu này phát ra từ miệng của chính tôi. Cái gì đã khiến tôi phản ứng như vậy ? Nhưng ông ta trả lời tôi, vẻ lơ đãng: “ Thế à ? Mẹ cô ? ” Ở tuổi này có thể ông ta biết mẹ tôi. Tôi hỏi xem ngày xưa ông ta có ở khách sạn này không. Không, ông ta mua nó năm ngoái cùng vài đối tác làm ăn và họ đã cho sửa chữa lại.
“Cô biết đấy, đó là một khách sạn không được sang cho lắm.”
Tối đầu tiên ở đây, tôi đã nghĩ có thể là mẹ tôi đã sống trong căn phòng này. Chính vào buổi tối mà tôi tìm nhà và nhìn thấy địa chỉ 11 phố Coustou trong quảng cáo mà đầu tôi như có tia chớp xẹt ngang. Từ một thời gian rồi, tôi mở hộp bánh qui cũ, lật quyển lịch và cuốn sổ tay của mẹ tôi, nhìn những tấm ảnh… Giờ đây, tôi phải thú nhận là cho tới lúc đó, tôi chưa từng mở cái hộp ra, hoặc nếu có mở thì cũng chẳng thèm xem những thứ bên trong mà với tôi chỉ là một đống giấy lộn. Từ bé, tôi đã quen với cái hộp, cũng như bức tranh của Tola Soungouroff, nó không rời tôi và trở thành một thứ bỏ thì thương, vương thì tội. Thậm chí tôi còn để cả mấy đồ nữ trang vớ vẩn vào đó. Thường thường, bạn không chú ý đến những đồ vật có từ quá lâu. Nhưng nếu tình cờ bị thất lạc thì bạn sẽ nhận ra rằng chúng có những chi tiết bạn chẳng hề biết. Ví dụ, bây giờ tôi không hề nhớ bức tranh của Tola Soungouroff được đóng khung như thế nào. Và nếu tôi làm mất hộp bánh qui đó, hẳn là tôi sẽ quên rằng trên nắp hộp có dán một nhãn hiệu đã bị rách một nửa nhưng vẫn đọc thấy mấy từ LEFEVRE-UTILE. Nói chung, nên thận trọng với tất cả những gì mà người ta gọi là nhân chứng.
Tôi đã quay lại điểm khởi hành, vì địa chỉ này được ghi trên giấy khai sinh của tôi ở mục “địa chỉ người mẹ”. Không nghi ngờ gì nữa, tôi cũng sống ở đây những ngày mới chào đời. Một buổi tối, khi Moreau-Badmaev đi cùng tôi về tận nhà, tôi kể cho anh ta chuyện này và anh ta nói:
“Thế là cô đã tìm thấy mái nhà xưa rồi đấy.”
Và cả hai chúng tôi cùng phá lên cười. Cổng ra vào phủ đầy hoa kim ngân, bị đóng một thời gian dài đến nỗi cỏ dại mọc đằng sau và người ta chỉ có thể mở vừa đủ để lách vào giữa hai cánh. Ở cuối thảo nguyên, dưới ánh trăng là lâu đài của tuổi thơ chúng ta. Ở đó, phía tay trái, vẫn có cây tuyết tùng. Bây giờ chúng ta tiến vào lâu đài. Cầm ngọn nến trên tay, chúng ta bước qua phòng khách xanh lơ và phòng ngang nơi treo dãy chân dung của tổ tiên. Chẳng có gì thay đổi, mọi thứ vẫn ở đúng chỗ dưới lớp bụi thời gian. Chúng ta bước lên cầu thang. Và cuối hành lang, đây rồi, phòng ngủ của trẻ con ! Moreau-Badmaev đã miêu tả cuộc trở về căn nhà xưa như thế, như là tôi có lẽ đã từng có ở kiếp trước. Còn kiếp này thì cửa sổ phòng tôi trông xuống hẻm Puget hẹp hơn nhiều so với phố Coustou và tạo thành một hình kiểu như tam giác. Căn phòng của tôi nằm ở đỉnh của tam giác đó. Cửa sổ không có cả cánh lẫn ri-đô. Ban đêm, bảng hiệu nhấp nháy của xưởng sửa xe dưới phố Coustou hắt lên tường, ngay trên đầu giường tôi nằm, những phản quang màu đỏ và xanh lá cây. Nhưng điều này không khiến tôi khó chịu. Ngược lại, tôi cảm thấy yên tâm. Ai đó đang canh gác cho tôi. Có thể những dấu hiệu xanh đỏ đã có từ xa xưa, từ thời mà mẹ tôi còn ở trong phòng này, nằm trên giường này, và cũng như tôi, đang cố thiếp đi. Chúng không ngừng bật, tắt và cuối cùng ru tôi vào giấc ngủ. Tại sao tôi lại thuê nó trong khi tôi có thể thuê một phòng khác, ở một phố khác ? Nhưng hẳn là không đâu có thể tìm thấy những phản quang xanh đỏ đều đặn như tiếng đập trong lồng ngực mà cuối cùng tôi cũng tự nhủ rằng đó là những dấu vết duy nhất của quá khứ.
6
Tất cả các ngày trong tuần tôi phải đi về phía rừng Boulogne để trông cô bé con gái một gia đình giàu có. Tôi đã có được việc này vào một buổi chiều khi tôi đến cầu cứu một hãng tìm việc mà tôi tình cờ chọn trong danh bạ điện thoại. Hãng Taylor.
Một người đàn ông tóc hung, để ria, mặc bộ com lê lịch sử kiểu Anh, tiếp tôi trong văn phòng ốp gỗ sẫm màu. Ông ta mời tôi ngồi. Tôi đủ dũng cảm nói với ông ta rằng đây là lần đầu tiên tôi tìm một công việc kiểu này.
“Cô muốn thôi học?”
Câu hỏi khiến tôi ngạc nhiên. Trước đó tôi đã bảo ông ta là tôi không đi học.
“Vừa nhìn thấy cô bước vào, tôi đã nghĩ cô là sinh viên”.
Ông ta phát âm từ “sinh viên” trân trọng đến độ tôi tự hỏi có điều gì tuyệt vời trong đó và tôi thật tiếc đã không đi học.
“Có thể tôi tìm được việc cho cô… ba tiếng mỗi ngày… trông một đứa trẻ.”
Bỗng nhiên tôi có cảm giác chẳng còn ai đến hãng Taylor này nữa và cái ông tóc hung đang đối diện tôi đây ngồi một mình những chiều dài cô quạnh trong văn phòng và mơ tới các nữ sinh viên. Trên một bức tường, phía tay trái tôi, treo một tấm biển vẽ chính xác những người đàn ông trong trang phục bồi bàn và tài xế, bên cạnh là những người phụ nữ trong đồng phục có vẻ là bảo mẫu và hộ lý. Bên dưới có hàng chữ khổ lớn màu đen: HÃNG ANDRE TAYLOR.
Ông ta mỉm cười với tôi. Ông ta nói rằng tấm biển đó có từ hồi cha của ông ta và hãy yên tâm, tôi không cần mặc đồng phục. Gia đình mà tôi phải trình diện sống ở phía Neuilly, họ tìm một người để trông cô con gái vào cuối chiều.
Lần đầu tiên tôi đến nhà họ là một ngày mưa, tháng Mười Một. Đêm trước tôi không tài nào ngủ nổi vì mải hình dung xem sẽ được tiếp như thế nào. Ông nhân viên hãng Taylor đã báo cho tôi rằng họ còn khá trẻ và đưa cho tôi tờ giấy có ghi tên và địa chỉ của các vị chủ: Valadier, số 70 đại lộ Maurice-Barrès.
Cơn mưa rơi suốt từ sáng khiến tôi muốn được rời khỏi căn phòng này và thành phố này. Ngay khi có chút tiền là tôi sẽ xuống phía Nam, thậm chí xa hơn nữa. Tôi cố bám lấy cái viễn tưởng đó, và đừng để bị chìm hẳn. Phải bơi, kiên nhẫn thêm một chút. Nếu tôi đến hãng Taylor hôm trước thì đó là phản xạ cuối cùng của sống còn. Nếu không, có lẽ tôi đã không có dũng cảm chui khỏi giường và rời căn phòng. Tôi vẫn giữ trong tâm trí tấm bảng treo trên tường của hãng Taylor. Hẳn là ông tóc hung đã ngạc nhiên khi nghe tôi bảo chẳng ngại mặc đồng phục, nhất là hộ lý. Đồng phục sẽ giúp tôi lấy lại dũng cảm và kiên nhẫn, như nhờ chiếc coóc-xê mà người ta tiếp tục bước thẳng. Dù thế nào đi nữa thì tôi cũng không có lựa chọn. Cho tới lúc đó, với đôi chút may mắn, tôi từng liên tiếp tìm được hai việc tạm thời trong một cửa hàng tên là 3 quartiers và một tiệm nước hoa trên đại lộ trung tâm. Nhưng hãng Taylor có khả năng sẽ tìm được cho tôi một công việc ổn định hơn. Tôi không ảo tưởng về các cơ hội của mình. Tôi chẳng là một nghệ sĩ như mẹ tôi. Lúc còn ở Fossombronne-la-Foret, tôi làm việc cho quán trọ Vert trên phố Grande. Quán rất đông khách, phần lớn đến từ Paris. Công việc của tôi không vất lắm. Đứng quầy, phục vụ phòng ăn, thỉnh thoảng tiếp tân. Mùa đông, mỗi tối, tôi nhóm lò trong một phòng nhỏ áp gỗ để khách ngồi đọc báo và chơi bài. Tôi làm việc ở đó cho tới năm mười sáu tuổi.
Mưa đã ngừng trên phố Blanche khi tôi xuống tàu điện ngầm. Tôi ra khỏi bến Porte Maillot và một cảm giác lo sợ dâng lên. Tôi biết khu này. Tôi tự nhủ trong giấc mơ nào đấy, tôi đã đến gia đình này, và giờ đây đang sống lại cảnh đó, bến tàu điện ngầm, con đường đi bộ. Đại lộ Maurice-Barrès nằm dọc theo rừng Boulogne, tôi càng bước thì cảm giác đó càng rõ hơn và tôi đâm lo. Nhưng cuối cùng, tôi tự hỏi mình có mơ ngủ không. Tôi bấu vào tay, vỗ vào trán, cố thức dậy. Đôi khi tôi biết mình đang mơ ngủ và bị đe dọa bởi một hiểm nguy, nhưng tất cả những điều này không nghiêm trọng lắm vì tôi có thể bật dậy bất kỳ lúc nào. Một đêm, tôi bị kết án tử hình – tôi đang ở nước Anh và sẽ bị treo cổ vào sáng ngày hôm sau -, người ta đã dẫn tôi trở lại xà lim, nhưng tôi rất bình tĩnh, tôi mỉm cười với họ, tôi biết thừa là tôi sẽ bùng được và tỉnh dậy trong căn phòng ở phố Coustou.
Phải bước qua hàng rào sắt và đi theo lối dải sỏi. Tôi bấm chuông số nhà 70, trông bề ngoài giống như dinh thự. Một phụ nữ tóc vàng ra mở cửa và tự giới thiệu là bà Valadier. Chị ta có vẻ ngại ngùng khi phát âm từ “bà” như thể nó không hợp với mình, nhưng vẫn phải dùng trong đời sống hàng ngày. Sau này, ông nhân viên tóc hung của hãng Taylor hỏi tôi: “Thế nào, cô nghĩ gì về ông bà Valadier?” và có vẻ ngạc nhiên khi tôi trả lời: “Họ đẹp đôi.”
Hai vợ chồng đều khoảng ba mươi lăm. Chồng, cao lớn, tóc đen, giọng rất mềm và có vẻ thanh lịch nhất định, còn vợ thì tóc vàng tro. Cả hai ngồi cạnh nhau trên đi-văng, cũng ngại ngùng như chính tôi. Điều khiến tôi thấy hơi lạ là họ có vẻ như đang cắm trại trong phòng khách mênh mông của tầng một nơi chẳng có đồ gỗ nào ngoài chiếc đi-văng và một ghế bành. Cũng chẳng một bức tranh trên bốn bức tường trắng.
Buổi chiều hôm đó, tôi và cô bé con làm một chuyến đi dạo ngắn, ở phía kia của đại lộ, giữa những lối nhỏ viền quanh công viên Acclimatation. Nó chỉ im lặng, nhưng có vẻ tin tưởng, như thể đây không phải là lần đầu chúng tôi bước cạnh nhau. Và tôi cũng thế, tôi có cảm giác rất quen nó và chúng tôi từng đi cùng nhau trên những lối nhỏ này.
Khi chúng tôi trở về nhà, nó muốn cho tôi xem phòng riêng trên tầng hai, một phòng rộng có những cửa sổ trông xuống đám cây cối của công viên Acclimatation. Gỗ ốp tường và hai tủ kính lắp chìm nằm hai bên lò sưởi khiến tôi nghĩ rằng căn phòng này trước đây từng là phòng khách hay phòng làm việc, chứ không bao giờ là phòng ngủ của một đứa trẻ. Chiếc giường cũng không phải là loại dành cho trẻ con, quá rộng và bọc đệm gấm. Trong một tủ kính bày vài quân của một bộ cờ làm bằng ngà. Chắc hẳn, khi hai vợ chồng Valadier chuyển đến nhà này thì chiếc giường và những quân cờ đã có ở đây rồi, đó là những đồ vật mà người thuê nhà trước đã bỏ quên hoặc không có thời gian mang đi. Cô bé con mắt vẫn không rời tôi. Có thể nó muốn xem tôi nghĩ thế nào về căn phòng. Cuối cùng tôi chỉ nói: “Cháu có nhiều chỗ nhỉ”, và nó gật đầu nhưng có vẻ hơi nghi ngờ. Mẹ nó cũng đến nói chuyện với chúng tôi. Chị ta giải thích rằng gia đình mới chuyển đến căn nhà này được vài tháng, nhưng không nói rõ trước đây họ đã ở đâu. Nó đi học ở một trường ngay cạnh nhà, phố Ferme và tôi có nhiệm vụ đến đón vào 4 giờ rưỡi mỗi chiều. Hẳn là chính vào lúc này mà tôi đã nói với chị ta: “Vâng, thưa bà.” Lập tức, một nụ cười chế nhạo nở trên khuôn mặt chị ta. “Đừng gọi tôi là bà. Cứ gọi tôi là… Véra.” Chị ta tỏ ra hơi ngần ngừ như thể đã bịa ra cái tên đó. Khi chị ta mở cửa đón tôi lúc nãy, tôi đã tưởng chị ta là người Anh hay Mỹ, nhưng giờ đây tôi nhận ra chị ta nói giọng Paris, cái giọng mà trước đây trong các tiểu thuyết rất cổ, người ta bảo đó là giọng của các xóm thị dân.
« Véra, cái tên đẹp quá, tôi nói.
– Cô thấy thế sao ? »
Chị ta bật đèn trên chiếc bàn nhỏ kê đầu giường và nói với tôi :
« Phòng thiếu sáng quá ! »
Cô bé con nằm sấp trên sàn nhà, dưới chân một tủ kính, tì lên hai khuỷu tay và khó nhọc lật từng trang vở. «Thật không tiện lắm, chị ta nói với tôi, phải tìm cho nó một cái bàn để làm bài tập.» Tôi giữ nguyên cảm giác như khi được tiếp trong phòng khách lúc nãy : gia đình Valadier cắm trại trong ngôi nhà này. Chị ta chắc là nhận thấy sự ngạc nhiên của tôi nên nói thêm :
« Tôi không biết là chúng tôi có ở lại đây lâu không. Ngoài ra thì chồng tôi cũng không thích mấy đồ gỗ này cho lắm…»
Chị ta mỉm cười, vẫn nụ cười chế nhạo đó, rồi hỏi tôi sống ở đâu. Tôi trả lời là tôi thuê một phòng trong một khách sạn cũ.
« À, thế à… chúng tôi cũng vậy, có một thời gian dài chúng tôi cũng ở khách sạn… »
Chị ta muốn biết tôi ở khu nào.
« Gần quảng trường Blanche.
– Ồ đó là khu tôi sống thời bé, chị ta nói, lông mày hơi nhíu lại. Tôi ở phố Douai. »
Lúc này trông chị ta giống những phụ nữ người Mỹ tóc vàng lạnh lùng, những nhân vật trong phim hình sự, giống đến nỗi tôi nghĩ rằng chị ta lồng giọng, như trong xi nê, và tôi ngạc nhiên khi nghe chị ta nói tiếng Pháp.
« Hồi đó mỗi khi tan trường, tôi thường làm một vòng rồi rẽ qua phố Blanche. » Đã lâu chị ta chưa quay về khu này. Chị ta đã sống nhiều năm ở Luân Đôn. Chính ở đây mà chị ta gặp anh chồng. Cô bé con không còn để ý đến câu chuyện của chúng tôi. Nó vẫn nằm dài trên sàn và viết vào một quyển vở khác, không chút gián đoạn, vẻ chăm chú. Chị ta nói với tôi : « Nó đang làm bài tập. Cô sẽ thấy, mới bảy tuổi mà chữ gần bằng người lớn… » Ngoài trời đã tối, nhưng thực ra mới 5 giờ chiều. Xung quanh, không một động tĩnh, hệt như sự im lặng mà tôi từng biết ở Fossombronne-la-Forêt, cũng khoảng giờ này và tầm tuổi với con bé. Tôi tin rằng tôi cũng thế, vào tuổi nó, tôi cũng đã viết chữ như người lớn. Tôi còn bị mắng vì không chịu viết bằng bút mực. Tò mò, tôi nhìn về phía con bé : trên tay nó là một cây bút bi. Ở trường của nó, phố La Ferme, có lẽ giáo viên cho phép sử dụng loại bút Bic bằng nhựa trong với nắp các màu đen, đỏ, xanh. Nó đã học viết chữ hoa chưa nhỉ ? Mà dù thế nào thì bây giờ người ta cũng không còn dạy viết nét thanh, nét đậm.
Con bé và mẹ nó tiễn tôi xuống tầng trệt. Bên trái là một cửa dẫn vào một phòng rộng không một đồ đạc ngoài chiếc bàn làm việc kê ở cuối phòng. Anh chồng đang ngồi trên một góc bàn và gọi điện thoại. Chùm đèn trần hắt xuống một thứ ánh sáng rất gắt. Từ miệng anh ta phát ra những âm thanh kỳ quặc mà có lẽ chỉ Moreau-Badmaev mới có khả năng hiểu, không biết chừng đó là tiếng Ba Tư của thảo nguyên. Mép ngậm xì-gà, anh ta vẫy tay tạm biệt tôi từ xa.
« Cô cho tôi gửi lời chào tới Cối Xay Gió Đỏ ! », chị vợ thì thào và nhìn tôi rất lạ như thể ghen tị vì tôi sắp được quay về khu phố đó.
« Chào bà. »
Tôi buột miệng nói, nhưng chị ta chỉnh lại :
« Đừng thế. Chào Véra thôi.»
Thế là tôi nhắc lại : « Chào Véra. » Nó có đúng là tên chị ta không hay là đã được chọn vào một buổi chiều rầu rĩ ở sân trường và phát chán vì cái tên bố mẹ đặt cho ?
Chị ta bước về phía cửa với dáng đi uyển chuyển, dáng đi của những người đàn bà tóc vàng lạnh lùng và bí hiểm.
Chị ta nói với con bé : « Tiễn cô đi một đoạn. Chịu khó nghe lời ! »
Con bé gật đầu và liếc nhìn tôi lo lắng.
« Khi trời tối, tôi hay bảo nó đi một vòng quanh khu nhà… Nó khoái đấy… Nó có cảm giác là người lớn. Tối hôm gì, nó còn muốn đi thêm vòng nữa…Nó muốn tập chống lại nỗi sợ… »
Giữa những khoảng lặng kéo dài, tôi nghe thấy từ cuối phòng bên, cái giọng mềm mại của anh chồng, và lần nào tôi cũng tự hỏi cuộc nói chuyện điện thoại của anh ta có bị gián đoạn trước đó hay không.
« Sắp tới con sẽ không còn sợ bóng đêm nữa và bố mẹ sẽ không cần để đèn sáng thì con mới ngủ được.»
Chị ta mở cửa. Nhìn thấy con bé sắp ra đường mà mặc mỗi váy ngắn và áo sơ-mi, tôi bảo :
« Có lẽ cháu nên khoác thêm măng-tô… »
Nó có vẻ ngạc nhiên và hầu như tin lời tôi nhưng vẫn quay về phía mẹ :
« Đúng, đúng… Lấy áo khoác mặc vào. »
Nó leo rất nhanh lên cầu thang. Chị ta nhìn tôi chằm chằm với đôi mắt sáng màu.
« Cám ơn cô. Cô sẽ biết cách chăm nó… Vợ chồng chúng tôi đôi khi lơ đãng quá… »
Đôi mắt màu sáng vẫn không rời tôi và tôi có cảm giác chúng sắp khóc. Thế nhưng, khuôn mặt chị ta bất động và chẳng có giọt nước mắt nào rơi ra.
*
Chúng tôi vượt qua dãy nhà. Tôi nói với con bé :
« Bây giờ có lẽ cháu nên về nhà… »
Nhưng nó muốn đi cùng tôi thêm một đoạn nữa. Tôi giải thích cho nó là tôi phải ra bến tàu điện ngầm.
Càng đi dọc đại lộ, tôi càng có cảm giác đã bước trên con đường này. Đám cây cối trong rừng Boulogne, mùi lá úa và đất ẩm gợi cho tôi một cái gì đó. Lúc nãy tôi cũng có cảm giác y hệt như thế khi ở trong phòng con bé. Tất cả những điều tôi đã muốn quên, hay những điều tôi từng tránh nghĩ đến, giống như một người cố không nhìn về phía sau vì sợ chóng mặt, tất cả đang dần dần hiện ra, và giờ đây tôi sẵn sàng đối diện.
Tôi và con bé bước trên lối đi dọc theo công viên Acclimatation. Nó cầm lấy tay tôi khi qua đường, theo hướng Porte Maillot.
« Cô ở xa không ạ ? »
Nó hỏi tôi như hy vọng tôi sẽ mời nó tới nhà. Bến tàu điện ngầm đã ở trước mặt chúng tôi. Tôi cảm nhận rõ ràng rằng chỉ cần một câu của tôi thôi là nó sẽ đi theo tôi và không bao giờ quay về với bố mẹ. Tôi hiểu con bé. Thậm chí tôi có cảm giác rằng mọi thứ đang theo đúng quy trình của chúng.
« Bây giờ đến lượt cô đưa cháu về. »
Nó có vẻ thất vọng vì phải quay lại nhà. Nhưng tôi bảo nó là tuần tới tôi sẽ cho nó đi tàu điện ngầm. Chúng tôi bước trên lối đi dọc công viên, theo chiều ngược lại. Lúc đó là hai hay ba tuần sau khi tôi tin là đã nhận ra mẹ tôi trong hành lang bến Châtelet. Tôi hình dung vào giờ này, bà đang vượt qua cái sân của khối nhà cao tầng, ở tận đầu kia của Paris, trong áo măng-tô vàng. Bà sẽ leo cầu thang và dừng lại ở từng bậc. Lỡ hẹn. Điều đã mất làm sao tìm lại. Có thể, hai mươi năm nữa, cũng như tôi bây giờ, con bé sẽ đi tìm bố mẹ nó, trong những hành lang của bến tàu điện ngầm ấy, nơi có những chỉ dẫn cho các hướng tiếp theo.
Có ánh đèn ở một cửa sổ tầng trệt, căn phòng mà lúc nãy anh chồng ngồi gọi điện. Tôi bấm chuông nhưng không ai ra mở. Con bé tỏ ra bình tĩnh như thể đã quen với cảnh này. Lát sau, nó nói : « Bố mẹ cháu đi rồi.», xong nhún vai, mỉm cười. Tôi tính mang nó về căn hộ của tôi cho nó ngủ qua đêm. Con bé như đọc được ý nghĩ trong đầu tôi. « Đúng thế cô… cháu chắc là bố mẹ cháu không có nhà… » Nó muốn báo để tôi đừng phí thêm thời gian. Không muốn lương tâm bị cắn rứt, tôi tới sát cửa sổ sáng đèn và ngó vào bên trong. Căn phòng trống trơn. Tôi bấm chuông lần nữa. Cuối cùng ai đó cũng tiến lại và vào lúc mà cánh cửa hé mở rồi hắt ra một vệt sáng, khuôn mặt con bé lộ một vẻ thất vọng tột bậc. Chính là bố nó, trong áo khoác dài.
«Cô đợi lâu chưa ? anh ta hỏi tôi bằng giọng lịch lãm và dửng dưng. Cô muốn vào nhà không?»
Anh ta nói như thể chúng tôi là khách không mời mà đến. Rồi cúi xuống con bé, anh ta bảo:
«Thế nào, con đi chơi lâu đấy nhỉ?»
Nó không trả lời.
Anh ta hướng về tôi:
«Vợ tôi ăn tối ở nhà mấy người bạn. Tôi cũng đến cùng họ đây…»
Con bé con ngập ngừng chưa vào nhà. Nó nhìn tôi lần cuối và nói:«Ngày mai ạ», giọng lo âu như thể nó không chắc tôi có quay lại hay không. Bố nó thoáng mỉm cười. Rồi cửa đóng lại.
Sang bên đường, tôi đứng bất động dưới hàng cây. Trên tầng hai, cửa sổ phòng con bé sáng lên. Sau đó, tôi thấy anh ta bước ra rồi chui vội vào một chiếc xe hơi màu đen. Hẳn là con bé đang ở nhà một mình và cứ để đèn mà ngủ. Tôi nghĩ nó đã gặp may: xém chút nữa là bị nhốt ở ngoài.
7
Một chủ nhật của cái tuần mà tôi bắt đầu giữ con bé, hay cũng có thể là chủ nhật sau đó, tôi quay lại Vincennes. Tôi quyết định đến sớm hơn một chút, trước khi trời kịp tối. Lần này, tôi xuống Château-de-Vincennes, bến cuối của đường tàu. Hôm đó mùa thu nhưng trời có nắng. Một lần nữa, khi đi ngang lâu đài và bước vào phố « Tàu ngựa », tôi lại có cảm giác đang đứng ở một thị trấn tỉnh lẻ. Mỗi mình trên đường, tôi nghe xa xa, đằng sau bức tường, ở cuối phố, tiếng gõ đều đều của vó ngựa.
Thế là tôi mơ : sau nhiều năm vắng mặt, tôi bước ra khỏi tàu, trong một nhà ga nhỏ, ga «quê». Tôi không nhớ đã đọc được từ này trong cuốn truyện nào. Nó hẳn gợi lên trong tôi một cái gì đó gần gũi, hoặc một kỷ niệm. Nói cho cùng thì ngày còn bé, tôi cũng từng biết một nhà ga thôn dã, nơi tôi đã đặt chân sau một chuyến tàu từ Paris, cổ đeo mảnh giấy có ghi tên tôi.
Khối nhà cao tầng đằng xa khiến giấc mơ của tôi tan biến. «Quê» không tồn tại, thay vào đó là thị trấn ngoại ô nơi chẳng ai đợi chờ.
Tôi bước qua hàng rào sắt và gõ cửa phòng chị gác cổng. Chị ta thò đầu và có vẻ nhận ra tôi dù chúng tôi chỉ nói chuyện một lần. Hôm nay, chị mặc váy ở nhà bằng len hồng.
« Em muốn hỏi chị mấy thứ về bà… Boré… »
Tôi hơi ngần ngừ khi phát âm « Boré » và lo là chị không nhớ ra ai. Nhưng lần này, chị không cần tra danh sách dán trên cửa.
« Cái bà sống ở tầng 4 nhà A ?
– Vâng.”
Từ khi biết căn hộ của mẹ tôi ở tầng 4, tôi hay hình dung bà lê từng bước lên cầu thang. Có đêm tôi còn mơ thấy bà ngã, lúc tỉnh dậy tôi không thể biết đó là do tai nạn hay tự tử. Hoặc chính tôi đã đẩy bà.
“Hôm gì cô đã đến đây rồi đúng không?
– Vâng.”
Chị gác cổng mỉm cười. Có vẻ như tôi đã chiếm được lòng tin của chị.
“Cô biết không, bà ấy lại làm chuyện ngu xuẩn…”
Chị nói giọng dửng dưng như thể chẳng gì liên quan đến cái tên Boré còn có thể khiến chị ngạc nhiên.
“Cô là họ hàng của bà ấy ? »
Tôi sợ phải gật đầu. Và lại phải dính vào lời nguyền xưa cũng mụ già quái ác.
« Không, không phải đâu. »
Tôi kịp rút chân khỏi sình lầy.
« Em quen gia đình bà ấy. Họ nhờ em hỏi tin thôi… »
– Thế cô muốn biết tin gì? Mà quanh quẩn cũng chỉ ngần ấy thứ.”
Chị nhún vai.
“Bây giờ bà ấy thậm chí chẳng còn mở miệng với tôi. Còn không thì lại kiếm cớ mắng chửi.”
Với tôi, câu cuối này của chị có vẻ tử tế và vô hại. Trước mắt tôi hiện lên, từ những vực sâu, sau ngần ấy năm, khuôn mặt cau có với cặp mắt trợn trừng và đôi môi như chảy dãi. Giọng khản đặc, cùng những tràng chửi rủa. Ai không quen hẳn là sẽ khó tưởng tượng sự thay đổi đột ngột trên một khuôn mặt thanh tú như thế. Bỗng nhiên tôi cảm thấy lo sợ.
“Cô đến thăm bà ấy ?
– Không.
– Cô báo hộ cho gia đình là bà đang nợ tiền nhà nhé. »
Những lời này và có thể cả khu nhà mà mỗi chiều tôi đến trường đón đứa con gái nhà Valadier, khiến tôi nghĩ tới một căn hộ gần rừng Boulogne mà dù không muốn tôi vẫn còn nhớ : căn hộ mênh mông với bậc tam cấp bọc nhung lông màu trắng, bức tranh của Tola Soungouroff, phòng ngủ của tôi còn trống hơn cả phòng của cô bé kia… Lúc đó, mẹ tôi trả tiền nhà bằng cách nào ?
« Khó đuổi bà ấy lắm. Mà cả khu ai cũng biết bà ấy… Họ còn đặt cho bà ấy biệt hiệu…
– Như thế nào ?
« Họ gọi bà ấy là Người-tình-của-thần-chết. »
Chị ta nói câu này vui vẻ như thể đó là một biệt hiệu trìu mến.
« Đôi khi có cảm tưởng bà ấy chết đến nơi rồi, nhưng đùng một cái, hôm sau đã thấy nhanh thoăn thoắt và rất dễ thương, hoặc lại chơi đểu ai một cú. »
Với tôi, biệt hiệu này mang một nghĩa khác. Tôi cứ ngỡ mẹ tôi đã chết ở Ma-rốc, bây giờ thì phát hiện bà sống nhăn, ngay ngoại ô Paris.
« Bà ấy ở đây lâu chưa ?
– Lâu lắm rồi ! Từ trước khi tôi đến đây làm… Cũng phải hơn sáu năm một chút… »
Thế nghĩa là mẹ tôi đã sống trong khu nhà này khi tôi còn ở Fossombronne-la-Foret. Tôi vẫn nhớ mảnh đất hoang không xa nhà thờ nơi chỉ có cỏ dại và các bụi cây um tùm. Buổi chiều thứ năm hàng tuần, lũ trẻ con chúng tôi giải khuây bằng cách chơi trốn tìm hoặc tiến sâu vào khu rừng rậm có tên là «Bãi phát xít » đó. Dân làng từng tìm thấy ở đây một mũ cối và một áo mưa loại của quân đội đã gần tan rữa mà hẳn là một binh sĩ nào đó đã để lại vào cuối chiến tranh, nên ai cũng sợ là sẽ có ngày tìm thấy xương của anh ta. Tôi không hiểu nghĩa của từ « phát xít ». Bác Frédérique, người quen của mẹ tôi và cũng là người từng đón tôi từ ga về, đã không có nhà khi tôi đem chuyện này ra hỏi cái cô bạn tóc đen, mặt như võ sĩ quyền Anh của bác. Hẳn là cô ta tưởng tôi sợ nên muốn làm tôi yên tâm. Mỉm cười với tôi, cô ta bảo đó là cách người ta gọi dân Đức, nhưng như thế không có gì là ác miệng đâu. « Mẹ cháu cũng có biệt hiệu là « phát xít » đấy… Để đùa cho vui thôi.» Khi biết cô bạn đã tiết lộ điều này cho tôi, bác Frédérique không hài lòng, nhưng bác cũng không giải thích lời nào. Bác là bạn của mẹ tôi. Hai người có lẽ đã quen nhau vào thời mà mẹ tôi còn là « vũ nữ ». Bác tên là Frédérique Chatillon. Ngôi nhà ở Fossombronne-la-Forêt của bác lúc nào cũng tấp nập bạn bè, ngay cả khi bác vắng mặt : cô Rose-Marie, cô Jeannette, cô Madeleine-Louis, vài người nữa tôi quên mất tên và cả cái cô mặt như võ sĩ quyền Anh, cô ta cũng quen mẹ tôi thời bà làm « vũ nữ » và tôi biết là không quý bà.
« Bà ấy sống một mình ở đây ? » tôi hỏi chị gác cổng.
– Trong một thời gian dài có một ông vẫn ghé thăm bà ấy… Ông ta làm việc trong một tàu ngựa
quanh đây… Kiểu người Bắc Phi.
– Thế bây giờ ông ta thôi không ghé nữa ?
– Gần đây thì không. »
Thấy tôi hỏi lắm, chị gác cổng bắt đầu nhìn tôi dè chừng. Mấy lần tôi suýt buột miệng kể hết cho chị ta. Mẹ tôi đã đến Paris khi còn trẻ. Mẹ tôi làm nghề vũ nữ. Người ta đặt cho bà biệt hiệu là « phát xít ». Còn tôi, tôi có tên là « Bé Ngọc ». Nhưng tất cả những chuyện này quá dài và phức tạp để kể ra bây giờ.
« Vấn đề là bà ấy còn nợ tôi hai trăm quan… »
Tôi luôn mang theo tiền mặt trên người, trong một túi nhỏ bằng vải có dây buộc vào bụng. Tôi lục túi và tìm thấy một tờ một trăm quan, một tờ năm chục quan và ít xu lẻ. Tôi đưa cho chị gác cổng hai tờ giấy bạc và hứa sẽ quay lại trả nốt.
« Thật cám ơn cô.» Vừa nói chị ta vừa nhét vào túi váy mặc nhà.
Vẻ dè chừng của chị ta biến mất hoàn toàn. Lẽ ra tôi có thể đặt thêm bất cứ câu hỏi nào về Người-tình-của thần-chết.
« Còn vụ tiền nhà, khi nào cô quay lại, tôi sẽ kể cô nghe.»
Tôi không có ý định quay lại khu nhà này cho lắm. Còn có những tin gì nữa về mẹ tôi ? Mà biết để làm gì ?
« Họ cắt điện bà ấy nhiều lần. Lần nào tôi cũng nghĩ thế cũng may. Vì bà ấy sử dụng chăn điện… Nguy hiểm lắm… »
Trong óc tôi hiện lên hình ảnh mẹ tôi đang cắm vào công tắc sợi dây dài nối với chiếc chăn điện. Ngày xưa bà cũng rất khoái mấy kiểu phụ kiện có vẻ hiện đại một thời xong sau đó thì bị bỏ xó hay trở thành những thứ thường dụng. Tôi vẫn nhớ vào cái thời huy hoàng với bà hơn bây giờ, khi chúng tôi còn sống trong căn hộ gần rừng Boulogne, ai đó đã mang cho bà một cái hộp bọc da màu xanh có thể nghe đài. Sau này, tôi hiểu rằng đó là chiếc máy thu thanh bán dẫn đầu tiên.
« Cô nên khuyên bà ấy đừng sử dụng chăn điện nữa. »
Ồ không, làm gì có chuyện đơn giản thế. Mẹ tôi đã từng nghe lời khuyên tử tế nào trong đời ? Mà dù sao đi nữa thì cũng muộn cả rồi.
« Chị không biết tên cái ông từng ghé thăm bà ấy ? »
Chị ta đã giữ một lá thư của ông kia được gửi cách đây ba tháng để trả tiền nhà cho mẹ tôi. Qua khe cửa, tôi thấy chị lục lọi trong một hộp lớn giữa đống giấy tờ.
« Tôi không tìm thấy nữa… Nhưng ông ta cũng chẳng quay lại đâu… »
Chắc hẳn đó là người mà mẹ tôi đã gọi điện tối hôm nọ, từ ca-bin. Như có phép màu, mười mấy năm sau, số phận vẫn giữ được cho bà một ai đó để nương tựa. Nhưng ân nhân này cuối cùng cũng phát nản vì bà. Thời mà người ta gọi tôi là « Bé Ngọc », đã có những lúc bà đóng cửa ngồi trong phòng riêng cả tháng liền, cắt hẳn với thế giới bên ngoài, không gặp ai, ngay cả tôi, và sau một thời gian, tôi không cũng chẳng biết bà còn đó hay đã bỏ rơi tôi trong căn hộ mênh mông.
« Nhà bà ấy bên trong thế nào ?
– Hai phòng nhỏ, bếp và buồng tắm.
Rất nhiều khả năng là đệm đặt ngay trên sàn, gần công tắc, để có thể cắm chiếc chăn điện.
« Cô nên leo lên tầng. Bà ấy sẽ bất ngờ lắm khi có ai ghé thăm… »
Nếu chúng tôi mà đối diện với nhau, bà hẳn sẽ chẳng biết tôi là ai. Bà đã quên Bé Ngọc và tất cả hy vọng đặt ở tôi vào cái thời mà chính bà gọi tôi bằng biệt hiệu này. Thật không may cho bà, tôi đã không trở thành một nghệ sĩ lớn.
« Cô có thể giúp tôi một việc ? »
Chị gác cổng tìm trong hộp giấy tờ lúc nãy và đưa cho tôi một phong bì.
« Đây là thư nhắc tiền nhà. Tôi không dám đưa cho bà ấy, sợ lại bị nghe chửi. »
Tôi cầm lấy phong bì và đi ra sân.
Vào lúc chuẩn bị bước qua lối vào cầu thang A, tôi cảm thấy một khối nặng đè lên ngực trái khiến tôi không thể thở. Đó là một cầu thang có bậc làm bằng xi-măng và tay vịn bằng sắt giống như ở trường học hay bệnh viện. Mỗi hành lang có một ô kính rất lớn tỏa ánh sáng rực rỡ gần như màu trắng. Tôi dừng lại ở tầng đầu tiên, mỗi đầu là một cửa, và ở giữa có một cửa nữa, tất cả đều bằng gỗ sẫm, ghi tên người thuê nhà. Tôi cố lấy hơi, nhưng cái khối kia trở nên ngày càng nặng và tôi sợ sẽ bị nó làm cho nghẹt thở. Thế là để đỡ sợ, tôi thử đoán xem tên nào được ghi trên cửa nhà mẹ tôi. Tên thật của bà hay nghệ danh ? Hay đơn giản là « phát xít » hoặc « Người-tình-của-thần-chết ». Thời mà tôi có tên là « Bé Ngọc » và đi về một mình trong căn hộ gần rừng Boulogne, tôi thường dừng lại một lúc lâu trong thang máy. Nó được bảo vệ bằng một lớp lưới màu đen, và muốn bước vào cần phải đẩy hai cánh cửa kính. Bên trong có một chiếc ghế băng nhỏ bọc da màu đỏ, xung quanh cũng lắp thủy tinh trong suốt và trên trần là một chiếc đèn hình cầu. Trông nó giống một căn phòng nhỏ. Đó là cái thang máy mà tôi nhớ rõ nhất trong đời.
Ở tầng tiếp theo, một lần nữa tôi cảm thấy khối nặng đè lên ngực trái. Thể là tôi thử nhớ lại cầu thang khu nhà gần rừng Boulogne, vì ngoài thang máy, còn có cả thang leo bộ. Thảm đỏ rất dày và có những thanh đồng chặn lại ở từng bậc. Mỗi tầng chỉ có một cửa lớn duy nhất, gồm hai cánh và trắng phau.
Cơn chóng mặt ập đến. Tôi lùi xa tay vịn, gần như tựa lưng vào tường. Tai tôi lại vang lên tiếng chị vợ Valadier, hay Véra, nói với tôi về đứa con gái : «Ban đêm, nó hay đi dạo một mình quanh khu nhà… Nó muốn tập chống lại nỗi sợ… » Thì tôi cũng đang thế đây, tôi cũng giống con bé. Tôi sẽ tiếp tục leo, lên tận nhà Người-tình-của-thần-chết và tôi sẽ nhấn những đợt chuông ngắn cho tới khi bà phải tiếp tôi. Và khi cửa mở ra, tôi sẽ lấy lại bình tĩnh và nói với bà bằng một giọng dửng dưng : « Bà không nên sử dụng chăn điện… Thật là ngốc… » . Rồi bằng ánh mắt lạnh lùng, tôi sẽ quan sát sự giận dữ khiến mặt bà tái đi và méo xệch. Tôi nhớ là bà không khoái khi bị nhắc những chuyện vật chất vặt vãnh. Nhưng lúc ấy bà sống trong căn hộ mênh mông và muốn tỏ ra bí hiểm.
Tôi lên tới tầng bốn. Trên này cũng có ba cửa, nhưng sơn đã tróc, cũng như sơn của tường, một màu be xấu xí. Trên trần, một bóng đèn đang bật sáng. Ở cánh cửa bên trái, một tờ giấy kẻ ô được gián bằng băng keo, ghi mấy chữ viết tay to kềnh, bằng mực đen: BORE.
Tôi cảm giác đã không leo lên cầu thang mà đi xuống một cái giếng. Phải mất mười mấy năm để tấm cửa hai cánh trắng phau chuyển thành cái cửa cũ kỹ và tróc sơn đang đối diện với tôi, dưới ánh đèn điện nhợt nhạt, và tấm biển nhỏ mạ vàng khắc hàng chữ « NỮ CÔNG TƯỚC SONIA O’DAUYE » bị thay bởi một tờ giấy học trò vạch mỗi cái tên dân dã « BORE ».
Tôi đứng chôn chân trước cửa, không bấm chuông. Hồi đó, tôi thường về nhà một mình và bấm chuông căn hộ gần rừng Boulogne, nhưng chẳng ai ra mở. Thế là tôi đi xuống cầu thang và gọi điện từ một quán cà phê cách đó không xa, trên đại lộ. Ông chủ và khách hàng nhìn tôi thân thiện. Có vẻ như họ đều biết tôi. Họ đã hỏi được ai đó. Một hôm, một người trong bọn họ nói « Đó là đứa nhỏ nhà 129. » Tôi không có tiền nhưng ông chủ không bắt tôi phải trả phí điện thoại. Tôi bước vào ca-bin. Máy điện thoại treo cao quá nên tôi phải kiễng chân và quay : PASSY 1528. Nhưng đầu kia, căn hộ của nữ công tước Sonia O’Dauyé, không ai nhấc máy.
Trong một khoảnh khắc, tôi suýt nữa giơ tay bấm chuông. Tôi gần như chắc là mẹ tôi sẽ ra mở cửa. Đầu tiên đó là vì chỗ ở bây giờ quá bé nên tiếng chuông không rơi vào khoảng không như trong căn hộ phòng nối phòng Passy 1528. Ngoài ra thì khách khứa hiếm hoi, nên bà chỉ rình xem có cơ hội nào để đỡ ru rú một mình. Hoặc bà vẫn hy vọng người đàn ông kia quay lại thăm bà, dù ông ta đã biến thẳng từ vài tháng nay… Nhưng cũng chẳng biết đâu, những cơn cô độc vẫn thỉnh thoảng túm lấy bà, khiến bà tự giam mình trong nhà hay biến đi đâu nhiều ngày liền, những cơn cô độc ấy sau hơn chục năm còn trở nên trầm trọng hơn.
Tôi đặt phong bì lên tấm thảm chùi chân, rồi nhanh chóng quay ra cầu thang, cứ qua một tầng lại thấy nhẹ nhõm hơn, như thể vừa thoát một cơn nguy khốn. Xuống đến sân, tôi ngạc nhiên là mình vẫn còn thở. Cảm giác nhẹ nhõm khi đi trên mặt đất hay một vỉa hè yên ổn. Lúc nãy, trước cánh cửa đó, chỉ xém một chút thôi là tôi trượt chân vào bùn.
*
Tôi còn đủ tiền lẻ để đi tàu. Vào trong toa, tôi gần như ngã xuống ghế. Sự khoan khoái mà tôi cảm thấy khi rời xa khu nhà mẹ tôi giờ đây được thay thế bởi sự mệt mỏi rã rời. Tôi không tài nào xóa được cảm giác bất ổn dù cố tự thuyết phục rằng người đàn bà có biệt hiệu « Người-tình-của-thần-chết » chẳng còn liên quan gì tới tôi và nếu phải đối diện với nhau thì bà cũng chẳng nhận ra tôi. Để tàu chạy qua bến Nation nơi lẽ ra tôi phải xuống để đổi sang hướng khác, tôi quyết định ra khỏi tàu và bước lên mặt đất.
Tôi đứng trước nhà ga Lyon. Trời đã tối. Kim của chiếc đồng hồ khổng lồ trên nóc nhà ga chỉ năm giờ. Tôi thèm được trèo lên một con tàu và sáng mai thức dậy ở phía Nam. Ra khỏi khu nhà đó và không bấm chuông cửa mẹ tôi thì đâu có đủ. Cần phải rời Paris càng nhanh càng tốt. Nhưng tôi không còn đồng nào mà mua vé sau khi đưa chị gác cổng hết số tiền tôi có trong túi. Sao lại có ý muốn trả nợ cho mẹ tôi được nhỉ… Nhưng tôi nhớ rằng trong căn hộ gần rừng Boulogne, tôi là kẻ duy nhất mà mẹ tôi gọi khi đau ốm. Sau những ngày dài biệt tăm, bà đột ngột xuất hiện, khuôn mặt sưng và ánh mắt nhớn nhác. Lần nào cũng thế. Đúng vào 5 giờ chiều. Và đúng ở chỗ đó. Trong phòng khách, trên bậc tam cấp bọc nhung lông màu trắng tạo thành một cái bục được bày nhiều gối tựa. Bà nằm duỗi dài trên những chiếc gối đó, tay che mặt. Khi nghe thấy tôi tiến lại, bà nói với tôi, bao giờ cũng là câu : « Bóp mắt cá chân cho mẹ ! ». Sau này, ở Fossombronne-la-Forêt, tôi thường giật mình tỉnh giấc. Trong giấc mơ tôi nghe thấy cái giọng khàn khàn đó bảo tôi : « Bóp mắt cá chân cho mẹ ! » Trong vài khoảnh khắc, tôi ngỡ mình vẫn đang ở trong căn hộ đó. Và tất cả lại bắt đầu như cũ.
Tôi không đủ dũng cảm để quay lại tàu điện ngầm mà thích đi bộ về nhà hơn. Nhưng mải suy nghĩ nên tôi đi hú họa. Lát sau tôi phát hiện ra là đã bị lạc trong mấy con phố cắt nhau nơi có nhiều khối nhà cao tầng. Đi hết một trong mấy con phố đó, lại vẫn là đại lộ Diderot, hành khách tấp nập qua lại và một tấm biển nhấp nháy ghi « Cà phê Européen ».
Khách sạn Terminus. Tôi tự nhủ lẽ ra đêm nay tôi nên thuê phòng trong khu này. Cuộc đời sẽ thay đổi hoàn toàn nếu ta sống gần nhà ga. Ta sẽ có cảm giác rằng chỉ là khách qua đường và chẳng có gì là vĩnh viễn. Không ngày này thì ngày khác, ta sẽ bước lên tàu. Nhà ga, đó là khu phố mở ra tương lai. Thế nhưng chiếc đồng hồ khổng lồ trên nóc nhà ga như gợi cho tôi điều gì xa xưa. Tôi tin rằng chính nhờ nó mà tôi đã học cách đọc giờ thưở còn có tên là Bé Ngọc. Ở tuổi đó, tôi đã tự đi tàu điện ngầm một mình. Thẳng từ bến Porte-Maillot đến bến Gare-de-Lyon. Tôi cứ lần lượt đếm đúng mười bốn bến để không bị lạc, và ra khỏi tàu ở ga Lyon như lúc nãy. Bước hết cầu thang, lên tới mặt đất, tôi nhìn về phía chiếc đồng hồ kia để kiểm tra xem có bị chậm giờ. Bác ấy thường đợi tôi ở ngay lối lên. Hoặc đôi khi trước quán cà phê Européen. Bác là anh ruột hay anh cùng cha khác mẹ của mẹ tôi. Chính bà giới thiệu thế với tôi. Tôi cũng hay nghe bà nói với người khác qua điện thoại : «Anh tôi sẽ lo vụ này… Tôi sẽ gửi anh tôi đến… ». Khi bà vắng mặt thì bác thỉnh thoảng trông nom tôi. Bác ngủ lại trong căn hộ của chúng tôi và buổi sáng đưa tôi đi học. Nhưng rất nhanh sau đó, tôi tự đến trường một mình và ngày càng ít hơn. Vào thứ Năm và Chủ Nhật, tôi phải đến tận nhà ga Lyon này để tìm bác. Hồi đầu, sáng sáng bác còn đến căn hộ đón tôi. Nhưng mẹ tôi nói bác đừng mất công như thế vì tôi có thể đi tàu điện ngầm một mình… Tôi tin là bác không dám trái lời và tuy không nói ra, nhưng bác vẫn ngấm ngầm đợi tôi dưới cửa.
Đã lâu lắm rồi tôi mới quay lại khu phố này. Bác có còn sống ở đây nữa không ? Chúng tôi thường đi theo hướng ngược với nhà ga, rẽ trái rồi bước dọc một trong mấy con đường nhỏ lúc nãy, cuối cùng đâm thẳng vào một đại lộ hai vỉa hè có trồng cây. Chính tại đây mà bác dẫn tôi vào một xưởng chữa xe luôn luôn trống trơn. Chúng tôi bước lên cầu thang dẫn đến căn hộ, đi qua tiền sảnh tới một phòng ở giữa kê bộ bàn ăn. Họ của bác không giống họ của mẹ tôi, tuy hai người trên danh nghĩa là anh em. Họ bác là Borand, còn tên là Jean. Trong hộp bánh qui có ảnh của bác và tôi ngay lập tức nhận ra. Tên bác ghi đằng sau tấm ảnh, bằng bút chì.
Tôi vẫn cảm thấy khối nặng kia bóp nghẹt tôi. Giá mà tôi có thể nghĩ sang chuyện khác. Nhưng dầu sao thì bác Jean Borand cũng đã tử tế với tôi. Bác không phải là một kỷ niệm xấu như mẹ tôi. Giờ đây tôi đã tới đại lộ Daumesnil, trông nó rất giống đại lộ nơi có xưởng chữa xe của bác. Tôi vừa đi vừa ngó hai bên đường. Hẳn là tôi có thể bước vào và xin được nói chuyện với « Ông Jean Borand ». Nếu bác đúng như những gì còn lại trong trí nhớ của tôi, thì tôi tin rằng bác sẽ vui vẻ tiếp tôi. Cũng có thể bác không nhận ra, nhưng nhất định còn nhớ tôi. Bác có phải là bác ruột của tôi không ? Dù thế nào thì mỗi bác mới là người có khả năng trả lời câu hỏi này. Thật không may, tôi xem xét tất cả các mặt tiền cả hè trái lẫn hè phải mà không thấy xưởng chữa xe nào. Thế là hết cả cột mốc. Một lần, cũng trong khu này, bác đã dẫn tôi đến rạp xi nê. Đó là lần đầu tiên tôi được đi xem phim. Rạp có vẻ rộng và hôm đó chiếu « Ngã tư của lính bắn cung », bộ phim mà tôi đóng một vai nhỏ cùng mẹ tôi một thời gian trước. Tôi chẳng nhận ra mình trên màn ảnh, nhất là khi nghe thấy giọng tôi thì tôi tin rằng Bé Ngọc là một đứa trẻ khác chứ không phải tôi.
Tôi thật đã không đúng khi nghĩ về những chuyện đó, ngay cả về bác Jean Borand. Bác đâu có lỗi gì ngoài việc đã có mặt trong đoạn đời đó của tôi. Lẽ ra tôi không nên leo cầu thang lên tận cửa nhà mẹ tôi. Giờ đây tôi bước hú họa, hy vọng sẽ đến được quảng trường Bastille mà chui xuống tàu điện ngầm. Tôi cố tự trấn an. Lát nữa, về tới căn phòng của tôi, tôi sẽ gọi điện cho Moreau-Badmaev. Tối chủ nhật hẳn anh ta có nhà. Tôi sẽ đề nghị anh ta đến ăn tối trong quán cà phê quảng trường Blanche. Tôi sẽ giải thích tất cả, về mẹ tôi, bác Jean Borand, căn hộ gần rừng Boulogne, và về đứa trẻ có tên là Bé Ngọc. Tôi vẫn là đứa trẻ đó, như thể Bé Ngọc đã bị cho vào tủ đá, đóng thành băng, không mảy may thay đổi. Còn nguyên nỗi kinh hoàng đó túm lấy tôi giữa phố và khiến tôi choàng dậy vào 5 giờ sáng. Đã có những khoảng thời gian dài yên tĩnh mà sau đó tôi cũng quên được tất cả. Nhưng giờ đây khi phát hiện ra mẹ tôi không chết, tôi chẳng biết phải phản ứng thế nào. Trên tấm biển màu xanh nước biển, tôi đọc thấy: đại lộ Ledru-Rollin. Nó cắt một con phố mà đi đến cuối lại nhìn thấy đám hành khách đang rầm rập ra vào và mặt kính lung linh của chiếc đồng hồ khổng lồ. Hóa ra tôi đi lòng vòng từ nãy đến giờ và vừa quay lại điểm xuất phát. Nhà ga này là một thỏi nam châm hút lấy tôi. Đó là sự đưa đẩy của số phận. Tôi phải lên tàu ngay lập tức và CẮT CẦU. Hai từ này thình lình chui vào đầu tôi mà không cách nào gạt ra. Tuy thế, chúng mang cho tôi chút dũng cảm. Vâng, đã đến lúc phải CẮT CẦU. Nhưng thay vì đi về phía ga, tôi tiếp tục men theo đại lộ Ledru-Rollin. Trước khi cắt cầu, phải đi tới tận cùng, dù không biết rõ « tận cùng » có nghĩa là gì. Tối chủ nhật, đại lộ vắng tanh, nhưng càng bước, càng thấy âm u như thể tôi đang đeo kính râm. Tôi tự hỏi có phải thị lực bị giảm. Vỉa hè bên trái, một biển hiệu hình chữ thập màu xanh lá cây nhấp nháy trong bóng tối bịt bùng. Một hiệu thuốc đến phiên trực chủ nhật. Trời tối đến độ tôi không còn khái niệm thời gian. Qua cửa kính, tôi thấy sau quầy là một người phụ nữ mặc áo choàng trắng, búi tóc gọn ghẽ sau gáy tương phản với đường nét mềm mại trên mặt. Bà đang sắp xếp giấy tờ và thỉnh thoảng ghi lại bằng bút bi. Biết thế nào cũng bị phát hiện, nhưng tôi không sao kìm được. Không thể hình dung một cơn giận nào đó có thể khiến khuôn mặt kia méo lại và cái miệng chu vào để la hét. Trông bà bình thản và duyên dáng dưới ánh đèn ấm nóng mà tôi từng biết ở Fossombronne-la-forêt các buổi tối. Tôi đẩy cửa bước vào. Một tiếng chuông báo động trong trẻo vang lên. Bà ngẩng đầu. Tôi tiến lại, nhưng không biết nói gì.
« Cháu bị mệt ? »
Tôi vẫn không thốt lên lời. Và khối nặng kia vẫn khiến tôi ngạt thở. Bà đi về phía tôi.
« Trông cháu xanh quá … »
Bà cầm lấy tay tôi. Hẳn là tôi đã khiến bà hoảng sợ. Ấy thế mà tôi vẫn cảm thấy bàn tay kia đang bóp lấy tay tôi.
« Cháu ngồi xuống đây… »
Bà dẫn tôi ra sau quầy, vào một căn phòng có kê chiếc ghế bành bọc da đã cũ. Tôi ngồi xuống và bà đặt tay lên trán tôi.
« Cháu không sốt… Nhưng tay rất lạnh…Có chuyện gì vậy ? »
Từ bao năm nay tôi giữ hết trong lòng chẳng kể cho ai.
« Cháu không biết giải thích thế nào.
– Sao vậy ?
Nước mắt tôi tự nhiên trào ra. Tôi đã không khóc từ sau cái chết của con chó. Tính ra cũng hơn chục năm.
« Cháu mới trải qua một cú sốc ?
– Cháu vừa gặp lại một người mà cháu tin là đã chết.
– Một người thân của cháu ?
– Nhưng không có gì quan trọng đâu. Chỉ là do cháu bị mệt thôi… »
Bà đứng lên. Có tiếng một ngăn kéo mở rồi đóng lại. Tôi vẫn ngồi trên ghế và không cảm thấy cần phải đi đâu.
Bà đã quay trở lại, trên người là một chiếc áo len màu xám đậm và một chiếc váy dài, sau khi đã cởi áo choàng. Bà đưa cho tôi một ly nước dưới đáy có một viên thuốc màu đỏ đang tan và sủi bọt. Bà ngồi xuống thành chiếc ghế bành, ngay cạnh tôi.
« Cứ đợi cho thuốc tan. »
Tôi không thể không ngó chằm chằm vào thứ nước kỳ lạ kia.
« Cái gì đấy ? Tôi hỏi.
– Một thứ có lợi cho cháu. »
Bà lại cầm lấy tay tôi.
« Tay cháu thường xuyên lạnh thế này ? »
Cách bà nhấn mạnh vào từ « lạnh » bỗng dưng khiến tôi nhớ tới tựa một cuốn sách mà bác Frédérique thường đọc cho tôi vài trang mỗi tối, ở Fossombronne, khi tôi lên giường đi ngủ : « Những đứa con của lạnh lùng ».
Tôi uống một hơi hết ly nước có vị đắng đó. Thưở bé, tôi còn uống những thứ đắng hơn nhiều.
Bà ra ngoài lấy một chiếc ghế đẩu để tôi có thể đặt chân lên.
« Cứ ngồi nghỉ đi ! Chắc là cháu cảm thấy không được thoải mái. »
Bà giúp tôi cởi áo khoác, kéo phéc-mơ-tuya rút đôi ủng khỏi chân tôi, rồi ngồi xuống bắt mạch cho tôi. Một cảm giác yên ổn khi bà bấm vào cổ tay tôi. Có thể tôi sắp thiếp đi và cái viễn cảnh đó mang lại cho tôi sự dễ chịu, một cảm giác mà tôi từng biết khi được các bà sơ gây mê bằng ê-te. Chuyện đó xảy ra ngay trước thời mà tôi sống với mẹ tôi trong căn hộ gần rừng Boulogne. Tôi là học sinh nội trú. Bây giờ tôi không còn nhớ tại sao hôm đó tôi lại đứng đợi ngoài phố. Chẳng ai đến đón tôi. Thế là tôi tự qua đường và bị một chiếc xe tải nhỏ va phải, gây một vết thương ở mắt cá chân. Người ta đặt tôi nằm lên mui xe và chở đến một căn nhà không xa lắm. Rồi tôi thấy tôi nằm trên giường, xung quanh là các bà sơ. Một bà cúi xuống, đầu đội mũ trắng và cho tôi hít ê-te.
« Cháu sống ở khu này ? »
Tôi trả lời là tôi sống ở phía quảng trường Clichy và tôi đã định xuống tàu điện ngầm về nhà thì thấy chóng mặt. Suýt nữa tôi kể cho bà rằng tôi vừa ghé khu nhà mẹ tôi đang sống ở ngoại ô Vincennes, nhưng để giải thích tất cả chuyện này cần phải ngược lại quá khứ rất xa, có thể là tận cái buổi chiều đó khi tôi đứng đợi trước cổng trường, một ngôi trường mà giờ đây tôi muốn biết chính xác nằm ở đâu. Tất cả mọi người sắp về hết rồi, vỉa hè dần dần trống trơn, cửa trường đã đóng. Tôi cứ đứng đó đợi mà không ai đến đón. Nhờ ê-te tôi không còn cảm thấy đau ở mắt cá chân và thiếp đi. Một hoặc hai năm sau, trong một phòng tắm của căn hộ gần rừng Boulogne, tôi tìm được một lọ ê-te và mê mẩn trước màu xanh như bóng đêm của nó. Mỗi khi mẹ tôi rơi vào khủng hoảng không còn muốn gặp ai và bảo tôi mang đồ ăn vào phòng riêng hay bóp mắt cá chân cho bà, là tôi lại bỏ lọ ê-te ra ngửi để lên tinh thần. Tất cả những chuyện này giải thích sẽ rất dài. Tôi im lặng, chân vẫn duỗi trên ghế đẩu.
« Cháu có cảm thấy khá hơn ? »
Tôi chưa từng gặp ai vừa dịu dàng vừa kiên quyết như thế. Tôi có nên kể mọi điều ? Mẹ tôi có chết ở Ma-rốc ? Càng lục lọi chiếc hộp sắt kia, nỗi nghi ngờ càng gieo sâu vào tôi. Thứ khiến tôi khó chịu là những tấm ảnh, đặc biệt là tấm mà mẹ tôi đưa tôi đi chụp trong một hiệu gần Khải Hoàn Môn do ông phó nháy vừa mới chụp cho bà một bộ riêng. Tôi nhớ như in buổi chiều hôm đó. Tôi được dẫn vào ngay đầu tiên. Trên tấm ảnh, tôi thấy lại những phụ kiện và chi tiết đã ám ảnh tôi, như thể tôi bị dí một thanh sắt nung vào trán. Váy tuyn dài thắt lại ở eo, chiếc coóc-sê khít chặt vào ngực và chất vải mỏng tạo cho mẹ tôi, dưới ánh đèn chiếu màu trắng, dáng vẻ của một nàng tiên rởm. Còn tôi, cũng mặc váy, không khác gì một đứa trẻ thiên tài rởm, một con thú đáng thương của rạp xiếc. Một chú cún cảnh. Sau ngần ấy năm, nhìn lại tấm ảnh này, tôi hiểu ra rằng nếu mẹ tôi cứ kiên quyết đẩy tôi vào con đường đó, thì bởi vì bà có ảo tưởng là có thể bắt đầu lại từ con số 0. Bà thất bại, nhưng tôi, tôi phải thành một ngôi sao. Bà có chết thật không ? Mối đe dọa luôn lởn vởn trên đầu. Nhưng giờ đây tôi may mắn có được người mà tôi có thể giải thích mọi điều. Tôi sẽ chẳng cần mở miệng mà chỉ đưa những tấm ảnh.
Tôi đứng lên khỏi ghế bành. Lúc này là lúc phải nói một điều gì đó, nhưng tôi không biết bắt đầu từ đâu.
« Cháu có chắc là chân đã vững ?
Vẫn ánh mắt chăm chú và cái giọng nhẹ nhàng. Bà và tôi cùng đi ra phía quầy thuốc.
« Cháu nên đi khám. Có thể cháu bị thiếu máu. »
Bà mỉm cười nhìn thẳng vào mắt tôi.
« Bác sĩ sẽ cho cháu tiêm vitamin B12… Nhưng cô không cho cháu ngay bây giờ… Cháu quay lại gặp cô sau… »
Tôi cứ đứng như thế, đối diện bà. Tôi cố làm chậm lại cái khoảnh khắc mà tôi phải rời khỏi đây và lại một thân một mình.
« Cháu về bằng cách nào ?
– Tàu điện ngầm ạ. »
Vào giờ đấy tàu rất đông. Dân tình trở về sau một buổi xem phim hay dạo chơi trong khu trung tâm. Tôi không cảm thấy đủ dũng cảm để xuống tàu về tới tận căn phòng của mình. Lần này chắc chắn là tôi sẽ bị lạc. Ngoài ra, còn điều này : nếu buộc phải đổi tàu ở bến Châtelet, tôi không muốn liều mạng rơi vào chiếc măng-tô vàng lần nữa. Tất cả sẽ lặp lại, vẫn những chỗ đó, những giờ đó, cứ thế thôi. Tôi đã bị cái vòng quay cũ túm lấy rồi.
« Cô sẽ đi cùng cháu.»
Bà đã kịp cứu tôi trong chốc lát.
Bà tắt đèn và khóa hiệu thuốc. Chữ thập màu xanh vẫn tiếp tục nhấp nháy. Chúng tôi bước cạnh nhau, nhưng tôi chưa quen với điều này đến độ không tin vào nó lắm và chỉ sợ lại tỉnh mộng rồi bật giật trên giường. Bà bước đi, tay đút trong túi áo choàng lông và cao lớn hơn tôi. Tôi thèm được khoác tay bà.
« Cháu đang nghĩ gì ? », bà hỏi tôi.
Rồi chính bà khoác lấy tay tôi. Đến ngã tư nơi tôi đã qua lúc nãy, chúng tôi đi dọc một con phố, cuối cùng thì nhìn thấy nhà ga Lyon và chiếc đồng hồ khổng lồ trên nóc.
« Cháu nghĩ là cô quá tốt và cháu đang làm mất thời gian của cô. »
Bà quay mặt về phía tôi, cổ áo lông chạm vào má.
« Cháu không làm mất thời gian của cô. »
Bà ngập ngừng rồi nói tiếp :
« Cô tự hỏi là cháu có cha mẹ không ? »
Tôi trả lời là tôi có mẹ đang sống ở ngoại ô.
« Thế còn cha cháu ? »
Cha tôi ? Cũng thế thôi, có thể ông ấy đang ở một nơi nào đó ngoài ngoại ô, hay giữa Paris, hay một chỗ nào đó rất xa trên thế gian rộng lớn này. Hoặc cũng có thể đã chết từ lâu.
« Cháu sinh ra không có cha.»
Tôi nói câu này bằng một giọng bình thản để bà không cảm thấy ngại. Hơn nữa, tôi không có thói quen tâm sự.
Bà im lặng. Những chuyện buồn bã xám xịt của tôi đã khiến bà sốc. Tôi cố tìm một chi tiết vui hơn, một gam màu sáng.
« Nhưng cháu may mắn được bác cháu nuôi. Bác cháu quý cháu lắm. »
Và câu này không phải là sai hoàn toàn. Trong vòng một hay hai năm, thứ Năm nào bác Jean Borand cũng chăm sóc tôi. Một lần, bác còn đưa tôi đến hội chợ phiên, không xa nhà bác lắm. Bác là bác của tôi ? Mà nói cho cùng thì bác cũng có thể là cha đẻ của tôi. Vào thời của căn hộ gần rừng Boulogne, mẹ tôi đã xóa đi các dấu vết và tô hồng hiện thực… Có hôm bà bảo tôi là bà không thích « những thứ tầm thường » dù tôi không hiểu ý bà cho lắm. Thời mà chúng tôi ở trong căn hộ đó, tên bà không còn là Suzanne Cardères, mà là nữ công tước Sonia O’Dauyé.
« Cháu không muốn cô phát chán vì những chuyện gia đình của cháu. »
Bà vẫn khoác tay tôi. Chúng tôi đi đến nhà ga Lyon, gần bến tàu điện ngầm. Thế là xong. Bà sắp để tôi lại trước bậc thang đi xuống.
« Cô sẽ đưa cháu về bằng tắc-xi.»
Bà kéo tôi ra phía nhà ga. Tôi ngạc nhiên đến nỗi không biết phải cám ơn thế nào. Dọc theo vỉa hè là một dãy dài tắc-xi. Ông tài xế đợi chúng tôi đưa địa chỉ. Cuối cùng tôi cũng nói được câu :
« Quảng trường Blanche.»
Bà hỏi tôi đã sống ở khu này lâu chưa. Không, mới được vài tháng thôi. Một căn phòng trong một phố nhỏ. Một nơi từng là khách sạn. Giá thuê không đắt lắm. Hơn nữa, tôi cũng tìm được việc… Tắc-xi men theo những kè sông và những con đường vắng tanh của tối chủ nhật.
« Cháu cũng phải có bạn chứ ? »
Khi còn làm ở tiệm « Ba khu phố », tôi được một chị đồng nghiệp lên là Muriel giới thiệu cho một nhóm bạn mà chị ấy giao du tối thứ Bảy hàng tuần. Tôi tham gia với họ một thời gian ngắn. Chúng tôi thường đến quán ăn và đi nhảy. Họ là nhân viên bán hàng như tôi và Muriel, hay đang tập sự ở thị trường chứng khoán, xưởng nữ trang, tiệm bán xe hơi. Có những người là sếp nhỏ của cửa hàng. Một trong số họ dường như thú vị hơn những kẻ kia và tôi đã đi chơi lẻ với anh ta. Anh ta mời tôi ăn quán và xem phim cổ của Mỹ trong một rạp tên là Studio 28 nằm ở khu Montparnasse. Một đêm, từ rạp ra, anh ta dẫn tôi đến một khách sạn gần Châtelet, và tôi để anh ta làm việc đó. Về nhóm bạn và những lần đi chơi cùng anh ta, giờ đây trong tôi chỉ là một kỷ niệm mơ hồ. Điều ấy chẳng khiến tôi nghĩ ngợi. Thậm chí tôi quên cả tên anh ta, chỉ nhớ mỗi họ là Wurlitzer.
“Cháu không còn nhiều bạn lắm.
– Đừng ở một mình như thế. Nếu không, cháu sẽ không chống nổi những ý nghĩ u ám…”
Bà quay mặt về phía tôi, trên môi bà là một nụ cười có vẻ tinh nghịch. Tôi không dám hỏi tuổi bà. Có thể bà hơn tôi khoảng mươi, mười lăm tuổi, cỡ tuổi mẹ tôi thời chúng tôi sống ở căn hộ gần rừng Boulogne và chụp hai tấm ảnh đó. Dù sao thì đi chết ở Ma-rốc cũng là một ý tưởng kỳ quái. “ Mẹ cháu không xấu bụng, chỉ là không may thôi.” Bác Frédérique đã nói với tôi như thế vào một tối khi chúng tôi nhắc đến mẹ tôi. Mẹ tôi đã lên Paris từ bé để học múa cổ điển ở trường Opera. Đó là mối quan tâm duy nhất của bà. Thế rồi bà bị thương ở mắt cá chân và phải dừng học múa. Hai mươi tuổi, bà là vũ nữ, nhưng cho những vở tạp kịch mờ ám ở Ferrari, Préludes, Cối xay gió Xanh, những cái tên mà tôi từng nghe thấy trong các cuộc trò chuyện của họ, từ miệng của cái cô tóc đen có khuôn mặt như võ sĩ quyền Anh, cô ta không quý mẹ tôi và cũng làm việc ở những nơi đó. Bác Frédérique nói với tôi: “Do mắt cá chân của mẹ cháu, cháu thấy đấy, như con ngựa chiến què sắp bị mang đến lò mổ.”
Bà nghiêng đầu về phía tôi : “Hãy cố xua đi nỗi u sầu. Nhắm mắt lại và nghĩ đến những điều dễ chịu.” Lúc đó, tắc xi đi ngang phố Rivoli, trước bảo tàng Louvre và dừng lại ở đèn đỏ, dù đường phố chẳng một bóng xe lẫn khách bộ hành. Bên phải, một biển hiệu sáng đèn của một câu lạc bộ nhạc Jazz, lang thang trên mặt tiền màu đen của các tòa nhà. Nhưng nhiều chữ cái bị tắt điện, nên không thể đọc được tên của câu lạc bộ. Tôi từng đến đây một lần vào tối chủ nhật với nhóm bạn, dưới tầng hầm nơi có một dàn nhạc xưa biểu diễn. Nếu bữa đó chúng tôi mà không ghé, thì họ chẳng biết chơi đàn cho ai. Khoảng nửa đêm, khi rời khỏi tầng hầm với Wurlitzer, tôi tin là tôi cảm nhận tất cả nỗi cô độc của mình. Con phố Rivoli vắng như hoang mạc, cái lạnh đêm tháng Giêng… Anh ta rủ tôi vào khách sạn. Tôi biết khách sạn này, một cầu thang dốc ngược và mùi ẩm mốc. Đó là loại khách sạn mà mẹ tôi phải dạt vào khi bằng tuổi tôi, cũng những buổi tối chủ nhật như tối nay, khi bà còn tên là Suzanne Cardères. Tôi nghĩ thế và tôi tự hỏi lý do gì mà tôi phải lập lại những chuyện này. Thế là tôi bỏ chạy, dưới những mái vòm của phố Rivoli.
Tôi nói tài xế tắc-xi cho dừng xe trên đại lộ, ở góc phố. Đó là lúc chúng tôi phải chia tay, tôi nói với bà:
“Cám ơn cô đã đưa cháu về”
Tôi cố tìm cái cớ nào đó để trì hoãn. Thực ra thì đâu đã muộn lắm. Chúng tôi có thể ăn tối ở quảng trường Blanche. Cuối cùng chính bà có sáng kiến:
“Cô muốn biết nơi ở của cháu.”
Chúng tôi ra khỏi tắc-xi. Lúc rẽ vào phố, tôi bỗng có cảm giác nhẹ nhõm một cách kỳ lạ. Đây là lần đầu tiên tôi đi trên con đường này với ai đó. Thường thường, vào ban đêm, về nhà một mình, bước đến góc phố Coustou, tôi hay rơi vào ý nghĩ là đã rời hiện thực để trôi tới một nơi mà thời gian đã dừng. Và tôi sợ sẽ không còn vượt qua được đường biên theo chiều ngược lại, để quay về quảng trường Blanche nơi mà cuộc sống tiếp diễn. Tôi tự nhủ rằng mình sẽ mãi mãi là tù nhân của con phố và căn phòng này như Người đẹp ngủ trong rừng. Nhưng tối đó, tôi không lẻ loi, xung quanh tôi chỉ còn là một khung cảnh vô hại được làm bằng các-tông tổng hợp. Chúng tôi bước trên vỉa hè phải. Lần này thì tôi là người khoác tay bà. Bà có vẻ không ngạc nhiên chút nào khi đến đây. Chúng tôi men theo khu nhà nằm ở đầu phố, ngang một quán nhảy có lối vào được chiếu đèn mờ. Bà ngước nhìn tấm biển ghi hàng chữ màu đen: “Hư vô”.
“Cháu đã vào đây ?”
Tôi trả lời là chưa.
« Chắc cũng không được vui cho lắm. »
Mỗi khi đi ngang đây, vào giờ này, tôi hay lo lắng bị lôi hay hút về phía lối vào âm u đó như thể định luật về trọng lực đã mất giá trị. Vì mê tín, tôi thường tránh sang vỉa hè bên kia. Tuần trước tôi mơ thấy bước vào quán « Hư vô ». Tôi ngồi trong bóng tối. Đèn chiếu bật lên, ánh sáng trắng và lạnh rọi vào một sân khấu nhỏ nơi tôi đang ngồi trước một bàn hình tròn. Những bàn bên cạnh là những hình bóng đàn ông và đàn bà bất động và tôi biết rằng họ không còn sống nữa. Tôi choàng dậy. Tôi tin là tôi vừa hét lên.
Chúng tôi bước tới số nhà 11 phố Coustou.
« Cô sẽ thấy… Nó không được tiện nghi cho lắm. Và cháu sợ là phòng đang rất bừa…
– Không sao. »
Có người che chở, tôi chẳng còn phải xấu hổ hay sợ hãi điều gì. Tôi đi trước, bà theo sau, hết cầu thang đến hành lang, nhưng bà không nhận xét câu gì, vẻ lơ đãng như thể đã rõ đường đi lối lại.
Tôi mở cửa và bật đèn. May mà giường đã dọn và quần áo đã xếp vào tủ. Chỉ mỗi áo măng-tô là treo ở nắm đấm cửa sổ.
Bà đi về phía cửa sổ và nói với tôi, giọng nhẹ nhàng :
« Ngoài phố có bị quá ồn không ?
– Không ạ. »
Bên dưới là góc hẻm Puget, một hẻm rất ngắn mà tôi hay đi tắt đến quảng trường Blanche. Ở đó có một quán ba tên là Canter mặt tiền bọc gỗ màu vàng. Một tối, rất muộn, tôi vào đây mua thuốc lá. Cạnh quầy rượu có hai gã tóc đen đứng uống cùng một người phụ nữ. Còn ở bàn cuối phòng là đám người đang chơi bài, một sự im lặng rất nặng nề. Người ta bảo tôi là muốn mua thuốc lá thì cần phải uống cái gì đó. Một trong hai gã tóc đen mời tôi một ly whisky không đá và tôi làm một hơi cho đỡ lằng nhằng. Gã hỏi tôi có ở chung với cha mẹ. Không khí nơi này đúng là rất kỳ quái.
Bà tì trán vào lớp kính cửa sổ. Tôi bảo bà rằng góc nhìn này không được đẹp lắm. Bà nhận xét cửa sổ không có cánh và ri-đô. Ngủ thế có khó chịu không ? Tôi nói bà yên tâm, tôi không cần rèm cửa. Có lẽ đồ đạc có ích duy nhất bây giờ là một chiếc ghế bành không thì một ghế thường cũng được. Nhưng cho tới hôm nay, tôi chưa từng có khách đến thăm.
Bà ngồi xuống thành giường. Bà muốn biết xem tôi đã cảm thấy khỏe hơn. Có chứ, hơn nhiều so với lúc nhìn thấy biển điện tử của hiệu thuốc từ xa. Nếu không có cái mốc đó, tôi không biết sẽ ra sao rồi.
Tôi muốn mời bà ăn tối ở quán cà phê trên quảng trường Blanche. Nhưng tôi không còn tiền. Bà sắp về để lại tôi một mình trong căn phòng này. Tôi có cảm giác sẽ còn trầm trọng hơn cả lúc nãy khi tôi tưởng bà sẽ để tôi xuống tắc xi và tự về.
« Thế còn công việc của cháu ? Có ổn không ? »
Có thể tôi hơi ảo tưởng, nhưng đúng là bà lo lắng cho tôi thật.
« Cháu cùng làm với một anh bạn. Chúng cháu dịch các buổi phát thanh ở một số đài nước ngoài.»
Nếu nghe thấy lời nói dối này của tôi, Moreau-Badmaev sẽ phản ứng thế nào ? Nhưng tôi không muốn nói đến hãng tìm việc Taylor, Véra Valadier, cũng như anh chồng và cô bé con gái. Tối nay, đó là một đề tài khiến tôi sợ hãi.
« Cháu biết nhiều ngoại ngữ ? »
Tôi đọc thấy trong ánh nhìn của bà một thái độ kính nể nhất định. Tôi ước gì đó không phải là một lời nói dối.
« Anh bạn cháu rất giỏi… Cháu thì vẫn còn là sinh viên của trường Ngôn ngữ phương Đông… »
Sinh viên. Từ này vẫn để lại cho tôi nhiều ấn tượng và tôi cảm giác không bao giờ đạt tới trình độ đó. Tôi tin là mẹ tôi cũng không có bằng cấp. Bà thường xuyên sai chính tả nhưng điều này ít ai để ý vì chữ của bà rất to. Còn tôi, tôi nghỉ học từ năm mười bốn tuổi.
« Thế cháu là sinh viên ?
Bà tỏ ra yên tâm cho tôi. Tôi vẫn muốn bà đỡ lo, nên nói thêm :
« Chính bác cháu đã khuyên cháu ghi danh vào trường Ngôn ngữ phương Đông, vì bác ấy là giáo sư ở đó. »
Rồi tôi hình dung một căn hộ trong khu La tinh, một khu mà tôi không biết gì cho lắm và đoán là nằm quanh quẩn điện Panthéon. Còn bác tôi đang ngồi ở bàn làm việc, đầu cúi xuống một cuốn sách cũ trong ánh sáng đèn.
« Giáo sư môn gì ? »
Bà mỉm cười nhìn tôi. Có thật là bà bị lừa bởi câu nói dối của tôi ?
« Giáo sư môn triết học. »
Tôi nghĩ đến người mà thời ở căn hộ gần rừng Boulogne, tôi vẫn đi gặp vào vào thứ Năm hàng tuần, bác ruột tôi – đó là chức danh mà mẹ tôi đặt cho bác Jean Borand. Chúng tôi vui đùa bằng cách nghe xem giọng của hai bác cháu vang thế nào trong xưởng chữa xe rất rộng và trống trơn. Bác còn trẻ và nói giọng Paris. Bác đã mang tôi đi xem phim « Ngã tư lính bắn cung ». Bác cũng dẫn tôi đến Lễ chợ phiên ngay gần xưởng chữa xe. Bác luôn đeo một cái ghim ca-vát và cổ tay phải có một chiếc vòng xích dẹt mà bác nói là quà tặng của mẹ tôi. Bác gọi mẹ tôi là « Suzanne ». Bác sẽ chẳng hiểu tại sao tôi lại kể cho người khác rằng bác là giáo sư triết học. Nói dối làm gì ? Nhất là với một phụ nữ đã tử tế với tôi như thế.
« Bây giờ cô sẽ về để cháu ngủ…
– Cô không thể ở lại với cháu đêm nay ? »
Tôi buột miệng, như thể ai đó đã nói thay tôi. Tôi ngạc nhiên và xấu hổ. Bà thậm chí còn không nhíu mày.
« Cháu sợ ở lại một mình ? »
Bà ngồi trên thành giường, cạnh tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi, nhưng trái với ánh mắt của mẹ tôi trên bức tranh của Tola Soungouroff, ánh mắt của bà thật dịu dàng.
« Cô sẽ ở lại nếu điều này khiến cháu an tâm… »
Bằng một động tác tự nhiên, vẻ mệt mỏi, bà cởi giầy. Người ta có thể nghĩ đó là động tác mà bà vẫn làm mỗi tối, vào giờ này, trong căn phòng này. Bà nằm ra giường mà không cởi chiếc áo choàng lông. Tôi ngồi bất động ở thành giường.
« Cháu cũng nên làm như cô… Cháu cần phải ngủ… »
Tôi nằm xuống bên bà. Tôi không biết nói gì, hoặc có lẽ tôi sợ, tất cả ngôn từ đều không thích hợp và bà sẽ thay đổi ý định, đứng lên bỏ về.
Bà cũng im lặng. Một tiếng nhạc rất gần có vẻ vang lên từ bên dưới, ngay trước cửa tòa nhà tôi ở. Ai đó đang gõ vào một nhạc cụ làm vang lên những nốt đơn và lẻ loi như một loại nhạc nền.
« Cháu có nghĩ đó là nhạc của quán Hư vô ? », bà hỏi tôi và bỗng phá lên cười. Tất cả những gì khiến tôi hoảng sợ hay lo lắng và làm tôi tin rằng từ nhỏ đến giờ tôi không thể thoát được số phận hẩm hiu, tất cả những điều ấy bỗng dưng bị gột bỏ. Một nhạc sĩ, có bộ ria mảnh và bôi keo cứng, cầm que gõ lên bộ đàn phím. Tôi hình dung sân khấu của quán Hư Vô được chiếu bởi một thứ ánh sáng trắng. Một gã mặc đồng phục gác cổng đập roi đôm đốp và hét lên thông báo :
« Và bây giờ, thưa quý ông quý bà, là tiết mục Người-tình-của-thần-chết ! »
Đèn hạ dần. Và thình lình, trong ánh sáng từ đèn chiếu, xuất hiện người đàn bà mặc măng-tô vàng đúng như tôi đã nhìn thấy dưới tàu điện ngầm. Bà bước chầm chậm về phía trước sân khấu. Gã ria bôi keo tiếp tục gõ vào đàn. Mẹ tôi giơ tay chào khán giả. Nhưng làm gì có khán giả. Bên dưới chỉ có những hình nhân bất động như những xác ướp.
« Vâng, hẳn là nhạc từ quán Hư vô vọng lên », tôi nói và bà đề nghị được tắt chiếc đèn bàn ngay cạnh giường.
Bảng hiệu điện tử của xưởng chữa xe dưới nhà hắt lên tường, ngay trên đầu chúng tôi, những phản quang quen thuộc. Tôi bắt đầu ho. Bà xích về phía tôi. Tôi gối đầu lên vai bài. Khi chạm vào lớp lông áo mềm mại, sự sợ hãi và những ý nghĩ đen tối dần dần rời xa. Bé Ngọc, Người-tình-của-thần-chết, Phát xít, chiếc măng-tô vàng… Những đạo cụ đáng thương này giờ đây thuộc vể cuộc đời của một kẻ nào khác. Tôi đã từ bỏ chúng như từ bỏ một bộ trang phục và tấm yên cương quá nặng mà người ta buộc tôi phải đeo, khiến tôi đứt hơi. Tôi cảm thấy môi bà đặt lên trán tôi.
« Cô không muốn cháu ho như thế. Phòng cháu lạnh quá. »
Đúng thế, mùa đông sắp đến và lò sưởi chung của tòa nhà chưa bật.
8
Bà ra đi từ sáng tinh mơ. Còn tôi, hôm đó, tôi phải đến Neuilly để giữ đứa nhỏ. Khoảng 3 giờ chiều, tôi bấm chuông nhà Valadier. Véra ra mở cửa cho tôi. Chị ta có vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi. Có cảm giác chị ta vừa bị tôi đánh thức và vội vã mặc quần áo.
« Tôi không biết là thứ Năm cô cũng đến làm. »
Và khi tôi hỏi đứa nhỏ có nhà không thì chị nói « không ». Nó còn đang ở trường. Lạ thật, hôm đó là thứ Năm, nó đâu phải đi học. Nhưng chị ta giải thích là thứ Năm hàng tuần, buổi chiều, học sinh nội trú chơi ở sân trường. Tôi nhận thấy một điều là Véra không bao giờ gọi con gái bằng tên riêng, chồng chị ta cũng vậy. Cả hai đều dùng mỗi từ « nó ». Khi họ nói với đứa nhỏ, họ chỉ nói : Con ở đâu ? Con đang làm gì ? Không bao giờ tên của đứa nhỏ xuất hiện trên môi họ. Thời gian trôi qua, giờ đây tôi không thể nhớ tên nó là gì. Cuối cùng tôi tự nhủ có lẽ tôi cũng chẳng biết cái tên đó cũng nên.
Véra đưa tôi vào căn phòng rất rộng mà anh chồng thường ngồi gọi điện trên góc bàn làm việc. Tại sao chị ta lại để đứa nhỏ đến trường với học sinh nội trú vào hôm mà nó không phải đi học. Tôi buột miệng hỏi và chị ta trả lời :
« Thì nó rất khoái ở lại trường vào chiều thứ Năm… »
Ngày trước, mẹ tôi cũng nói một câu tương tự, bao giờ cũng vào lúc mà tôi đang tuyệt vọng và thèm hít ê-te.
« Chút nữa cô có thể đi đón nó… Nếu không thì chẳng sao, nó rất khoái đi về một mình… Xin lỗi đương bận một chút… »
Giọng nói và nét mặt để lộ một sự bấn loạn, chị ta đi vội ra ngoài để tôi lại trong căn phòng chẳng có chiếc ghế nào. Tôi thử làm như anh chồng ngồi lên góc bàn. Một chiếc bàn thô kệch bằng gỗ màu sáng, hai ngăn kéo hai bên và mặt bàn bọc da. Trên bàn chẳng có nổi một tờ giấy hay một cây bút chì. Chỉ mỗi máy điện thoại. Hay là anh ta để hồ sơ giấy tờ trong ngắn kéo. Không thắng nổi tò mò, tôi mở các ngăn kéo và đóng lại ngay sau đó. Chúng chẳng có gì bên trong, trừ một ngăn còn vương vài danh thiếp ghi tên « Michel Valadier », nhưng địa chỉ không phải Neuilly.
Tiếng cãi vã ầm ĩ vang xuống từ cầu thang. Tôi nhận ra giọng Véra và ngạc nhiên thấy chị ta nói những từ khá thô tục, nhưng đôi khi van vỉ. Một giọng đàn ông đáp trả. Họ bước tới cửa phòng. Giọng Véra dịu lại. Giờ đây họ thì thào trong tiền sảnh. Rồi cửa ra vào sập lại và tôi nhìn thấy một thanh niên đang đi xa dần, khá thấp, tóc đen, mặc áo vét da lộn và quàng khăn lụa. Véra quay lại phòng làm việc.
« Xin lỗi đã để cô một mình… »
Chị ta tiến lại gần, đưa mắt nhìn tôi và tôi hiểu chị muốn nhờ tôi việc gì.
« Cô có thể dọn dẹp giúp tôi một tay ? »
Chị ta dẫn tôi về phía cầu thang và đi lên tầng một. Chúng tôi bước vào một phòng ngủ lớn ở cuối kê một chiếc giường rất thấp và rộng. Đó lại là đồ gỗ duy nhất ở đây. Giường bề bộn, trên chiếc bàn nhỏ bên cạnh có một khay bày hai ly uống rượu và một chai sâm banh đã mở. Nút chai nằm ngay giữa tấm thảm sàn màu xám. Chăn được kéo ra và mắc lơ lửng ở một chân giường. Ga giường nhàu nhĩ, gối vứt tứ tung trên nệm nơi lăn lóc một chiếc áo choàng mặc nhà của đàn ông bằng xoa màu tím than, một chiếc váy lót của phụ nữ và một đôi tất dài. Dưới sàn là một gạt tàn chặt cứng đầu thuốc lá.
Véra tiến ra mở hai cửa sổ. Phảng phất trong không khí một mùi lợm giọng, bao gồm nước hoa và thuốc lá sợi, mùi của những người ở lâu trong một phòng và trên một giường.
Chị ta cầm chiếc áo choàng màu tím than và nói với tôi :
« Tôi phải sang cất vào tủ chồng tôi. »
Lúc quay lại, chị ta hỏi tôi có muốn giúp chị ta dọn giường, rồi kéo lại ga giường bằng những động tác nhanh và bất ngờ như thể sợ bị ai đó phát hiện, khiến tôi không sao theo kịp. Chị ta giấu váy lót và tất xuống một chiếc gối. Chúng tôi trải xong tấm phủ giường thì ánh mắt Véra chạm phải chiếc khay.
« À, tôi quên khuấy… »
Chị ta cầm lấy chai sâm banh và hai chiếc ly rồi mở một trong mấy tủ tường. Tôi chưa bao giờ thấy một số lượng giày cao gót, giày bệt và ủng nhiều như thế… Chị ta đẩy chai rượu và hai chiếc ly vào đáy ngăn kéo trên cùng rồi đóng cửa tủ lại. Ai mà nhìn thấy cảnh này có thể nghĩ chị ta đang vội vàng giấu những đồ vật liên lụy trước khi cảnh sát đổ bộ. Còn lại chiếc gạt tàn và nút chai rượu, tôi là người nhặt, chị ta lấy từ tay tôi rồi vào buồng tắm. Tôi nghe tiếng giật nước.
Véra nhìn tôi chằm chằm, ánh mắt kỳ lạ vẻ như muốn nói với tôi điều gì nhưng không đủ thời gian. Từ những cửa sổ để mở, vang lên tiếng động cơ diesel. Chị ta cúi xuống một cửa sổ. Tôi đứng ngay sau lưng. Dưới đường, anh chồng vừa chui khỏi tắc-xi, tay cầm túi du lịch và một chiếc cặp da màu đen.
Khi chúng tôi đi xuống thì đã thấy anh ta đang gọi điện. Rồi anh ta bỏ máy. Véra hỏi chuyến đi của anh ta có ổn không.
« Không ổn lắm, Véra. »
Chị ta gật đầu vẻ nghĩ ngợi.
« Nhưng dù sao anh cũng yên tâm ?
– Tổng thể thì thế, nhưng vẫn có những chi tiết chưa chuẩn. »
Anh ta quay về phía tôi và mỉm cười.
« Hôm nay nó không phải đi học ? »
Anh ta nói về đứa con gái nhưng tôi có cảm giác anh ta không quan tâm lắm mà chỉ nói với tôi cho phải phép.
« Em để nó ở trường với học sinh nội trú », Véra nói.
Anh ta cởi chiếc áo măng-tô màu xanh nước biển, đặt lên túi du lịch cạnh chân bàn. Véra giải thích cho anh ta là tôi muốn đến trường đón con bé.
« Cô biết đấy, nó hoàn toàn có thể tự về… »
Giọng anh ta dịu dàng và miệng vẫn mỉm cười. Nói chung, anh ta cùng nghĩ như vợ.
« Có một việc mà chúng tôi muốn bàn với cô, Véra nói. Ấy là nó cứ thèm nuôi một con chó. »
Anh chồng vẫn ngồi trên góc bàn, một chân đung đưa đều đặn. Khách mà đến gặp anh ta trong phòng thì biết ngồi đâu ? Có thể anh ta bày ghế cắm trại ?Nhưng tôi có cảm giác chẳng ma nào vào đây.
« Cô phải nói với nó rằng việc này không thể »
Chị ta nói, vẻ như phát điên trước viễn cảnh một con chó sẽ lọt vào nhà.
« Chút nữa cô nhớ giải thích cho nó ! »
Ánh mắt của chị ta lo lắng đến độ tôi buột miệng:
« Vâng, thưa bà »
Chị ta mỉm cười với tôi như vừa được tôi trút cho một gánh nặng.
« Tôi đã bảo đừng gọi tôi là bà.»
Chị ta đứng cạnh chồng, tựa vào bàn làm việc.
« Đơn giản nhất là cô cứ gọi chúng tôi là Véra và Michel.»
Anh chồng cũng mỉm cười với tôi. Họ đang đứng trước mặt tôi, còn khá trẻ và cả hai khuôn mặt đều phẳng lì.
Với tôi, số phận hẩm hiu và kỷ niệm xấu chỉ thu tóm trong một khuôn mặt duy nhất, khuôn mặt của mẹ tôi. Còn con bé, hẳn là nó phải đương đầu với hai con người này, hai nụ cười này, hai khuôn mặt phẳng lỳ này, như người ta đôi khi vẫn nhìn thấy ở những tội phạm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, trong một thời gian dài.
Anh chồng rút từ túi áo khoác một điếu xì gà nhỏ rồi châm bật lửa. Hít một hơi dài và thở ra, vẻ tư lự, anh ta nói với tôi :
« Tôi trăm sự nhờ cô vụ con chó. »
*
Ngay lập tức tôi nhìn thấy con bé. Nó ngồi trên ghế dài và đọc một cuốn sách minh họa. Xung quanh nó, khoảng hai chục đứa con gái lớn tuổi hơn đang đứng rải rác trong sân trường. Đó là các học sinh nội trú. Con bé chẳng mảy may chú ý đến bọn kia, như thể nó đã đợi cả ngày ở đây mà không biết tại sao. Nó có vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi đến đón sớm thế.
Chúng tôi men theo phố Ferme.
« Mình không cần phải về nhà ngay ạ », nó nới với tôi.
Chúng tôi đi đến đầu phố và rẽ vào phần trồng thông của rừng Boulogne. Cảm giác thật kỳ lạ khi chiều tháng Mười Một mà bước giữa những thân cây gợi nhớ mùa hè và biển. Tôi cũng vậy, vào tuổi của nó, tôi cũng không muốn về nhà. Nhưng có thể gọi là nhà được không, cái căn hộ khổng lồ nơi tôi gặp lại mẹ tôi mà không hiểu tại sao bà ở đó ? Lần đầu bà mang tôi đến, tôi cứ ngỡ nhà của bạn bè bà, và tôi ngạc nhiên là cả hai chúng tôi ngủ lại tối đó – « mẹ sẽ cho con xem phòng riêng của con », bà nói với tôi. Tôi không cảm thấy an tâm lắm khi phải đi ngủ. Trong căn phòng to đùng và trống trơn, tôi cứ sợ ai đó sẽ đột ngột bước vào và hỏi tôi làm gì ở đây. Như thể linh cảm đã báo cho tôi biết mẹ tôi và tôi không có quyền chiếm dụng nơi này.
« Cháu ở căn nhà hiện nay lâu chưa ? », tôi hỏi đứa nhỏ.
Nó đã ở đây từ đầu năm. Nhưng nó không nhớ trước kia ở đâu. Lần đầu đến nhà Valadier, điều khiến tôi kinh ngạc là tất cả các phòng đều trống trơn và làm tôi nghĩ đến căn hộ nơi tôi từng sống với mẹ tôi khi cùng tuổi với con bé. Tôi nhớ là trong bếp có một tấm bảng treo tường với những dấu hiệu phát sáng và những biển nhỏ màu trắng viết những hàng chữ màu đen : PHÒNG ĂN, VĂN PHÒNG, SẢNH VÀO, SA LÔNG… và tôi cũng đọc thấy : PHÒNG NGỦ TRẺ CON. Những đứa trẻ đó là ai ? Chúng có thể quay về vào bất cứ lúc nào để hỏi tại sao tôi lại chiếm phòng của chúng.
Trời đã tối, con bé có vẻ chưa muốn về. Chúng tôi đã đi quá xa nhà của bố mẹ nó, nhưng có thật đó là nhà của họ không ? Mười hai năm sau, ai còn biết, ví dụ vậy, chính mẹ tôi cũng từng sống ngay cạnh rừng Boulogne này, đại lộ Malakoff ? Căn hộ đó không phải là của chúng tôi. Về sau tôi hiểu rằng mẹ tôi chiếm dụng nó trong lúc chủ nhà đi vắng. Bác Frédérique và một người bạn của bác đã nói về chuyện này ở Fossombronne, trong một bữa ăn tối có cả tôi. Một số lời nói khắc sâu vào ký ức trẻ con mà nếu không hiểu ngay lúc đó thì chúng sẽ hiểu hai mươi năm sau. Hơi giống những trái lựu đạn mà người ta bảo trẻ con chúng tôi phải dè chừng ở Fossombronne. Có vẻ một hay hai trái đã bị chôn ở bãi Phát Xít từ hồi chiến tranh và sau ngần ấy năm chúng vẫn có thể nổ.
Một lý do nữa để sợ. Nhưng điều ấy không thể ngăn bọn trẻ chúng tôi chui vào khu đất hoang chơi trò ú tim. Bác Frédérique đã đến căn hộ để thử lấy lại một đồ gì đó mà mẹ tôi để quên trước khi đi.
Tôi và con bé đi tới bờ của một hồ nhỏ nơi mùa đông người ta thường đến trượt pa-tanh. Hoàng hôn tuyệt đẹp. Những thân cây nổi bật trên nền trời xanh lơ và hồng thắm.
« Hình như cháu đang muốn nuôi một con chó. »
Nó nhíu mày và hơi mím môi :
« Bố mẹ cháu không muốn có chó.
– Cô sẽ thử nói. Chắc bố mẹ cũng hiểu thôi. »
Con bé mỉm cười với tôi. Nó có vẻ tin là tôi sẽ thuyết phục được Véra và Michel Valadier. Nhưng tôi rất ít ảo tưởng. Ngay từ đầu tôi đã cảm thấy hai con người này ngang bướng chẳng kém mẹ tôi. Chị ta thì nhìn một cái thấy ngay. Vera không phải là tên thật. Anh chồng cũng vậy, tôi nghĩ là anh ta không tên là Michel Valadier. Trước đó, anh ta hẳn đã sử dụng nhiều tên. Vả lại, trên danh thiếp của anh ta cũng ghi một địa chỉ khác. Tôi tự hỏi phải chăng anh ta còn quỷ quyệt và nguy hiểm hơn cả chị vợ.
Đã đến lúc phải về. Tôi thấy tiếc đã cho con bé một lời hứa hão huyền. Chúng tôi đi theo đường đua ngựa dẫn đến công viên Acclimatation. Bố mẹ nó sẽ không siêu lòng đâu, tôi tin chắc điều đó.
Chính bố nó ra mở cửa nhưng không nói lời nào mà lập tức quay về phòng làm việc ở tầng trệt. Có tiếng cãi nhau. Véra gào, nhưng tôi không hiểu chị ta nói gì. Giọng hai vợ chồng trộn vào nhau tuy ai cũng muốn át giọng người kia. Con bé mở to mắt. Nó sợ hãi, nhưng tôi đoán là nó cũng quen với sự sợ hãi này rồi. Nó đứng bất động trong tiền sảnh. Lẽ ra tôi phải mang nó đi chỗ khác. Nhưng đi đâu ? Rồi mẹ nó tiến về phía chúng tôi, vẻ bình tĩnh và hỏi:
« Hai người đi dạo vui không ? »
Lúc này chị ta lại giống những phụ nữ tóc vàng lạnh lùng và bí hiểm trong các phim Mỹ ngày xưa. Đến lượt anh chồng đi ra, cũng với vẻ hết sức bình thản. Anh ta mặc bộ com lê đen thanh lịch và một bên má hằn lên những vết xước, hẳn là vết cào móng tay, không biết có phải của Véra. Chị ta có móng tay khá dài. Hai vợ chồng đứng cạnh nhau ở khung cửa, hai khuôn mặt phẳng lì của những kẻ sát nhân mà công lý không thể trừng trị, vì thiếu bằng chứng. Trông họ giống như đang tạo dáng chụp ảnh, không phải ảnh nhân trắc học vẫn dùng trong hình sự, mà ảnh người ta hay chụp lúc bắt đầu dạ hội mỗi khi có khách mời trình diện.
« Cô đã giải thích cho con vụ con chó ? » Véra Valadier hỏi bằng một giọng kiểu cách, không phải là giọng của người phố Douai mà theo lời chị ta kể cho tôi thì là nơi chị ta sinh ra. Hẳn là dưới một cái tên khác.
« Chó là những con vật thật dễ thương… Nhưng bẩn lắm. »
Anh chồng nói thêm, cũng cùng giọng với vợ :
« Mẹ con có lý… Nuôi một con chó trong nhà không phải là một việc thú vị lắm…
– Bao giờ lớn lên, con muốn nuôi bao nhiêu chó thì tùy… Nhưng không phải trong nhà này,
không phải lúc này.
Giọng của Véra đã thay đổi. Tôi cảm thấy một sự chua chát. Có thể chị ta nghĩ đến thời gian sắp tới – năm tháng trôi rất nhanh – khi đứa con gái lớn lên còn chị ta thì lang thang các hành lang tàu điện ngầm, trong một chiếc măng-tô màu vàng.
Con bé không trả lời. Nó đành giương mắt lên.
« Có chó rồi lại lây bệnh, con hiểu không… Chưa kể còn bị chó cắn.»
Lúc này anh ta có cái nhìn lén lút và cách nói kỳ lạ, giống một tên buôn lậu phát hiện cảnh sát đang tiến lại.
Tôi im lặng một cách khó khăn. Lẽ ra tôi nên lên tiếng bảo vệ con bé, nhưng tôi không muốn cuộc nói chuyện trở nên căng thẳng, khiến nó hoảng hốt. Tuy nhiên, tôi không thể nào không nhìn thẳng vào mắt anh ta và hỏi những vết cào kia có đau lắm không. Tôi đưa tay lên má tôi vào chỗ mà trên má anh ta đang hằn lên những vệt xước dài. Anh ta ấp úng :
« Không… Tại sao ?
– Ông nên sát trùng… Cũng giống như vết chó cắn. Người ta có thể mắc bệnh dại. »
Lần này, tôi thấy rõ là anh ta mất bình tĩnh. Véra cũng thế. Cả hai nhìn tôi dè chừng. Dưới ánh sáng trần trụi của đèn chùm, họ chỉ còn là một cặp tội phạm ngỡ ngàng, vừa bị tóm sau một trận vây ráp.
« Em nghĩ là ta đã bị muộn», chị vợ quay sang chồng.
Chị ta đã lấy lại cái giọng lạnh lùng. Michel xem đồng hồ đeo tay và cũng nói với vẻ dửng dưng vờ vịt:
– Ừ, ta phải đi thôi… »
Véra nói với con bé :
« Trong tủ lạnh có một khoanh giăm-bông cho con. Mẹ tin là tối nay bố mẹ sẽ về muộn… »
Con bé lại gần tôi, nắm lấy tay tôi và giữ thật chặt như một người đang muốn được dẫn đi trong bóng tối.
« Có lẽ cô nên về. Nó đã quen ở nhà một mình.»
Véra nói, cầm lấy tay con bé và kéo về phía chị ta.
« Cô phải về nhà bây giờ. Con tự ăn tối rồi lên giường đi ngủ. »
Con bé lại nhìn tôi với cặp mắt mở to mà người ta có cảm giác là chẳng gì còn có thể khiến chúng ngạc nhiên. Michel Valadier tiến lên và bây giờ con bé đứng bất động giữa bố và mẹ.
Tôi nói với nó : « Hẹn cháu ngày mai.»
Nó gật đầu, nhưng không có vẻ tin tưởng cho lắm.
*
Khi đã ra ngoài, tôi ngồi xuống một chiếc ghế băng trên lối nhỏ ven công viên Acclimatation. Tôi không biết mình đợi gì ở đây. Một lúc sau tôi nhìn thấy cặp đôi Valadier đi ra. Chị vợ khoác áo choàng lông còn anh chồng măng-tô xanh nước biển. Hai người bước cách nhau một đoạn. Ra tới chiếc xe hơi đen, chị ta lên ngồi ghế sau, còn anh ta thì cầm vô lăng như thể là tài xế. Chiếc xe mất hút phía đại lộ Madrid và tôi tự nhủ sẽ không bao giờ biết gì về hai nhân vật này, tên thật của họ, lý do nào khiến cái nhìn của chị vợ đôi lúc thoáng vẻ lo âu và tại sao trong phòng làm việc của anh chồng lại chẳng có chiếc ghế nào, còn danh thiếp thì ghi địa chỉ ở một nơi khác. Và đứa con gái ? Ít ra nó cũng không là một bí mật với tôi. Những cảm nhận của nó tôi có thể đoán được. Tôi đã từng là một đứa trẻ kiểu thế.
Đèn bật sáng trên tầng hai, trong phòng riêng của nó. Giá như có thể đi lên với con bé. Tôi cảm giác nhìn thấy bóng nó bên cửa sổ. Nhưng cuối cùng tôi không bấm chuông. Thời gian đó tôi khổ sở quá rồi, chẳng đủ dũng cảm để giúp ai. Ngoài ra thì chuyện con chó cũng gợi cho tôi một đoạn đời của thời thơ ấu.
Tôi đi bộ tới cửa ô Maillot và cảm thấy nhẹ người khi ra khỏi rừng Boulogne. Ban ngày còn tạm ổn, có con bé bên cạnh, ven hồ người ta trượt pa-tanh. Nhưng lúc này, màn đêm đã xuống, trong tôi cảm giác trống rỗng còn kinh khủng hơn cơn chóng mặt vẫn khiến tôi xây xẩm, mỗi lần bước trên hè phố Coustou, ngang quán Hư vô.
Bên phải là rặng cây đầu tiên của rừng Boulogne. Một buổi tối tháng Mười Một, một con chó bị lạc trong rừng và chuyện này có lẽ sẽ còn làm tôi đau đớn, ở những thời điểm không ngờ nhất. Những đêm mất ngủ và những ngày không có ai. Nhưng cả những ngày mùa hè. Lẽ ra tôi phải giải thích với con bé rằng mấy chuyện liên quan đến chó là độc hại lắm.
Chiều nay khi bước vào sân trường và nhìn thấy nó ngồi ở ghế băng, tôi đã nghĩ tới một sân trường khác. Lúc đó tôi bằng tuổi con bé bây giờ, và trong sân trường kia cũng có các nữ sinh nội trú lớn hơn tôi. Chính họ đã trông bọn nhỏ chúng tôi, giúp chúng tôi thay đồ vào buổi sáng, rửa ráy vào buổi tối, và vá quần áo cho chúng tôi. Chị trông tôi cũng tên là Thérère như tôi. Tóc đen, mắt xanh lơ và ở tay có một hình xăm. Trong trí nhớ của tôi, chị trông hơi giống người phụ nữ tôi mới gặp ở hiệu thuốc. Các nữ sinh nội trú và ngay các bà sơ cũng sợ chị, nhưng chị luôn tốt bụng với tôi. Chị ăn cắp chocolat đen trong kho của nhà bếp và đợi tối đến mang vào phòng ngủ tập thể cho tôi. Ban ngày thỉnh thoảng chị dẫn tôi đến một xưởng, gần nhà thờ của trường, nơi các nữ sinh lớn hơn đang học là quần áo.
Một hôm, mẹ tôi tới đón tôi, dẫn ra một chiếc xe hơi và đặt ngồi ở băng ghế trước, cạnh bà. « Con sẽ không quay lại trường nữa », bà nói với tôi. Băng ghế sau có một con chó nhỏ. Còn chiếc xe thì đỗ hơi gần chỗ tôi bị tai nạn trước đó ít lâu. Khu nội trú của tôi có lẽ nằm không xa ga Lyon. Tôi vẫn nhớ những hôm chủ nhật, bác Jean Borand đến đợi tôi ở cửa nội trú, sau đó chúng tôi thường đi bộ tới xưởng chữa xe của bác. Vào hôm mẹ tôi chở tôi cùng con chó, chúng tôi cũng đi ngang nhà ga Lyon. Lúc đó, đường phố Paris vắng tanh và tôi cảm giác chúng tôi là hai người duy nhất, đang đi xe.
Đó chính là hôm mà lần đầu tiên tôi đến căn hộ mênh mông gần rừng Boulogne và mẹ tôi đã cho xem phòng riêng của tôi. Thời gian trước, những lần ít ỏi khi bác Borand dẫn tôi tới thăm bà, chúng tôi đi tàu điện ngầm đến bến Etoile và bà vẫn ở khách sạn, một căn phòng còn bé hơn phòng tôi ở phố Coustou bây giờ. Trong hộp bích quy bằng sắt, tôi đã tìm được một bức điện tín gửi về khách sạn đó cho bà dưới tên thật : Suzanne Cardères, khách sạn San Remo, số 8 phố Armaillé. Tôi cảm thấy nhẹ lòng mỗi khi tìm được địa chỉ của những nơi trốn mà tôi chỉ còn giữ một kỷ niệm mơ hồ nhưng liên tục quay về trong các cơn ác mộng. Nếu biết chúng nằm đâu và quay lại nhìn, tôi tin rằng chúng sẽ hết độc hại.
Đó là một con chó. Một con cún mực. Ngay từ đầu nó đã ngủ trong phòng của tôi. Mẹ tôi không bao giờ ngó ngàng đến nó, nhưng nghĩ lại, tôi thấy có lẽ bà không có khả năng chăm sóc một con chó, cũng như một đứa trẻ. Hẳn là ai đó đã tặng cún cho bà. Với bà, nó cũng chỉ đơn giản là một đạo cụ mấy hôm là chán. Tôi vẫn tự hỏi sự tình cờ nào đã cho tôi và con cún đen đó cùng ngồi trên xe. Giờ đây sống trong một căn hộ lớn và tên là nữ công tước Sonia O’Dauyé, đương nhiên mẹ tôi cần có một con chó và một đứa con gái nhỏ.
Tôi thường đi dạo với cún dọc theo đại lộ dưới tòa nhà. Đầu kia là cửa ô Maillot. Giờ đây tôi không còn nhớ tên của cún. Mẹ tôi không đặt tên cho nó. Đó là thời kỳ đầu khi tôi sống với bà trong căn hộ. Bà chưa ghi danh cho tôi vào lớp Saint-André và tôi chưa là Bé Ngọc. Bác Jean Borand thứ năm hàng tuần vẫn đến đón tôi và mang tôi tới xưởng chữa xe của bác chơi cả ngày. Tôi mang cún đi theo. Tôi đã hiểu là thế nào mẹ tôi cũng sẽ quên không cho nó ăn, nên tôi phải chuẩn bị thực phẩm cho nó. Khi bác Borand đến, tôi và bác đi tàu điện ngầm cùng cún, một cách kín đáo. Rồi sau đó, chúng tôi đi bộ từ nhà ga Lyon về xưởng của bác. Tôi muốn tháo dây cho cún. Nó sẽ không bị tai nạn vì đường phố không một bóng xe. Nhưng bác Borand can. Chẳng phải chính tôi đã từng suýt bị xe cán chết, ngay trước cửa trường ?
Mẹ tôi ghi danh cho tôi vào lớp Saint-André. Tôi tự đi học một mình buổi sáng và về nhà khoảng 6 giờ tối. Chẳng may tôi không thể mang cún theo. Lớp học ở ngay gần nhà, phố Pergolèse. Tôi tìm thấy địa chỉ chính xác trên một mẩu giấy nằm trong sổ tay của mẹ tôi. Cours Saint-André, 58 phố Pergolèse. Ai đã khuyên bà gửi tôi đến lớp này ? Tôi ở đó cả ngày.
Một buổi tối, tôi đi học về, cún không có trong căn hộ. Tôi nghĩ là mẹ tôi mang nó ra đường. Bà đã hứa với tôi là cho nó ăn và đi dạo. Ngoài ra, tôi cũng yêu cầu điều này với ông đầu bếp Hoa kiều, người vẫn chuẩn bị bữa tối và mỗi sáng mang điểm tâm vào phòng cho mẹ tôi. Mẹ tôi về nhưng không cùng cún. Bà nói với tôi là bà đã bị lạc mất nó trong rừng Boulogne. Bà giơ tôi xem sợi dây cất trong túi như thể bà muốn chứng tỏ là không nói dối. Giọng bà rất bình tĩnh. Bà không có vẻ buồn. Có lẽ bà thấy chuyện này cũng bình thường. « Ngày mai phải viết thông báo, biết đâu ai đó sẽ mang nó về cho mình. » Rồi bà đi cùng tôi vào tận phòng riêng. Nhưng giọng bà bình thản và dửng dưng đến độ tôi cảm thấy tâm trí bà đang để ở nơi khác. Chỉ mỗi tôi là nghĩ đến cún. Còn lại trong phòng, tôi sợ phải tắt đèn. Từ hồi có nó, tôi đã mất thói quen ngủ một mình, và giờ đây còn kinh khủng hơn nằm chơ vơ trong nội trú ngày trước. Tôi hình dung cún lang thang đêm nay giữa rừng Boulogne. Tối đó, mẹ tôi đi dự dạ hội và tôi vẫn nhớ chiếc váy mà bà mặc. Một chiếc váy dài màu thiên thanh phủ một lớp voan. Chiếc váy một thời gian dài đã trở đi trở lại trong những ác mộng của tôi và lần nào nó cũng được mặc bởi một bộ xương.
Tôi đã để đèn sáng suốt cả đêm và tất cả những đêm sau này. Nỗi sợ không rời tôi. Tôi tự nhủ rằng sau cún sẽ tới lượt tôi.
Những ý nghĩ kỳ lạ vẫn thoáng qua trí tôi, lờ mờ đến nỗi tôi phải đợi hàng chục năm để chúng trở nên rõ ràng hơn và tôi có thể diễn tả được chúng. Một buổi sáng, ít lâu trước khi gặp người phụ nữ mặc măng-tô vàng trong hành lang tàu điện ngầm, tôi tỉnh dậy, trên môi là một trong những câu nói dường như không sao hiểu nổi bởi đó là những mảnh vụn của một giấc mơ đã bị lãng quên : Phải giết mụ Phát Xít để trả thù cho cún.
10
Khoảng 7 giờ tối thì tôi về tới căn phòng ở phố Coustou và lúc này, tôi không thấy đủ dũng cảm đợi đến thứ Tư gặp người đàn bà trong hiệu thuốc. Trước khi đi tỉnh hai ngày, bà đưa tôi một số điện thoại : trong trường hợp tôi cảm thấy cần phải nói với bà, số 225 thị trấn Bar-sur-Aube.
Ở tầng hầm của quán cà phê quảng trường Blanche, tôi nói với một nữ nhân viên quay giúp số 225 Bar-sur-Aube. Nhưng vào lúc chị ta nhấc ống nghe lên thì tôi lắc đầu. Bỗng nhiên, tôi không dám làm phiền bà hiệu thuốc. Tôi cầm thẻ trả tiền xu, vào ca-bin và cuối cùng quay số của Moreau-Badmaev. Anh ta đang nghe một chương trình radio nhưng vẫn đề nghị tôi đến nhà. Thật là một an ủi khi biết có người muốn ngồi với tôi tối nay. Tôi do dự trước khi lấy tàu điện ngầm đến cửa ô Orléans. Điều mà tôi sợ đó là phải chuyển tàu ở bến Montparnasse. Hành lang cũng dài như ở bến Chatelet và không có thang tải bộ. Tôi vẫn còn đủ tiền để đi tắc-xi. Ngồi bên trong chiếc đầu tiên của dãy tắc-xi chờ trước Cối xay gió Đỏ, tôi đột nhiên cảm thấy yên tâm, y hệt hôm trước, đi cùng bà hiệu thuốc.
*
Ánh đèn màu xanh lá cây tỏa ra từ chiếc radio đang bật và Moreau-Badmaev, lưng tựa tường, ngồi chép vào tệp giấy vẫn dùng để viết thư, trong lúc một người đàn ông đang nói một thứ tiếng nước ngoài bằng giọng kim. Anh ta bảo lần này không cần phải viết tốc ký. Ông kia nói rất chậm. Tối nay, anh ta làm cho vui chứ không phải vì công việc. Đó là một buổi ngâm thơ. Chương trình phát từ xa, và giọng nói trong đài thỉnh thoảng lại bị bao phủ bởi một những tạp âm lao xao. Ông kia dừng lại và chúng tôi nghe thấy tiếng đàn phong cầm. Tôi vẫn cất giữ đến tận bây giờ tờ giấy mà Badmaev đưa cho tôi:
Mar egy hete csak a mamara
Gondolok mindig, meg-megallva
Nyikorgo kosarral oleben,
Ment a padlasra, ment serrenye n
En meg oszinte ember voltam
Orrditottam toporzékoltam.
Hagyja a dagadt ruhat masra
Emgem vigyen fol a padlasra
Anh ta đã dịch cho tôi bài thơ và tôi đã quên nghĩa của nó cũng như nó đã được viết trong ngôn ngữ nào. Sau đó, anh ta vặn nhỏ tiếng của radio nhưng ánh sáng xanh thì vẫn còn.
“Cô có vẻ không được ổn.”
Ánh mắt chăm chú của anh ta khiến tôi cảm thấy tin tưởng. Tôi muốn được nói hết. Tôi kể cho anh ta về buổi chiều đi dạo cùng con bé ở rừng Boulogne, về vợ chồng nhà Valadier và lúc tôi trở về phòng phố Coustou. Cả việc cún bị lạc mất tăm mất tích cách đây gần mười hai năm. Anh ta hỏi cún màu gì.
“Đen.
– Thế từ hồi đó cô có nói chuyện lại với mẹ cô không?
– Tôi không gặp lại mẹ tôi từ dạo đó. Tôi ngỡ là bà đã chết ở Ma-rốc.”
Và tôi sẵn sàng kể cho anh ta cuộc gặp với người phụ nữ mặc măng-tô vàng dưới tàu điện ngầm, khu nhà cao tầng của ngoại ô Vincennes, cái cầu thang và cửa căn hộ Người-tình-của-thần-chết mà tôi đã không dám giơ tay gõ hôm đó.
“Tôi có một tuổi thơ không giống ai…”
Anh ta có thói quen nghe đài cả ngày để ghi lại vào giấy. Thế nên, anh ta hoàn toàn có thể nghe tôi.
“Khi tôi lên bảy, người ta gọi tôi là Bé Ngọc.”
Anh ta mỉm cười. Anh ta hẳn thấy đó là một cái tên trẻ con duyên dáng và dịu dàng. Anh ta cũng vậy, tôi chắc rằng anh ta cũng từng được mẹ đặt cho một biệt hiệu và tối tối lúc lên giường được thầm thì vào tai trước khi ôm hôn. Patoche. Pinky. Poulou.
“Không phải như anh tưởng đâu. Đó là nghệ danh của tôi.”
Anh ta nhướn mày. Lúc đó, mẹ tôi cũng lấy một nghệ danh : Sonia O’Dauyé. Sau một thời gian, bà đã bỏ tước hiệu quý tộc, nhưng tấm biển đồng “Nữ công tước Sonia O’Dauyé” vẫn còn treo trên cửa căn hộ.
“Nghệ danh của cô?”
Tôi tự hỏi có nên kể cho anh ta từ đầu câu chuyện. Mẹ tôi đặt chân đến Paris, học trường múa, ở khách sạn phố Coustou, rồi khách sạn phố Armaillé, những kỷ niệm đầu tiên của tôi : khu nội trú, tai nạn xe và lọ ê-te, cái thời mà tôi chưa có tên là Bé Ngọc. Nhưng đã cho anh ta biết nghệ danh thì cứ kể tiếp cái đoạn mà tôi gặp lại mẹ tôi ở căn hộ gần rừng Boulogne. Làm mất một con chó trong rừng chưa đủ. Bà phải trưng một con khác như người ta trưng nữ trang, đó hẳn là lý do mà bà đặt cho tôi biệt hiệu Bé Ngọc.
Anh ta im lặng. Có thể anh ta cảm thấy tôi do dự không muốn nói hoặc tôi không còn nhớ tuần tự mọi gian truân. Tôi không dám nhìn anh ta. Đốm sáng xanh tỏa ra từ giữa đài, một màu xanh phát quang, khiến tôi dịu lại.
“Tôi sẽ cho anh xem ảnh… Anh sẽ hiểu…”
Và tôi thử miêu tả cho anh ta hai tấm ảnh được chụp cùng ngày, hai chân dung nghệ sĩ: “Sonia O’Dayué và Bé Ngọc”, chụp cho một bộ phim mà mẹ tôi được mời làm diễn viên lần đầu tiên trong đời. Bà đã được mời vì lý do gì? Và bởi ai ? Bà muốn tôi đóng vai con gái bà trong phim. Vai của bà không phải là vai chính. Nhưng bà cứ muốn tôi ở bên bà. Tôi thay cho con chó. Trong bao lâu?
“Thế bộ phim tên là gì?
– Ngã tư của lính bắn cung. »
Tôi trả lời anh ta không do dự, nhưng đó giống như những từ ngữ ta thuộc lòng lúc bé – một đoạn kinh thánh hay bài hát mà ta không bao giờ hiểu ý nghĩa và luôn đọc nhầm từ đoạn này sang đoạn kia.
– Cô có nhớ lúc quay phim ? »
Có chứ, sáng sớm tôi được đưa đến một nơi trông giống nhà kho. Bác Jean Borand đi cùng tôi. Sau đó, buổi chiều khi tôi xong và có thể ra về, bác dẫn tôi đến một chỗ khác, ngay gần đấy, công viên Buttes-Chaumont. Mùa hè, trời rất nóng. Tôi đã diễn xong phần nhà kho và không phải quay lại đó nữa. Người ta yêu cầu tôi nằm ra giường và nói : « Con sợ. » Đơn giản vậy thôi. Một hôm khác, họ bảo tôi nằm lại trên giường và lật xem một album ảnh. Rồi mẹ tôi bước vào, váy dài thiên thanh mỏng mảnh – chính chiếc váy mà bà đã mặc đi chơi vào buổi tối ngay sau khi làm mất cún mực. Bà ngồi xuống giường và nhìn tôi bằng cặp mắt to đượm buồn. Rồi bà vuốt má tôi và cúi xuống hôn tôi. Tôi nhớ là chúng tôi phải làm lại cảnh này nhiều lần. Trong cuộc sống bình thường, bà không bao giờ có những động tác dịu dàng như thế.
Moreau-Badmaev nghe tôi chăm chú. Anh ta ghi cái gì đó lên tệp giấy. Tôi hỏi thì anh ta nói :
« Tựa phim. Hẳn là sẽ cô sẽ thấy lạ nếu xem lại, đúng không ? »
Trong vòng mười hai năm cuối này, ý định xem lại bộ phim thậm chí không xuất hiện trong đầu tôi. Với tôi, cứ như là nó không tồn tại. Tôi chưa từng kể về nó cho ai.
« Anh tin là có thể xem lại ?
– Tôi sẽ hỏi một người bạn làm ở thư viện điện ảnh.»
Điều này khiến tôi hoảng sợ. Tôi như kẻ tội phạm cuối cùng đã quên được tội ác của mình thì lại có một bằng chứng. Một kẻ tội phạm sống dưới một căn cước giả và thay đổi hình thức bên ngoài nhiều đến nỗi người khác không thể nhận ra. Nếu ai đó lỡ hỏi tôi ngày xưa có phải tôi từng là Bé Ngọc, thì tôi sẽ lắc đầu mà chẳng có cảm giác nói dối. Cái hôm mẹ tôi đưa tôi ra nhà ga Austerlitz và buộc vào cổ tôi mảnh giấy ghi « Thérèse Cardères, nơi ở : nhà bà Chatillon, đường Bréau, Fossombronne-la-Forêt », tôi hiểu rằng tốt nhất là hãy quên Bé Ngọc. Hơn nữa, mẹ tôi còn ra lệnh cho tôi không được chuyện trò với ai và nói tôi sống ở đâu trên Paris. Tôi chỉ đơn giản là một học sinh nội trú về nghỉ hè với gia đình tại Fossombronne. Tàu chuyển bánh. Hành khách đông nghịt. Tôi đứng trong hành lang. May mà cổ đeo mảnh giấy đó chứ không thì tôi sẽ bị lạc giữa đám người này. Tôi sẽ quên cả tên họ của chính tôi.
« Tôi không muốn xem lại lắm », tôi phản đối.
Sáng nọ, từ miệng một phụ nữ ngồi ở bàn bên, trong quán cà phê đại lộ Blanche phát ra một câu khiến tôi hoảng hồn : «Xác chết trong tủ». Tôi muốn hỏi Moreau-Badmaev rằng theo thời gian, phim cuộn có bị cũ đi và tự phân hủy giống như những xác chết. Nếu thế thì khuôn mặt của Sonia O’Dayué và Bé Ngọc sẽ bị gặm nhấm bởi ẩm mốc và người ta sẽ không còn nghe thấy giọng của họ nữa.
*
Anh ta nói rằng mặt tôi rất tái và đề nghị cùng đi ăn tối, ngay gần đó.
Chúng tôi đi theo đại lộ Jourdan, trên hè trái và bước vào một quán cà phê rất to. Anh ta chọn một bàn nằm ở phía thềm có bọc kính.
« Cô thấy không, mình đang đối diện với Khu Đại học. »
Và anh ta chỉ cho tôi, ở bên kia đại lộ, một tòa nhà trông giống như một lâu đài.
« Sinh viên Khu Đại Học thường xuyên ghé đây, và vì họ nói tất cả các thứ tiếng trên đời, nên quán có tên là Babel. »
Tôi ngó xung quanh. Đã muộn nên không còn nhiều khách lắm.
« Tôi hay tới đây để nghe mọi người nói trong ngôn ngữ của họ. Đó là một bài luyện tập rất tốt cho tôi. Có cả sinh viên người Iran, nhưng chẳng ai nói tiếng Ba Tư của thảo nguyên.»
Giờ này, quán ngừng phục vụ các món nấu và anh ta gọi hai phần bánh mì kẹp.
« Cô muốn uống gì ?
– Một ly whisky không đá. »
Lúc đó cũng suýt soát giờ mà tối hôm trước tôi vào quán Canter trong hẻm Puget mua thuốc lá. Và lúc này tôi vẫn nhớ cám giác khỏe hơn hẳn do whisky mang lại. Tôi đã thở đều, nỗi bồn chồn tan biến cùng khối nặng mới trước đó còn khiến tôi suýt chết ngạt. Cảm giác cũng dễ chịu như mùi ê-te của ngày bé.
“Hẳn là anh đã học rất cao, anh …”
Tôi nói và bỗng thấy sợ là có chút ghen tị và chua chát trong giọng.
“Chỉ hết trung học và trường Ngôn ngữ phương Đông…
– Anh có nghĩ là tôi có thể ghi danh vào đó?
– Đương nhiên.”
Như thế có lẽ tôi sẽ không hoàn toàn nói dối người phụ nữ gặp trong hiệu thuốc.
“Cô đã có bằng trung học?”
Đầu tiên tôi định gật, sau thấy là phải ngu lắm mới nói dối khi mà giờ đây tôi đã tin tưởng ở anh ta.
“Tiếc là chưa.”
Hẳn là tôi đã tỏ ra xấu hổ và ủ ê nên anh ta nhún vai:
“Không nghiêm trọng đâu. Đời đầy người tuyệt vời mà không có bằng phổ thông.”
Tôi cố nhớ lại những ngôi trường mà tôi đã qua: đầu tiên là trường nội trú, từ 5 tuổi, nơi các nữ sinh lớn chăm sóc bọn nhỏ chúng tôi. Sau ngần ấy năm, chị Thérèse giờ ra sao nhỉ ? Ít nhất có một thứ mà tôi có thể nhận ra ở chị, đó là vết xăm trên vai, và chị nói với tôi rằng đó là một con sao biển. Rồi sau đó là lớp Saint-André khi tôi quay về sống với mẹ tôi ở căn hộ lớn gần rừng Boulogne. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn bà đã đặt tên cho tôi là Bé Ngọc và muốn tôi đóng cùng trong phim “Ngã tư của lính bắn cung”. Tôi thôi học lớp Saint-André. Tôi cũng nhớ là có một anh đến nhà trông tôi trong một giai đoạn rất ngắn. Có thể mẹ tôi cũng tìm thuê anh ấy qua hãng Taylor và qua chính cái ông tóc hung mà đã gửi tôi đến gia đình Valadier. Một ngày mùa đông, tuyết rơi kín Paris, anh ấy đã mang tôi đi trượt xe ở công viên Trocadéro.
“Cô không đói sao?”
Tôi vừa uống một ngụm whisky và Moreau-Badmaev ngó tôi vẻ lo lắng. Tôi không chạm đến khúc bánh mì kẹp.
“Cô nên ăn một chút…”
Tôi cố làm một miếng, nhưng thấy rất khó nuốt. Rồi tôi uống thêm ngụm whisky nữa. Tôi không quen rượu. Cảm giác thật đắng, nhưng bắt đầu có tác dụng.
“Cô hay uống những thứ này?”
Tôi trả lời là không. Tôi sẽ cho anh ta xem tấm ảnh của bộ phim “Ngã tư của lính bắn cung” mà tôi cất dưới đáy của chiếc hộp sắt để tránh không phải nhìn. Trong ảnh, tôi đứng, mặc váy ngủ, mắt mở to, tay cầm đèn pin và bước đi trong hành lang của lâu đài. Tôi vừa ra khỏi phòng vì bão.
“Có một điều tôi không hiểu. Tại sao mẹ cô không mang theo cô đi Ma-rốc ?”
Thật là kỳ lạ khi nghe thấy ai đó đặt cho bạn câu hỏi mà cho đến lúc này, bạn là người duy nhất đặt cho chính bạn… Trong ngôi nhà ở Fossombronne, thỉnh thoảng tôi ngạc nhiên vì những đoạn trò chuyện giữa bác Frédérique và các cô bạn của bác. Họ nghĩ là tôi không nghe thấy hoặc còn quá bé để hiểu. Có những câu hằn lại trong ký ức tôi – nhất là những câu phát ra từ miệng cô tóc đen, người không quý mẹ tôi và đã từng gặp bà những ngày đầu lên Paris. Một hôm, cô ta nói: “May mà Sonia đã kịp rời Paris…” Tôi khoảng mười ba tuổi lúc nghe câu này và thấy nó rất khó hiểu nhưng không dám nhờ bác Frédérique giải thích.
“Tôi không rõ chính xác tại sao. Tôi nghĩ là mẹ tôi đi với ai đó.” Tôi trả lời Moreau-Badmaev.
Đúng vậy, một người đàn ông đã mang mẹ tôi đi Ma-rốc hoặc đợi bà bên đấy. Bác Jean Borand ? Tôi không nghĩ thế. Nếu là bác, hẳn là bác đã đề nghị mang tôi theo. Một tối ở Fossombronne, khi bác Frédérique vắng nhà, các cô bạn của bác lại nói chuyện về mẹ tôi và cô tóc đen nói: “Sonia qua lại với những tay rất kỳ quái. Một tay đã trả tiền để Sonia được đóng phim.” Lúc đó tôi hiểu là cô ta muốn nói đến “Ngã tư của lính bắn cung”.
Một chiều hè, tôi đi dạo rừng với bác Frédérique. Chúng tôi đi theo con đường Bréau dẫn tới cửa rừng. Tôi hỏi tại sao ngày trước, bỗng dưng mẹ tôi lại ở trong căn hộ mênh mông. Theo lời bác thì mẹ tôi đã gặp một người đàn ông và được ông ta cho vào đó ở. Nhưng không ai biết tên ông ta. Hẳn đó là người đã mang mẹ tôi đi Ma-rốc. Về sau, tôi hay tưởng tượng một người đàn ông không có mặt, tay xách va-li, bước đi trong đêm. Những cuộc gặp trong tiền sảnh khách sạn, trên bến tàu hỏa, và luôn dưới ánh đèn màu xanh lơ bật thâu đêm. Những chiếc xe tải được chất hàng trong những xưởng trống không như xưởng của bác Jean Borand nằm gần ga Lyon. Và một mùi lá chết, thối rữa, mùi của rừng Boulogne, vào buổi tối mà mẹ tôi làm mất cún mực.
*
Hẳn đã muộn, vì người bồi bàn đến bảo chúng tôi là quán sắp đóng.
“Cô có muốn qua nhà không ?”
Moreau-Badmaev hỏi như thể đọc được suy nghĩ của tôi. Tôi vừa cảm thấy nghẹt thở khi nghĩ tới viễn cảnh phải quay ra cửa ô Orléans một mình đêm nay.
Về đến căn hộ, anh ta đề nghị uống chút gì cho ấm bụng. Tôi nghe thấy tiếng mở tủ và đun nước. Rồi tiếng leng keng của nồi sắt. Giá được nằm ra giường, tôi sẽ khỏe hơn. Bóng đèn trên chiếc giá ba chân tỏa một thứ ánh sáng nóng và lù mù. Tôi muốn bật đài để được nhìn ánh sáng màu xanh lá cây. Ngả đầu xuống gối, một chiếc gối mềm hơn chiếc của tôi ở nhà, tôi có cảm giác như vừa được tháo khỏi ngực một chiếc áo lót bằng kim loại hay một lớp bó bột bằng thạch cao. Tôi thèm được nằm cả ngày như vậy, xa Paris, dưới miền Nam, hoặc Roma, nơi những tia nắng lọt qua các khe cửa chớp…
Anh ta bước vào phòng, cầm theo một khay nước. Tôi ngồi dậy, định ra khỏi giường, nhưng anh ta xua tay, đặt khay xuống sàn. Rồi anh ta đưa tôi chén nước, kéo lại cái gối sau gáy tôi và chèn sát tường để tôi có thể dựa lưng.
“Cô nên cởi áo khoác.”
Tôi cũng chẳng để ý là trên người vẫn còn nguyên măng-tô từ nãy đến giờ. Và cả giày. Tôi đặt chén xuống sàn. Khi chiếc giày cuối cùng được cởi ra, tôi có cảm giác trút được một gánh nặng như những tù nhân lao cải và những người bị kết án tử hình được tháo chiếc vòng đeo ở cổ chân. Tôi nghĩ tới cổ chân của mẹ tôi mà tôi vẫn phải xoa bóp, từng khiến bà bỏ học múa cổ điển. Thất bại và bất hạnh của đời bà tập trung ở hai cổ chân này và cuối cùng có lẽ đã lan tỏa khắp cơ thể bà như một cơn đau không bao giờ dứt. Bây giờ tôi hiểu bà hơn.
“Chè ướp hoa nhài. Hy vọng là cô thích.”
Hẳn là mặt tôi tái đến độ anh ta phải nói rất nhẹ, gần như thì thầm. Suýt nữa thì tôi mở miệng hỏi xem trông tôi có giống người ốm. Nhưng cuối cùng tôi im lặng, thà không biết còn hơn.
« Có vẻ như cô rất bị ám ảnh bởi các kỷ niệm ngày bé », anh ta nói.
Điều này chỉ từ khi tôi bắt gặp người phụ nữ mặc măng tô vàng dưới tàu điện ngầm. Trước đó tôi ít nghĩ đến.
Tôi làm một ngụm chè. Không đắng bằng whisky.
Anh ta mở tệp giấy ra.
« Cô có thể tin ở tôi. Tôi có thói quen hiểu mọi thứ, ngay cả các ngoại ngữ, mà tiếng của cô thì đâu phải là ngoại ngữ với tôi. »
Anh ta có vẻ xúc động vì đã tuyên bố như thế. Và tôi, tôi cũng cảm thấy hơi xúc động.
« Nếu tôi hiểu đúng thì cô chưa bao giờ biết ai là người đã thuê cho mẹ cô căn hộ rất to đó… »
Tôi nhớ là phòng khách có một tủ tường nơi bậc tam cấp bọc nhung lông tạo thành một cái bục. Mẹ tôi mở cánh cửa chìm rồi lôi ra một tập tiền mặt. Tôi còn thấy bà đưa một tờ cho bác Jean Borand vào một hôm thứ Năm bác đến đón tôi. Có vẻ như kho báu không bao giờ cạn cho đến cuối, cho đến ngày mà bà chở tôi ra ga Austerlitz. Thậm chí bữa đó, trước khi tôi bước lên tàu, bà còn đặt vào va-li của tôi một phong bì tiền : « Con đưa cho bác Frédérique để bác chăm nuôi con… » Sau này tôi tự hỏi bà kiếm đâu ra lắm tiền thế. Vẫn từ người đàn ông cấp cho bà căn hộ ? người mà không một ai biết tên, cũng như mặt. Tôi lùng sục mãi trong trí nhớ, tôi chưa từng thấy một người đàn ông nào hay đến căn hộ. Và đó không phải là bác Jean Borand vì chính mẹ tôi đã đưa tiền cho bác. Tóm lại, người đó có thể là cha đẻ của tôi. Ông ta không muốn lộ diện. Ông ta ghé nhà rất muộn, khoảng 3 giờ sáng. Tôi hay thức dậy vào nửa đêm, và lần nào cũng nghe thấy những tiếng nói to như cãi nhau. Phòng tôi khá gần phòng mẹ tôi. Mười hai năm sau có lẽ tôi vẫn còn tò mò xem bà nghĩ gì trong đầu vào buổi tối đầu tiên ở trong căn hộ đó, khi rời phòng khách sạn phố Armaillé. Bà muốn trả thù đời ? Không thể trở thành một ngôi sao ba-lê, giờ đây dưới một căn cước mới, bà muốn đóng phim và kéo tôi theo như một con chó thông thái. Và bộ phim này, theo những gì tôi nghe được ở Fossombronne, thì chính cái người đàn ông mà không ai biết tên ấy đã trả tiền để bà được đóng.
« Cô cho phép chứ ? »
Anh ta đứng dậy rồi cúi xuống vặn nút radio. Ánh sáng màu xanh bật lên.
« Tôi phải nghe một buổi phát thanh tối nay… Cho công việc… Nhưng nó bắt đầu vào mấy giờ, tôi không rõ lắm… »
Anh ta vặn chầm chậm, như thể đang dò tìm một kênh rất khó bắt. Ai đó đang nói một thứ tiếng có âm phát ra từ cổ họng và giữa từng câu, là một khoảng lặng kéo dài.
« Đây rồi… »
Những câu nói tuần tự phát ra và anh lần lượt ghi vào tệp giấy viết thư.
« Họ thông báo những chương trình đêm nay… Buổi phát thanh mà tôi muốn nghe không bắt đầu ngay bây giờ…»
Ánh sáng xanh kia khiến tôi vui mừng. Không biết tại sao nó mang lại cho tôi cảm giác an tâm, như chiếc bóng đèn luôn được bật trong hành lang trước phòng trẻ con. Nếu chúng bất ngờ thức dậy giữa đêm, sẽ thấy ánh sáng qua cánh cửa hé mở…
« Cô có bị phiền không nếu tôi cứ để đài ? Tôi không muốn lỡ buổi phát thanh đó… »
Có tiếng nhạc giống như tối hôm trước, khi tôi ở trong phòng tôi phố Coustou với người đàn bà hiệu thuốc. Một thứ âm nhạc trong trẻo, gợi lại bước chân của một người mắc chứng mộng du, trong đêm, đi qua một quảng trường vắng tanh, hay tiếng gió thổi trong một cuộc dạo chơi trên bờ biển, vào tháng Mười Một.
« Cô không bị phiền bởi nhạc nền ? »
Nếu phải nghe một mình thì hẳn là rầu rĩ, nhưng lúc này nó lại khiến lòng tôi dịu đi.
« Cô có còn nhớ địa chỉ của căn hộ ? »
Trên bìa sổ tay của mẹ tôi, bên dưới cái câu « Trong trường hợp bị mất, làm ơn gửi về », tôi đã nhận ra nét chữ to tướng của bà: «Nữ công tước Sonia O’Dauyé, PASSY, 1528.»
« Thậm chí tôi còn nhớ cả số điện thoại », tôi nói với anh ta.
Ngày trước tôi thường quay số này trong ca-bin… Một người khác đã nói tôi là « đứa nhỏ nhà 129 »… Cuối chiều khi tôi từ lớp Saint-André về và không có ai để mở cửa cho tôi. Cả mẹ tôi lẫn ông đầu bếp Hoa kiều và vợ ông ta. Cuối cùng ông đầu bếp về vào khoảng 7 giờ tối, còn nữ công tước Sonia O’Dayue có thể vắng mặt cho tới tận sáng hôm say. Lần nào cũng vậy, để yên tâm, tôi tự nhủ, mẹ tôi đã không nghe thấy tiếng chuông cửa. Nhưng bà chắc chắn nghe thấy tiếng chuông điện thoại. Passy 1528.
« Mình vẫn có thể thử quay số đó », Moreau-Badmaev mỉm cười nói với tôi.
Đó là một ý tưởng chưa bao giờ thoáng trong đầu tôi từ mười hai năm nay. Hồi ở Fossombronne, khi nghe thấy bác Frédérique nói từng ghé căn hộ để lấy vài thứ đồ mà mẹ tôi để lại, tôi đã tự hỏi đó là những đồ gì. Bức tranh của Tola Soungouroff ? Nhưng bác bảo đã không thể vào bên trong. Có những «băng niêm phong» ở cửa. Đúng thế, có những dấu niêm bằng xi đỏ dán trên đó. Và đêm đó, tôi mơ thấy trên vai mẹ tôi có một vết sắt nung.
« Cô vừa nói là Passy 1528 ? »
Anh ta nhấc điện thoại nằm dưới chân bàn và đặt lên giường, đưa cho tôi ống nghe và bắt đầu quay số. Vào thời ở căn hộ, tôi còn chưa đọc sõi số và chữ trên mặt điện thoại trong ca-bin.
Những hồi chuông liên tiếp đổ một lúc lâu. Chúng có một âm thanh kỳ lạ, yếu và như bị ngạt. Ai đang ở căn hộ đó bây giờ ? Hẳn là những người chủ thực sự của nó. Con cái họ – những người được nhắc đến trên tấm biển treo trong bếp – đã quay về căn phòng mà tôi đã chiếm dụng một cách gian lậu trong vòng hai năm. Và trong căn phòng mà mẹ tôi nằm ngủ, giờ đây là những bố mẹ thật.
« Có vẻ không trả lời », Moreau-Badmaev nói.
Tôi giữ ống nghe sát tai. Cuối cùng họ cũng nhấc máy nhưng không ai trả lời. Những giọng gần, xa, đàn ông, đàn bà. Họ thử gọi cho nhau và thử trả lời, một cách mò mẫm. Thỉnh thoảng tôi nghe thấy hai người nào đó nói với nhau và giọng của họ trùm lên giọng của những người khác.
« Số này tạm bị dừng. Nên người ta sử dụng để làm quen và hẹn hò. Gọi là Mạng. »
Tất cả những giọng nói không quen này có thể là của những người được ghi trong sổ tay mẹ tôi và số điện thoại của họ giờ đây đã không còn liên lạc được nữa. Có thể nghe thấy những âm thanh giống như tiếng rì rào của gió thổi trong lá, mùa hè, đại lộ Malakoff. Và tôi tự nhủ, từ khi chúng tôi đi, căn hộ không còn ai ở nữa, ngoài những bóng ma và những giọng nói. Không ai tháo băng niêm phong. Cửa sổ vẫn mở, đó là lý do mà nghe thấy tiếng gió. Điện đã bị cắt, giống như lần bị đánh bom đêm khi tôi chạy vào phòng khách tìm mẹ tôi và bà đã thắp nến.
Bà không có nhiều khách đến thăm. Hai người phụ nữ thường ghé là Madeleine-Louis và Simone Bouquereau. Sau đó tôi có gặp lại họ ở nhà của bác Frédérique, nhưng họ tránh tôi và không muốn kể cho tôi về mẹ tôi lắm. Có thể họ trách bà điều gì đó.
Simonne Bouquereau có một khuôn mặt kiểu xác ướp tóc vàng, vẻ gày còm khiến tôi phát hoảng. Cô tóc đen có lần nói rằng « Simonne từng chữa cai nghiện ». Một hôm, sau bữa tối, tưởng là tôi đã lên phòng, cô ta nói với bác Frédérique : « Chính Simonne đã cung cấp cho Sonia đáng thương… » Tôi ghi câu này vào một mảnh giấy. Sau mười bốn tuổi, tôi thường ghi lại những gì nghe trộm được để thử tìm hiểu… Tôi đã hỏi bác Frédérique xem câu nói kia có nghĩa gì. « Sau tai nạn, mẹ cháu thỉnh thoảng phải dùng moóc-phin. » Tôi không hiểu bác ấy muốn nói về tai nạn nào. Ở mắt cá chân ? Moóc-phin có vẻ như là một loại thuốc hiệu nghiệm để giảm đau.
Tôi vẫn giữ ống nghe sát tai. Những giọng nói vẫn bị bao phủ bởi tiếng rì rào của gió thổi trong lá cây. Tôi hình dung gió đang đóng sầm các cửa ra vào và cửa sổ, thổi những đám lá khô trên sàn nhà và bậc tam cấp nhung lông, trong phòng khách. Lớp nhung lông có lẽ đã rữa và biến thành rêu, các lớp kính cửa sổ đã vỡ. Hàng trăm con mèo tràn vào căn hộ. Cả những con chó mực như con cún mà mẹ tôi từng làm mất ở rừng Boulogne.
« Cô có nhận ra giọng ai không ? » Moreau-Badmaev hỏi tôi và mỉm cười sau khi đặt điện thoại lên giường.
Tôi bỏ ống nghe, để điện thoại lại chỗ cũ và nói với anh ta :
« Tôi sợ phải về nhà một mình.
– Cô hoàn toàn có thể ở lại đây.»
Anh ta gật đầu như thể đó là điều hiển nhiên.
« Bây giờ tôi phải làm việc một chút… Hy vọng là tiếng radio sẽ không làm phiền cô… »
Anh ta ra khỏi phòng rồi quay lại với một chiếc chụp đèn cũ và cố lắp lên cái giá ba chân. Ánh sáng từ bóng đèn còn lờ mờ hơn nữa. Anh ta ngồi xuống thành giường, gần chiếc radio và đặt tệp giấy lên đầu gối.
« Ánh sáng không chói quá chứ ? »
Tôi trả lời như thế rất ổn.
Tôi nằm xuống phía giường bên kia, phía có bóng tối, và nghe thấy giọng nói lúc nãy vang lên. Vẫn như phát ra từ cổ họng. Và khoảng lặng kéo dài giữa các câu. Anh ta lần lượt ghi vào tệp giấy. Mắt tôi không sao rời khỏi đốm sáng màu xanh và cuối cùng cũng chìm vào giấc ngủ.
11
Thứ Tư, người phụ nữ tôi từng gặp trong hiệu thuốc đã trở về từ Bar-sur-Aube. Tôi gọi điện cho bà và bà nói có thể gặp nhau vào buổi tối, trong khu đó. Vẫn sợ đi tàu điện ngầm và di chuyển một mình xuyên Paris, nên tôi mời bà đến ăn tối trong quán cà phê quảng trường Blanche.
Tôi tự hỏi phải làm gì cho đến tối. Tôi cảm thấy không đủ dũng cảm quay lại Neuilly trông đứa bé. Điều mà tôi kinh sợ nhất đó là đi men rừng, gần công viên Acclimatation, trong khu vực mà con cún bị lạc. Hầu như mỗi ngày tôi đều đưa nó đi dạo ở phía cửa ô Maillot. Thời đó vẫn còn phiên chợ Luna Park. Một lần mẹ tôi hỏi tôi có muốn đến Luna Park. Tôi tưởng bà có ý định đi cùng tôi. Nhưng không. Bây giờ nghĩ lại, tôi tin rằng bà chỉ đơn giản là muốn tôi để bà được một mình buổi chiều đó. Hẳn là bà có hẹn với người đàn ông dấu tên, người đã giúp chúng tôi được ở trong căn hộ. Bà mở tủ tường phòng khách, đưa tôi một tờ giấy bạc và bảo : « Ra Luna Park mà chơi. » Tôi không hiểu tại sao bà cho tôi nhiều tiền thế. Bà có vẻ lo lắng đến nỗi tôi không dám trái lời. Khi xuống đến đường rồi, tôi định không đi Luna Park nữa. Nhưng lúc tôi về, có khả năng sẽ bị hỏi và bắt trình vé vào cửa hay vé đu quay, vì bà là người rất kiên quyết và không có chuyện để người khác qua mặt. Còn tôi, thời đó, tôi chưa biết nói dối.
Khi tôi mua vé vào cửa, ông bán vé tỏ ra ngạc nhiên thấy tôi đưa một tờ tiền to. Ông ta trả lại và để tôi vào. Mùa đông, ban ngày mà như thể đã tối. Đứng giữa phiên chợ đó, tôi có cảm giác như rơi vào một cơn ác mộng. Điều khiến tôi kinh ngạc là sự im lặng. Hầu như các lều đều đóng. Những chiếc đu quay lượn lờ trong im lặng và không có ai ngồi trên những con ngựa gỗ. Cũng chẳng có ai bước trên những lối đi. Tôi đến chân chiếc đu quay lớn nhất, những chiếc xe trượt lên, trượt xuống nhanh chóng mặt nhưng bên trong trống trơn. Ở lối vào một đu quay khác, tôi nhận thấy ba thằng con trai lớn tuổi hơn tôi. Chúng mang giày rách và mỗi chân một chiếc khác nhau. Áo khoác cũng quá ngắn và rách. Hẳn là chúng đã trốn vào Luna Park vì mắt chúng láo liên như thể đang bị theo dõi. Nhưng chúng có vẻ muốn leo lên đu quay. Tôi tiến lại và đưa thằng lớn nhất tất cả mấy tờ giấy bạc mà tôi có. Và tôi vùng chạy, với hy vọng là người ta sẽ cho tôi ra ngoài.
Không, hôm nay tôi sẽ không đến nhà Valadier, nhưng phải báo trước cho họ. Tôi rời phòng và đi bộ tới bưu điện quảng trường Abbesses, sau khi đã ghé tiệm cà phê Cối xay gió mua một chiếc phong bì và một tờ giấy viết thư. Tôi đứng trước một quầy thu tiền của bưu điện và viết :
Chị Véra Valadier quý mến, hôm nay tôi không thể đến trông con gái chị vì tôi không ổn trong người. Tôi muốn nghỉ cho đến thứ Bảy và tôi sẽ có mặt tại nhà chị như thường lệ vào 4 giờ chiều. Hãy thông cảm cho tôi. Xin gửi lời chào tới ông Michel Valadier.
Thérèse
Để bức thư đến kịp, tôi đã cho chuyển bằng ống hơi. Sau đó, tôi đi dạo trong khu. Trời nắng ấm, càng bước tôi càng cảm thấy khỏe ra. Tôi hít thở đều đặn. Đi đến sát vườn cây của đồi Montmartre, tôi không thể không đưa mắt nhìn theo những chuyển động xuôi ngược của chiếc cáp treo. Tôi đi về căn phòng của tôi ở phố Coustou, nằm ra giường và đọc cuốn sách Moreau-Badmaev cho mượn. Đó không phải là lần thứ nhất. Tôi bắt đầu, tôi thử cố tập trung, tôi quay về câu đầu tiên như lấy đà và tôi giữ lại cho tôi câu này : « Ngoại ô của cuộc đời không cung cấp cho những người dân của nó sự tiện nghi mà những kẻ sống ở thành phố đã quen sử dụng.»
*
Tôi hẹn bà lúc 8 giờ tối tại quán cà phê quảng trường Blanche. Quán trông giống như một ngôi nhà nhỏ. Cũng có thể lên tầng một, nhưng tôi nói với bà là sẽ đợi ở một bàn tầng trệt.
Tôi đến sớm nửa tiếng và chọn một bàn gần bức tường kính trông xuống phố Blanche. Bồi bàn hỏi tôi uống gì và tôi định gọi một ly whisky không đá. Nhưng như thế quả là ngu ngốc, tôi đâu cần phải thế. Khối nặng mọi khi không chèn lên ngực tôi. Tôi trả lời đang đợi một người và những từ này, trên thực tế, đã giúp tôi lên tinh thần hơn bất kỳ loại rượu nào.
Đúng 8 giờ thì bà bước vào quán, vẫn chiếc áo lông hôm trước và đôi giày bệt. Ngay lập tức bà nhìn thấy tôi. Khi bà bước về phía bàn, tôi thấy bà có dáng đi của vũ nữ, nhưng có lẽ bà làm việc trong hiệu thuốc thì tôi yên tâm hơn. Bà hôn lên trán tôi và ngồi xuống bên cạnh, trên ghế băng.
« Cháu có đỡ hơn hôm trước không ? »
Bà mỉm cười với tôi. Vẻ che chở trong cái cười và ánh nhìn. Trước đây tôi không hẳn nhận thấy là mắt bà màu xanh lá cây. Tôi đã quá liêu xiêu, tối chủ nhật đó, trên chiếc ghế bành của hiệu thuốc và một lúc sau, trong căn phòng của tôi, ánh sáng không mạnh như ở đây.
« Cô mang cái này cho cháu lấy lại tinh thần. »
Và bà rút ra hai hộp thuốc từ túi áo choàng lông đặt trên ghế.
« Đây là si-rô chữa ho…Mỗi ngày bốn lần… Còn đây là thuốc ngủ. Cháu uống mỗi tối một viên và bất cứ khi cháu cảm thấy trong người không ổn… »
Bà đặt hai hộp thuốc lên bàn, trước mặt tôi.
« Cô tin là sẽ tốt cho cháu hơn nếu được tiêm Vitamin B12.»
Tôi chỉ nói với bà mỗi từ cám ơn. Tôi muốn nói nhiều hơn thế nhưng tôi không còn quen với việc được ai đó chăm sóc từ sau hôm bị xe quẹt vào chân và được các bà sơ cho ngửi ê-te.
Chúng tôi im lặng một lát. Dù bề ngoài có vẻ hơi chuyên quyền, nhưng tôi có cảm giác bà cũng nhút nhát như tôi.
« Có lẽ trước đây cô từng là vũ nữ ? »
Bà tỏ ra ngạc nhiên vì câu hỏi của tôi rồi phá lên cười :
« Tại sao ?
– Lúc nãy cháu thấy cô có dáng đi như diễn viên múa. »
Bà nói với tôi rằng bà đã học múa cho đến năm mười hai tuổi, như phần lớn các bé gái. Nhưng chỉ vậy thôi. Tôi nghĩ đến một tấm ảnh khác, nằm dưới đáy hộp bánh qui. Hai cô bé mười hai tuổi, trong trang phục vũ nữ. Sau tấm ảnh có ghi bằng mực tím, nét chữ trẻ con : « Josette Dagory và Suzanne » – đó là tên thật của mẹ tôi. Bác Jean Borand có một tấm y hệt treo ở văn phòng của bác trong xưởng chữa xe. Tất cả đều ổn vào thời của bức ảnh này. Thế thì lúc nào đã xảy ra “tai nạn ở mắt cá chân” hay “tai nạn” nói chung ? Lúc ấy mẹ tôi bao nhiêu tuổi ? Bây giờ đã quá muộn để đặt câu hỏi đó vì chẳng ai còn có thể trả lời cho tôi.
Khi bồi bàn hỏi, bà ngạc nhiên là tôi không gọi gì.
« Phải lấy sức chứ mặt cháu … »
Moreau-Badmaev cũng từng nói câu này nhưng không chuyên quyền như bà.
« Cháu không đói lắm.
– Thế cháu chia với cô. »
Tôi không dám trái lời. Bà sẻ cho tôi nửa đĩa và tôi buộc phải nuốt, nhắm mắt vào và đếm từng miếng.
-« Cháu hay đến đây không ? »
Tôi thường đến vào ban sáng, rất sớm, quán vừa mở, thời điểm mà tôi cảm thấy ổn nhất trong ngày. Thật nhẹ người khi được chấm dứt một giấc ngủ nặng nề và những ác mộng.
« Đã lâu rồi cô không đến khu này », bà nói với tôi.
Và qua tấm tường kính, bà chỉ cho tôi hiệu thuốc nằm bên kia đường.
« Khi mới vào nghề, cô đã làm ở đó… Không yên tĩnh như chỗ cô làm bây giờ. »
Có thể bà biết mẹ tôi, sau khi bị « tai nạn », thời còn làm vũ nữ đâu đây và sống trong một phòng khách sạn. Đầu tôi lẫn lộn năm tháng.
« Cháu tin là quanh đây từng có nhiều vũ nữ. Cô có quen ai ? »
Bà nhíu mày.
« Cháu thấy đấy, khu này có hầu như đủ loại…
– Thời đó cô có trực đêm ở hiệu thuốc ?
– Có. Thường xuyên. »
Bà vẫn nhíu mày.
« Cô không muốn nói về quá khứ lắm… Cháu hầu như không ăn gì… Thật không biết điều. »
Tôi nuốt miếng cuối để bà vừa lòng.
« Cháu định ở khu này lâu không ? Cháu không thể tìm được một phòng gần trường Ngôn ngữ phương Đông ? »
Thế đấy, lần trước tôi đã nói với bà tôi ghi danh ở đó, tôi quên rằng dưới mắt bà, tôi là một sinh viên.
« Cháu cũng tính chuyển sang khu khác ngay khi có điều kiện… »
Tôi thèm được thổ lộ với bà rằng chiếc ghế mà tôi đang ngồi đây, quảng trường Blanche, hẳn là mẹ tôi cũng từng ngồi hai mươi năm trước. Và vào lúc tôi sinh ra, mẹ tôi cũng sống trong một căn phòng 11 phố Coustou, có thể chính là căn phòng tôi đang sống.
« Từ đây đến trường khá tiện ạ. Cháu xuống bến Blanche, có tàu thẳng đến Sèvres-Babylone.»
Một lần nữa bà lại có một nụ cười mỉa mai như thể không bị lừa bởi lời nói dối của tôi. Tôi chỉ nói hú họa chứ nào biết trường Ngôn ngữ phương Đông nằm đâu.
« Cháu có vẻ tư lự. Cô muốn biết điều gì khiến cháu lo lắng… »
Bà áp mặt lại gần tôi. Vẫn đôi mắt xanh lá cây ngó tôi chằm chằm như thôi miên. Bà muốn đọc những suy nghĩ trong đầu tôi, tôi suýt rơi vào trạng thái đờ đẫn êm ái, và nói không ngừng, kể hết cho bà. Và có lẽ bà sẽ không cần ghi chép như Moreau-Badmaev.
« Cháu sẽ còn ở đây một thời gian nữa và sau đó sẽ xong. »
Càng bị bà nhìn, tôi càng thấy trong tôi mọi thứ rõ ràng. Thậm chí tôi có cảm giác đang lìa ra khỏi chính tôi. Thật đơn giản, có một cô gái tóc hạt dẻ, chưa đầy mười chín, tối hôm đó ngồi ở quán cà phê quảng trường Blanche. Cô cao một thước sáu mươi và mặc áo len trắng ngà đan kiểu vặn thừng. Cô sẽ ở đây một thời gian, rồi sau đó sẽ xong thôi. Cô ở đây vì muốn quay ngược lại lần cuối dòng chảy tháng năm để thử tìm hiểu. Chính tại đây, dưới ánh đèn điện, quảng trường Blanche mà tất cả đã bắt đầu. Một lần cuối, cô quay về nơi chôn rau cắt rốn, xuất phát điểm, để xem có một con đường khác mà đi hay không và mọi sự lẽ ra không như thế.
« Cái gì sẽ xong ?
– Không có gì đâu. »
Tôi lại nuốt một miếng để bà hài lòng.
« Cháu nên ăn món tráng miệng.
– Không ạ. Nhưng mình có thể uống cái gì đó.
– Cô không tin là cháu được chỉ định rượu. »
Chưa bao giờ ở bà, nụ cười lại mỉa mai và cách nói lại thẳng thắn như thế.
« Đã lâu cháu chưa rời Paris ? »
Tôi giải thích là từ năm mười sáu tuổi tôi chưa đi khỏi Paris. Trừ hai, ba lần, một gã người quen tên là Wurlitzer dẫn tôi đến bờ biển phía Bắc.
« Thỉnh thoảng cháu phải đi thay đổi không khí. Thứ bảy cháu có muốn đi cùng cô ? Cô sẽ còn phải đến Bar-sur-Aube ba ngày nữa… Cháu sẽ cảm thấy khỏe ra… Cô có một ngôi nhà bên ngoài thành phố. »
Bar-sur-Aube. Tôi tưởng tượng hơi nóng mặt trời đầu tiên trong ngày, sương hồng sớm mai trên cỏ, một cuộc đi dạo dọc bờ sông… Chỉ cái tên thôi đã khiến tôi mơ màng.
« Tiếc là cháu phải làm việc chiều thứ Bảy…
– Nhưng cô đi lúc 6 giờ tối …
– Thế thì cháu có thể. »
Tôi sẽ xin phép Véra Valadier cho về sớm hơn thường lệ. Nhưng còn con bé ? Hẳn là hai vợ chồng họ sẽ không có gì phải phản đối nếu tôi mang nó đi Bar-sur-Aube hai ngày.
*
Chúng tôi đi trên dải đất giữa đại lộ. Tôi không dám đề nghị bà ở lại với tôi đêm đó. Tôi vẫn có khả năng gọi điện cho Moreau-Badmaev. Nhưng nếu chẳng may anh ta không có nhà và bận ở ngoài đến tận ngày mai ?
Hẳn là cảm nhận được nỗi ưu tư của tôi, bà ôm vai tôi nói :
« Nếu cháu muốn, cô sẽ đi cùng cháu về nhà. »
Chúng tôi rẽ vào phố Coustou. Và đây, trên vỉa hè bên phải, lúc đi ngang mặt tiền bằng gỗ sậm của quán Hư vô, tôi nhìn thấy biển quáng cáo ở lối vào « Những thiếu nữ và con tàu ma ». Quay trở về trong trí nhớ tôi cái câu mà bác Frédérique đã nói về mẹ tôi và « tai nạn » từng khiến bà phải bỏ múa cổ điển để làm việc trong những nơi như thế này : « Một con ngựa đua đang bị mang đến lò mổ. »
« Dù sao thì cháu cũng không muốn leo lên con tàu ma chứ ? » Nụ cười của bà khiến tôi an tâm. Bước vào phòng tôi, bà rút từ túi măng-tô ra những hộp thuốc và đặt cả lên bàn nhỏ cạnh giường.
« Cháu sẽ không quên ? Cô đã ghi chỉ dẫn trên từng hộp… »
Rồi bà cúi xuống tôi :
« Mặt cháu rất xanh… Cô tin là ra khỏi Paris ba ngày sẽ có ích cho cháu. Cạnh nhà có một khu rừng rất tuyệt để đi dạo. »
Bà đặt tay lên trán tôi.
« Cháu nằm xuống… »
Rồi bà nói tôi nên cởi áo khoác.
« Cô cảm giác là lúc này, cần phải theo cháu rất sát… »
Đến lượt bà cởi măng tô và đến đắp lên người tôi.
« Bây giờ mà cháu vẫn chưa được bật lò sưởi… Mùa đông, hãy đến ở trong căn hộ của cô. »
Bà ngồi xuống thành giường và một lần nữa lại chiếu vào tôi đôi mắt xanh lá cây.
12
Tôi ra khỏi tàu ở bến Porte-Maillot và đi dọc theo lối nhỏ ven công viên Acclimatation. Trời lạnh nhưng có nắng và trên đầu tôi là một màu xanh trong rất có thể như ở Ma-rốc. Tất cả các cửa sổ nhà Valadier đều đóng. Lúc sắp bấm chuông, tôi phát hiện ra một lá thư nhét dưới cửa ra vào và cầm lên. Đó là lá thư tôi đã gửi hôm thứ Tư từ bưu điện Abbesses. Tôi bấm chuông. Không ai trả lời.
Tôi ngồi trên bậc thềm trước nhà, đợi một lúc. Mặt trời khiến tôi lóa mắt. Rồi tôi đứng dậy, bấm chuông lần nữa. Cuối cùng tôi tự nhủ không cần phải đợi nữa. Họ đã đi khỏi đây. Người ta hẳn đã niêm phong. Tôi cũng đã có linh cảm từ lần trước.
Tôi cầm lá thư trong tay. Cơn chóng mặt lại sắp quay về. Tôi biết nó từ lâu, từ hồi ở Fossombronne nơi tôi thường tập qua cầu. Lần đầu tiên thì chạy, lần thứ hai, đi những bước dài, lần thứ ba cố bước chậm nhất có thể, ở giữa cầu. Bây giờ cũng vậy, thử bước chậm, xa lan can, và nhắc lại những từ ngữ ấm áp. Bar-sur-Aube. Bà hiệu thuốc. Cạnh nhà có một khu rừng rất tuyệt để đi dạo.
Tôi bước trên lối đi nhỏ ven theo công viên Acclimatation, xa khỏi ngôi nhà có những cửa sổ đóng kín. Cơn chóng mặt mỗi lúc một tăng. Đó là vì lá thư mà người ta đã nhét xuống cửa chẳng để làm gì và sẽ chẳng ai mở ra. Ấy vậy mà tôi đã gửi nó từ bưu điện Abbesses, một bưu điện như mọi bưu điện khác ở Paris, trên đất Pháp. Những lá thư gửi cho tôi từ Ma-rốc hẳn cũng đã không được mở ra. Trên phong bì của chúng là một địa chỉ sai, hoặc chỉ đơn giản là một lỗi chính tả, thế là đủ khiến chúng lang thang, hết lá này đến lá kia, trong một bưu điện vô danh nào đó. Trừ trường hợp chúng được gửi trả lại Ma-rốc nhưng người gửi nào còn đó. Chúng sẽ mất tích như con cún mực.
Ở lối ra của tàu điện ngầm, trời vẫn nắng và bầu trời vẫn xanh màu xanh của Ma-rốc. Tôi vào siêu thị Monoprix của phố Fontaine, mua một chai nước khoáng và một thanh chocolat không hạt dẻ. Vượt qua quảng trường Blanche, tôi đi tắt ngang hẻm Puget.
Khi đã vào phòng, tôi ngồi ở thành giường, đối diện với cửa sổ, đặt chai nước xuống sàn và thanh chocolat lên đệm. Tôi mở một trong những hộp thuốc được cho hôm trước và dốc một phần vào lòng bàn tay. Những viên nhỏ màu trắng. Tôi cho cả vào miệng và vừa nuốt vừa tu chai nước. Sau đó, tôi nhai một miếng chocolat. Rồi tôi lặp lại nhiều lần. Có chocolat kể ra cũng dễ hơn.
*
Đầu tiên, tôi không biết mình đang ở đâu. Những bức tường trắng và ánh đèn điện. Tôi nằm trên một chiếc giường không phải trong phòng tôi phố Coustou. Không có gối. Đầu tôi đặt thẳng trên đệm. Một nữ y tá tóc đen mang cho tôi một hộp sữa chua. Chị ta đặt nó cách một đoạn, sau đầu tôi, trên ga trải giường, rồi đứng yên quan sát tôi. Tôi nói : « Tôi không với được. ». Chị ta trả lời : « Hãy tự xoay xở. Cô phải cố lên. » Chị ta ra khỏi phòng. Tôi òa lên khóc.
Tôi ở trong một hộp to bằng thủy tinh. Tôi quan sát xung quanh. Những chiếc hộp khác chứa những bể kính. Hẳn là bà trong hiệu thuốc đã mang tôi vào đây. Chúng tôi từng hẹn nhau lúc 6 giờ tối để đi Bar-sur-Aube. Trong các bể kính kia, tôi cảm giác những cái bóng đang cựa quậy, có thể đó là những con cá. Tôi nghe thấy một tiếng động ngày càng mạnh của những thác nước. Tôi đã bị rơi vào một tảng băng cách đây đã lâu và bây giờ nó tan ra tạo nên âm thanh của nước. Tôi tự hỏi những cái bóng trong bể kính có thể là của ai. Sau này, người ta giải thích là do không còn chỗ nên đã đặt tôi vào phòng của những đứa trẻ sơ sinh thiếu tháng. Trong một thời gian dài, tôi vẫn còn nghe thấy tiếng rì rào của thác nước, một dấu hiệu mà với cả tôi, kể từ ngày hôm đấy, là sự khởi đầu của cuộc sống.